Học cách yêu chính mình

Yêu chính mình – trước đây, tôi chưa từng nghĩ tới điều này. Thực tế, nếu cách đây 5 năm bạn hỏi tôi “Bạn có yêu bản thân mình không?” thì tôi sẽ trả lời rằng: “Dường như đây là điều tôi chưa bao giờ xếp ở những vị trí quan trọng nhất. Tôi vẫn nghĩ mình phải yêu mọi người hơn”. Cuộc sống của tôi không tập trung vào tôi mà là những người khác.

Cho đến một ngày tôi trò chuyện với một người bạn. Cô ấy cực kỳ ủng hộ cho tư tưởng “yêu bản thân mình” (self-love). Cô ấy hỏi tôi cuộc sống của tôi thế nào và tôi kể cho cô ấy vài chuyện khó khăn tôi đã trải qua. Công việc của tôi và cách mà sếp đã lợi dụng tôi như thế nào. Mối quan hệ của tôi và việc tôi liên tục bị chỉ trích. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như thể tôi chưa đủ tốt, chưa đủ cố gắng và chưa đủ nhiệt huyết.

Tôi thừa nhận tôi cảm thấy bị đánh giá thấp sau những gì tôi đã đóng góp và tâm huyết của mình với công việc. Tôi giúp đỡ mọi người, tôi nói “có” với gần như mọi thứ, tôi không từ chối điều gì, tôi thừa nhận vấn đề của mình đầu tiên, tôi né tránh tranh luận. Đến cuối ngày, tôi cảm thấy như thể mình bị vắt kiệt sức.

Nếu có thể thực lòng, tôi sẽ nói rằng tôi thường cảm thấy bị xem thường, phớt lờ, quá tải, áp lực và tôi thực sự chưa bao giờ có được điều tôi muốn.

“Thế cậu muốn gì?”, cô ấy hỏi.

Tôi đứng đó và nhìn cô ấy vài phút với cảm giác nôn nao ở bụng. Sự thật là tôi thậm chí còn không biết tôi muốn gì cả.

Sau này, tôi học được rằng những gì tôi đã trải qua là điều mà rất nhiều người cũng phải chịu đựng – đặc biệt là phụ nữ – những người mà dành cả đời cố gắng để được chấp nhận và cố gắng vì những mong muốn của những người khác. Nhưng họ chẳng hề biết họ thực sự là ai và điều gì quan trọng với họ. Ý tưởng về việc “yêu bản thân” là điều gì đó quá xa vời, không chỉ bởi vì họ không hiểu rõ ý nghĩa của cái gọi là “yêu bản thân” mà cũng bởi vì họ thậm chí còn không biết “bản thân họ” thực sự là ai nữa.

Mặc dù nghe có vẻ như chúng ta là những người “vị tha” khi tập trung vào người khác nhưng sự thật là nó không hẳn là vị tha. Thực tế, một người đánh mất cảm giác về bản thân mình rốt cuộc rồi sẽ dựa dẫm vào những người khác: tìm kiếm sự ủng hộ, công nhận và cảm thấy ổn.

Chúng ta cố gắng xuất hiện thật hấp dẫn, xinh đẹp, tử tết, có giá trị trước người khác thay vì khám phá điều chúng ta thực sự cảm thấy và mong muốn cho chính mình. Trong sự sắp đặt về mặt vô thức hoặc có ý thức này, những người khác được kỳ vọng là sẽ mang đến cho chúng ta những cảm xúc của riêng chúng ta. Chúng ta hy sinh sự phát triển của chính mình để cảm thấy có giá trị và có sức sống. – Polly Young-Eisendrath, Women & Desire.

Sau một hồi chia sẻ, cô ấy không bảo tôi nên nghỉ việc, cắt đứt vài mối quan hệ hay mặc kệ tôi. Thay vào đó, cô ấy để tôi phải tự giải quyết. Cô ấy nói: “Cậu cần phải nói lên tiếng nói của chính cậu. Nếu cậu không yêu chính cậu thì cậu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hay cảm nhận tình yêu của những người khác”.

