Lòng tự trọng (Self-esteem) là cách mà một người nhìn nhận về bản thân mình. Có những người có lòng tự trọng cao (high self-esteem), ngược lại có những người lòng tự trọng rất thấp (low self-esteem). Biểu hiện thông thường của người có lòng tự trọng thấp đó là thường nhìn nhận bản thân mình kém cỏi, mang vẻ tự ti, bề ngoài hay cau có, mặt mày khó chịu, thường hay hành động sợ hãi hoặc không tin mình làm được. Bạn có thấy điều này quen không?
Tạm quên những biểu hiện bên trên đi, bởi vì nếu như vậy thì quá là phổ biến và ai cũng biết. Là những người hiểu về tâm lý, chúng ta phải khám phá nhiều điều sâu sắc hơn thế. Sự thật là người có lòng tự trọng thấp không chỉ là người mang những biểu hiện như mô tả bên trên, mà bên cạnh đó, có rất nhiều người vẫn có lòng tự trọng thấp ẩn sau vẻ bên ngoài tưởng như là rất tự tin, ăn nói tươi cười, hào sảng. Bạn không đọc nhầm đâu, đây chính là sự thật.
Việc ăn mặc đẹp, hay ăn nói lưu loát, hay cười nói đó là kỹ năng. Mà kỹ năng thì rèn luyện nhiều ắt sẽ thành thục. Thậm chí có những người họ cũng đạt được không ít thành quả trong cuộc đời, nhìn từ bên ngoài vào, họ có vẻ như là một người thành công, đạt được nhiều điều không phải ai cũng làm được, họ có cuộc sống có vẻ như là rất mãn nguyện. Nhưng phía sau tấm màn che phủ ấy, là một con người sợ hãi, yếu đuối.
Vậy biểu hiện thực sự của một người có lòng tự trọng thấp là gì?
Hãy nhìn cách một người hành xử và phản ứng trước những lời nhận xét, chê bai về họ, bạn có thể đoán ra một phần nào đó.
Người có lòng tự trọng thấp thường rất sợ mình làm sai trong cuộc sống, ngay cả khi họ đã là người trưởng thành. Thậm chí, họ cũng rất sợ người khác biết mình làm sai. Chính vì thế, nếu họ có làm sai một điều gì đó, họ sẽ tìm cách để đổ lỗi, gạt hết trách nhiệm ra khỏi bản thân. Điều này xuất phát từ một tâm lý ẩn sâu bên trong, cũng tương tự như nhiều người tự ti khác, đó là sợ mình kém cỏi, sợ mình không làm được.
Người có lòng tự trọng thấp cũng thường rất gay gắt trước những nhận xét của người khác về mình, đặc biệt là những nhận xét thẳng thắn về những gì họ làm chưa tốt. Giống như một con nhím xù lông lên, họ cũng sẽ “xù lông” và phản ứng dữ dội trước những lời nhận xét này. Họ vơ hết những nhận xét của một người về hành vi của mình như thể người đó đang đánh giá bản thân họ kém cỏi. Trong khi, một người thành công cũng có thể có những hành động, việc làm không tốt. Đó là một chuyện rất thường tình.
Người có lòng tự trọng thấp đôi khi cũng hay đi quan sát người khác nhưng lại theo một chiều hướng không tích cực. Chẳng hạn, đối với người nào chân thành hoặc thẳng thắn góp ý cho mình. Họ không những không cảm ơn mà ngược lại, họ sẽ chờ đợi quan sát những lúc người đó mắc phải sai lầm để họ tấn công. Việc này chỉ nhằm mục đích chứng tỏ một điều, rằng người đi góp ý cho mình cũng “chẳng tốt đẹp” gì, như một cách để bảo vệ cho bản thân.
Người có lòng tự trọng thấp cũng dễ bị tổn thương và đôi khi cực kỳ nhạy cảm. Đôi lúc, họ đóng vai mình như một nạn nhân trong khi thực tế cuộc sống, công việc ai làm đúng, ai làm sai mọi thứ đều rõ ràng. Họ cực kỳ nhạy cảm với những thông tin không tích cực về bản thân mình, cho dù đôi khi chỉ là phản hồi về một chuyện cực kỳ nhỏ. Người ngoài nhìn vào có thể cảm thấy họ đáng thương, nhưng kỳ thực việc đóng vai một nạn nhân không thể giúp giải quyết mọi chuyện được hiệu quả.
Khó có thể biết được nguyên nhân làm cho một người có lòng tự trọng thấp. Bởi tâm lý con người hết sức phức tạp. Một con người trong hiện tại với tính cách như nào ảnh hưởng bởi rất nhiều sự kiện trong quá khứ của người đó.
Có thể với một người, họ luôn cảm thấy mình tự ti, kém cỏi mặc dù đạt được không ít thành quả trong đời bởi vì sự kỳ vọng của cha mẹ trong quá khứ. Việc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái có thể làm cho đứa con lớn lên trong cảm giác, mình là một đứa kém cỏi, không làm được mọi thứ như mong ước của cha mẹ. Từ đó dẫn đến việc lòng tự trọng bị hạ thấp trong quá trình trưởng thành.
