5 cách giúp bạn kiểm soát sự do dự và hối tiếc

Bạn có bao giờ tự hỏi: Khi đứng trước mỗi quyết định quan trọng, làm thế nào để trở nên quyết đoán hơn và không hối tiếc dù kết quả ra sao?

Bất kỳ ai trong chúng đều có cảm giác phân vân trước những quyết định quan trọng. Chúng ta lo sợ rằng “sai một li, đi một dặm” nên thường do dự, thiếu quyết đoán. Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát được tất cả mọi chuyện nhưng những gợi ý dưới đây sẽ giúp ta hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

HÌNH DUNG TRƯỚC NHỮNG RỦI RO

Đứng trước một sự lựa chọn, bạn nên dành thời gian suy nghĩ về một tình huống không thuận lợi và hình dung cách giải quyết đối với chúng. Ví dụ, khi bạn đứng trước lựa chọn có nên từ bỏ công việc hiện tại hay không, bạn nên cân nhắc bạn sẽ được gì và mất gì với quyết định này. Nếu thay đổi công việc mới, có thể bạn sẽ tìm được một cơ hội mới, nguồn cảm hứng mới. Trái lại, nếu công việc không suôn sẻ, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu và thứ bạn đánh đổi chính là thời gian. Vậy bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Tương tự với những vấn đề khác, bạn vẽ trước một kịch bản xấu và đặt mình vào hoàn cảnh đó. Bằng cách này, bạn sẽ biết được đâu là bước đi phù hợp.

Kiểm soát sự hối tiếc 1

Lường trước những rủi ro sẽ giúp bạn có cách ứng phó phù hợp.

ĐÁNH GIÁ MỖI SỰ LỰA CHỌN MỘT CÁCH KHÁCH QUAN VÀ TOÀN DIỆN

Nguyên nhân khiến bạn cảm thấy hối tiếc sau mỗi quyết định chính là bạn đã không đánh giá toàn diện các khía cạnh của vấn đề. Thay vì chỉ nhìn vào một vài lợi ích hay khó khăn, bạn hãy liệt kê ra một cách chi tiết và đầy đủ khả năng có thể xảy ra trong từng trường hợp. Theo đó, bạn sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định. Nếu thất bại, bạn sẽ không tự dằn vặt mình vì đã suy nghĩ một cách cẩn trọng. Dù kết quả ra sao, hãy nhớ rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho bạn trong thời điểm đó. Bạn biết rằng ít nhất mình đã cẩn thận và đó không phải là quyết định nóng vội.

Kiểm soát sự hối tiếc 2

Một bảng đánh giá chi tiết các khả năng của mỗi lựa chọn sẽ là có sở để quyết định của bạn rõ ràng hơn.

TỰ TIN VỚI QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH

Trở lại ví dụ thay đổi việc làm, bạn có thể bị tác động bởi ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp. Họ sẽ cho rằng đó là một quyết định mạo hiểm và điên rồ. Tuy nhiên, chính bạn mới biết điều gì thực sự tốt cho mình. Sau khi đã làm hai bước phân tích, đánh giá kỹ như trên, hãy đưa ra quyết định mà bạn cho là đúng và đừng hối tiếc về bất cứ điều gì. Bạn có thể nói những câu động viên bản thân để tiếp thêm động lực cho mình. Chính sự tự tin đó sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn và thôi do dự.

Kiểm soát sự hối tiếc 3

Khi đã đưa ra lựa chọn, hãy tự tin với quyết định của mình.

HÃY HỌC CÁCH CHẤP NHẬN

Cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo con đường bạn vạch sẵn. Vì vậy, bạn không nên hối tiếc và tự trách về những gì đã xảy ra. Nếu mọi thứ không như bạn mong muốn, hãy học cách chấp nhận và xem đó là bài học kinh nghiệm. Nếu không thử mạo hiểm, làm sao bạn biết rằng điều đó có tốt cho bạn hay không? Đừng e dè, sợ hãi, hãy cứ vấp ngã và trưởng thành.

Kiểm soát sự hối tiếc 4

Cuộc sống đôi khi không như ta mong đợi nhưng hãy học cách chấp nhận, trưởng thành và bước tiếp.

KHI HỐI TIẾC, HÃY NHỚ LẠI LÚC BẮT ĐẦU

Cảm giác hối tiếc sẽ giúp bạn nhận ra điều gì cần sửa chữa. Nhưng nếu quá đắm chìm vào nó, bạn sẽ dễ bị nản chí và dần trở nên e dè, nhút nhát trong những quyết định sau. Khi cảm thấy tiếc nuối, hãy nhớ lại vì sao bạn lựa chọn cách này thay vì cách khác. Không có điều gì gọi là chắc chắn, chúng ta đều đang trên đường đi tìm câu trả lời cho chính mình. Vì vậy, nắm bắt cơ hội sẽ quan trọng hơn việc bạn ngồi than vãn và hối tiếc về những gì đã qua.

Kiểm soát sự hối tiếc 5

Đừng mất thời gian vào những kết quả không thể thay đổi, nắm bắt cơ hội và tiếp tục đương đầu với thử thách mới.