Làm người tốt thật khó

Quả thật làm người tốt không đơn giản. Mỗi buổi sáng, tôi phải thức dậy thật sớm chui ra khỏi gầm cầu thang chung cư Chợ Quán, nhịn đói lội bộ đến điểm hẹn với các bạn.

Đồng lương đầu tiên

Vào sáng thứ hai đầu tuần, tất cả chúng tôi phải đạp xe lên Trung tâm Bình Triệu để họp giao ban, còn triển khai công tác thì họp ngay tại các công viên hoặc ngồi trước thềm Cung Văn hóa Lao động. Được vài tháng, chúng tôi bắt đầu có văn phòng riêng ở số 41/3 Phạm Ngọc Thạch. Dần dần nghề dạy nghề, tôi có nhiều kỹ năng tiếp cận hơn, nói năng không còn ngập ngừng như trước nữa. Từ ngày có văn phòng, tôi có cảm giác mình đã là một nhân viên chân chính như bao nhiêu phụ nữ bình thường khác trong xã hội – có công ăn việc làm, sáng đi chiều về.

Tôi cứ đi bộ để làm việc trong khi cả nhóm đi xe đạp, chỉ Bình có xe máy chạy tới chạy lui. Các bạn hùn tiền cho tôi mượn mua xe đạp cũ. Được giúp đỡ có xe tôi rất xúc động. Chính sự ân cần của các bạn càng giúp tôi thêm nghị lực vươn lên. Tôi cố gắng sống thật tốt để tạo niềm tin nơi các bạn mới của tôi. Ngày ba buổi, sáng học tập, chiều và tối đi tiếp cận, tôi đạp xe đều đặn từ chỗ ở tới văn phòng hơn năm cây số.

Nhớ lại lần đầu ký tên lãnh lương, tôi cầm cây viết mà run run xúc động không biết viết tên mình như thế nào. Ký tên xong bước ra khỏi phòng kế toán, tôi cứ đếm đi đếm lại ba trăm ngàn đồng trên tay. Đếm hoài không biết mỏi. Nước mắt chảy dài. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào với đồng tiền rất ư là trong sạch. Tôi không bao giờ quên lần đầu ký tên ấy trong đời. Với đồng lương khiêm tốn, tôi phải dè sẻn trả bớt nợ cho những người đã cho tôi vay khi tôi còn sống lang thang ngoài đường phố. Cũng vì vậy mà tôi không thể phụ giúp được cho má tôi.

Má tôi thấy tôi cứ đi đi về về, ăn cơm ké hoài mà không phụ đồng bạc nào, bà bực mình chửi chó mắng mèo khi có mặt tôi ở nhà. Rồi chuyện đến phải đến, một trận cãi vã kịch liệt giữa hai má con. Tôi ôm quần áo bỏ đi, rời xa má tôi, rời xa gầm cầu thang chung cư Chợ Quán.

Tựa nương tình người

Không còn nơi nương tựa để có thể sống cuộc sống tốt mà tôi vừa có được. Trong túi không có tiền, giấy tờ tùy thân cũng không nốt, làm sao thuê được căn phòng nhỏ để ở? Tôi lang thang, chân mỏi rã rời. Đánh liều, tôi về văn phòng xin bảo vệ cho ngủ đỡ qua đêm. Bảo vệ không dám cho tôi ngủ nhờ vì sợ bị sếp rầy. Năn nỉ mãi, cuối cùng anh đành cho tôi ngủ tạm ở phòng sinh hoạt. Bốn giờ sáng, tôi dậy thật sớm rời văn phòng, ra đầu hẻm. Thời gian chờ đợi dài lê thê…

Từ đó, ban ngày tôi đi tiếp cận với các bạn, đến tối, khi các bạn về nhà hết, tôi vẫn đi tiếp cận một mình vì tôi cũng không biết đi đâu nữa. Đến 22 giờ, tôi mới dám nhấn chuông xin vào, tắm rửa vệ sinh xong là trải khăn bàn ra nằm ngủ ngon lành sau một ngày mệt lử. Ngủ một mạch đến bốn giờ sáng thức dậy, lại ra đầu hẻm ngồi uống cà phê chờ đúng giờ làm việc mới dám trở vô… Tôi sống như vậy ròng rã gần một năm trời.

