“7 thói quen của người thành đạt” của Stephen R. Covey là một cuốn sách rất nổi tiếng. Tôi chỉ mới nghe audio và đây là lần đọc đầu tiên. Dạo này sách audio nhiều nhan nhản, rất phù hợp cho những người không thích mỏi mắt hoặc là tranh thủ thời gian trong lúc di chuyển hay làm việc khác. Tuy nhiên, sách audio sẽ không bao giờ có thể thay thế được sách in.
Trong lời mở đầu của cuốn sách có đưa ra gợi ý làm sao để đọc cuốn sách dầy cộp đó cho hiệu quả, đó chính là một nguyên nhân cho sự tồn tại của blog này. Nếu bạn đọc hay học một cái gì đó với tâm thế là ngày mai bạn phải giảng cho vợ bạn, con bạn hay đồng nghiệp thì bạn sẽ hiểu sâu hơn.
“7 thói quen của người thành đạt” là một cuốn sách vừa dầy vừa khó đọc. Khó đọc ở đây là khả năng đọc hiểu đủ sâu để có thể áp dụng. Bạn có thể rất tâm đắc với mỗi câu chữ nhưng để áp dụng lại là việc khác hẳn.
Gần đây thì có hẳn cuốn sách dầy không kém trình bày về thói quen thứ tám. Như vậy tổng cộng là có 7 + 1 = 8 thói quen.
8 entry tiếp theo tôi sẽ dành để diễn giải 8 thói quen của người thành đạt (7+1), với mức độ dễ hiểu nhất có thể. Dù sao khả năng trình bày đơn giản một vấn đề phức tạp vốn là thế mạnh của tôi. Hy vọng sẽ có ích cho nhiều người. Nếu được tốt nhất nên tự mình đọc cuốn sách này.
Trước khi bạn đọc các entry về chủ đề này bạn nên đọc chuỗi entry về Tư duy logic. Đây là chuỗi entry tôi viết trước khi nghe hay đọc cuốn sách này, nó là phần diễn giải rất tốt cho trả lời mô thức là gì? Tại sao lại phải chỉnh sửa thói quen thay vì chỉ quan tâm tới các kỹ năng hay các thể hiện bên ngoài.
1. Muốn có thay đổi lớn trong cuộc đời đòi hỏi phải thay đổi mô thức
Mô thức là một tập hợp nhận thức của chúng ta về những sự vật hiện tượng khách quan xung quanh. Mô thức dẫn dắt suy nghĩ, suy nghĩ thì dẫn dắt hành vi của chúng ta. Lặp đi lặp lại một cách nghĩ, một hành vi sẽ sinh ra thói quen.
Khi mua vé, nếu bạn tôn trọng người khác thì bạn sẽ xếp vào hàng và đợi đến lượt mình. Nếu bạn cho rằng mình phải nhanh chóng mua được vé bằng mọi giá thì bạn sẽ chen lấn.
Nếu bạn cho rằng cuộc sống đầy rẫy bất công. Cho dù bạn có cống hiến đến đâu thì bạn cũng sẽ không bao giờ được đáp trả xứng đáng thì bạn sẽ nghĩ vừa đủ, làm vừa đủ. Ngược lại, nếu bạn cho rằng nếu mình cho đi thì bằng cách này hay cách khác sẽ được trả lại xứng đáng thì bạn sẽ làm việc hết mình mà không để tâm tới lợi ích cá nhân đạt được.
Mỗi chúng ta đều có một mô thức nhất định nào đó. Các nhận thức đó có thể thay đổi vì con người có năng lực tự nhận thức, có nghĩa là con người có thể quan sát chính suy nghĩ của mình. Khi bạn tức giận, bạn biết rằng mình đang tức giận. Bạn biết rõ rằng mình đang nhận thức rằng “cuộc sống là bất công” hay “cuộc sống là công bằng”
Vì tự nhận thức được nên con người có thể thay đổi nhận thức của chính mình. Nhưng việc thay đổi không hề dễ dàng bởi chúng ta luôn có xu hướng bảo vệ nhận thức của mình. Khi bạn cho rằng cuộc sống là bất công thì bạn đã có sẵn một mớ dẫn chứng để chứng minh cho bất cứ ai có ý kiến phản đối. Vì vậy, rất khó để người khác thay đổi nhận thức của bạn. Chỉ có bạn mới có khả năng thay đổi nhận thức của chính mình.