Tôi nhìn cô ấy với đầy sự hoài nghi.

“Và cậu sẽ không thể thực sự yêu bất cứ ai cho tới khi cậu có thể yêu chính bản thân cậu”.

Thực lòng, tôi không chắc là tôi tin cô ấy. Nhưng có lẽ tôi cũng không còn cách nào khác. Tôi cảm thấy bản thân mình chỉ là vỏ bọc con người với bên trong hoàn toàn trống rỗng. Tôi cần lấp đầy bên trong bằng thứ gì đó. Thế nên, tôi nói tôi sẽ thử “nói lên tiếng nói của tôi” và tôi hỏi cô ấy tôi nên làm gì tiếp theo. Cô ấy gợi ý cho tôi vài cuốn sách.

***

Tại sao yêu chính mình lại khó khăn đến như vậy?

Yêu bản thân không hề dễ, đúng hơn là cực kỳ khó. Đặc biệt, nếu bạn là người thường xuyên hành động vì những mong đợi của người khác (bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp…), ít khi nêu ra ý kiến cá nhân và luôn trách móc bản thân, dù chỉ là những sai lầm rất nhỏ. Trong những trường hợp này, để dành một chút tình yêu cho chính bản thân bạn, một bước nhảy niềm tin là điều rất cần thiết. Nó có nghĩa là bạn phải tin tưởng vào chính mình nhiều hơn, không chỉ là vẻ ngoài, là kiến thức mà cả ở đời sống tâm hồn của bạn nữa. Nhưng bước nhảy niềm tin này không dễ mà có được bởi có một vài lý do hiện hữu.

Thành kiến tiêu cực (Negativity bias)

Tưởng tượng có hai bài báo nói về bạn vừa được xuất bản. Bài báo đầu tiên ca ngợi bạn và công việc của bạn, rằng bạn là người có tài năng thiên bẩm, rằng bạn luôn mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người và khuyến khích mọi người nên noi gương bạn.

Bài báo thứ hai thì ngược lại. Nó cho rằng bạn là một kẻ ngốc và chẳng biết gì cả. Lúc nào cũng gặp sai lầm, vẻ ngoài khó ưa, lười biếng, trì hoãn, rằng bạn là người tẻ nhạt, nói chuyện với bạn thật tốn thời gian. Nói chung là mọi người không nên tiếp xúc với bạn.

Bài báo nào sẽ gây sự chú ý của bạn và khiến bạn để tâm nhiều hơn?

Thực tế là rất nhiều người bị ám ảnh bởi bài báo thứ hai (tiêu cực) hơn là bài báo thứ nhất (tích cực). Và điều này hoàn toàn dễ hiểu. Đây chính là điều mà các nhà tâm lý học gọi là “thành kiến tiêu cực”.

Thành kiến tiêu cực là hiện tượng mà nếu có hai thứ xảy ra với mức độ tác động như nhau thì thứ tiêu cực sẽ thu hút sự chú ý của bạn nhiều hơn thứ tích cực.

Daniel Kahneman – tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tư duy nhanh và chậm” (Thinking, Fast and Slow) giải thích điều này như sau: “Cơ chế của não bộ ở con người và ở một số loài động vật khác được thiết kế để ưu tiên chứa các tin tức xấu. Chỉ cần một vài phần trăm của giây cũng đủ để phát hiện ra kẻ săn mồi, chu trình này giúp các động vật sống sót để duy trì nòi giống”. Hay nói cách khác, với tổ tiên chúng ta, việc tránh các mối đe dọa thật nhanh còn quan trọng hơn việc nhận được một phần thưởng. Nếu họ bỏ lỡ một phần thưởng (chẳng hạn, một con thỏ) thì nó không phải là vấn đề gì to tát; vẫn còn đầy những con thỏ khác trong rừng. Nhưng nếu không thể tránh được một mối đe dọa thì có thể họ sẽ bị giết. Chọn lọc tự nhiên dần dần định hình chúng ta lúc nào cũng đề phòng, cảnh giác ở mức cao nhất đối với bất cứ điều gì mà có thể hãm hại chính chúng ta.

