Bắt đầu một cuộc trò chuyện với ai đó có lẽ là một trong những phần khó khăn nhất trong giao tiếp. Bạn có thể ngay lập tức bắt chuyện với một vài người, nhưng đối với một vài người khác thì việc này lại khó như như lên trời vậy. Thế như đừng lo lắng — có rất nhiều cách bạn có thể dùng để bắt đầu một cuộc trò chuyện thú vị với bất cứ ai và nhiều mẹo nhỏ để giúp bạn bắt chuyện với một số người cụ thể. Bạn hãy đọc và thử làm theo các bước dưới đây nhé.
1. Thể hiện sự quan tâm. Bạn có thể biến một người toàn xa lạ thành một người bạn chỉ bằng cách khiến họ cảm thấy bạn quan tâm tới những gì họ nói và ý kiến của họ quan trọng với bạn thế nào. Nếu người đó nghĩ rằng họ đang tự nói rồi tự nghe thì họ sẽ ngừng chia sẻ ngay lập tức. Bạn hãy xoay người, tập trung hướng về phía người nói và duy trì giao tiếp bằng ánh mắt nhẹ nhàng. Hãy cho họ đủ không gian riêng tư, đồng thời thể hiện là bạn đang lắng nghe rất tập trung
Khiến người đó cảm thấy suy nghĩ của họ rất quan trọng. Nếu họ bắt đầu nói về một chủ đề nào đó, bạn hãy nêu ra một số câu hỏi xoay quanh chủ đề đó thay vì nói về những thứ mà bạn muốn.
Sau khi biết tên, bạn hãy dùng tên của họ một hoặc hai lần.
Nếu người đó trò chuyện trước, bạn hãy gật đầu chăm chú để thể hiện là mình đang lắng nghe.
2. Đưa ra câu hỏi một cách tự nhiên. Rất nhiều cuộc trò chuyện thú vị bắt đầu bằng những câu hỏi, tuy nhiên bạn không nên khiến người đang nói chuyện với mình cảm thấy như họ đang bị phỏng vấn ở đồn cảnh sát. Đừng hỏi dồn dập mà không thể hiện ý kiến phản hồi và thực sự trò chuyện với họ. Không gì tệ hơn là cảm giác bị phỏng vấn. Việc hỏi quá nhiều câu hỏi chỉ khiến cho người đối diện với bạn cảm thấy không thoải mái và nhanh chóng tìm cách kết thúc cuộc trò chuyện.
Nếu nhận ra là bạn đang đặt ra quá nhiều câu hỏi, hãy đùa vui về việc đó. Bạn có thể nói rằng “Tớ xin lỗi — cuộc phỏng vấn của chúng ta đến đây là kết thúc nhé!” và chuyển sang nói về một chủ đề khác.
Hãy hỏi người đó về sở thích hay những thứ họ quan tâm, đừng hỏi về ước mơ hay khao khát của họ.
Nói về điều gì đó thú vị. Bạn đừng hỏi người đó nghĩ gì về thảm họa mới được đưa tin trên thời sự hay dạo này họ có phải làm thêm giờ nhiều không. Hãy khiến họ hứng thú với chủ đề của cuộc trò chuyện cũng như hứng thú với chính bản thân cuộc trò chuyện.
Đảm bảo là bạn cũng chia sẻ. Lý tưởng nhất là bạn và người đó cùng chia sẻ ở mức độ tương đương nhau.
3. Hãy hài hước. Điều này không có nghĩa là bạn phải làm điều gì đó khác thường, chỉ cần thêm vào một vài câu nói đùa hay kể một câu chuyện cười để phá vỡ khoảng cách giữa hai người. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên về cách mà những câu chuyện cười khiến người khác trở nên cởi mở hơn. Mọi người ai cũng thích cười và tiếng cười sẽ khiến họ thoải mái, đó là một cách tuyệt vời để khiến những người căng thẳng trở nên vui vẻ hơn và bắt đầu trò chuyện
Dùng sự dí dỏm để khiến người khác chú ý. Bạn hãy tỏ ra là một người nhanh nhẹn và thích chơi chữ, thích kể chuyện cười và hay nói đùa.
Nếu có một câu chuyện cười tâm đắc, bạn hãy kể nó, miễn là câu chuyện đó ngắn. Đừng kể một câu chuyện dài mà bạn chưa kể cho ai nghe bao giờ nếu không thì có thể bạn sẽ thảm lắm đấy.
4. Đưa ra câu hỏi mở. Câu hỏi mở là những câu hỏi yêu cầu câu trả lời đầy đủ, chi tiết, chứ không đơn giản chỉ là có hoặc không. Câu hỏi mở cho phép người khác chia sẻ nhiều hơn và đó chính là điều sẽ tạo nên một cuộc trò chuyện. Dùng loại câu hỏi này tức là bạn đang lôi kéo và khiến người đối diện trở thành một phần của cuộc trò chuyện. Câu hỏi mở sẽ khiến cuộc trò chuyện phát triển, trái ngược với dạng câu hỏi với câu trả lời chỉ là có hoặc không.
Hãy đảm bảo là câu hỏi của bạn mở vừa đủ. Đừng hỏi người khác những câu như họ nghĩ thế nào về ý nghĩa của cuộc sống; thay vào đó, hãy hỏi họ nghĩ thế nào về lối chơi của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong mùa giải vừa rồi chẳng hạn.
Bạn cũng cần nắm bắt được khi nào thì cuộc trò chuyện đang diễn ra không được tốt lắm. Nếu ai đó chỉ trả lời là có hoặc không cho câu hỏi mà nhẽ ra họ phải chia sẻ nhiều hơn thì có lẽ họ không có hứng thú trò chuyện với bạn.
5. Biết mình nên làm gì. Có rất nhiều yếu tố có thể giết chết một cuộc trò chuyện trước khi nó có cơ hội để phát triển. Nếu muốn bắt đầu một cuộc trò chuyện chất lượng thì bạn nên tránh một vài thứ cơ bản ngay từ khi bắt đầu.
Đừng chia sẻ những thông tin quá cá nhân. Bạn không nên nói về lần chia tay đầy đau khổ của mình, vết phát ban kỳ lạ ở lưng, hay đang bối rối không biết rằng người nào đó có thực sự yêu mình không. Hãy chia sẻ những điều này với người nào đó thật sự gần gũi với bạn.
Đừng hỏi về những thứ mà có thể người nói không tiện trả lời. Bạn hãy để người đó nói về người họ thương, nghề nghiệp hoặc sức khỏe của họ. Thế nhưng đừng hỏi rằng họ có đang hẹn hò ai không, biết đâu họ vừa mới chia tay và còn đang đau khổ thì sao.
Đừng chỉ nói về bản thân mình. Dù việc chia sẻ những điều thú vị và một vài thông tin cá nhân của bản thân có thể khiến người trò chuyện với bạn thấy thoải mái hơn, nhưng nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về việc mình tuyệt vời thế nào hay sáng hôm sau bạn sẽ ăn gì thì sẽ nhanh chóng khiến người đó mất hứng.
Tập trung. Đừng quên tên người đó, nghề nghiệp hay những thông tin quan trọng mà họ chia sẻ chỉ sau năm phút. Điều này sẽ khiến họ cảm thấy bạn không hề quan tâm đến họ. Khi họ giới thiệu tên, bạn có thể nhắc lại thành tiếng để ghi nhớ.