Cuộc sống hay sự nghiệp của bạn đang ở đâu thì tương ứng với mô thức ở vị trí đó. Nếu bạn cảm thấy mình đang bế tắc, đang không biết đi đâu thì trước hết phải xem xét và thay đổi một nhận thức nào đó trong mô thức của bạn.
Việc thay đổi mô thức có thể khiến bạn đi lên hoặc cũng có thể khiến bạn đi xuống tùy vào nhận thức bạn thay đổi theo chiều hướng phù hợp hay không phù hợp. 7 + 1 thói quen chính là các thói quen mà bạn phải hình thành sau khi đã nhận thức được rằng mô thức mà bạn đang sở hữu có thể cải tiến giúp có lợi cho sự nghiệp cũng như cuộc sống của bạn.
“Kẻ thù lớn nhất của sự thật không phải là sự dối trá, âm mưu và giả tạo mà là sự lầm tưởng, ngoan cố và thiếu thực tế.” – Jonh F. Kennedy
2. Về giá trị và năng lực tạo ra giá trị (Khái niệm P/PC)
P là viết tắt của Production (sản phẩm) và PC là viết tắt của Production Capability (Năng lực sản xuất)
Dây chuyền sản xuất là PC, sản phẩm ra khỏi dây chuyền đó là P. Nếu chỉ chăm chăm sản xuất nhiều P bằng cách bắt máy móc hoạt động liên tục không bảo dưỡng thì ngắn hạn trước mắt năng suất sẽ tăng nhưng lâu dài năng suất sẽ giảm. Nếu chỉ chăm chăm cho máy nghỉ để bảo dưỡng thì năng suất thấp mà không hiệu quả. Muốn hiệu quả phải cân bằng giữa P và PC.
Chúng ta chính là PC. Chúng ta dùng sức lao động để tạo ra giá trị cho người khác và nhận lại tiền lương là P. Nếu ta chỉ chăm chăm làm sao kiếm được nhiều tiền bằng cách làm ngày đêm, không dành thời gian cho học tập nghỉ ngơi thì xét về lâu dài là không hiệu quả.
Chúng ta dễ bị mất cân bằng trong cuộc sống. Khi quá coi trọng công việc ta sẽ không đầu tư cho gia đình, cho chính bản thân. Nếu ta dành nhiều thời gian cho gia đình cho bản thân thì chúng ta cũng khó thành công trong công việc.
Giữa PC và P phải có sự cân bằng. Vừa phải coi trọng P vừa phải chịu khó chăm sóc cho PC.
Việc thay đổi nhận thức của mình, học 7+1 thói quen chính là đầu tư vào con người, vào PC.
3. Thói quen chủ động là gì?
Thói quen chủ động thể hiện thông qua tính chủ động. Người chủ động sở hữu thói quen chủ động. Họ suy nghĩ, hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế. Khi có vấn đề xảy ra trước hết họ nhìn nhận chính bán thân mình.
Người thụ động thì khác. Người thụ động sở hữu thói quen thu động. Họ suy nghĩ, hành động lệ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh, bị tình thế tác động. Khi có vấn đề xảy ra thì họ có xu hướng đổ lỗi cho xung quanh ngoài chính họ.
Do cách nghĩ khác nhau nên người chủ động khi đối mặt với khó khăn thì tìm cách để vượt qua. Người thụ động khi đối mặt với khó khăn thì tìm người đổ lỗi để cảm thấy an tâm rằng mình không có lỗi cho những gì đã xảy ra.
Người chủ động luôn biết rõ mình phải làm gì và làm như thế nào. Nếu như họ không biết thì họ sẽ nhanh chóng tìm tới người để hỏi. Nếu người thụ động không biết phải làm gì và làm như thế nào thì họ làm trong sự lờ mờ không hiểu rõ, họ không tự tìm người để hỏi mà bị động đợi người tới giúp mình.