Để có thể tồn tại và duy trì nòi giống, tổ tiên của chúng ta tập trung vào những điều tiêu cực và đến bây giờ, chúng ta vẫn thừa kế đặc điểm đó. Giống như nhiều thành kiến nhận thức khác, thành kiến tiêu cực có ích cho chúng ta trong quá khứ nhưng đến hiện tại, nó kéo theo nhiều bất lợi. Cụ thể, chúng ta ít nhìn nhận vào những mặt tốt của mình mà chỉ tập trung vào các mặt yếu và bị ám ảnh liên tục bởi chúng.

Tác động của truyền thông

Lý do này rất dễ nhận thấy. Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng nghìn bài báo, video, hình ảnh về các ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, tỷ phú, triệu phú, người thành công… xinh đẹp, tài năng và bản lĩnh. Họ xuất hiện ở khắp nơi, được ca ngợi, ngưỡng mộ bởi hàng triệu người và tần suất thông tin về họ tăng chóng mặt. Truyền thông khiến bạn nghi ngờ chính mình: kém cỏi, xấu xí, vô dụng, chẳng có tài năng gì, nhút nhát, yếu đuối, và vô số những từ ngữ tiêu cực khác.

Truyền thông mang đến cho bạn hàng ngàn giải pháp, từ các chế độ ăn để giảm cân, làm đẹp, thay đổi ngoại hình cho đến những bí quyết để thông minh hơn, tự tin hơn, giàu có hơn… Bạn cố gắng thay đổi mình hết sức có thể cho dù nhiều trong số những thay đổi đó chẳng hề khiến bạn cảm thấy hạnh phúc thực sự.

Dưới tác động của truyền thông, yêu chính mình là điều gì đó quá khó.

Yêu bản thân (Self-love) hay bệnh ái kỷ (Narcissism)

Yêu bản thân sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, khi đề cập tới yêu bản thân, một số người phản bác lại nó và đồng nhất nó với một căn bệnh tâm lý “yêu bản thân mình thái quá”. Quan điểm này không hề đúng.

Yêu bản thân mình thái quá hay bệnh ái kỷ, tự yêu mình (Narcissism) là một loại rối loại thuộc nhóm rối loạn nhân cách (Personality Disorder). “Rối loạn này là một nhóm các trải nghiệm và hành vi kéo dài bao gồm việc tự coi mình là trung tâm, thiếu lòng vị tha và đề cao quá mức tầm quan trọng của bản thân”. Chính vì vậy, nó kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đến các khía cạnh của đời sống, bao gồm cả tương tác xã hội, gia đình và công việc.

Trong khi đó yêu bản thân (Self-love) là tình yêu vô điều kiện, sự trân trọng và chấp nhận chính con người bạn. Bất kể bạn có làm gì, bạn vẫn yêu chính bản thân mình, thừa nhận sai lầm và tìm cách sửa chữa. Bạn không khắc nghiệt, hành hạ bản thân. Bạn dành cho mình một sự hy vọng và cơ hội để thay đổi theo hướng tốt đẹp. Yêu bản thân là tiền đề để yêu những gì xung quanh bạn.

Dưới đây là một số điểm khác biệt rõ ràng giữa yêu bản thân và yêu bản thân mình thái quá.

Nhu cầu được nhận dạng

Yêu bản thân: Những người thuộc nhóm này không cần sự nhận dạng hay lời chúc mừng, ca tụng vì những gì họ đạt được. Họ hiểu rõ nỗ lực và thành công mình đạt được và ngần ấy đủ để họ cảm thấy hài lòng.

Yêu bản thân thái quá: Với những người thuộc nhóm này, nếu thành công của họ không được ca tụng, không được ai biết đến thì đó chưa phải thành công. Nếu thiếu những lời ca ngợi, họ có cảm giác rằng họ chưa đạt được điều gì cả. Họ cảm thấy trống rỗng bởi vì nó không được ngưỡng mộ bởi người khác.

