Samuel Johnson từng nói: “Chuyện xấu không xảy đến làm tan nát trái tim bạn để khiến bạn đau khổ và bỏ cuộc. Chúng xảy ra, đập tan bạn và xây dựng bạn lại từ đầu để bạn có thể trở thành tất cả những gì mình xứng đáng”.
Bí quyết sống hạnh phúc
Không khước từ sự yếu đuối
Đừng cố kìm nén cảm xúc của bản thân ngay khi bạn cảm nhận được nỗi đau đang chực trào. Cảm giác về cơn đau với mỗi người trong từng hoàn cảnh là rất khác. Nhưng điểm chung ở mọi phản ứng là bạn muốn thoát ra, muốn rũ bỏ nó, cô lập những yếu đuối và giải tỏa mình bằng mọi cách. Đối với những người mà hình ảnh và lòng tự trọng của họ lớn hơn tất cả thì càng khó cho phép bản thân mình sụp đổ. Nhưng không chấp nhận bản thân mình yếu đuối sẽ chỉ đưa bạn đến những nỗi chịu đựng chồng chất. Trong hầu hết những người đang chứa đựng cơn buồn đau của riêng họ mà tôi từng gặp, ai càng tránh nói về nó thì họ càng để lộ nhiều khó khăn và mất thời gian với nó nhất. Mạnh mẽ không phải là dứt khoát, lạnh lùng, cố gắng tỏ ra không hề hấn. Mạnh mẽ là dám thừa nhận tình trạng của bạn. Nếu không có thói quen gào thét hay nức nở chí ít cũng dành thời gian để tỏ ra yếu đuối. Viết status than vãn một lần, say khướt một lần, nói xấu (ai đó là nguyên nhân tạo ra nỗi đau của bạn) một lần, làm việc gì đó dở hơi một lần… Một lần để đủ hiểu thế nào là yếu đuối nhưng không có nghĩa là hành động một cách tùy tiện dẫn đến việc hủy hoại bản thân hoặc xâm hại đến người khác. Bạn có quyền phát đi tín hiệu cần được sẻ chia, chứ không phải trở thành kẻ đáng thương đến là tội nghiệp.
Xóa bỏ dấu vết ngay lập tức?
Xu hướng xóa bỏ dấu vết hay xảy ra với những kẻ thất tình hoặc là nạn nhân của một mối quan hệ cay đắng. Nếu bạn bị lừa dối một cách trắng trợn thì nói thật là không có cách ứng xử cơ bản nào tốt hơn ngoài việc loại bỏ những thứ thuộc về đối tượng đó ra khỏi cuộc đời bạn. Đừng bao giờ nhân nhượng với sự dối trá và mở lòng trước những con người thiếu thiện chí, vì điều đó chỉ khiến bạn mất thời gian dìm mình vào nỗi thất vọng này tới thất vọng khác.
.
Xu hướng xóa bỏ dấu vết hay xảy ra với những kẻ thất tình
Nhưng nếu nỗi đau buồn và mất mát xảy đến với bạn không vì một người xấu thì thế nào? Hoặc vì trái tim bạn yếu đuối đến mức có thể dung nạp cả khiếm khuyết của đối phương thì sao? Vậy thì hãy cố gắng giữ lấy những điều tốt đẹp một cách yên ổn. Bạn ngưng kết nối nhưng đừng cố xóa bỏ tất cả cùng một lúc, mà nới rộng khoảnh cách một cách từng chút một. Cứ thử nghĩ xem có gì vô ích bằng chuyện block ai đó rồi cứ phải dùng tài khoản khác để theo dõi họ? Một người chủ hòa yên lặng cũng cần rất nhiều can đảm. Hãy tin thời gian có thể nung nấu nhiều thứ bao nhiêu thì cũng có thể khiến bấy nhiêu thứ ấy tàn lụi.
Nơi chốn bình tâm
Bất cứ ai cũng có trong lòng “một nơi chốn” để làm cho tinh thần hồi phục. Một “nơi chốn” giữ cho bạn bình tâm trước những náo động, cùng quẫn. Ôm lấy bạn và chỉ cho bạn thấy có một thế giới bên ngoài những nỗi đau đáng tận hưởng hơn rất nhiều. Có thể là nơi bạn cần một chuyến đi dài để tới, hoặc là thứ âm thanh, hình ảnh giữ lấy bạn yên bình ở một chỗ, cũng có thể là một khoảng không hay một con người kiên nhẫn ở bên bạn trong những giờ khắc yên lặng… Nhưng tôi không nghĩ việc cuốn theo những chuyến đi dài và những điều trên sẽ chắc chắn làm những rạn vỡ trong bạn tan biến ngay tức khắc, mà nó giúp bạn bình tâm nhìn thấy cơ thể hoàn toàn hấp thụ được chúng, chấp nhận nỗi đau là một phần mà bạn sẽ gắn bó. Đó là cách bạn vẫn sẽ sống, và sống tốt hơn sau tất cả.
