Hôm nay, mình viết bài này để thuật lại kinh nghiệm phỏng vấn các tập đoàn của mình. Mục tiêu của bài viết là đưa ra những chiến thuật phỏng vấn, cũng như tìm kiếm việc làm nói chung một cách khái quát để mọi người có thể cùng chia sẻ và học hỏi. Tuy nhiên do ngành của mình là khoa học máy tính, cũng như bối cảnh của người đi phỏng vấn ở đây là 1 du học sinh Mỹ, chuyện có những ý kiến chủ quan là điều khó tránh khỏi.
Trước hết mình cho rằng, những thủ thuật phỏng vấn chỉ có thể giúp bạn đến một mức độ nào đó. Một công ty nghiêm túc và đàng hoàng khi đánh giá ứng viên sẽ không chỉ nhìn vào vài bài phỏng vấn, hay ấn tượng qua cách ăn nói mà đưa ra quyết định. Tin tốt ở đây là nếu bài phỏng vấn của bạn không được như ý muốn lắm do “phong độ giảm sút không đúng lúc” thì điều đó cũng chưa hẳn đồng nghĩa cánh cửa đã đóng lại với bạn. Tin không tốt lắm là nếu hồ sơ bản thân của bạn không được tốt lắm thì bạn cần phải nỗ lực thêm nhiều để cải thiện hồ sơ đó. Điểm học bạ, những hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc hoặc nghiên cứu… thường là những điểm cộng trong hồ sơ của ứng viên. Tùy vào đặc trưng của từng ngành và công ty khác nhau, những yếu tố này sẽ có cân nặng khác nhau trong việc quyết định bạn có phù hợp với công ty của người ta hay không.
Để được đến vòng phỏng vấn, trước hết bạn cần phải vượt qua “vòng gửi xe”. Ở đây mình đang nói về chuyện đánh bóng hồ sơ cá nhân (résumé) trước khi đưa cho nhà tuyển dụng. Trên internet có rất nhiều tài liệu hay về những phương pháp làm nổi bật résumé của bạn, ở đây mình xin đưa ra 1 số điểm mình cho là quan trọng:
+ Nghiên cứu kĩ về ngành nghề và công ty bạn nộp đơn xin vào để xem trong mắt người ta thế nào là “ứng viên hoàn hảo.” Hồ sơ kiểu “chứng minh được định lý Fermat khi lúc học tiểu học” chắc chắn là không phù hợp nếu bạn xin vào 1 chân bảo vệ quán bar, hay résumé kiểu “gấu nhất xóm, được phong làm đại ca năm vừa tròn 18” sẽ bị đá đít ngay lập tức ra khỏi một công ty tài chính. Bản thân quá trình nghiên cứu ngày cũng giúp bạn hiểu được và chuẩn bị tốt hơn về ngành nghề mình muốn theo đuổi. Vì vậy bạn nên thực hiện bước này càng sớm càng tốt.
+ Viết résumé ngắn gọn, xúc tích (tiêu chuẩn thường là 1 trang), và cố gắng khiến nhà tuyển dụng phải “falls in love at first sight” (yêu từ cái nhìn đầu tiên). Các công ty lớn như Google mỗi năm nhận khoảng 2 triệu hồ sơ xin việc, như vậy giả sử ứng viên nào cũng tốn của người ta 10 phút để đọc hồ sơ thì Google sẽ mất khoảng 333333 giờ lao động (=38 năm) để chỉ đọc hồ sơ! Theo như một nhà tuyển dụng kể lại thì người ta không bao giờ đụng đến trang thứ hai của bạn, và nếu trang đầu tiên, hay thậm chí là 10 dòng đầu tiên trong résumé của bạn không để lại cho người ta ấn tượng tốt về bạn thì coi như chúc bạn may mắn lần sau.
+ Đừng bao giờ nói dối trong résumé (người ta có thể hỏi bạn về bất cứ những gì bạn để trên résumé). Nhưng cũng đừng quá khiêm tốn về những gì mình đã đạt được.
Giả sử bạn đã qua vòng gửi xe, nghĩa là bạn đã phải rất vất vả để đạt kết quả ấn tượng trong mấy năm học college, hay tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp + hồ sơ résumé chuẩn bị hoàn hảo,… thì xin chúc mừng bạn: bạn sẽ được vào một cuộc phỏng vấn mà theo thống kê là chỉ 1% vượt qua được. (-_-“)
Câu trên chỉ là đùa cho vui, nhưng thực tế là không phải không có những công ty như vậy. Tuy nhiên, khi bạn đã nhất quyết nộp đơn vào 1 công ty như vậy, tôi hi vọng là bạn đủ tự tin để không bị những con số thống kê như vậy lung lay trái tim bạn. Phỏng vấn xin việc ở khía cạnh nào đó cũng giống như một cuộc thương lượng mua bán: bạn là người bán, nhà tuyển dụng là người mua, và sản phẩm bạn đang thuyết phục để bán là năng lực và trí tuệ của bạn. Cũng như mọi cuộc thương lượng khác, tự tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục đối tác.
