Nếu những tham vọng đánh mất tự do: hãy tôn vinh cuộc đời lặng lẽ

Đây là thời đại mà tất cả chúng ta đều nhận thức rất rõ ràng lợi ích của lối sống năng động và ồn ào, chỉ có những kẻ thua cuộc mới thích ca ngợi cách sống lặng lẽ. Nếu có cơ hội việc làm với mức lương cao hơn, ta sẽ nhảy việc. Nếu nhìn thấy con đường danh vọng trước mắt, ta sẽ nắm bắt ngay lấy nó. Ta không thể từ chối lời mời đến những bữa tiệc. Đó là những lợi ích vô cùng rõ ràng, và thật kì cục nếu ca ngợi những cuộc đời thầm lặng.

Đối với rất nhiều người, thật khó để xem xét ý tưởng về một cuộc sống trầm lặng, vì người ta thường cho rằng kẻ bảo vệ cho lối sống như vậy là những thành phần xã hội khó được tin tưởng nhất: những kẻ trốn việc, lập dị và lười biếng… – trông có vẻ như họ chẳng bao giờ chọn lựa hay dàn xếp các vấn đề của đời mình. Cứ như thể chính cái tính vụng về, kém cỏi đã cho họ một số phận được sắp đặt sẵn – một cuộc đời trầm lắng, giải khuyến khích dành cho kẻ suýt thắng cuộc đáng thương.

Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét vấn đề kĩ hơn, một cuộc sống bận rộn hóa ra lại có những cái giá phải trả không hề nhỏ, mà hầu hết chúng ta chấp nhận phớt lờ chúng. Ta sẽ phải đối mặt với sự ghen tị và cạnh tranh của người khác vì chính những thành công bên ngoài của mình, và rồi trở thành mục tiêu hợp lý cho nỗi thất vọng và hận thù, như thể là vì lỗi của mình mà người khác mới không thành công. Càng đạt được những thành tựu lớn hơn, ta trở nên nhạy cảm hơn với những lần thua cuộc, ta quan tâm nhiều hơn đến thể diện bên ngoài. Doanh số bán hàng giảm, hoặc là bớt được quan tâm và nịnh nọt đối với ta không khác gì một thảm họa. Con người trở thành con mồi cho nỗi sợ và những ý nghĩ hoang tưởng, nhìn đâu cũng chỉ thấy những mưu tính, mối đe dọa từ những tin đồn đầy ác ý trở thành nỗi ám ảnh của chúng ta. Đi cùng với quyền lực, sức khỏe của bản thân có thể bị ảnh hưởng, con người trở nên khô cằn đến kì lạ. Và chúng ta bị giam cầm trong một quỹ thời gian hạn chế.

Một kẻ đầy quyền thế có khả năng đóng cửa nhà máy ở Ấn Độ, từng lời nói của hắn được lắng nghe với tất cả kính sợ, nhưng điều mà hắn hoàn toàn không dám thừa nhận, là hắn cũng rất mệt mỏi, và chỉ muốn một buổi chiều nằm dài đọc sách trên sofa. Hắn không bao giờ có thể bộc lộ những tính cách tự do, trí tưởng tượng phòng phú và điểm yếu của mình thêm nữa. Những lời nói của hắn đầy tự mãn, nhưng chưa bao giờ ngưng đề phòng – không còn dám tin tưởng ai, bởi người ta chỉ tìm đến hắn vì quyền lực và sự nâng đỡ. Cứ thế, con người ta trở nên xa lạ với chính những người yêu thương ta thật lòng – những người luôn bên ta bất kể giàu sang hay khổ sở, trong khi đó con người lại trở nên phụ thuộc vào sự chú ý của thế giới xung quanh – những kẻ chỉ xuất hiện khi ta thành công. Ai đó có thể sở hữu sự giàu có từ các lục địa; nhưng có lẽ phải ít nhất cả chục năm rồi, anh ta chẳng có lấy một ngày được rảnh rỗi và chẳng phải làm gì cả. Những đứa trẻ ít được gặp cha, và người vợ hiền ngày càng trở nên gay gắt.