Sống trong môi trường mới tôi ngộ ra một điều: còn có rất nhiều người tốt trong xã hội mà trước đây tôi cho là rỗng tuếch, là cạn tình người. Trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có dịp đối diện với những người bình thường trong xã hội. Nhưng bây giờ tôi được tiếp xúc với mọi tầng lớp trí thức, từ các anh chị phóng viên đến các vị bác sĩ nổi danh… Các anh chị không dè bỉu khinh khi tôi, xem tôi như một người bạn, một đứa em, một người chị trót lỡ sa chân nay đã quay trở về. Sự ân cần, động viên, yêu thương ấy đã giúp tôi vượt qua mặc cảm. Tôi tự nhủ phải sống thật tốt, phải làm được nhiều việc có ích, phải tìm cách giúp các em, các bạn rời xa ổ mại dâm, ổ ma túy, tìm cách đưa các em tìm lại tuổi hồn nhiên, giúp các chị mại dâm trở về cuộc sống bình thường.

Nhân thêm cơ hội

Tôi theo nhóm đi tiếp cận, truyền thông, phát những tờ bướm mang thông tin đến cho mọi người. Công việc tưởng dễ nhưng không dễ! Tôi phải nhập vai trong từng hoàn cảnh ở những tụ điểm, thuyết phục đủ cách để các chị hiểu về an toàn tình dục và chấp nhận thay đổi hành vi. Để công việc được thuận lợi, tôi đã làm cả những việc không có trong chương trình hướng dẫn.

Tôi tìm đến những bạn bè cũ đang ở chung xóm hoặc có quen với chủ chứa, mời gọi họ tham gia làm cộng tác viên. Ở khu vực “cây điệp đôi” ngã bảy Lê Hồng Phong, tôi mời gọi Tư Huệ, và Huệ đồng ý cùng tôi đi dán ápphích tuyên truyền HIV/AIDS trong những con hẻm ngoằn ngoèo. Huệ giúp tôi nói chuyện với chủ chứa, tặng bao cao su để chủ bán cho khách, hướng dẫn các chị xài bao cao su cho đúng cách, đưa các chị đến bệnh viện da liễu khám chữa bệnh miễn phí… Tôi vận động Huệ đi làm giáo dục viên đồng đẳng như tôi. Rồi từ Huệ, tôi tiếp cận được chị Nguyễn Thị Kim Dung… Khu vực Lê Hồng Phong bắt đầu hình thành một nhóm sinh hoạt, từ Huệ, Dung đến Mai lớn, Mai nhỏ, Tuyết, bé Thanh… Có thêm đồng sự mới, Huệ và Dung tiếp cận, truyền thông ở khu vực “cây điệp đôi”, còn tôi với Ngọc Thanh chuyển sang khu vực Cầu Hàn, Nhà Bè, Phú Xuân…

Khu Cầu Hàn còn gọi là Gò Bông Súng, đủ thành phần dân tứ chiếng giang hồ tụ tập về đây sinh sống, tệ nạn xã hội cũng từ đó nảy sinh. Các chị truyền miệng với nhau: “Coi chừng hai đứa đó là hình sự hoặc hội phụ nữ giả dạng, làm bộ nói si đa si điếc nắm tình hình rồi cho xe tới xúc là toi mạng!”. Không tiếp cận được với người lớn, chúng tôi chuyển sang tụ tập trẻ. Chúng tôi chơi đùa với các em thoải mái, dạy các em học vần ê a, đọc truyện và những bài hát thiếu nhi, dạy các em giữ gìn vệ sinh thân thể. Có em bệnh, chúng tôi xin phép cha mẹ đưa đi khám chữa bệnh, dạy các em biết siđa là gì, có mấy đường lây, lây như thế nào, cách phòng tránh ra sao, cho các em thi ai nhớ nhiều sẽ được thưởng.

Sau đó, chúng tôi thử ngừng một thời gian. Khi quay lại cha mẹ các em bắt chuyện ngay: “Trời ơi, mấy đứa nhỏ cứ trông cô Tâm với thầy Thanh hoài. Tụi nó gây với nhau, đứa này đổ thừa đứa kia ở dơ, đứa kia chửi tục… cho nên cô Tâm giận không thèm đến chơi nữa”. Từ đó tôi gắn bó với các chị ở khu Cầu Hàn. Tôi đem bao cao su tặng các chị, hướng dẫn các chị sử dụng đúng cách để phòng bệnh lây qua đường tình dục. Khi đó các chị mới tâm sự và muốn tôi giúp đỡ đưa đi khám bệnh.

Tháng 10-1993, nhân ngày kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ, Thành hội tổ chức cuộc thi “Phụ nữ hùng biện”. Anh Vân bảo tôi đi thi. Đến hội trường Cung Văn hóa Lao động – toàn là phụ nữ trí thức, cán bộ Hội, báo cáo viên đi thi, tôi mất bình tĩnh. Anh Vân và nhóm động viên tôi, vì đây là cơ hội tôi có thể làm thay đổi cách nhìn của xã hội. Thế là cố gắng, không ngờ tôi được giải đặc biệt với đề tài “Cầu Hàn của tôi” chỉ nói về nạn mại dâm. Tôi lại đi tìm địa bàn mới…