Tôi kết thúc 10km chạy đầu tiên trong một chiều mưa ở ngoài đường Hoàng Sa. Mưa ào lên rồi tạnh. Cứ như vậy, tôi chạy đủ 10km, ngã 1 lần và rách mất vạt áo. Tôi về nhà tắm rửa xong và nằm nghỉ.
Tôi nhận ra, đã rất lâu rồi mình không cảm thấy niềm vui đầy đủ đến vậy – dù hôm đó là ngày tôi nhận tới hai chuyện không vui xảy ra.
Thể thao là thứ đã cứu sống bản thân tôi – theo nghĩa đen của từ này – dù hàng ngày bạn đã có thể nghe ra rả 1000 quảng cáo rằng ta nên tập luyện thể thao để có sức khỏe tốt. (Và xin lỗi nếu tôi lặp lại nó lần thứ 1.001).
Tôi bắt đầu đạp xe khi rơi vào buồn bã vô cớ trong đời sống hàng ngày. Bạn dắt đi mua xe đạp, và chịu trách nhiệm mỗi tuần đi đạp xe cùng tôi một ngày. Phần lớn chẳng có gì vui. Mồ hôi nhễ nhại. Đau khớp chân, vai, cổ. Ướt đầm đìa áo và hôi mùi xăng dầu (Nơi tôi ở cực kỳ ô nhiễm).
Nhưng một sáng thứ Hai tỉnh dậy đi làm, thình lình nhận ra mình đã ngủ 10 giờ, tỉnh dậy thấy muốn đến ngay công ty làm việc. Và đêm qua đã chẳng khóc lóc gì vì buồn bã, đau khổ [vô cớ]. Tôi muốn có thêm nhiều buổi sáng tỉnh dậy khỏe tưng như vậy, và không muốn khóc nữa. Để làm vậy, tôi hỏi tất cả bạn bè mình cách giúp mình có một không gian cho hoạt động thể chất.
Tôi dùng hai quả tạ 2kg/quả để tập 10 phút trong phòng/ngày, tập làm 2 lần.
Hẹn giờ đi chạy và báo cáo cho người bạn làm thầy giáo thể dục của mình.
Tôi hỏi một bạn khác để tập chạy sao cho đúng trong thời gian đầu.
Lên kế hoạch để đi trekking, hiking và climbing và lướt sóng – thứ này đã đảo lộn toàn bộ cuộc sống của tôi.
Xuống nước bơi mỗi ngày 1 -2 giờ ngay cả trong những ngày không có sóng biển.
Cố đi bộ và stretch cơ thể mỗi ngày khoảng 30 phút – trong những ngày không thể chen vào thời gian hay không gian tập luyện (như khi quá cảnh ở sân bay hay đang đi làm dở).
Đó là gần 3 năm dài tôi cố vươn tay tới mọi cơ hội để cam kết mỗi ngày sẽ tập 1 thứ gì đó – đổ mồ hôi tới mức không thể suy nghĩ được -mệt tới mức khi nằm xuống sẽ ngủ thật ngon không hề suy nghĩ – hoặc đôi khi đau cơ tới mức không thể làm được gì nhiều sau hai giờ tập.
Kiệt sức mỗi ngày: Là điều phải tìm kiếm.
Vậy nó giúp gì cho mình?
Tôi nhận ra, nhiều vấn đề tinh thần mình gặp phải như kiệt sức, stress, dễ nổi nóng, căng thẳng thường xuyên… tự nhiên biến mất. Thực ra chúng không tự nhiên biến mất, mà chỉ vì tự nhiên tôi bình tĩnh hơn khi nhìn thấy chúng hiện ra. Như buổi chiều chạy 10km ở đường Hoàng Sa, tôi chạy vì mình rất giận sau khi nhận được tin nhắn công việc không như ý. Nhưng thay vì điên giận, tôi đi tập chạy. Và khi trở về nhà, tôi đủ sức để nhìn thấy rằng mình chậm lại để xử lý nó sẽ ổn. Và cuối cùng sự cố đó ổn.
