Đừng so sánh mình với người khác: hãy học cách yêu đủ!

Nếu lấy điểm mạnh của những người khác rồi so sánh chúng với điểm yếu của bạn, bạn nghĩ bạn sẽ đánh giá nó như thế nào? Bạn có nghĩ rằng hành động này sẽ làm bạn cảm thấy ổn? Bằng cách nào để ngừng so sánh bản thân mình với người khác?

Đa phần chúng ta đều thi thoảng như vậy: thích so sánh mình với mọi người. Thậm chí, một số còn rất thường xuyên.

Giả sử bây giờ tôi nhìn vào một tác phẩm tuyệt vời của một người bạn. Sau đó, tôi xem lại cái mình đã làm và nó thật tầm thường, tệ hại. Tôi bắt đầu so sánh.

Nhưng thực tế là, bạn có thể thấy, đây là sự so sánh không công bằng. Chỉ bởi vì tôi kém cỏi không có nghĩa là tôi nên dừng làm việc tôi yêu thích hay tôi phải phát điên vì ghen tị hay uất ức. Thay vào đó, nếu nhìn vào những điểm mạnh của mình – những thứ phù hợp với tôi – thì tôi có thể phát hiện ra rất nhiều thứ mà mình có thể làm cho người khác và cảm thấy hạnh phúc.

Đừng so sánh mình với người khác

Nhận ra những điểm mạnh và xác định được giá trị thật của bạn là điều cực kỳ quan trọng. Vì nó chính là một trong những chiếc chìa khóa khóa dẫn tới thành công. Thiếu khả năng này, bạn sẽ thiếu động lực và không còn tin vào bản thân mình nữa.

Gần đây, tôi nhận được một email như thế này:

Tôi đến từ một thành phố thuộc nhóm những thành phố đông dân thứ 2 (Tier-2) của Ấn Độ. Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu. Công việc của tôi không giúp tôi kiếm đủ tiền để cưới vợ và trang trải phí sinh hoạt cho gia đình mới.

Vấn đề là tôi có một nhóm bạn xuất thân từ những gia đình giàu có. Thế nên, tôi không thể dừng so sánh cuộc sống của mình với họ. Tôi biết việc so sánh tài sản vật chất của tôi với họ là điều không phù hợp. Mặc dù rằng tôi vẫn có khả năng kiếm đủ tiền để chu cấp cho gia đình hiện tại và cả gia đình mới nữa, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định kể cả nếu tôi thất nghiệp, nhưng bất cứ khi nào tôi thấy hoặc nghe nói họ mua sắm mà chẳng phải lo nghĩ gì là tôi lại bắt đầu so sánh. Làm thế nào để tôi có thể chấm dứt thói quen này mà không cần nhảy việc để tìm kiếm cơ hội có lương cao hơn?

Đây thực sự là một câu hỏi thú vị nhưng cũng rất khó trả lời. Tôi nghĩ việc so sánh mình với người khác là điều tự nhiên. Tuy nhiên, giống như chia sẻ của người trong email trên vậy, thói quen này thường khiến chúng ta không hạnh phúc, thậm chí cả khi chúng ta có đầy đủ và đáng lẽ nên hạnh phúc với điều chúng ta đang có.

Lời khuyên ngắn gọn của tôi đó là hãy cố gắng nhận ra khi nào thì bạn bắt đầu so sánh bản thân mình với những người khác. Sau đó, hãy tự nói với bản thân mình rằng: “Dừng ngay!”, và bắt đầu nghĩ về tất cả những thứ mà bạn ĐÃ có, những thứ bạn yêu, những người bạn thân thiết và những may mắn mà cuộc đời đã dành tặng bạn. Hãy thực hiện đều đặn mẹo này và bạn sẽ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc đời mình.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn liên tục so sánh mình với người khác?

Giống như tôi đã nói, vì là sự so sánh không công bằng nên kết quả, bạn sẽ luôn cảm thấy tồi tệ nếu nhìn vào những điểm mạnh của người khác (bao gồm cả thứ họ có, như nhà và xe hơi) và những điểm yếu của bạn.

Thậm chí cả khi bạn so sánh điểm mạnh với điểm mạnh thì sẽ luôn có những người giỏi hơn bạn và những người tệ hơn bạn.

Cả khi bạn so sánh mình với người khác một cách công bằng thì có thể chính bạn sẽ phóng đại nó. Đúng hơn là đẩy “cái tôi” của bạn lên nếu như bạn cảm thấy mình giỏi/sướng nhỉnh hơn đối phương. Điều này chẳng có gì để tự hào vì nó không hề bền vững.

