Vì sao người giàu được tôn vinh không chỉ bởi họ giàu?

 

Có nhiều yếu tố giúp một người tạo nên sự khác biệt như là giáo dục, may mắn, kỹ năng, hoặc sự lựa chọn đầu tư,… Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng nhất giữa những người giàu vượt trội so với đa số người khác lại được tìm thấy trong suy nghĩ của họ, về cách thức họ hành xử, những gì họ cống hiến và gánh vác trọng trách để xứng đáng với đặc ân mà họ được ban tặng.

Ngài Rabbi Judah HaNassi được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Do Thái giáo, là người truyền bá Ngũ Thư (năm quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hebrew hướng dẫn toàn bộ các giáo huấn, văn hóa và tục lệ Do Thái giáo) trong suốt lịch sử Israel.

Kinh sách Do Thái Giáo (Talmud) đơn giản gọi ông là Rab Rabbi – Đại Sư của chúng tôi, điều đó thể hiện trí tuệ và sự vĩ đại của ông. Kinh Talmud đã đưa ra một tuyên bố thú vị, tạo nên nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trong mọi thời đại về Ngài Rabbi, rằng là: “Ngài Rab Rabbi tôn vinh người giàu”.

Qua các thời đại, các tín đồ cũng như giới trí thức đều nêu lên một câu hỏi rằng, tại sao một người vĩ đại như Ngài Rabbi Judah HaNassi lại tôn vinh ai đó, một giai cấp nào đó, đơn giản chỉ vì họ đã tích lũy được một lượng lớn tiền bạc và của cải vật chất? Trong khi Ngài Rabbi không hề cần đến hay yêu cầu bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào từ những cá nhân giàu có, bởi vì bản thân ông là một trong những người giàu nhất thời bấy giờ, với sự giàu có gần bằng hoàng đế La Mã Antoninus.


Bức “Studying the Torah” của Johann Adalbert Heine

Vậy tại sao ông lại thiên vị người giàu? Người giàu có gì đặc biệt? Ngài Rabbi Lubavitcher Rebbe đã đưa ra một lời giải thích thú vị ở đây, ông nói: “Đấng Sáng Thế tạo ra tất cả các linh hồn và trao cho mỗi người một sứ mệnh để hoàn thành trong đời sống của họ. Thiên Chúa cũng trang bị cho mỗi linh hồn tất cả các nguồn lực vật chất cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của mình. Một số nhiệm vụ chỉ cần một lượng nhỏ tài nguyên vật chất để thực hiện, đó là lý do tại sao chúng ta có những người nghèo. Một số nhiệm vụ yêu cầu tài sản vật chất lớn để thực hiện, do đó có những người giàu”.

Ngài Rabbi cũng nhấn mạnh rằng: “Tuy nhiên, tất cả những công việc kiếm được nhiều tiền cũng là những công việc có rủi ro cao, vì vậy Chúa cần phải chọn lọc kỹ lưỡng về những linh hồn mà Người có thể giao những nhiệm vụ này. Nếu người đó không sử dụng tài nguyên mà họ được giao phó theo cách thích hợp, họ có thể gây ra nhiều thiệt hại”.

Đó là lý do tại sao Ngài Rabbi Judah HaNassi tôn vinh người giàu. Ông cảm thấy rằng nếu Thiên Chúa đã thể hiện một mức độ tin tưởng như vậy đối với họ, thì họ nên giành được sự tôn trọng của chúng ta. Vấn đề là những người giàu có tuân theo sứ mệnh mà Thiên Chúa giao cho họ, để tương xứng với lượng tài sản mà họ được ban cho hay không mà thôi.

Vì vậy, người giàu thực sự có sự khác biệt, không chỉ về tài khoản ngân hàng của họ, mà cả thói quen của họ dường như không liên quan gì đến tiền bạc. Họ cũng liên tục cải thiện bản thân bằng cách làm những điều sau đây:

Họ luôn đọc sách để học

Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, Warren Buffett – nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, đã cầm một chồng giấy và trả lời: “Bạn hãy đọc 500 trang như thế này mỗi ngày. Đó là cách mà kiến ​​thức được xây dựng, giống như lãi kép cộng dồn vậy”.