Tất cả sự cố sức khỏe dần ít xuất hiện. Trước đây, chỉ cần một ngày mưa chen giữa những ngày nắng, tôi sẽ bị cảm, ho, hoặc sốt. Tôi bị đau khớp cổ phải dùng thuốc. Tôi nhức nửa đầu vì viêm đốt sống cổ. Tôi bị tăng cân mất kiểm soát vì ăn uống mất kiểm soát (và cũng vì tôi quá thường bực mình nên ăn nhiều để bớt bực). Gần 2,5 năm qua, khi nhìn lại chi tiêu, tôi đã không mất một chút tiền nào cho những căn bệnh trên. Và các bài tập đúng với đốt sống cổ đã làm tôi ngừng nhức đầu khi ngồi làm việc kéo dài.
Tất cả sự phiền phức tự gây ra cho bản thân không còn hiện hữu nữa: Tôi không còn hay gây chuyện cãi cọ với em trai, bạn bè hay người thân – cũng vì thường đã đến giờ phải tập – nên tôi bỏ qua việc nổi cáu lên và cãi cọ. Tôi cũng ít gây chuyện với đồng nghiệp, vì thường khi quá giận, là lúc tôi có thể đi tập buổi chiều và suy nghĩ kỹ hơn về sự cố xảy ra. Sự hòa bình mà tôi có không phải vì tôi hiền hơn – mà vì hai giờ tập đủ sức để “xả” sạch cơn giận vì ta có đủ thời gian suy nghĩ kỹ hơn về nó – về bản thân – về người khác.
Tôi vui 🙂 Những ai quen biết tôi từ thời trung học đều biết tôi thuộc dạng người bị buồn bã liên miên – chẳng cần lý do hay sự cố. Trải nghiệm niềm vui là thứ hiếm hoi tới mức tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống với niềm vui dài như vậy.
Niềm vui bắt nguồn từ những thứ vô cùng nhỏ nằm trong tầm kiểm soát của bản thân: Như được bạn tập chạy cùng khen đã tiến bộ hơn tuần trước, được chị bạn tập cùng mua cho hộp yogurt ăn vì tuần trước cố gắng, được bạn khen ngợi là thông minh khi nghĩ ra cách vượt qua đoạn leo núi khó, là được lướt trên sóng một đoạn dài hơn 5 giây so với hàng chục lần thất bại trước, là được nhìn thấy đỉnh núi sau khoảng bảy giờ vật lộn từ chân núi…
Những niềm vui như vậy – thường không bị tước đoạt bởi ngoại lực (như bị người khác hạ gục, chê bai hay đốn bỏ), nên chúng có vẻ an toàn vô cùng tận. Vì vậy, niềm vui ở lại lâu hơn, tròn vẹn hơn, miên man hơn :D.
Có thể làm việc nhiều hơn: Bạn tôi, một người tập khoảng 2 giờ mỗi sáng trong phòng gym, kể rằng trước đây cô thường làm việc ở công ty đến 6 giờ chiều là mỏi mệt rã rời. Từ khi đi tập, cô có thể làm tới 9h tối trong suốt cả dự án mà khi về tới nhà vẫn có thể chơi đùa ầm ĩ với con.
Viết ra điều này, tôi không ca ngợi thời gian làm việc kéo dài, mà đặc biệt thích thú vì mình có thể điều khiển cung bậc cảm xúc và sức khỏe của mình dù hoàn cảnh công việc có khắc nghiệt ra sao.
Tôi cũng thường đờ đẫn sau khoảng 4:30 chiều đến mức phải ăn thêm mới ngồi làm tiếp được. Chỉ một năm sau khi bắt đầu chơi thể thao, tôi ở trong một chuyến tường thuật kéo dài 1 tháng, gần như ngày nào cũng dậy từ 4h sáng và làm tới 8h tối. Tôi không hề thấy mệt vật vờ và bỏ cuộc.
Chơi đủ nhiều là cách để làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn. Đó là điều tôi gặp ở nhiều bạn bè mình – những người cam kết với việc tập luyện của họ.
Vậy làm sao để cam kết?