Bên cạnh đó, thiếu thốn tình cảm cũng có thể là một nguyên nhân của người có lòng tự trọng thấp. Ai cũng có thể trải qua những tổn thương trong quá khứ. Thế nhưng, việc một người không được yêu thương đủ nhiều có thể dẫn đến việc người đó không thể yêu thương chính mình. Họ lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm và có thể dẫn đến việc có một cái nhìn sai lệch về bản thân mình.
Bị so sánh cũng là một nguyên nhân nhiều người gặp phải. Không một ai thích bị so sánh cả. Chính việc bị đưa ra so sánh có thể dẫn đến khả năng một đứa trẻ cảm thấy áp lực về bản thân. Thời đi học, việc so sánh kết quả giữa các học trò, ở gia đình việc so sánh một đứa trẻ với anh/ chị em hay với “con nhà người ta”, những điều này thay vì làm cho một đứa trẻ khi trưởng thành có thể gia tăng sự tự tin, vô tình lại làm nó tự ti ẩn sâu bên trong mình.
Vậy, với một người muốn gia tăng lòng tự trọng, phải bắt đầu từ đâu?
Xây dựng sự tin và gia tăng lòng tự trọng cho bản thân là cả một hành trình rất dài và phức tạp. Nó không thể đơn giản như kiểu mua một bộ đồ đẹp, sử dụng đồ hàng hiệu, đạt được một vài thành quả,… Đây là cả một quá trình mà một người phải nâng cao năng lực cảm xúc của mình, và gia tăng cho bản thân những cảm xúc tích cực.
Đầu tiên, hãy thay đổi cách nhìn nhận bản thân mình. Thay vì nhìn nhận chính mình là một người kém cỏi, người đó buộc phải nhìn nhận mình là người thành công. Sự tự tin xuất phát từ việc thay đổi cách nhìn nhận bản thân mình là trước hết. Nếu có làm sai một chuyện gì đó, thì là bạn làm sai trong việc đó, chứ không có nghĩa là con người bạn kém cỏi. Hãy nhớ lại những lúc mình đã làm được thành quả, để có sự tự tin tiếp tục cải thiện mọi thứ.
Sau đó, hãy học cách ghi nhận những gì mà bản thân mình làm được mỗi ngày. Tích tiểu thành đại, mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày ghi chú lại về những thành công của bản thân cho dù là nhỏ là một cách gia tăng sự tự tin lên dần dần. Đó có thể đơn giản là hoàn thành đạt chỉ tiêu một công việc, đó cũng có thể là giúp đỡ một người, hay học thêm được một kiến thức hữu ích cho bản thân.
Thêm vào đó, đừng “xù lông” khi người khác phản hồi về bạn. Hãy biết ơn những người nhận xét về mình. Nếu đó là một nhận xét sai, bạn không mất gì cả. Còn nếu như đó là nhận xét tốt, hóa chẳng phải đây là điều tuyệt vời để bạn thay đổi mình trở nên tốt hơn hay sao. Người thành công là người biết cách điều chỉnh bản thân mình để trở nên tốt hơn. Còn nếu như một người luôn cố chấp và không thể chấp nhận những lời nhận xét từ người khác, thì có lẽ người đó sẽ rất khó để có thể thành công.
Cuối cùng, trở thành một người có lòng tự trọng cao không chỉ hữu ích cho bản thân mỗi người mà nó còn cực kỳ giá trị với những người xung quanh họ. Một người chỉ có thể dám đặt ra những mục tiêu to lớn trong cuộc đời khi họ tin mình có khả năng và tin mình xứng đáng có được thành công. Đồng thời, một người cũng chỉ có thể thành công khi họ dám chấp nhận những thất bại lớn nếu có xảy ra trong cuộc đời họ.
Bài viết khép lại bằng một hiện tượng trong năm 2018 của một tập thể hiện thân cho tinh thần vượt lên khó khăn và dám chấp nhận thất bại, đó chính là U23 Việt Nam. Những con người mà khi nhắc về họ, người ta nghĩ nhiều hơn về những giọt nước mắt, những ước mơ dang dở. Những nhân tố làm nên thành công ấy, chính là những người cách đây vài năm từng thất bại rất rất nhiều trước những đối thủ lớn, trước những cầu thủ chuyên nghiệp hơn, thể lực tốt hơn, kinh nghiệm và kỹ năng cũng tốt hơn. Nhưng cũng chính vì dám chấp nhận thất bại và có thể chấp nhận được thất bại, tập trung vào chính mình mà dần dần họ gia tăng sự tự tin nơi chính bản thân họ. Bởi lẽ, lý do mà họ đi xa trong hành trình bóng đá trước những đối thủ lớn của châu Á – điều mà nhiều cầu thủ bóng đá Việt trước đây không làm được, đó chính là bởi vì họ không còn sợ những đối thủ lớn. Mà để làm được điều đó, hiển nhiên là một hành trình rất dài trong việc tin vào chính mình, hay nói cách khác đó là gia tăng lòng tự trọng.