Bởi vì ai cũng nghĩ mình là người nhàm chán
Hôm nọ tôi có chat với một anh ở trên Tinder. Xem qua profile thì tôi thấy khá nổi bật: Tốt nghiệp đại học FPT, có bằng N3 tiếng Nhật và hiện giờ đang làm việc tại công ty thuộc một tập đoàn lớn nước ngoài. Ấy thế mà, anh ấy tự nhận mình là người rất nhạt.
Như hôm nọ cũng có một cậu bạn tâm sự với tôi rằng anh ấy muốn chia tay người yêu vì cô ta thật nhạt. Yêu nhau 3 tháng và anh ấy có cảm giác dường như mối tình này đã đi đến hồi kết vì cả hai không chịu vun đắp tình cảm đi lên. Hay tại vì như lời anh kia kể, cô ấy thật là nhạt.
Người nhạt nhẽo, thực hư thế nào thì ai cũng biết. Nếu nghe qua thì có vẻ anh ta là người không có năng khiếu hài hước nếu không bị gọi là kém giao tiếp, có vẻ cô kia ít nói nên cố gắng tiếp xúc cũng chẳng có thi vị gì…
Khi hệ quy chiếu “độ mặn” ở mỗi người là khác nhau
Những câu chuyện ấy khiến tôi nhớ đến một nghiên cứu mà các nhà khoa học trộn lẫn với các tình nguyện viên khi tham gia một thực nghiệm. Nội dung thực nghiệm đó cực kỳ đơn giản, người tham gia chỉ cần chọn một đoạn thẳng dài hơn trong hai đoạn thẳng được đưa ra – giống như bài toán hình học mà bất cứ học sinh lớp một nào cũng có thể giải. Thế nhưng, khi cộng sự các nhà khoa học được đóng vai chọn đáp án sai, thì có tới 30% người tham gia không ngần ngại mà chọn đáp án sai theo ấy.
Thế rồi tôi hỏi anh bạn kia, “Vậy người yêu cậu “nhạt” ở chỗ nào?” Cậu ta tỉnh bơ trả lời “Vì cô ấy không thích xem phim hành động mỹ” – như cậu ta, mà chỉ thích đọc ngôn tình và xem phim tình cảm hàn Quốc – thứ mà cậu ta chán ngắt. Một lý do khác cũng bởi vì, bạn thân có sở thích giống cậu ta, cũng nói vậy.
Và đó cũng là lý do khiến anh trai mà tôi quen trên Tinder tự nhận mình là người nhạt nhẽo. Bởi vì công ty anh ý làm vốn đa số là nữ, huống hồ là nữ thích những anh chàng tình cảm ấm áp có nụ cười toả nắng luôn quan tâm đến phái nữ. Số còn lại thì đã lập gia đình. Trong khi anh này là là một tín đồ của truyện Nhật, truyện tranh Nhật, phim Nhật,… Thì với một thời gian làm việc và ở trong một môi trường như vậy. Đâu khó tránh khỏi việc tự cho mình là nhạt – bởi những đánh giá như nhau hết ngày này sang tháng khác như vậy.
“Nhạt” là một cảm hứng khơi nguồn sáng tạo cần thiết trong cuộc sống
Một tâm trí khi được kích thích bằng sự nhạt nhẽo, buồn tẻ sẽ trở nên rất sáng tạo. Bởi não bộ của con người luôn hay mất tập trung. Nhưng khi ta cảm thấy cuộc sống thật vô vị, buồn tẻ, tâm trí chúng ta buộc phải liên kết, tìm kiếm, liên tưởng, xâu chuỗi điều gì đó thú vị để soi sáng những mảng u uất trong tâm hồn. Vì thế mà chúng ta suy tưởng một cách độc đáo, mới lạ hơn.
Trong bài In Praise of Boredom có đoạn: Bill Gates có một “Tuần lễ Suy nghĩ” (Think Week) mỗi năm để chỉ ngồi và nghĩ trong vòng một tuần. Ông cho rằng thiếu kích thích giúp ông nảy ra những ý tưởng mới. Đương nhiên một tuần như vậy là một thứ xa xỉ mà không phải ai cũng có được, nhưng ý tưởng này có thể được tham khảo, một chút buồn chán sẽ sản sinh ra cảm hứng sáng tạo. Nếu bạn đang lao lực và cảm thấy thiếu cảm hứng, hãy thử làm bản thân thật nhạt nhẽo và buồn tẻ để xem não bộ của bạn có được khai thông bế tắc hay không. Ai cũng biết rằng nếu không cho não bộ những khoảng lặng để nghỉ ngơi và tiếp thu, chúng ta có thể trở nên quá áp lực và lo âu.
Cuộc sống mà tồn tại sự nhạt nhẽo cũng tệ không kém – Vì cuộc sống đã quá mặn để cho thêm muối rồi!
Vì sao tôi lại nói cuộc sống này quá “mặn” ư? Nếu bạn luôn tâm niệm một người thú vị là luôn hài hước và có thể làm hài lòng mọi người trong bất cứ trường hợp nào, thì bạn có đảm bảo người đó có thể hoàn toàn tỏ ra lãng mạn với một buổi tối có gió nhè nhẹ đìu hiu dưới bãi biển có hàng ngàn vì sao chiếu rọi không? Đừng nhầm lẫn điều này với một diễn viên trong phim, hay nhân vật viễn tưởng ở câu truyện tranh nào đó. Mà hãy đối mặt với thực tế, từng khắc từng giây.
