Tại sao bạn kém may mắn

Chắc chắn là đã rất nhiều lần các bạn tự hỏi bản thân những câu như “Tại sao mình đã cố gắng hết sức mà mọi thứ vẫn không được như ý muốn?”, “Tại sao có những người rất tốt bụng và hiền lành nhưng cuộc sống của họ lại tràn ngập sự khổ đau, bất hạnh?” Điều này có phải do may mắn, do chúa, do một thế lực siêu nhiên nào đó, hay là do những yếu tố về con người. “May mắn” bấy lâu nay vẫn được coi là chiếc chìa khoá vàng để mở cánh cửa thần kỳ giúp chúng ta gặp đúng người, vào đúng thời điểm để đạt được thành công trong thời gian ngắn nhất.

Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 1996 tại tổ chức Gallup của Mỹ cho biết, có ít nhất 53% dân số thế giới thực sự tin vào những biểu tượng của may mắn. Nhưng liệu yếu tố này có thực sự tồn tại và nếu có thì làm sao để có thể giải thích được chúng. Trong hơn mười năm trở lại đây các nhà khoa học và tâm linh học đã dành ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu yếu tố được cho là bí ẩn nhất lịch sử loài người này. Có người cho rằng may mắn là do số phận định sẵn, có người lại nghĩ bản chất của yếu tố này chỉ là những con số được tính toán trong môn xác xuất thống kê. Nhưng liệu đâu mới là cách giải thích được cho là thấu tình đạt ý nhất?

Để trả lời cho câu hỏi trên, mình xin được đưa ra hai cách lý giải đến từ một là các nhà khoa học và hai là từ một Mystic – ông là biểu tượng tôn giáo của Ấn Độ vào thời điểm hiện tại.

Cách Lý Giải Của Khoa Học.

Đầu tiên với các nhà khoa học, may mắn được giải thích chủ yếu là bằng định luật hấp dẫn (Law of attraction). Cụ thể, nếu muốn được may mắn, các bạn phải tìm cách để thu hút sự chú ý của nhân tố này bằng những hành động như: tự tin hơn, suy nghĩ tích cực hơn hay đồng điệu cuộc sống của bản thân với mọi người xung quanh. Điều này cũng có nghĩa, kém may mắn sẽ là sản phẩm của các cảm xúc tiêu cực như: lo lắng, sợ hãi, cáu giận, buồn phiền,… Hay nói cách khác là để điều khiển được yếu tố này các bạn phải thực sự kiểm soát được chính bản thân mình trước đã. Bên cạnh đó, Định luật hấp dẫn còn được tiến sĩ Richard Wiseman nhà tâm lý học nổi tiếng với “Luck School” chứng minh qua những cuộc nghiên cứu gần đây của ông. Cụ thể, khi bạn tự nhận mình là những người kém may mắn, thì ngay lập tức khả năng tư duy cũng như nắm bắt cơ hội của não bộ sẽ bị gián đoạn vì những cảm xúc tiêu cực. Chính vì thế mà khi ở trong cùng một tình huống những người kém may mắn sẽ thường tập trung vào việc lảng tránh cơ hội hơn là quan sát để nắm bắt chúng. Không nhữnh thế, khi sự kiện không hay xảy ra những người may mắn thường tự làm mềm cảm xúc của họ bằng cách nghĩ rằng: mọi thứ thậm chí đã tệ hơn rất nhiều. Còn những người kém may mắn sẽ nghĩ: đây quả là những điều tồi tệ. Hiện tượng này chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho mọi người tự thu hẹp cơ hội của mình lại và mở cửa cho những điều không hay xảy ra với cuộc sống của họ.


Nhưng theo tiến sĩ Wiseman, các bạn hoàn toàn có thể nâng cao tỷ lệ may mắn của bản thân bằng cách áp dụng 4 nguyên lý rất đơn giản như sau:
  • Thứ nhất đó là tối đa hoá cơ hội bằng cách luôn đón nhận những trải nghiệm mới cũng như không ngừng học hỏi để có thể nắm bắt cơ hội ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm.
  • Tiếp theo đó là hãy lắng nghe cũng như tin vào bản năng của của chính mình.
  • Thứ ba là luôn hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì những nhận định này sẽ giúp các bạn kiên định hơn với những mục tiêu đã đề ra, cũng như có một thái độ tích cực khi đối mặt với những điều không hay.
  • Và cuối cùng, đó là hãy biết biến những sự kiện không may thành cơ hội để phát triển bản thân.

