Nếu bạn là nhân viên văn phòng ngày đi làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ tối và sống một mình, bạn có thể nhận thấy việc dành thời gian cho bản thân, chăm sóc nhà cửa và các hoạt động xã hội sẽ chẳng còn bao nhiêu.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao với cùng 24 tiếng một ngày, có người chỉ sáng ngủ dậy, ăn sáng rồi đi làm, tối về đi chợ, nấu cơm, ăn tối, tắm rửa và đi ngủ. Trong khi lại có những người có thể tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khoá sau giờ làm như đến các câu lạc bộ thể thao, tham gia các lớp học thêm buổi tối để nâng cao ngoại ngữ và chuyên môn, các hoạt động ngoại khoá như học cắm hoa, nấu ăn, học nhảy vào cuối tuần hay thậm chí là đi chơi với bạn bè và hẹn hò với người yêu vào mỗi tối? Tất cả chúng ta đều có cùng 24 tiếng, nhưng làm thế nào để sử dụng 24 tiếng đó thật thông minh, đạt hiệu quả cao và xử lý được nhiều việc trong ngày thì không hề là việc đơn giản nhé!
Bài viết dưới đây sẽ gợi ý bạn cách lập kế hoạch và quản lý công việc nhà để bạn không cảm thấy bị lúng túng với những việc thường nhật trong cuộc sống và có nhiều thời gian hơn cho bản thân mình.
Đầu tiên, bạn cần lên kế hoạch trước về việc sẽ sử dụng bao nhiêu thời gian cho mỗi việc. Ví dụ nếu bạn dành 8 tiếng ở cơ quan, 8 tiếng để ngủ, 1 tiếng đi lại và 7 tiếng còn lại cho các hoạt động thường nhật khác thì bạn cần phân chia 7 tiếng quý báu này theo thứ tự ưu tiên quan trọng. Ví dụ như 2 tiếng cho đi chợ và nấu cơm, 1 tiếng ăn uống và rửa bát, 2 tiếng dành cho việc giặt giũ và tắm rửa, 2 tiếng để làm các hoạt động cá nhân như xem phim, đi học thêm, gặp gỡ bạn bè hay giải trí cuối ngày và 1 tiếng để lên kế hoạch cho ngày mới.
Việc đi chợ và nấu cơm: bạn chỉ nên dành tối đa 2 tiếng một ngày, trừ những ngày bạn muốn nấu các món ăn cầu kỳ để đãi khách. Bạn có thể giảm bớt thời gian đi chợ hằng ngày bằng việc chỉ đi chợ và siêu thị tuần một đến hai lần. Nếu bạn là người kén ăn và thích các đồ ăn tươi sống, bạn có thể tranh thủ đi chợ buổi sáng trước khi đi làm. Nếu bạn không phải là một người quá kén ăn, bạn có thể mua đồ đã sơ chế và cất sẵn trong ngăn tủ đông lạnh để nấu dần. Hiện nay trên thị trường có bán sẵn các loại thức ăn đã qua sơ chế khá tiết kiệm thời gian cho người bận rộn. Bạn chỉ cần mua về và bảo quản trong tủ lạnh. Sau khi nấu nướng xong, bạn có thể dành ra khoảng 1 tiếng để ăn uống và rửa chén bát. Đây nên được coi là khoảng thời gian quý báu trong ngày để thưởng thức món ăn và giải toả những căng thẳng.
Việc tắm rửa và giặt giũ: với tình hình tắc đường và khói bụi ở các thành phố lớn như hiện nay, bạn có thể phải dành 1 tiếng cho việc tắm gội hằng ngày và 1 tiếng cho việc giặt giũ. Tuy nhiên, với việc giặt giũ, bạn có thể tuỳ vào số lượng quần áo cần giặt và gom lại cho một mẻ giặt (nếu giặt máy) hoặc giặt chung một lần (nếu giặt bằng tay). Nếu giặt máy, hàng tuần bạn nên chú ý cách vệ sinh máy giặt để đảm bảo quần áo luôn được giặt sạch sẽ và vệ sinh.
Mỗi ngày, bạn có thể dành khoảng 15-30 phút để dọn dẹp nhà cửa, tránh để công việc chồng chất sẽ khiến nhà cửa không gọn gàng và mất nhiều thời gian hơn để dọn. Việc dọn nhà có thể bao gồm quét dọn, lau chùi…
Như vậy là với những công việc trên, bạn vẫn còn 2 tiếng để gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khoá để bổ sung kiến thức. Nếu ở nhà, bạn có thể xem tivi, đọc báo chí để cập nhật kiến thức. Nếu đi ra ngoài, bạn có thể xem phim, tham gia các hoạt động thể thao, giải trí cùng bạn bè.
Tuỳ vào thứ tự ưu tiên cũng như sở thích mà bạn có thể tăng hay giảm quỹ thời gian của mình cho mỗi công việc nêu trên một cách phù hợp để đảm bảo mọi thứ được vận hành một cách hiệu quả và khoa học.
Những kỹ năng này tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu bạn để ý một chút và sắp xếp mọi thứ hợp lý sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho những việc khác, như tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và phát triển sở thích cá nhân!
Bài viết trên đây hy vọng sẽ giúp các bạn có thể lên các kế hoạch một cách khoa học để đảm bảo từng ngày trôi qua thật ý nghĩa và không lãng phí!