Bạn nghĩ mình kém thú vị vì giao tiếp chưa tốt? Mình là người luôn kết thúc câu chuyện trong khi mọi người đang bàn tán vui vẻ? Mình luôn lúng túng trong mọi tình huống, lẽ ra phải sử dụng câu nói như thế này để bớt “quê” hơn nhưng lại bị phản ứng “chậm”?
Câu trả lời là, không phải riêng bạn đâu. Thử hỏi có ai trưởng thành, chín chắn, dày dặn kinh nghiệm mà không phải trải qua những cảm giác ấp úng, ngại ngùng, thậm chí là xấu hổ?
Hoạt động, kích thích liên tục sẽ rút kiệt năng lượng của chúng ta và những khoảng trống trong tâm trí sẽ luôn ngột ngạt và bị ức chế. Không có những nốt lặng trong tâm trí, chúng ta sẽ dễ dàng trở nên áp lực và lo âu. Đối với những người, thường xuyên không hài lòng về người khác. Như một lẽ dĩ nhiên, họ không thoả mãn với chính mình. Họ luôn tìm kiếm điều gì đó thú vị hơn nữa, thay vì chấp nhận “nhạt nhẽo” cũng là một điều thú vị không kém, thì đến cuối, họ cũng chỉ tìm thấy sự thất vọng mà thôi.
Giải pháp cho những người luôn nghĩ mình/người khác bị “nhạt”
Bạn đã bao giờ… cười vào mặt người khác khi họ chưa kể xong một câu chuyện chưa? Đó có phải là lý do bạn ngại chia sẻ và ích kỷ giữ nó làm kỷ niệm riêng cho mình? Có một bí mật mà trước đây tôi chưa từng tiết lộ kể từ khi nhiều người bảo tôi nói chuyện hay, hay đơn giản chỉ là đối tượng mà người khác luôn ưu tiên hàn huyên cùng, tôi đã từng bị chê là giao tiếp kém, thậm chí có những lúc, kể chưa hết câu chuyện thì mọi người đã …bỏ hết mà đi. Chưa hết, điều đó còn lặp nhiều đến nỗi khiến tôi nghĩ mình nhạt nhẽo thật. Đúng như hiệu ứng ở nghiên cứu bên trên.
Đã bao giờ bạn có những cảm giác đó chưa? Nếu là tôi, bạn sẽ phản ứng thế nào? Tôi đã không ngừng tìm kiếm để trả lời cho câu hỏi trên nhưng vô ích. Chỉ phát hiện được khi tôi chuyển hoá những câu chuyện kia thành lời văn của mình, tôi chia sẻ nó, bằng cách này hay cách khác, và nhận được sự đồng cảm từ nhiều người hơn. Những người đó chẳng phải bạn bè trên lớp của tôi. Họ có thể là đồng nghiệp nơi tôi làm, hoặc những người bạn chỉ gặp vài lần nhưng có chung đam mê, sở thích. Thế là chúng tôi có thể nói hết cho nhau nghe và cảm thấy “Ồ, tôi rất thích nói chuyện/chia sẻ với bạn”, “bạn giống, tôi, chúng ta đều nhạt nhẽo, theo một cách nào đó”, thậm chí là bởi “Bạn là một người biết lắng nghe”.
Tôi có chia sẻ với cậu bạn của mình rằng đã bao giờ cậu thử quan tâm cô ấy thích gì chưa, hai người đã bao giờ thẳng thắn chia sẻ những điều mình thích và không thích ở đối phương chưa. Thì lúc ấy cậu ta mới thừa nhận rằng mình chỉ nhìn vào một mặt của vấn đề. Một thời gian sau thì tôi không còn thấy cậu ấy than thở về vụ người yêu bị “nhạt” nữa, thay vào đó, tôi thấy những bức ảnh họ chụp cùng nhau đi tình nguyện, quay clip hát chung – đó đều là sở thích chung của hai người. Cũng như anh chàng tôi quen trên Tinder kia, chúng tôi đã hẹn, gặp và đi uống nước với nhau vài lần. Văn hoá Nhật cũng là một chủ đề mà tôi cũng từng và rất thích khám phá. Và tôi nhận ra anh ấy đâu có nhạt như anh ấy vẫn nghĩ, những câu chuyện anh ấy chia sẻ cũng thú vị đấy chứ. Tôi càng khích lệ, thích thú thì anh ấy càng thể hiện một cách tự nhiên hơn, cởi mở và hài hước, pha trò nhiều hơn. Tôi không biết những đồng nghiệp của anh ấy thế nào, nhưng đối với tôi, anh ấy là một người hài hước và rất hiểu biết.
Còn bạn thì sao, chẳng phải ít nhất cũng có một (vài) người muốn nghe câu chuyện của bạn? Hãy bắt đầu từ những khoảng lặng nhạt nhẽo, từ những người có chung sở thích, và mối quan tâm, và bạn sẽ nhận ra rằng, mình có thừa khả năng sáng tạo, đâu có cần cho thêm… muối!