4. Vùng quan tâm và vùng ảnh hưởng
– Bạn có quan tâm tới mối quan hệ căng thẳng giữa Liên bang Nga và Châu Âu không?
– Có.
– Vậy bạn có thể làm gì?
– Không thể làm gì.
– Bạn có quan tâm tới việc tăng giá điện không?
– Có.
– Bạn có thể làm gì?
– Tôi nghĩ tôi có thể làm cái gì đó nhưng đó không phải là ưu tiên của tôi.
Mỗi chúng ta đều có hai vòng tròn. Có rất nhiều thứ chúng ta quan tâm nhưng có rất ít thứ chúng ta có thể gây ảnh hưởng. Trong hầu hết trường hợp thì vùng quan tâm sẽ bao trùm lên vùng ảnh hưởng.
Người chủ động tập trung vào những thứ anh ta có thể kiểm soát, những thứ anh ta có thể gây ảnh hưởng. Khi giải quyết vấn đề, anh ta tập trung vào những thứ anh ta có thể làm được. Khi anh ta nhìn nhận vấn đề là từ bản thân thì vì anh ta làm chủ bản thân nên anh ta có thể tác động nhằm giải quyết vấn đề.
Người thụ động tập trung vào những thứ anh ta quan tâm. Anh ta quan tâm tới rất nhiều thứ từ trên trời xuống dưới biển, từ nội chiến ukraira tới việc bà bán phở đầu ngõ vừa có bộ tóc mới. Khi giải quyết vấn đề, anh ta tập trung vào lỗi lầm của người xung quanh, những người anh ta không thể kiểm soát.
Người chủ động tập trung vào vòng tròn bé nên dần dần họ mở rộng vòng tròn bé tới sát vòng tròn quan tâm thông qua việc mở rộng năng lực và tầm ảnh hưởng của chính mình.
Người thụ động tập trung vào vòng tròn to nên dần dần mở rộng thêm vòng tròn to trong khi vòng tròn bé vẫn cứ bé. Khi đổ lỗi cho xung quanh thì đương nhiên anh ta không có lý do gì để thay đổi chính mình vì vậy năng lực của anh ta không thay đổi.
Việc tập trung vào vùng ảnh hưởng không có nghĩa là anh ta vô cảm hay ích kỷ. Anh ta vẫn có thể thương xót tới những nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay, tới trẻ em chết đói tại châu phi, tới sự khốn khổ của người dân trước sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Điểm khác biệt là anh ta không nói cả ngày về việc đó hay đọc mọi bài viết về những chủ đề đó.
Tóm lại để rèn luyện sở hữu thói quen chủ động:
Cho dù trước đây nhận thức của bạn thế nào thì nhận thức của bạn bây giờ phải là tôi làm chủ cuộc sống của tôi, thành hay bại là do tôi;
Tập trung vào bên trong thay vì hướng ra bên ngoài. Hướng sự chú ý tới vùng mình có thể gây ảnh hưởng. Hạn chế chú ý tới vùng quan tâm nhưng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của mình;
Đừng để ngoại cảnh tác động tới cảm xúc của bạn hay tác động tới suy nghĩ của bạn về chính bạn;
Đừng để ngoại cảnh đưa đẩy bạn tới đâu thì tới. Hãy chịu khó dự đoán trước để hành động khi còn sớm;
Nếu bạn có một quyết định nào đó sai lầm thì hãy nhanh chóng nhận sai lầm và đưa nó vào vùng quan tâm để bạn không mắc lại sai lầm đó trong tương lai;
Hạn chế sử dụng ngôn ngữ mang tính do dự, lệ thuộc:
Giá như họ đối xử tốt với tôi thì tôi đã thành công;
Nếu trời không mưa thì tôi đã có một buổi chiều vui vẻ;
Tôi phải đi ăn nhậu liên miên vì bạn bè rủ rê;
Tôi chọn học trường đó vì bố mẹ tôi bảo thế;
Gia đình tôi sẽ có cuộc sống hạnh phúc nếu như cô ta chịu thay đổi.