Nhận ra khuyết điểm của bản thân

Yêu bản thân: Ai cũng có khuyết điểm và sai lầm. Với những người yêu bản thân, họ chấp nhận những gì họ thiếu sót và cố gắng để cải thiện nếu có thể. Họ hiểu rằng những khuyết điểm ở vẻ ngoài là điều làm họ trở nên duy nhất.

Yêu bản thân thái quá: Những người thuộc nhóm này hành động như thể họ chẳng hề có khuyết điểm nào cả. Họ hoàn hảo. Mọi thứ họ biết, họ làm đều tốt hơn bất cứ ai. Mọi thứ họ có đều tốt hơn của người khác. Nếu ai đó nói ra lỗi của họ, họ sẽ cho đó là sự hiểu nhầm bởi vì không đời nào họ lại gây ra những lỗi như thế cả.

Hiểu chính mình là ai và thoải mái với nó

Yêu bản thân: Những người thuộc nhóm này thoải mái với chính con người họ, trân trọng họ và những gì họ có. Họ cảm thấy không cần phải thay đổi bản thân mình quá nhiều theo kỳ vọng của người khác để có hạnh phúc, bởi vì họ đã thực sự hạnh phúc ở hiện tại.

Yêu bản thân mình thái quá: Họ chưa bao giờ hạnh phúc với con người và những gì họ có. Họ phấn khích với lối sống mới, công việc mới, diện mạo mới. Họ không hề thấy hài lòng. Họ nghĩ mình xứng đáng được nhận nhiều hơn nhưng chẳng hề cố gắng thêm chút nào để đạt được điều họ khao khát.

Nhận thức cảm xúc của người khác

Yêu bản thân: Họ lắng nghe và đồng cảm với cảm xúc của những người khác, chia sẻ nỗi đau và khó khăn. Họ đưa ra lời khuyên và sự giúp đỡ nếu có thể.

Yêu bản thân mình thái quá: Vì coi chính mình là trung tâm nên họ không quan tâm tới những người khác. Đôi khi, họ giả vờ quan tâm nhưng thực lòng không phải vậy.

Công nhận giá trị của đồng nghiệp

Yêu bản thân: Người yêu bản thân luôn trân trọng những người khác. Họ coi đồng nghiệp, bạn bè đều là những cá thể như họ. Họ trở thành những người bạn tốt, luôn đồng hành và thấu hiểu.

Yêu bản thân mình thái quá: Họ không coi trọng người khác. Họ lợi dụng người khác vì lợi ích của mình. Họ luôn bao quanh mình với những người giống như họ. Những người “đặc biệt”, “tài năng” và “khác người”. Không ai xứng đáng với thời gian họ bỏ ra.

Bạn có thực sự biết cách yêu bản thân mình?

Yêu bản thân khó nhưng nếu biết cách thực hiện từ những bước nhỏ đầu tiên, bạn sẽ dễ dàng làm được.

1. Nhận ra giọng nói bên trong bạn (Inner voice)

Đầu tiên là nhận ra cách bạn đối xử với chính bạn. Bạn nói gì khi bạn thất bại? Có phải là “không sao, sẽ tìm ra cách sửa chữa”, hay “mình kém cỏi quá, mình chẳng làm nên trò trống gì?”…

Dưới đây là vài tình huống mà bạn nên dành sự chú ý vào giọng nói bên trong bạn.

Khi bạn thức dậy và nhìn vào gương
Khi bạn bị sếp mắng
Khi ai đó xúc phạm bạn
Khi bạn xúc phạm ai đó
Khi bạn giận dữ
Khi bạn nhìn thấy một người cần giúp đỡ nhưng bạn phớt lờ
Khi bạn tăng cân
Khi bạn mắc sai lầm trong công việc
Khi bạn ăn những thực phẩm không lành mạnh
Khi bạn không tập thể dục
Khi bạn nói dối ai đó
Khi bạn làm ai đó khóc
Khi bạn lười biếng
Khi bạn nghỉ ngơi

Liệu bạn còn yêu bản thân mình trong tất cả những tình huống này? Nếu không, hãy chuyển sang bước 2.