Từ kinh nghiệm bản thân mình thì cách dễ dàng nhất để có sự tự tin trong phỏng vấn là …phỏng vấn thật nhiều. Nếu bạn đã từng vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn thì trong đầu bạn sẽ nghĩ “mình đã chinh phục cả chục cái phỏng vấn rồi, cái này thể nào cũng đậu.” Nếu bạn đã từng thất bại nhiều lần phòng vấn thì bạn sẽ lại nghĩ “mình đã fail cả chục cái rồi, có fail thêm cái này nữa thì cũng chả có gì là ghê gớm lắm.” Trong cả 2 tình huống, hiệu ứng mà bạn đạt được là không quan tâm đến việc thất bại, dẫn đến sự tự tin và việc làm chủ bản thân trước bất kì thử thách nào nhà tuyển dụng đưa ra.
Quay trở lại với phép so sánh phỏng vấn như cuộc mua bán. Để mua bán diễn ra thành công, ngoài tự tin ra thì bạn còn cần hiểu rõ được người mua muốn gì, và hiểu rõ sản phẩm bạn muốn bán là gì. 2 câu hỏi bạn sẽ thường gặp trong các cuộc phỏng vấn là “tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?” và “tại sao chúng tôi phải nhận bạn vào làm thay vì các ứng viên khác?”.
Với câu hỏi thứ nhất, bạn cần phải làm khâu “nghiên cứu khách hàng” kĩ càng trước cuộc phỏng vấn: đọc qua về tiểu sử công ty, những hoạt động kinh doanh của công ty, văn hóa công ty (thường thông qua blog của công ty đó)… Đừng trả lời kiểu “vì tôi muốn kiếm tiền nuôi bản thân”. Nhà tuyển dụng tất nhiên là hiểu rõ điều đó, cái họ thắc mắc là vì sao bạn muốn kiếm tiền bằng cách làm việc cho công ty họ chứ không phải công ty nào khác. Đây là dịp quan trọng để bạn thể hiện niềm đam mê của bạn với công ty, bởi đứng từ khía cạnh người tuyển việc thì không ai là không muốn có một nhân viên làm việc bằng sự đam mê, sẵn sàng bám trụ lại với công ty trong cả những khủng hoảng tồi tệ nhất.
Câu hỏi thứ hai là cơ hội để bạn thể hiện khả năng “quảng cáo” về chính bạn. Phần này thì mỗi người đều có background khác nhau nên tôi không gì nhiều để nói. Điểm cần lưu ý chính là cũng giống như những điều bạn thể hiện trên résumé: đừng nói dối và cũng đừng quá khiêm tốn về bản thân.
Một kinh nghiệm khác mình gặp là đừng hoảng sợ khi đối mặt với một câu hỏi quá hóc búa đến từ nhà tuyển dụng. Ví dụ những câu hỏi kiểu như: Cần bao nhiêu quả bóng bay để lấp đầy San Francisco?. Thường điều các nhà tuyển dụng muốn thấy là cách bạn tiếp cận như thế nào với một bài toán bạn chưa bao giờ gặp chứ không chỉ đơn thuần là một lời giải. Nên nhớ là trong con đường xin việc này, bạn bắt đầu bằng con số 0, và bạn không thể kết thúc bằng cái gì đó còn tệ hơn số 0. Hãy bình tĩnh phân tích câu hỏi, đưa ra các chiến thuật tiếp cận lời giải và bình luận nó với người phỏng vấn bạn. Đặc biệt chú ý là trong lúc suy nghĩ, hãy nói cho người phỏng vấn biết suy nghĩ của bạn, đừng bao giờ suy nghĩ trong im lặng! Khi rơi vào những tình huống này, điều tôi thường gặp là người phỏng vấn thường đưa ra những gợi ý dần dần để cùng ứng viên đi đến câu trả lời. Thậm chí nếu cuối cùng bạn vẫn trả lời không được, người phỏng vấn cũng có ấn tượng tốt về bạn là con người không ngại đối mặt với những vấn đề hóc búa. Xếp của tôi ở Google trong thời gian thực tập từng kể lại là:
“Có lúc tôi đưa ra một câu hỏi rất khó mà tôi biết là ứng viên không thể có đủ thời gian trả lời được. Điều tôi muốn xem là ứng viên đó có cảm thấy hứng thú trước việc giải quyết câu hỏi khó đấy, hay là nổi cáu lên vì tôi đưa ta anh ta câu hỏi quá khó, và tin tôi đi, tôi đã từng gặp chuyện đó nhiều hơn một lần. Nếu ứng viên là loại người thứ 2, tôi nghĩ có lẽ họ không phù hợp với công ty chúng ta.”
*Tất cả những điều mình nói ở trên cũng chỉ là rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Theo mình cách chuẩn bị cho phỏng vấn tốt nhất, như đã nói ở trên, là hãy đi phỏng vấn thật nhiều công ty (nhớ để dành những công ty tốt nhất cuối cùng). Bản thân tác giả từ quá trình xin thực tập đến lúc xin công việc chính thức đã rải đơn cho khoảng gần 20 công ty, được 15 công ty trong số đó gọi đi phỏng vấn, bị từ chối bởi khoảng 10 công ty, và được offer fulltime của Google, facebook, và Microsoft.
Cuối cùng, nên nhớ rằng giá trị của bản thân bạn được quyết định bởi chính bạn chứ không phải bất cứ tập đoàn tư bản nào cả! Vì thế nếu tình huống xấu nhất là người ta không nhận bạn chỉ đơn giản có nghĩa là bạn chưa bộc lộ được hết giá trị của mình, và hi vọng bạn sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quí báu từ lần thất bại đó để nâng cao giá trị của bạn trong mắt của nhà tuyển dụng vào lần sau. Chúc bạn may mắn!