Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, bạn chắc hẳn đã quen với việc đặt mọi thứ về đúng chỗ. Bạn có thể rất vật lộn với việc hoàn thành và nộp bài tập, đau đầu với những dự án công việc, và thậm chí lo lắng về những lỗi rất nhỏ trong quá khứ.
Tiêu chuẩn cao là một chuyện, nhưng chủ nghĩa hoàn hảo lại là một chuyện khác. Và theo như các nhà nghiên cứu, theo đuổi sự hoàn hảo có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng cả về tâm lý lẫn thể chất.
Chủ nghĩa hoàn hảo là gì?
Theo các nhà nghiên cứu, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn kỳ vọng những tiêu chuẩn cao một cách phi thực tế và trở nên day dứt nếu họ tin rằng mình không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó. Người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi nếu họ mắc phải những sai lầm. Những sai lầm này khiến cho họ tránh những tình huống mà họ nghĩ mình sẽ mắc phải những sai lầm tương tự. Bà Amanda Ruggeri, có viết bài về chủ nghĩa hoàn hảo cho BBC Future, lý giải rằng: “khi những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thất bại, họ khôngcảm thấy thất vọng về những gì đã làm. Họ chỉ cảm thấy xấu hổ về con người mình mà thôi.”
Chủ nghĩa hoàn hảo có hại như thế nào
Mặc dù rất nhiều người nhận thấy theo đuổi sự xuất sắc là một điều tốt, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, sau cùng, chủ nghĩa hoàn hảo thực sự có liên quan đến suy giảm về sức khỏe tâm lý.
Các nhà khoa học đã tổng hợp phân tích mối liên hệ giữa chủ nghĩa hoàn hảo và sức khỏe tâm lý trong một nghiên cứu gần đây thông qua nhiều nghiên cứu trước đó. Với tổng cộng 284 nghiên cứu (cùng hơn 57,000 người tham gia), họ nhận thấy rằng chủ nghĩa hoàn hảo có liên quan tới các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng, rối loạn ảm ảnh cưỡng chế (OCD) và chứng rối loạn ăn uống. Họ cũng nhận thấy những người càng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo thì càng có mức độ tâm lý trong trạng thái lo âu cao.
Trong một bài báo xuất bản năm xuất bản năm 2016, những nhà nghiên cứu đã cho thấy tính tương quan giữa chủ nghĩa hoàn hảo và trầm cảm qua thời gian. Họ nhận thấy rằng người theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng gia tăng những tiệu chứng trầm cảm, và chủ nghĩa này là nhân tố rủi ro gây nên bệnh trầm cảm. Nói cách khác, cho dù rất nhiều người nghĩ chủ nghĩa hoàn hảo của họ là thứ gì đó giúp họ thành công, nhưng nó lại như một minh chứng rằng chủ nghĩa này thực chất rất có hại cho sức khỏe tâm lý.
Nhưng chủ nghĩa hoàn hảo có phải luôn luôn có hại? Những nhà tâm lý học đã từ lâu tranh cãi về vấn đề này, với luận điểm cho rằng có những chủ nghĩa như chủ nghĩa hoàn hảo thích nghi (adaptive perfectionism), bạn sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao nhưng sẽ tránh việc vướng bận vào những day dứt tâm lý bởi những sai lầm đã gây ra; hoặc chủ nghĩa hoàn hảo có lợi cho sức khỏe (healthier form of perfectionism) bao gồm theo đuổi mục tiêu vì bạn muốn thế, và không đổ lỗi cho bản thân nếu bạn không đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo không thể thích nghi được. Theo đó, chủ nghĩa này không đơn giản là đặt ra những tiêu chuẩn cao, và chủ nghĩa này không có lợi.
Có phải Chủ nghĩa hoàn hảo đang gia tăng?
Bằng việc đánh giá những dữ liệu thu thập từ hơn 41,000 sinh viên đại học, từ năm 1989 đến 2016, các nhà nghiên cứu nhận thấy qua quá trình nghiên cứu, có sự gia tăng về mức độ của chủ nghĩa hoàn hảo ở sinh viên đại học: họ đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, cảm thấy áp lực về những kỳ vọng đặt lên họ hơn, và họ cũng đặt ra những tiêu chuẩn đối với người khác. Đặc biệt là những kì vọng xã hội (social expectations) mà giới trẻ rất quan tâm ngày càng tăng. Các nhà nghiên cứu giả thiết rằng xã hội ngày càng trở nên cạnh tranh hơn: sinh viên có thể đặc biệt chú trọng tới những áp lực từ gia đình và xã hội, từ những áp lực này làm gia tăng xu hướng chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Vậy làm sao để đấu tranh với Chủ nghĩa hoàn hảo
Vì chủ nghĩa hoàn hảo có liên hệ với những hậu quả tiêu cực, vậy một người theo chủ nghĩa hoàn hảo làm thế nào để thay đổi hành vi? Các nhà tâm lý học chỉ ra việc từ bỏ thói quen phải trở nên hoàn hảo không có nghĩa là một người sẽ kém thành công hơn, cho dù những người theo chủ nghĩa hoàn hảo đôi khi hay do dự khi từ bỏ xu hướng này. Trên thực tế, về lâu dài, chấp nhận những thiếu sót của bản thân là điều cần thiết vì mắc lỗi là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi và trưởng thành.
Một sự thay đổi khả thi cho chủ nghĩa hoàn hảo bao gồm việc hình thành một tư duy mà các nhà tâm lý học gọi là tư duy phát triển (growth mindset). Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Stanford, nuôi dưỡng một tư duy phát triển là một phương pháp mấu chốt giúp chúng ta học hỏi được từ những lỗi sai. Không giống như những người với tư duy bảo thủ (fixed mindset) (những người cho rằng kỹ năng là bẩm sinh và không thể thay đổi), những người với tư duy phát triển có thể trau dồi khả năng của mình bằng cách học hỏi từ sai lầm của bản thân. Bố mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển những quan điểm lành mạnh về sai phạm của chúng: họ có thể tán dương đứa trẻ vì những nỗ lực của chúng (cho dù kết quả đạt được không như mong đợi) và giúp chúng học cách kiên trì trước những thất bại.
Một thay đổi khác cho chủ nghĩa hoàn hảo đó là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Để hiểu được long trắc ẩn, hãy suy nghĩ về cách mà bạn phản ứng những sai lầm gây nên bởi bạn thân bạn. Và khả năng là bạn sẽ phản ứng với lòng tốt và sự thấu hiểu, biết rằng người bạn đó có ý tốt. Ý tưởng đằng sau lòng trắc ẩn đó là chúng ta phải đối xử tốt với bản thân hơn khi chúng ta mắc lỗi, nhắc nhở bản thân rằng con người ai cũng mắc lỗi, và tránh việc bị bao trùm bởi những cảm xúc tiêu cực. Như bà Ruggeri ở BBC future đã nói, lòng trắc ẩn rất tốt đối với sức khỏe tâm lý, nhưng những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường không đối xử tốt với bản thân một cách bao dung.
Các nhà tâm lý học cũng khuyên liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy) là một phương pháp giúp mọi người thay đổi quan niệm về chủ nghĩa hoàn hảo. Tin tốt là chủ nghĩa hoàn hảo có thể thay đổi được dù nó có liên quan đến việc suy giảm sức khỏe tâm lý. Bằng cách nhìn nhận những lỗi sai như là một cơ hội học hỏi và thay sự dằn vặt bản thân bằng lòng trắc ẩn, bạn hoàn toàn có thể vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo và xây dựng nên những mục có lợi cho sức khỏe trong tương lai hơn.