Hãy có bạn chơi cùng – tôi đã viết về cách này trong bài này về sự động viên: https://khaidon.com/2018/09/10/vi-sao-ta-can-co-ban/
Hãy bỏ thật ít tiền: Đừng mua sắm quá độ đồ đạc thể thao và nghĩ nhờ mất tiền mình sẽ chơi hay. Hãy bắt đầu từ những công cụ cần có thể thuê, một món rẻ tiền, hay đơn giản là xài lại thứ cũ bạn có trong nhà. Hãy cho mình không gian khám phá môn thể thao, thay vì bận lòng đi mua sắm như điên và ân hận vì đã mua rồi không chơi. Khi bạn đã cam kết thực sự với môn thể thao, cũng là lúc bạn có thêm kiến thức để đi mua đúng món đồ hợp với cơ thể mình để chơi lâu dài.
Hãy bắt đầu thật dễ và thật không chút gì kỳ vọng: Tôi bắt đầu với 10 phút tập tạ và động tác tay không – nâng dần lên 30 phút và sau đó 1 giờ. Số tiền tôi bỏ ra là : 60k/2 quả tạ, và tôi tập dễ tới mức trong 3 ngày đầu chẳng đổ mồ hôi và đau đớn gì. Sự đau cơ quá độ là rào cản khủng khiếp nhất khiến người mới tập bỏ cuộc. Nếu bạn chẳng có chút dũng khí sức mạnh gì như tôi, hãy cho mình một sự bắt đầu dễ. Hãy dạy cơ thể làm quen với việc tập MỖI NGÀY thay vì tập 1 lần bỏ cuộc luôn.
Mỗi ngày khi xuống nước đi lên, vài cậu bạn thường hỏi: Hôm nay cậu có lướt [ván] được lần nào không? – Ban đầu, tôi thường bối rối vì có ngày chơi cả ba giờ chỉ có thể đứng được 2 lần. Thời gian còn lại là vật lộn khổ sở với sóng biển và ván. Có lần, một ông già (khoảng 75 tuổi) ở gần trại lướt sóng đã cản các bạn hỏi câu đó lại và nói: Tại sao các cậu phải quan tâm con số vậy? – Ít nhất thì cô ấy đã đi bơi một vòng đúng không?
Đó là lúc tôi nhận ra: “Đi bơi một vòng” nghe thật động viên biết bao nhiêu. Tôi không kỳ vọng lướt được con sóng nào nữa, mà mỗi sáng đi xuống biển, tôi nghĩ: Ờ thì đi bơi một vòng cho khỏe. Tôi không hề có thêm sự thất vọng nào từ hôm đó.
Nếu bạn đi chạy, và không thể hoàn thành mục tiêu hôm đó: Hãy nghĩ rằng ít nhất mình đã thay đồ đi chạy, mình sẽ chạy tốt hơn vào ngày mai. Nếu bạn đi leo núi, và mệt tới độ bảo bạn bè đi trước đi, còn bạn ngồi giữa nút chờ họ quay lại một cách yếu đuối: Hãy nghĩ rằng ít nhất mình đã đi, và lần sau mình sẽ leo tới đỉnh núi.
Hãy nhớ rằng, sự đau đớn, kiệt sức, bực dọc ngày hôm nay sẽ cho bạn giấc ngủ ngon, sẽ giúp bạn hiểu khỏe mạnh là một đặc ân không miễn phí (dù chẳng tốn tiền gì lắm), và bạn nên cố gắng đoạt được điều đó cho chính mình để hớn hở hơn mỗi giờ được sống.
Tại sao bạn có thể tốn hai giờ ngồi coi clip trong quán cà phê mà không dành nổi 1 giờ để chạy tới hồ bơi nhảy xuống làm vài vòng hoặc chạy bộ quanh cái chung cư mình sống?
Cuối cùng thì ta không cần đến bác sĩ hay nhà tư vấn để hiểu rằng “tập thể thao có lợi cho sức khỏe” – vì bạn đã nghe nó 1.001 lần mỗi ngày rồi.
Chỉ là, Bạn có thời gian để kiệt sức không?