2. Kiểm soát giọng nói bên trong

Những thứ mà bạn nghe trong đầu sẽ ở bên bạn suốt cuộc đời dù rằng có thể bạn không để ý tới chúng trước đây. Nhưng sự thật là bạn đã nuôi bản thân mình bằng những lời nói đó trong nhiều năm liền. Và bạn càng nghe, bạn càng tin chúng. Điều này có nghĩa, tất cả những suy nghĩ tiêu cực mà bạn nói với chính mình nếu không được loại bỏ thì dần dần chúng sẽ trở thành niềm tin mạnh mẽ của bạn. Nhưng bạn có thể thay đổi chúng. Từng bước một.

Bây giờ, lần tới khi bạn mắc sai lầm và tự nghĩ/nói ra điều gì đó tiêu cực, hãy dừng lại và nói “hủy đi, hủy đi”. Sau đó, nói ra một điều gì đó khác, tích cực hơn, mang tính hỗ trợ và khuyến khích chính bạn. Chẳng hạn, “mình có thể vượt qua được, hãy bắt đầu từ sai lầm”. Và hành động.

Mẹo nhỏ này nghe có vẻ khó tin và nực cười nhưng kiên trì luyện tập sẽ mang lại tác dụng kỳ diệu.

3. Đối xử với chính bạn như một đứa trẻ

Sau khi đã khắc nghiệt với chính mình, bạn không biết làm thế nào để xoa dịu chính mình nữa.

Vậy thì hãy tưởng tượng bạn như một đứa trẻ. Lúc này, bạn trông thật đáng yêu, nhạy cảm, và cần tình yêu từ người khác. Và đó là chính bạn. Hãy dành tình yêu cho nó, quan tâm tới nó và đối xử như nó là “đứa trẻ” của bạn – một đứa trẻ bên trong tâm hồn.

4. Yêu bản thân cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất

Bạn làm gì khi bạn yêu ai đó, chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em, người yêu hay bạn thân? Bạn tặng cho họ quà? Bạn nói những lời yêu thương? Bạn dành thời gian cho họ? Bạn làm cho họ mọi điều tốt nhất có thể.

Tình yêu là cảm xúc và yêu là động từ. Thế nên, khi bạn nói bạn dành tình yêu cho bản thân thì hãy làm gì đó để thể hiện tình yêu đó, như lúc bạn yêu người khác.

Hãy nghĩ về tất cả những thứ bạn thích thú, hài lòng và đơn giản là thực hiện chúng. Chẳng hạn, một ngày hẹn hò với bản thân, ăn tối một mình, đi dạo, xem phim, đi chơi dài ngày…, bất kể điều gì bạn thích.

Cuộc sống là chuyến hành trình khám phá bản thân. Với tôi, được khai sáng nghĩa là đi sâu vào con người mình, biết mình là ai, mình thực sự là cái gì và có khả năng thay đổi để tốt hơn bằng cách yêu và quan tâm tới chính mình.

Yêu bản thân không phải là sự ích kỷ. Khi biết yêu bản thân, chúng ta sẽ yêu thương người khác thật lòng. Chúng ta sẽ san sẻ được tình yêu thật sự chứ không phải là sự giả dối. Tình yêu đó tồn tại lâu dài, bền chặt chứ không dễ gì phai nhạt, rạn vỡ.

Yêu bản thân nghĩa là bạn thực sự trân trọng bạn là ai, chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của bạn – ngoại hình, sự ngượng ngùng, những thứ bạn làm chưa tốt và cả những thứ tuyệt vời nữa.

Bạn có thể lựa chọn yêu bản thân hay không theo cách mà bạn vẫn chọn sự giận dữ, ghét bỏ, nỗi buồn, thành công, sự chấp thuận hay lời khen của người khác. Bạn có thể chọn tha thứ hoặc khắc nghiệt với chính bạn. Bạn có thể chọn biết ơn, chọn tình yêu và chọn những thứ ngược lại. Vậy bạn chọn gì?