Nhân vật văn hóa nổi tiếng nhất trong lịch sử phương Tây là một người rất quan tâm đến những lợi ích của lối sống tĩnh lặng. Trong sách Phúc âm, Mác 6: 8-9, Chúa Jêsus bảo các môn đồ không cần phải mang gì cho chuyến hành trình ngoại trừ một cây gậy và một đôi dép, không có bánh mì, không có túi, không có tiền trong thắt lưng và không cần mang thêm quần áo. Thiên Chúa giáo đã mở ra trong tư duy của chúng ta một sự khác biệt quan trọng bằng cách phân biệt giữa hai loại nghèo đói: một cái được gọi là nghèo khổ do tự nguyện và ngược lại, nghèo khổ do hoàn cảnh. Vào thời kì này, tư tưởng của con người gắn liền với suy nghĩ rằng rằng nghèo đói là điều không mong muốn, và hậu quả của nó là sự bần cùng và thiếu vắng nhân tài, thậm chí chẳng ai ngờ tồn tại những lựa chọn thông minh và khéo léo nhờ vào sự đánh giá hợp lý về chi phí và lợi ích. Một người có thể từ chối công việc mới với mức lương cao hơn, không xuất bản thêm sách, không tìm kiếm những vị trí cao hơn – không phải vì họ thiếu sót về năng lực, mà vì họ đã tự mình lựa chọn không tranh đấu vì chúng.

Một trong những dấu mốc đáng chú ý trong lịch sử Thiên Chúa giáo là vào năm 1204, khi người đàn ông giàu có trẻ tuổi mà chúng ta biết ngày nay – Thánh Phanxicô Assisi – sẵn sàng từ bỏ của cải vật chất của mình (trong đó ông có hai ngôi nhà, một trang trại và ít nhất một con tàu) mà không có bất kì sự ép buộc nào, chỉ vì cảm thấy vật chất sẽ cản bước ông đến gần hơn với những gì ông thực sự khao khát: được chiêm nghiệm những lời dạy của Jesus, tôn vinh Đấng sáng tạo, sống hòa mình với thiên nhiên và giúp đỡ những người khổ sở nhất trong xã hội.

Thánh Phanxico Ansissi từ bỏ của cải thế gian – tranh của Giotto di Bondone

Trong văn hóa Trung Hoa, người ta tỏ ra tôn kính các bậc yinshi (người sống ẩn dật), những bậc thánh nhân bỏ lại đằng sau cả thế giới chính trị và tranh đấu để sống một cuộc đời giản dị trên núi trong một túp lều nhỏ bé.

Truyền thống bắt đầu vào thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, một vị quan tên là Đào Uyên Minh không chịu hợp tác với triều đình, ông kiêu hãnh trở về với nông thôn cày ruộng mà ăn, đọc sách, làm thơ. Trong bài thơ của mình – “Ấm tửu”, ông kể lại sự giàu có của cuộc sống hòa mình với thiên nhiên:

Kết lều cỏ giữa nhân gian
Mà không xe ngựa râm ran đi về
Sao anh giữ được nếp quê?
Tấm lòng cao khiết đất lìa tự xa
Giậu đông hái đoá cúc nhà
Nam sơn thanh thản cho ta ngóng về
Khí chiều ngợp ngợp sơn khê
Đôi chim thanh thản bay về nẻo vui
Cảnh kia chân ý bỗng ngời
Muốn đem bày tỏ thoắt lời lại quên.

(Trần Trọng Dương phóng dịch)

Đào Uyên Minh thưởng hoa – tranh của Chen Hongshou (1598-1652)

Tấm gương của Đào Uyên Minh đã trở thành chủ đề chính trong văn học và nghệ thuật Trung Quốc. Túp lều của ông gần núi Lư Sơn là lời khích lệ dân gian xem xét lại lối sống của mình và cân nhắc về cách sống đơn giản hơn. Không ít nhà thơ thời Đường đã trải qua cuộc sống biệt lập với thế gian. Trong một bài thơ của mình, Bạch Cư Dị đã nói về túp lều của ông ở bìa rừng, được dựng nên từ những vật liệu thiên nhiên: một mái nhà tranh, hàng rào tre liêu xiêu và những bậc thềm đá. Đến với Đỗ Phủ, ông ca ngợi tự do của lối sống giản dị, “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” không hề là lời kêu than, dù cơn bão đã phá hủy ngôi nhà đơn sơ của ông.

Tái hiện căn nhà tranh của Đỗ Phủ tại Thành Đô

Có lẽ bạn có nhiều cơ hội để nắm lấy con đường danh vọng, bạn cũng có thể gây ấn tượng với những thành tích của mình. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng ai cũng nên hoặc bắt buộc phải đi theo con đường đó. Khi chúng ta nhận thức sâu sắc cái giá phải trả cho nấc thang thăng tiến, có lẽ dần dần ta sẽ không sẵn lòng bán tâm hồn cho những ghen tị, sợ hãi, dối lừa và lo lắng. Thì giờ của con người trên mặt đất là có hạn, nếu danh tiếng và của cải không thể cho con người tự do, bạn có sẵn sàng và kiêu hãnh, chọn sở hữu ít vật chất và bớt nổi tiếng hơn?