Cách Lý Giải Của Tôn Giáo.

Trên đó là cách giải thích của các nhà khoa học về may mắn, nhưng mình biết là sẽ có nhiều bạn cảm thấy không thuyết phục vì xung quanh chúng ta vẫn có những người dù suy nghĩ tích cực, học tập và làm việc chăm chỉ nhưng cuộc sống của họ lại đầy rẫy những sự khổ đau. Chính vì thế, mà mình muốn giới thiệu một cách lý giải khác đến từ một yogi có tên là Sadhguru  – một trong 50 người Ấn Độ có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Cụ thể thì theo ông những sự kiện xảy ra mà không đúng với dự tính và làm chúng ta buồn sẽ được coi là kém may mắn. Còn những sự kiện xảy ra đúng theo kế hoạch thì mọi người cho rằng đó là lộc trời ban. Nhưng Có hai vấn đề xảy ra ở đây, thứ nhất đến từ nhận thức. Cụ thể, may mắn hay không chủ yếu là xoay quanh những dự đoán mà các bạn đã đặt ra từ trước, nhưng thay vì nhìn nhận chúng là những khả năng có thể xảy ra, mọi người lại gần như tin vào những dự đoán của của chính mình. Và Theo Sadhguru, hiện tượng này không khác gì bạn đang tự tin nói là mình hiểu về những điều mà mình không biết, hay nói cách khác là bạn tự đưa ra kết luận về một vấn đề mà bản thân không hề nắm rõ. Điều này xảy ra thường là do chúng ta sợ nói câu “Tôi không biết” hay là sợ bị mọi người gán mác là kém thông minh. Bên cạnh đó việc đưa ra kết luận về một vấn đề cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ tắt chế độ học hỏi và khám phá khi đối mặt với những sự kiện đó trong cuộc sống. Chính vì thế mà khi mọi thứ không xảy ra theo đúng dự đoán thay vì học hỏi hay rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân, các bạn lại cảm thấy cuộc sông của mình thật vô nghĩa. Từ đó thì lo lắng, sợ hãi, trầm cảm, và vô số những cảm xúc tiêu cực khác sẽ đến với chúng ta.

Thứ hai, theo mọi người may mắn hay không là yếu tố quyết định bởi số phận, bởi chúa. Nhưng nếu mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta đều do ông trời quyết định thì chẳng phải cả bạn và mình đều là nô lệ của chúa hay sao? Không những thế, theo Sadhguru phần đông mọi người nhìn tôn giáo giống như một thứ bảo hiểm về tinh thần, vì mỗi khi những điều không may xảy ra, chúng ta đều tìm đến chùa chiền và hỏi “Thưa Phật Tổ con đã nộp đủ phí bảo hiểm hằng năm, nhưng điều gì đang xảy ra với dịch vụ của ngài vậy?” Bên cạnh đó, thì may mắn hay không không phải do những điều xảy ra trong cuộc sống mà xuất phát từ chính những nhận thức và cảm nhận của mỗi người. Vậy nên tìm cách giải quyết bằng việc ngước lên trời hay đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài sẽ chỉ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên rắc rối và mất kiểm soát hơn mà thôi. Bởi Vì ngay cả cảm xúc, cũng như suy nghĩ những yếu tố được cho là thứ duy nhất thuộc quyền quản lý của chúng ta bây giờ cũng trở thành nô lệ của ngoại cảnh.

Chính vì những lý do trên mà Sadhguru có đem đến cho mọi người những lời khuyên vô cùng bổ ích như sau: đầu tiên, hãy cảm thấy tự tin khi nói “Tôi không biết”, vì khi nói được câu này, chế độ khám phá, học hỏi của bạn sẽ luôn được bật. Và chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy những sự kiện xảy ra là cơ hội, là may mắn chứ không phải là sự bất hạnh. Bên cạnh đó, khi nói về những điều xảy ra trong cuộc sống thì: chúa, số phận hay suy nghĩ của người khác,… là những điều mà chúng ta không thể kiểm soát. Vậy nên thay vì quá lo lắng về những yếu tố này, các bạn hãy dồn toàn bộ năng lượng và tâm trí của bản thân để làm việc chăm chỉ hơn cũng như nâng cao kỹ năng, kiến thức để luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Và các bạn nên nhớ,

Niềm tin mà không có tính xác thực chính là một thảm hoạ.