.
Bất cứ ai cũng có trong lòng “một nơi chốn” để làm cho tinh thần hồi phục.
Đặt những câu hỏi đúng
Câu hỏi giống như một tiếng gõ cửa. Bế tắc là khi những cách cửa đang hiện hữu đóng sầm lại trước mặt bạn. Một câu hỏi là cách giúp bạn tìm đến với cánh cửa khác và mở nó. Bí quyết sống hạnh phúc là đặt những câu hỏi đúng – chọn lấy những điều tích cực, thay vì bị chết chìm bằng suy nghĩ “mình có xứng đáng với cuộc sống này không?”. Hãy hỏi rằng, “mình cần làm gì để có một cuộc sống xứng đáng?” và “mình có xứng đáng để chịu đựng những điều này? Thay vì lẩn quẩn với chuyện, “mình phải làm gì để người ấy (hay cuộc đời) không bỏ rơi mình?” thì sao lại không hỏi “mình phải làm gì tiếp theo để xứng đáng với những người vẫn luôn yêu thương mình?”.
Cảm ơn những nỗi đau
Cảm ơn những nỗi đau trước nhất là để tha thứ cho chính bạn. Không sự liên đới nào quan trọng bằng mối quan hệ của bạn với chính bản thân. Bạn có quyền sống tốt hơn bất kỳ ai, bằng cách sau nỗi đau nhìn lại cuộc đời đã mang đến cho bạn điều gì? Bạn đã đối đãi trước những điều không mong đợi như thế nào? Nó đã giúp bạn nhận thức ra bản thân còn tồn tại những điểm yếu nào? Bạn đau khổ mà gục ngã hay đau khổ để tìm đến cơ hội cảm nghiệm cuộc sống sâu sắc hơn? Ví như không ai nói chuyện về tình yêu minh mẫn bằng những kẻ đã từng có kinh nghiệm tình trường bầm dập.
.
Cảm ơn những nỗi đau
Duy trì cách nghĩ trách móc, đổ lỗi, quan điểm cay nghiệt về tình yêu và sự đời không thể khiến con tim người ta lành lặn hay rộng mở được. Bạn cảm ơn vì đau khổ biến bạn thành một kẻ biết tự yêu lấy bản thân, đó là bí quyết sống hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng làm được. Cái sự tự yêu đó không hề là cố gắng gượng gạo. Một khi đã tha thứ cho bản thân thì niềm tin và khả năng yêu thương bên trong bạn càng mạnh mẽ. Trước hay sau bão táp, bạn luôn tin tưởng quyền được yêu và quyền yêu thương ai đó một cách trọn vẹn là không bao giờ cạn kiệt.
Yêu lại từ đầu
Nỗi đau khổ chúng ta phải chứa chấp trong cuộc đời không chỉ sinh ra từ tình yêu và các mối quan hệ. Có những mất mát không thể bù đắp như cái chết hay thương tổn vĩnh viễn…nhưng bạn biết đó, cuộc sống thì luôn tiếp diễn. Người viết thật lòng không chỉ muốn liệt kê suông những dòng được dán nhãn bí quyết một cách đơn giản, nhất là với câu chuyện của những rạn vỡ. Trái tim thẳm sâu thuộc về phạm trù không thể nắm bắt hay lèo lái dù có lĩnh hội được bao nhiêu bí kíp.
Yêu lại từ đầu
Tôi nhớ cô bạn mình, sau cái chết bất ngờ của vị hôn phu trước ngày cưới, cô xin nghỉ việc và ở lì trong nhà suốt nhiều tháng liền. Cô căm ghét cái gọi là “cuộc sống vẫn tiếp diễn”. Thật khó khăn biết bao trước điều cô phải chịu đựng. “Tớ đã không biết phải làm thế nào khi mặt trời trồi lên mỗi ngày mà cơn đau vẫn cứ ở đó”. Bẵng đi vài năm, tôi gặp lại cô, giàu sức sống và chưa bao giờ bình yên hơn thế. Cô đi quanh vùng Đông Nam Á du lịch và có cơ hội tham gia nghiên cứu cho một dự án. Tôi không nhắc chuyện cũ, cũng không hỏi cô đã có người yêu hay lấy chồng chưa, vì chúng tôi dành hết thời gian cho chủ đề say mê khám phá cuộc sống ở những vùng đất lạ. Nhưng tôi bị cuốn hút ở cách cô mô tả việc trồng cây, việc quan sát hạt mầm từ lúc bị bóc tách đau đớn đến lúc nó đơm trổ thành những xanh tươi. Vậy là những điều tốt đẹp mà cô có không hề mất đi, nó chỉ chuyển mình trong một cuộc sinh sôi mới. Có lẽ, cô lại đang yêu, ít nhất là yêu kinh khủng cuộc sống này.