Khi nói đến công ty, bạn nghĩ đến cái gì? Một tòa nhà, một loạt các phòng ốc, các sếp, họp hành, công việc, áp lực, tiến độ, báo cáo…? Có phải bạn ở giữa một tập thể người, quen người này, thân người nọ, xa cách một số, ghét một số khác, khao khát thăng tiến, nhưng cũng cầu vận may, có dịp thì chứng tỏ mình, không có dịp thì gạt đi bảo ồi tao chẳng cần mấy thứ địa vị?
Cũng không sao cả. Nhưng tôi hỏi này, thế nghĩa là khi bạn bỏ công ty, là bạn bỏ những thứ đó hả? Rồi sang một công ty khác, và có lại cũng những thứ đó, dưới một liều lượng khác? Thảm thương đó, vì đã là món bạn không thích, thì càng đổi cách nấu, càng tích lũy ấm ức, cả khi bạn tưởng đã nấu ngon rồi, thì một lúc sau vẫn toan hất cái nồi nấu đi thôi.
Đó là một động lực tâm thần ghê gớm của những người bị bệnh đổi việc: họ nhất định sẽ tự tạo ra, tự sáng lập ra những điều bất ổn để bỏ việc tiếp.
Trước khi bạn định cười nhạt và thương hại mấy người đó, thì cho tôi nói vài lời cho họ: họ luôn là những người mẫn cảm, nhạy bén, tinh tế một cách dị kì, khác người (ít nhất thì việc đi lại giữa những văn phòng khiến họ thấy mình long đong bất định, cái cảm giác đó càng khiến họ dễ tủi thân và hay suy nghĩ, không tin thì bạn hỏi họ mà xem).
Vì khác với những nhân viên chăm chỉ cần cù như bạn và tôi, họ cảm nhận được một thứ gì vô hình đang chiếm lấy họ, hãm hại họ – còn chúng ta chỉ đơn giản là thấy công ty, các phòng ốc, các sếp, tập thể… Họ linh cảm được, nhưng không gọi tên ra được, nên họ phát điên và tìm cách, viện cớ bỏ việc.
Thứ không thể gọi tên ấy, bạn thân mến: là văn phòng khép kín. Tôi đã gặp họ, một số người vẫn tiếp tục chuyển việc và than phiền phòng chật, tối tăm, kì quặc, bất ổn. Một số khác đã hiến đời mình cho những chuyến đi. Chuyện về họ vẫn đẹp, dữ dội, éo le và thảm hại. Nhân tố thứ nhất khiến họ bỏ việc chính là sự bế tắc của không gian kín.Nhân tố thứ hai chính là sự nhạy cảm của họ. Ai cũng khó chịu về không gian kín. Nhưng sự nhạy cảm ngày qua ngày đã xung đột với tinh thần văn phòng kín và đẩy họ đến chỗ điên lên. Khi con người ta sống trong không gian kín, người ta chỉ xem không gian kín ấy là thân thương khi bắt đầu yêu quý những gì có trong đó: hãy hình dung đến vẻ mặt hạnh phúc của người đang sơn tường cho ngôi nhà họ sắp ở, quét dọn, sắp đặt đồ đạc, treo rèm,…
Và một trạng thái y hệt thế: bạn bước vào một căn nhà, bạn thích cửa sổ, thích nhà vệ sinh của nó, thích độ hẹp và màu sơn tường đậm, thích ánh đèn… Bạn bắt đầu thích căn phòng, và cùng lúc cứ thôi thúc phải làm gì cho nó. Người ta yêu một không gian bằng cách yêu những gì có mặt trong đó. Nếu những thứ đó là ổn định, như đồ vật, họ sẽ yêu không gian đó một cách hiền hòa. Nhưng nếu đồ vật bất ổn, như bể cá, vườn rau, họ bắt đầu lo lắng. Nếu đó là thứ bấp bênh nhất trên đời này: con người, thì đúng là tai họa.
Là người mà, ai chẳng cần một mối quan hệ nào đó nội công ty để sống tiếp và thấy nhẹ lòng cơ chứ. Nhưng có người thích lương, có người thích phấn đấu, có người thích cầu thang thơ mộng, có người thích ngắm ánh nắng, có người ủ rũ chờ những tin nhắn qua mạng… Đó lần lượt là loại người tham lam, loại người đố kị, loại người lãng mạn, loại người lười biếng ngẩn ngơ, loại người cầu tình…
Đúng là chúng ta vẫn có lúc yêu ghét người nào đó trong phòng. Nhưng loại người nào mà nhạy cảm với điều ấy đến vậy? Loại người nào nhất định yêu/ghét một không gian vì con người trong đó? Chính là loại luôn nhạy cảm với từng xung động của người khác, luôn cần đến tình của mọi người xung quanh – chính vì vậy họ cũng thường khi rất ích kỷ, chỉ quan tâm tới cảm xúc của mình.
Loại người này thường có một bất hạnh nào đó về tình cảm, nếu không họ cũng gắn với những bất hạnh hoặc điều éo le trong đời sống tình cảm, hoặc chí ít luôn tự cho mình là bất hạnh. Vì lẽ đó, khi bước vào một không gian kín, họ đặt tình cảm và sự rung động của mình vào con người sống trong đó, để thỏa mãn sự bấp bênh lộn xộn của mình.Tình cảm của họ có thể là yêu thương, chán ghét, cũng rất có thể là NGƯỠNG MỘ, trạng thái hợp nhất của yêu ghét trong trường hợp của họ. Thật vậy, khi họ ngưỡng mộ ai, thì cũng vừa yêu, vừa ghét người đó, khi ấy họ yêu vì quý mến, ghét vì tình cảm của họ được đáp lại toàn bằng những sức ép, những lời nói không thỏa ý…
Lại nữa, khi các tình cảm trong văn phòng kín của họ nhân lên, thì sự tiêu cực nhân lên nhanh hơn sự tích cực. Vì có một quy tắc của sự đổ vỡ: càng nhiều tình cảm, tâm trạng càng bấp bênh và dễ sụp đổ, càng được yêu thương, người ta càng sinh ra chán ghét vô cớ (đó là một phần nguyên nhân của sự xung đột trong tình yêu. Cả người được yêu chiều và người si tình đều chán ghét vô cớ mọi thứ hoặc luôn thấy mình thiệt thòi hi sinh). Cảm xúc tích cực, bền vững được nuôi dưỡng bằng lòng trân trọng, đức tính kỉ luật, nhẫn chịu, đồng cam cộng khổ, chứ không phải sự thụ hưởng, kéo bè cánh, bất chấp đúng sai, cùng oán cùng hận, kể cả là yêu thương vô lối…
Điều đặc biệt ở đây, bạn thân mến, đó là từ chỗ một con người nhạy cảm, họ bị đẩy vào áp lực của văn phòng kín, cảm giác chịu đựng nhân lên. Cũng vì là một người nhạy cảm và vì sống trong phòng kín, họ phát sinh tình cảm yêu thương chán ghét tin tưởng khó chịu ngưỡng mộ với con người cụ thể, mạnh hơn là với các đồ vật, lợi ích.
Sự phát sinh tình cảm này đẩy họ đến chỗ bất ổn cao độ, và một phản lực của tâm lý xuất hiện: họ muốn phá hoại các luồng lực đè nén lên họ. Cùng một lúc, họ đòi phá hủy phòng kín và con người. Sự ra đi của họ thường nhất định phải gây tổn thương cho ai đó, và mặc dù lảng tránh sự thật ấy, họ biết điều ấy là như thế, nhưng vẫn làm, một cách vừa sợ sệt vừa hứng khởi.