Đọc 500 trang mỗi ngày, điều đó có phải là yêu cầu quá cao không? Bởi vì kiến thức có giá trị như vậy đó, chỉ là hầu hết chúng ta không có thời gian cũng không đủ kiên nhẫn để thực hiện một kỳ tích hàng ngày như thế.


Tỷ phú Bill Gates thường xuyên đọc sách như một thú vui giải trí.

Theo nghiên cứu của Thomas C. Corley, người đã dành 5 năm để nghiên cứu những người có thu nhập hàng năm từ 160.000 đô la Mỹ trở lên hoặc có mức thanh khoản từ 3,2 triệu đô la Mỹ trở lên, gần như 9 trong số 10 nhà đầu tư Uber giàu có cho biết rằng họ dành ít nhất 30 phút mỗi ngày đọc sách để tự giáo dục hoặc cải thiện bản thân.

Đọc sách là học, và nếu bạn không học, bạn không cải thiện được nghề nghiệp của mình. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King xem việc đọc sách như là công cụ chủ yếu cho nghề nghiệp của mình, ông từng bình luận: “Nếu bạn không có thời gian để đọc, bạn không có thời gian (hoặc công cụ) để viết. Đơn giản vậy thôi”.

Họ là những người đi tiên phong

Với khả năng của mình, tỷ phú người Mỹ Elon Musk có thể tạo được dấu ấn trong bất kỳ ngành nào mang lại lợi nhuận cao, và có khả năng phát triển tốt hơn, nhưng ông đã chọn đi vào ngành thám hiểm không gian, một ngành công nghiệp đầy bất trắc và hạn chế về khả năng thương mại.

Tại sao ông lại chọn đi con đường này? Bởi vì tầm nhìn của ông là hướng tới một kỷ nguyên đa hành tinh cho nhân loại trong vòng 10 năm tới. Nghe có vẻ không thực tế nhưng ông hy vọng sẽ đạt được nó.


Dũng cảm để tiến lên phía trước.

Tỷ phú Siebold, tác giả cuốn sách “Người giàu nghĩ như thế nào” đề cập rằng: “Họ chấp nhận bất kỳ thử thách nào. Không ai có thể đứng lên mạnh mẽ và sống với giấc mơ của mình mà không có những kỳ vọng lớn. Nhiều người quyết định giới hạn cuộc sống của họ ở mức bình thường trong tầng lớp trung lưu nhằm bảo vệ bản thân khỏi thất bại”.

Tại sao nhiều người ở giai tầng cao lại dám đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng như vậy, chính là vì họ có năng lực và có quyết tâm giải quyết chúng, như tỷ phú Siebold nhận định: “Những nhà vô địch không trông chờ vào kết quả, họ làm việc để thu được kết quả”.

Họ đặt mục tiêu vào thành công của ngày mai

Tác giả, chuyên gia tài chính Dave Ramsay cho biết các triệu phú biết cách hy sinh những thú vui tạm thời trong phần lớn cuộc đời của mình để đạt được thành công lâu dài. Họ không thấy có vấn đề gì khi mua một chiếc xe cũ đã qua sử dụng, sống trong một khu phố khiêm tốn và mặc quần áo giá rẻ.

Một chuyên gia khác là ông Tom Corley, kế toán viên, kiêm nhà lập kế hoạch tài chính, đã tìm đọc hàng trăm cuốn sách về thành công và tâm lý học, để tìm ra điều mà những người thành công làm khác hơn đa số chúng ta. Ông khảo sát 233 người giàu có, chủ yếu là các triệu phú tự lập, về thói quen hàng ngày của họ, rồi so sánh câu trả lời của họ với câu trả lời của 128 người có thu nhập thấp hơn (tổng thu nhập khoảng dưới 35 ngàn đô-la Mỹ một năm). Cuối cùng, ông đưa ra kết luận:

Học cách trì hoãn thay vì tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức là điều cần thiết để thành công, đặc biệt khi bạn đang làm các việc liên quan đến vấn đề đầu tư, kinh doanh và kiếm tiền.