Bạn phẫn nộ, uất ức vì những người khác làm tốt hơn bạn mà không thực sự hiểu họ đã, đang và sẽ phải làm gì để có được thành quả như vậy.

Bạn có thể rơi vào tình trạng nói quá nhiều về thành tích của mình hơn mức cần thiết. Chẳng ai đánh giá cao điều đó cả.

Bạn có thể chỉ trích một ai đó ở nơi công cộng và cố gắng dìm họ xuống, thường theo cách không công bằng.

Làm thế nào để dừng so sánh bản thân mình với những người khác?

Đừng so sánh mình với người khác

Nhận thức: Chúng ta thường tạo ra những sự so sánh này mà không hề nhận ra mình đang làm như vậy. Đây là một hành động tự nhiên và có thể được thực hiện mà không cần nhận thức. Do đó, giải pháp chính là hãy trở nên có nhận thức – đưa những suy nghĩ này vào dòng chảy nhận thức và để ý tới chúng khi chỉ mới khởi phát trong đầu.

Ngăn cản chính mình: Một khi nhận ra bạn bắt đầu có ý so sánh mình với mọi người, hãy dừng lại. Đừng mắng nhiếc bản thân hay cảm thấy tồi tệ – chỉ là nhận dạng suy nghĩ và nhẹ nhàng thay đổi sự tập trung mà thôi.

Nghĩ về những gì bạn có: Hãy tập trung vào những điều bạn có và những điều mà bạn đã được ban tặng. Nghĩ về may mắn của bạn, những người quan tâm bạn và rằng bạn vẫn còn sống.

Khoảnh khắc bạn thức dậy vào mỗi buổi sáng cũng là lúc ở một nơi khác, có ai đó đang trút hơi thở cuối cùng.

Tập trung vào điểm mạnh: Đừng nhìn vào điểm yếu mà hãy tự hỏi chính mình điểm mạnh của bạn là gì. Ăn mừng vì chúng. Tự hào vì chúng. Đừng khoe khoang nhưng hãy cảm thấy hạnh phúc vì tài năng của bạn và hành động để biến chúng thành lợi thế.

Chấp nhận sự không hoàn hảo: Chẳng ai là hoàn hảo cả – về mặt lý trí, tất cả chúng ta đều biết điều đó nhưng về mặt cảm xúc, chúng ta dường như cảm thấy không hài lòng khi chúng ta chưa đạt được sự hoàn hảo. Bạn không hoàn hảo và bạn sẽ không bao giờ có được điều đó. Tôi chắc chắn cũng không và tôi toại nguyện. Hãy tiếp tục nỗ lực cải thiện nhưng đừng nghĩ rằng bạn sẽ trở thành “một người hoàn hảo”.

Đừng dìm người khác xuống: Đôi khi, chúng ta cố gắng chỉ trích những người khác chỉ để làm bản thân mình tốt lên. Dìm người khác xuống vì lợi ích của mình là sự hủy hoại vì cuối cùng, chính bạn cũng sẽ là người bị tổn thương. Thay vào đó, hãy cổ vũ cho thành công của họ.

Tập trung vào chuyến hành trình cuộc đời của bạn: Đừng tập trung vào việc bạn xếp thứ hạng bao nhiêu trong so sánh với những người khác – cuộc sống không phải là một cuộc cạnh tranh. Cuộc sống là một chuyến hành trình để trở thành thứ gì đó, để học và để sáng tạo. Chuyến hành trình của bạn chẳng liên quan gì tới việc những người khác làm tốt như thế nào hay họ có những thứ gì. Chuyến hành trình ấy chỉ liên quan tới điều mà bạn muốn làm và nơi bạn muốn đi. Đó là tất cả những điều bạn cần phải để tâm đến.

Học cách yêu đủ: Nếu luôn muốn điều những người khác có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ. Bạn sẽ luôn muốn nhiều hơn. Đó là một chu trình bất tận, và nó sẽ chẳng bao giờ dẫn tới hạnh phúc. Bất kể bạn mua bao nhiêu quần áo, bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu chiếc xe sang trọng…, bạn vẫn chẳng bao giờ đủ. Thay vào đó, hãy học cách nhận ra rằng những gì bạn đang có đã đủ. Nếu bạn có một mái nhà để che đầu, đồ ăn trên bàn, quần áo để mặc, và những người yêu thương bạn thì bạn đã may mắn lắm rồi. Bạn có đủ. Hãy hài lòng với nó và bạn sẽ tìm thấy sự toại nguyện.