Đừng Lo, Mọi Chuyện Rồi Sẽ Ổn Thôi

“Cứ thư giãn đi. Bạn vẫn ổn mà.”

Những gì mà hầu hết chúng ta coi là “vấn đề sống còn của cuộc đời” thường chỉ đơn giản là những điều rất tự nhiên trôi chảy theo dòng của cuộc sống. Có những lúc suôn sẻ và cũng có lúc vấp phải khó khăn, nhưng chúng ta dường như đều quên rằng chúng ta vẫn ổn.

CÂU HỎI HÓC BÚA

Hãy cứ cho rằng bạn là kẻ luôn tự ti và chán ghét bản thân. Bạn tin rằng mình làm gì cũng tệ hại và ít nhiều cũng là một kẻ thất bại trong cuộc sống. Và cái mong muốn thoát ra khỏi mớ suy nghĩ đó chỉ là bằng chứng chứng minh rằng bạn thất bại thế nào thôi. Bởi xét đến cùng, nếu bạn không thảm bại như thế, bạn đã không khao khát được thoát khỏi cảm giác thảm bại đó, có đúng không?

Đó là một tình huống khó xử cần được giấu kín (Catch 22). Xét theo khía cạnh bên ngoài của mỗi người, khao khát rất quan trọng. Bạn muốn chạy nhanh hơn? Hãy đặt một mục tiêu, rồi ra ngoài và thực hiện nó. Bạn muốn bắt đầu kinh doanh? Có nhiều kiểu tiêu chuẩn khác nhau để bạn với tới, bạn trước hết chỉ cần mong muốn nó thôi.

Nhưng bạn lại muốn ngừng việc lo lắng và luôn trì hoãn những mục tiêu đó? Thực ra, không muốn lo lắng sẽ chỉ càng làm bạn lo lắng hơn mà thôi.

THỬ THÁCH CHẤP NHẬN BẢN THÂN

Chấp nhận bản thân là câu trả lời cho câu hỏi hóc búa ở trên, nhưng theo hướng phản trực giác. Nghịch lý thay, việc chấp nhận rằng bạn chỉ là một con người tự ti và bạn luôn cảm thấy hơi khó chịu với người khác lại khiến bạn thoải mái hơn và ít lo lắng hơn khi có người xung quanh. Bạn không đánh giá bản thân nữa và cũng ít cảm thấy bị người khác đánh giá hơn.

Chấp nhận rằng bạn dễ bị phiền muộn và có nhiều người hạnh phúc hơn bạn và tự nhủ rằng điều đó là bình thường, trớ trêu thay, khiến bạn hạnh phúc hơn và trở thành người dễ chấp nhận hơn. Sau tất cả, vài người trong số những vĩ nhân của lịch sử cũng mắc bệnh trầm cảm.

Nhiều người trong số chúng ta bị ngập tràn trong quá nhiều thông tin ở mọi thời điểm trong ngày đến nỗi họ dễ dàng có một góc nhìn sai lệch về xã hội. Ai cũng thật cân đối. Ai cũng hạnh phúc. Ai cũng đang hẹn hò yêu đương. Và vì một vài lý do nào đó, bạn lại không thể. Nhưng những thứ được trả tiền để lên TV và những thứ được đăng lên internet là những tình huống ngoại lệ, những giải pháp đơn giản, những liều thuốc kì diệu để chạm tới toàn mỹ hay để trở nên vĩ đại hơn, tốt đẹp hơn bản thân hiện tại. Nếu bạn được tiếp xúc với những thứ vĩ đại hơn, tốt đẹp hơn đó hàng ngày, hàng giờ, liên tục, lặp đi lặp lại, bạn dễ dàng hình thành trong tâm thức rằng có điều gì đó không ổn với bạn. Trớ trêu thay, ngành công nghiệp tự thân cũng đóng vai trò đồng phạm: bạn có thể loại bỏ mọi nỗi sợ hãi và lo lắng; bạn có thể trở nên nổi tiếng và được mọi người yêu quý; ai cũng có thể giàu có, thành công và nghỉ hưu trên bãi biển ở tuổi 35!