Không những thế, ông Corley cho rằng tất cả chúng ta đều có thể áp dụng công thức trên đối với nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày để từng bước xây dựng thành công. Chẳng hạn như mỗi khi bạn muốn mua một thứ gì đó, hãy cân nhắc xem nó có phải thứ mà bạn thực sự cần hay chỉ vì bạn thích mua nó. Nếu đơn giản chỉ vì thói quen mua sắm của mình, như việc thích mua sắm một chiếc cà vạt mới hoặc một chiếc túi xách lạ mắt, hãy trì hoãn nó trong ít nhất 24 giờ.

Nhiều người cho rằng sống như thế thật mệt mỏi vì bạn phải hy sinh niềm vui của bản thân và cố kìm nén việc tận hưởng cuộc sống trong khi bạn có điều kiện tốt, thực ra người giàu không nghĩ thế. Đơn giản là vì họ không coi trọng việc hưởng thụ, họ có những mục tiêu cao hơn, và họ sẽ hài lòng khi đạt được một thành tựu nào đó, nếu không phải là thành công trong công việc thì cũng là tri thức và giá trị tinh thần cho bản thân mình.

Họ vượt qua sự sợ hãi

Triệu phú tự thân Steve Siebold nhận định rằng nỗi sợ hãi chính là ranh giới giữa những người bình thường với những người cực kỳ thành công. Ông nói:

Những người vĩ đại làm việc với một tư tưởng tích cực, nơi mà sự sợ hãi không tồn tại.

Người giàu làm được điều đó bởi vì họ không sợ nghịch cảnh hay rủi ro xảy đến với mình. Họ hiểu rằng để đến được thành công, họ sẽ phải trải qua gian khó và xung đột. Thay vì cho phép nỗi sợ ngăn cản mình, họ tập trung suy nghĩ của mình về con đường phía trước.

Tác giả Robert Kiyosaki viết trong tác phẩm ‘Cha giàu Cha nghèo’ của mình rằng: “Đối với người chiến thắng, thất bại truyền cảm hứng cho họ tiếp tục phấn đấu. Đối với người thua cuộc, thất bại đánh bại họ”.

Người thành đạt không tranh giành với cuộc đời, họ phấn đấu hết sức trong những gì mà số phận đưa đến cho mình. Khi thất bại, họ đứng lên và làm lại từ đầu, họ giành được những gì mình xứng đáng có được, bởi họ đã nỗ lực và không sợ hãi.

Họ là những người biết cho đi

Những người giàu chân chính thường mong muốn giúp đỡ mọi người. Tất nhiên, có một số người giàu không bao giờ bỏ tiền ra giúp ai cả, tuy nhiên, phần lớn các triệu phú và tỷ phú rất tích cực trong công việc từ thiện của mình. Các tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett và George Soros đã cam kết dành phần lớn tài sản của họ để giúp đỡ những người gặp khó khăn.


Người giàu có biết trao đi yêu thương để nhận lại hạnh phúc. (Ảnh: dẫn qua Metro)

Và điều đó giúp họ tiếp tục xây dựng ‘sự giàu có thật sự’ của mình. Họ nhận ra rằng không gì có thể mang theo khi chết, như tỷ phú nổi tiếng Chuck Feeney đã nói: “Tấm vải che tử thi không có túi”. Vì thế, thay vì chi tiêu vô ích tất cả tài sản, họ chọn cách giúp đỡ và phân phối nó cho những người khó khăn, cũng chính là cách tạo một di sản tinh thần có ý nghĩa nhất với chính họ.

Họ có ý thức bảo vệ sức khỏe

Trong nghiên cứu của mình, tác giả Thomas C. Corley nhận thấy những người giàu có có điểm chung là: Họ có ý thức bảo vệ sức khỏe và họ thường tập thể dục đều đặn.

Ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, và nhà từ thiện người Anh Richard Branson cho biết việc tập các môn thể thao mang lại cho ông tinh thần sảng khoái và nguồn năng lượng tuyệt vời để làm việc, ông nói: “Tôi bắt đầu mỗi ngày với việc tập thể dục, có thể là một trò chơi tennis, đi xe đạp hoặc lướt ván quanh đảo Necker. Tập thể dục đưa tôi vào một khung tâm trí tuyệt vời để bắt đầu công việc”.


Người giàu có luôn biết cách thư giãn và nghỉ ngơi đúng lúc. (Ảnh: Getty dẫn qua ABCnews)

Có một thực tế là với những người giàu có, họ có một chế độ sinh hoạt điều độ và thường không làm việc thâu đêm. Họ chọn cách làm việc hiệu quả, chia tách công việc với chuyện cá nhân một cách rõ ràng.

Ông Corley cũng cho biết thêm rằng ngoài việc tập thể dục, những người giàu có ăn uống khá điều độ, tránh uống quá nhiều rượu và đa số họ không xem quá nhiều các chương trình ti vi…

Họ xây dựng ngân sách hợp lý

Nói về ngân sách, doanh nhân Mỹ Dave Ramsay phát biểu: “Lập ngân sách chính là cách lên kế hoạch của bạn, và bạn không thể xây dựng một tài sản trị giá một triệu đô la mà không có kế hoạch nào”. Cho đến nay, vợ chồng ông vẫn lập ngân sách hàng tháng như một thông lệ họ đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước.

Tất cả những người giàu đều biết cách lập và duy trì một ngân sách hiệu quả. Theo đó, các triệu phú có thể kiểm soát tốt dòng tiền thu vào và chi ra của họ. Từ đó, họ thiết lập được kế hoạch chi tiêu hợp lý và loại bỏ các chi phí lãng phí.

Người giàu là những người duy trì lẽ phải

Hầu hết chúng ta đều có ý tưởng rằng những người giàu có sẽ muốn hưởng thụ những gì xa xỉ nhất, thực ra họ xem sự thành công cũng đơn giản như việc sống một lối sống khiêm tốn và có trách nhiệm. Họ xây dựng cho mình một đế chế kinh doanh hùng mạnh, họ có tinh thần trách nhiệm trong việc duy trì, phát triển công việc đối với hơn cả ngàn người làm thuê cho mình. Có rất nhiều công ty đặt vấn đề đạo đức kinh doanh lên hàng đầu và coi trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên, từ đó thúc đẩy hành vi đạo đức cho rất nhiều người dưới sự ảnh hưởng của họ.


Đạo đức trong kinh doanh được xem là một trong những yếu tố căn bản làm nên thành công.

Vì thế, ngài Rabbi Judah HaNassi tôn vinh người giàu không chỉ vì Chúa đã ban phước và cho người giàu được hưởng nhiều đặc ân về tài sản cũng như được mọi người kính trọng, mà còn bởi Chúa đã giao trọng trách cho người giàu.

Mặc dù không phải người giàu nào cũng hiểu được trọng trách của mình, nhưng rất nhiều người trong số họ đã dùng nguồn lực mình có được để giúp đỡ người khác và duy trì điều đúng đắn. Nếu một người giàu có dám nói lên điều đúng đắn, chân thật bất chấp việc đó có thể gây tổn hại đến lợi ích và danh tiếng to lớn của anh ta, nếu người đó có thể chia sẻ và yêu thương mọi người nhiều hơn mong muốn hưởng thụ riêng mình,… thì việc ấy sẽ truyền cảm hứng cho những người ở các giai tầng khác đi theo một chuẩn mực đạo đức cao hơn. Người giàu được tôn vinh vì họ có khả năng truyền cảm hứng cho những người khác sống theo lẽ phải.

Vì vậy, nếu chúng ta không được giao phó sự giàu có tột bậc, chúng ta chỉ cần làm điều đúng đắn, bởi sau tất cả, đó là mục đích cuối cùng cao nhất của đời người, vì điểm kết thúc của tất cả chúng ta không có cái gọi là giàu hay nghèo, chỉ còn lại những giá trị đạo đức mà chúng ta đã để lại cho đời cũng như giành được cho chính mình mà thôi!