4 Cách Để Yêu Bản Thân Hơn Và Xây Dựng Sự Thấu Cảm Với Chính Mình

 

“Mày là một sự thất bại của tạo hóa

“ Hôm nay trông mày xấu ghê gớm.”

“Cuộc sống của mọi người đều tốt đẹp hơn của mày nhiều.”

Đã bao giờ bạn từng nói những lời như vậy với một người bạn thân hay một thành viên trong gia đình chưa? Tôi đoán câu trả lời là: Không!

Vậy thì tại sao bạn lại tự nói với bản thân những lời như vậy?


Chúng ta thường có xu hướng khắt khe, tàn nhẫn với chính mình hơn là với mọi người. Chúng ta đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cao hơn và chỉ trích bản thân nhiều hơn. Và hậu quả là gì? Là trầm cảm, tự ti, và cảm giác xấu hổ tột độ.

Dưới đây là 4 phương án để giải quyết vấn đề

1. NÓI CHUYỆN VỚI BẢN THÂN NHƯ CÁCH BẠN NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA MÌNH

Nếu bạn không nỡ nói gì đó với bạn mình, thì cũng đừng nói điều đó với bản thân.

Nếu bạn thấy bản thân mình đang chìm trong những cuộc độc thoại tiêu cực liên miên, hãy dùng mẹo này. Đầu tiên,bạn kiếm 1 mảnh giấy và 1 chiếc bút, vẽ một bảng gồm 2 hàng, 5 cột. Đặt tên 5 cột lần lượt là “ Suy nghĩ”,” Cảm xúc”, “Bằng chứng”, “Suy nghĩ mới”, “Cảm xúc mới”.

Nếu bạn đang chỉ trích bản thân về công việc, hãy viết xuống ô “Suy nghĩ”, ví dụ “Tôi chả bao giờ có được một sự nghiệp thành công cả” . Sau đó, hãy ngồi xuống vài phút và xem cảm xúc nào xuất hiện trong đầu bạn. Bạn thấy tức giận? xấu hổ? buồn bã? Hãy viết chúng vào cột “Cảm xúc”.

Dưới cột “Bằng chứng”, hãy viết bất cứ điều gì có thể đập tan đi những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ, “Tôi tốt nghiệp từ một trường Đại học có danh tiếng” hay “ Tôi là một nhân viên chăm chỉ” . Dưới cột “Suy nghĩ mới”, hãy viết những điều ở “Suy nghĩ” sau khi cân nhắc cùng cột “Bằng chứng”. Ví dụ “Tôi chưa tìm được công việc phù hợp, nhưng tôi tin mình sẽ sớm tìm được thôi”

Cuối cùng, dưới cột “Cảm xúc mới”, hãy viết xuống những điều mà cột “Suy nghĩ mới” đem đến cho bạn. Lạc quan hơn? Được tiếp thêm năng lượng phải không? Hãy làm điều này cho đến khi những suy nghĩ tiêu cực biến mất và nhường chỗ cho những suy nghĩ lạc quan một cách tự động.

2. THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM ( THIỀN ĐỊNH) ĐỂ LOẠI TRỪ SỰ TỰ PHÁN XÉT

Cùng với những cuộc độc thoại đầy tiêu cực, tự phán xét gây ra tổn thương rất lớn kể cả khi bạn tự phán xét trong vô thức. Thiền định rất cần thiết cho quá trình chống lại thói quen phán xét bản thân và xây dựng lòng thương cảm dành cho chính mình.

Bạn cần xem xét suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không xét nét xem chúng là “tốt” hay “xấu”. Hãy quan sát chúng cẩn thận. Nhìn nhận suy nghĩ và cảm xúc mà không phán xét chúng. Đừng cố đẩy chúng đi, nhưng cũng đừng quá ngẫm nghĩ, trăn trở về chúng.

Hãy nhớ rằng, suy nghĩ đến rồi đi, và cảm xúc có thể thay đổi, đừng bắt bản thân phải giống người khác. Bạn không phải lúc nào cũng có suy nghĩ và cảm xúc nhất nhất như một. Điều nãy sẽ trôi qua nhanh thôi.