Điều này không đúng chút nào.

Chúng ta đều là những sinh vật đầy khiếm khuyết. Và điều đó hoàn toàn ổn.

Tôi chấp nhận rằng gặp gỡ người lạ luôn tốn rất nhiều nỗ lực của tôi. Tôi đã cố gắng cải thiện rất nhiều để chinh phục chứng lo lắng xã hội trong nhiều năm qua, nhưng sẽ không bao giờ trở thành một con người mà có thể nói chuyện với tất cả mọi người trong căn phòng mà không phải nghĩ gì cả. Đó đơn giản không phải là tôi.

Tôi chấp nhận rằng mặc dù mối quan hệ gia đình đã cải thiện rất nhiều trong 10 năm qua, nhưng nó sẽ không bao giờ trở nên tuyệt vời. Và không sao cả.

Tôi học rằng giao ước- tình yêu hay những thứ khác – sẽ luôn khiến tôi hơi khó chịu một chút. Tôi đã cố gắng và vượt qua những nỗi sợ hãi phi lý ấy nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn thoải mái với nó. Và điều này hoàn toàn ổn.

Tôi ổn.

Hầu hết mọi người đều mắc chứng trầm cảm ở một vài thời điểm trong đời. Hầu hết đều đã từng bị đá và đấu tranh để vượt qua mối tình cũ. Hầu hết đều cảm thấy không an toàn trong tình dục. Ai cũng có vấn đề với gia đình. Nhiều người lớn lên bị lạm dụng. Hàng tỷ người thì có vấn đề với lòng tự tôn và phụ thuộc. Và vô số người mong ước giá như họ thành công hơn và có động lực trong cuộc sống. Chuyện này thật tồi tệ nhưng không có gì mới mẻ cả. Đừng hiểu nhầm ý tôi, đây không phải là lời biện minh để không cố gắng với đống vấn đề của bạn. Chỉ là bạn nên ngừng cố gắng trở nên hoàn hảo. Bạn sẽ không bao giờ hoàn hảo cả.

Có một câu ngạn ngữ Phật giáo như sau: “Bạn vốn đã hoàn hảo theo cách của mình, nhưng bạn luôn có thể trở nên tốt đẹp hơn.”

Hoàn hảo không phải là đích đến cuối cùng bạn giành được mà là cả quá trình tự nó nỗ lực vươn lên. Cho dù bạn có cải thiện bản thân và cuộc sống của mình đến đâu, sẽ vẫn luôn còn chỗ trống cho sự phát triển. Không có cái gì gọi là mục tiêu cuối cùng cả. Bản thể hoàn hảo mà chúng ta vẫn hình dung không hề tồn tại. Như Gertrude Stein đã nói: “Không có cái đó ở đó.” Nó không bao giờ có điểm kết thúc.

Cái thay đổi là thái độ chấp nhận vị trí của chúng ta trong cả quá trình đó.

“Mình làm thật tệ nhưng không sao cả. Chừng nào mình vẫn tiếp tục làm việc đó thì nó vẫn ổn.”

Hoàn hảo là quá trình hoàn thiện bản thân. Hoàn hảo là nỗ lực mà trời ban cho chúng ta để không ngừng nâng cao, phát triển và hoàn thiện. Chúng ta đã ở đó và vẫn luôn ở đó. Chúng ta ổn. Chúng ta có thể tốt hơn. Nhưng chúng ta ổn.

BẠN KHÔNG BIẾT NHỮNG GÌ KHIẾN BẠN HẠNH PHÚC

Hạnh phúc không như những gì mà chúng ta tưởng. Thực ra, nó hoạt động theo hướng hơi “ngược.”