Tôi có người chị họ hơn tôi hai tháng tuổi. Ngày nhỏ, ai gặp cũng tưởng hai đứa sinh đôi. Chị tôi là mẫu con gái khiến gia đình tự hào, hàng xóm yêu quý: nói nhẹ cười duyên, nấu ăn ngon, chăm chỉ làm việc nhà. Tôi thì, theo lời của mẹ tôi, “như con giặc giời”: trèo cây, đánh nhau với tụi con trai để chơi bóng, mặt mũi lúc nào cũng nhem nhuốc.
Hồi chúng tôi 5 tuổi, hàng xóm gọi chị tôi sang cho chùm nho to. Thấy tôi lẽo đẽo phía sau, hàng xóm ngán ngẩm vặt hai quả nhỏ xíu đưa cho rồi xua tôi về.
Năm 22 tuổi, khi tôi vẫn còn đang lang thang với dân du mục ở Nam Mỹ, chị tôi lấy chồng. Trong đám cưới, ai gặp cũng hỏi bố mẹ tôi: “Bao giờ đến lượt con Huyền?”. Mẹ tôi cố nói đỡ rằng tôi vẫn còn nhỏ thì thế nào cũng nhận được câu: “Nhỏ gì nữa, hồi bằng tuổi nó tôi hai đứa rồi” – như thể đó là một điều đáng mơ ước. Đôi khi, tôi chỉ muốn ôm người nói câu đó thật chặt: “Cháu xin lỗi vì mới 22 tuổi mà bác đã tay xách nách mang hai đứa”.
Dần dần, anh chị em họ xung quanh tôi lấy vợ, lấy chồng hết. Về thăm nhà, tôi không còn người để đi ăn ốc hay đi chơi cùng bởi ai cũng phải cho con ngủ, phải nấu ăn cho chồng.
Điều kỳ lạ là trong khi tôi nhẹ nhõm vì mình vẫn còn sự tự do và yên ổn của người độc thân, ai gặp cũng thương hại giục tôi lấy chồng có con. Những người thân thiết nhất với tôi nói đi nói lại cũng chán rồi, nhưng mệt mỏi nhất là những người cả năm mới gặp vào dịp Tết.
Tôi tự hỏi tại sao người ta lại hỏi câu đó nhiều như thế, và tôi quyết định rằng lý do là vì họ tẻ nhạt. Nếu có dịp gặp một người bạn mà cả năm trời chưa gặp, tôi muốn dành thời gian tìm hiểu người đó đã học được những gì, đã làm được những gì, đã thay đổi ra sao. Những người suốt ngày chỉ cắm mặt vào chuyện chồng con là những người mà câu trả lời cho các câu hỏi đó đều là “không có gì” hay “vẫn thế”.
“Tại sao chưa lấy chồng?” là một câu hỏi vô duyên. Người Việt mình ai cũng hiểu rằng chuyện tình cảm là do cái duyên cái số, nhưng lại không hiểu được rằng cái duyên cái số không đến chỉ vì ai đó muốn nó đến. Bảo ai đó “thôi năm nay lấy chồng đi” cũng giống như bảo họ “thôi năm nay trúng xổ số đi”. Người đó có thể chủ động ra ngoài mua vé số, nhưng tấm vé ấy trúng thưởng hay không hoàn toàn nằm ngoài quyết định của họ.
Và dĩ nhiên, không phải ai cũng muốn ra ngoài mua xổ số bởi họ còn nhiều điều quan trọng hơn để làm. Có người chưa lấy chồng vì họ còn muốn sự tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm mà không phải lên kế hoạch vì bất cứ ai. Có người chưa lấy chồng vì họ muốn xây dựng sự nghiệp và nền tảng tài chính vững chắc để khi nào họ lập gia đình, áp lực tài chính không trở thành bóng ma phá vỡ hôn nhân của họ. Có người chưa lấy chồng vì họ muốn có thời gian tìm người thực sự phù hợp với mình. Có người chưa lấy chồng vì họ không thích gắn bó lâu dài với một người đàn ông, hay đơn giản là thấy cuộc sống độc thân phù hợp với họ hơn.
Quan niệm rằng phụ nữ phải lấy chồng, có con ngay khi ngoài 20 là một quan niệm cổ hủ. Những tiến bộ trong ngành y về khoa học hỗ trợ sinh sản ngày nay cho phép phụ nữ có con một cách an toàn khi đã ngoài 40, thậm chí 50. Tôi có thể tận dụng những bước tiến về mặt khoa học đó và lựa chọn khi nào có con bởi vì tôi xây dựng nền tảng tài chính cho mình trong khi nhiều người cuống cuồng lo chuyện chồng con.
Tết này, khi ai đó hỏi tôi bao giờ lấy chồng, tôi muốn hỏi lại người đó, rằng bao giờ anh, chị, bác sẽ sống đúng với tiềm năng của mình, bao giờ bác, anh, chị sẽ thôi để những người xung quanh quyết định cuộc sống của mình, và thôi để ý quá mức vào cuộc sống riêng tư của người khác?
Nhưng vì không muốn phá vỡ không khí ngày Tết, tôi sẽ giả bộ khiêm tốn: “Có ai chịu là cháu lấy ngay rồi. Bác có anh nào được được thì giới thiệu cháu với.” Và nếu họ bảo tôi đừng có kén chọn quá hay đừng có tham sự nghiệp quá, tôi sẽ gượng cười và giả bộ đồng ý, như cách mà nhiều người sẽ phải làm cả đời khi cố dấn vào hôn nhân vì “quy ước xã hội”.