3. THA THỨ CHO BẢN THÂN

Trong suốt cuộc đời, bạn đã làm tốt nhất có thể với những gì mà bạn có. Bài học bạn có được từ những người chăm sóc bạn, hay những trải nghiệm, môi trường sống, sức khỏe thể chất và tinh thần đều ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với mọi người và cả bản thân mình. Nếu bố mẹ bạn không bộc lộ sự tức giận một cách lành mạnh, thì bạn có khả năng sẽ noi theo gương đó. Nếu bạn làm việc trong một môi trường có tính cạnh tranh cao và có chút khốc liệt, có khả năng bạn cũng đã tự dày vò, hành hạ bản thân vài lần.

Tự tha thứ không có nghĩa là bạn cho phép bản thân gây lỗi hay giả vờ rằng mình không làm gì sai cả; nó có nghĩa là bạn thông cảm cho chính mình và tiếp nhận sự dung thứ. Mọi người đều phạm lỗi, thi thoảng là lỗi lớn. Quan trọng là biết chuộc lỗi, bù đắp, và rút ra những bài học kinh nghiệm để bản thân không tiếp tục phạm vào lỗi đó thêm một lần nào nữa.

4. ĐỪNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC

Bất kể bạn nghĩ bạn hiểu người khác như thế nào, bạn cũng không bao giờ có thể biết hết được tất cả. Nếu bạn đang độc thân và vô vọng về việc lập được gia đình, thì xem những bức ảnh cưới đẹp đẽ của một người bạn cũ trên Facebook, hay những bức hình người đồng nghiệp khoe đứa con kháu khỉnh mới sinh của họ là cách khiến bạn cảm thấy bản thân thật tồi tệ biết bao.

Mọi người thường dùng những phương tiện truyền thông xã hội để phô ra một phiên bản lí tưởng hóa của cuộc đời họ. Bạn đâu biết rằng, người bạn cũ đó không bao giờ đăng những cuộc cãi vã, những sứt mẻ trong tình cảm với chồng cô ấy lên Facebook. Người đồng nghiệp của bạn cũng không chia sẻ lên Instagram những tấm hình em bé gào khóc không ngớt trong đêm. Hãy cố gắng đừng để bản thân rơi vào cái bẫy đầy những mới lạ, thú vị nhưng tiêu cực của mạng xã hội, nếu bạn không thể chống cự, hãy nhắc nhở bản thân rằng, những thứ bạn thấy chỉ là một mặt của cả một câu truyện dài.

Hãy cân nhắc đến việc bỏ theo dõi những người mà những bài đăng của họ khiến bạn thấy bực tức, khó chịu. Hãy xem lại cài đặt, bạn có thể duy trì mối quan hệ bạn bè trên mạng xã hội mà không phải thấy những cập nhật liên tục của họ.

Kristin Neff, nhà tâm lí học và nghiên cứu về lòng tự trắc ẩn, viết về việc đối tốt với chính mình trong quyển sách Self-Compassion (Tự trắc ẩn) :” Thay vì phán xét bản thân một cách kịch liệt vì những khuyết điểm, ta nên dành cho bản thân mình sự ấm áp và sự chấp nhận vô điều kiện” (2015).

Giá trị của bạn không dựa trên việc bạn kiếm ra bao nhiêu tiền, bạn ưa nhìn ra sao, hay bạn có ích cho người khác như thế nào. Bạn không hề mất đi giá trị khi bạn thất bại hay bản thân không đạt được kỳ vọng của bạn và mọi người. Nền tảng của việc tự cảm thông và trắc ẩn là việc hiểu rằng bạn sở hữu một giá trị nghiễm nhiên không ai có thể xâm phạm hay phán xét.

Nếu bạn vẫn cảm thấy khó khăn trong việc thấu cảm và đối tốt với bản thân, hãy tìm đến các nhà trị liệu tâm lí để được giúp đỡ.