—
Tính chủ động
Trong yêu cầu tuyển dụng hầu hết đều có câu “Có tính chủ động”. Tính chủ động được thể hiện thông qua việc không phải nhắc việc, tự xử lý các vấn đề khó khăn gặp phải, tự đặt ra mục tiêu và hoàn thành.
Quản lý một người chủ động rất dễ chịu vì người quản lý biết chắc rằng công việc sẽ hoàn thành cho dù có những rủi ro xảy ra. Đa phần việc quản lý là quản lý theo mục tiêu mà không cần thiết phải quản lý theo tiến trình.
Người có tính chủ động thường có thói quen chủ động. Người có thói quen thụ động có thể thể hiện ra bên ngoài rằng mình có tính chủ động nhưng sẽ khó được lâu dài và không sớm thì muộn sẽ lộ ra thói quen thật của mình.
Người có tính chủ động có thể tự quyết định khi gặp khó khăn nhưng họ biết rõ phạm vi ra quyết định của mình, khác với việc tự tung tự tác.
Trong phỏng vấn để phát hiện ra người có thói quen chủ động hay không thì đơn giản là bằng cách anh ta nhìn nhận các vấn đề gặp phải. Nếu như các vấn đề anh ta gặp phải đều do nguyên nhân bên ngoài, anh ta không có lỗi gì cả thì đó chắc chắn không phải là người chủ động.
Tại sao nên nhận trách nhiệm về mình?
Có lúc vấn đề xảy ra mà nếu xét theo đúng trách nhiệm không phải lỗi của ta. Ta hoàn toàn có thể khẳng định ta không có lỗi nhưng tại sao ta vẫn nên nhận trách nhiệm?
Vì nhận trách nhiệm là bước đầu tiên để bạn có thể tiến bộ. Nếu ta đúng thì ta không có gì phải chỉnh sửa hết vì vậy cũng không có tiến bộ nào. Việc này có lợi trực tiếp cho chính chúng ta. Việc ta có lỗi hay không thì người ngoài sẽ đánh giá mà không phụ thuộc vào việc ta nhận hay không nhận.
Một người sẵn sàng trách nhiệm về mình luôn được đánh giá cao trong một tổ chức. Tất nhiên việc nhận trách nhiệm phải dẫn tới những đề xuất, những thay đổi, những cải tiến để giảm thiểu khả năng vấn đề xuất hiện trong tương lai.
Trong một cuộc xung đột, nếu bạn nhận lỗi về mình thì người đối diện cũng sẽ tự nhìn nhận lại mình. Nếu cả hai cùng cho rằng lỗi tại người bên kia thì cuộc tranh cãi sẽ không bao giờ chấm dứt.
Thông thường con người chúng ta có xu hướng tìm giải pháp từ bên ngoài bản thân mình. Học lên thạc sỹ, tiến sỹ, du học, tham gia nhiều khóa học, đọc nhiều cuốn sách, copy thật nhiều file ebook về máy tính…Tất cả cuối cùng cũng là để chính mình an tâm rằng mình đang phục vụ cho tương lai, rằng một lúc nào đó trong tương lai mình sẽ cần tới.
Tôi nghĩ rằng: việc tìm các giải pháp từ bên ngoài chỉ là lãng phí thời gian. Mọi sự chuẩn bị không bao giờ là đủ, cuối cùng vẫn là chúng ta có dám thay đổi bản thân hay không mà thôi. Mọi thứ xung quanh bao gồm cả cuộc đời bạn sẽ thay đổi khi mà bạn thay đổi bản thân. Nếu bạn đang bế tắc, không lối đi, mất phương hướng thì giải quyết vấn đề không phải là nên học khóa học nào, xin vào công việc nào mà phải là xem xét chính bản thân mình xem mình phải thay đổi cái gì.
Nếu bạn đã có nhận thức này thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian. Nếu bạn không tin thì một lúc nào đó khi đã trải nghiệm đủ thì bạn sẽ tự nhận thức.