Theo Hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần. Kết quả là chúng ta mua những thứ mà trước kia mình chẳng bao giờ cần để được hạnh phúc hoặc thỏa mãn.
Gần như cả cuộc đời, triết gia nổi tiếng người Pháp Denis Diderot đã sống trong cảnh nghèo khó; nhưng vào năm 1765 thì tất cả đều thay đổi.
Khi ấy, Diderot đã 52 tuổi và con gái ông thì sắp kết hôn, nhưng ông lại không đủ tiền lo của hồi môn cho con. Dù nghèo túng, Diderot vẫn được nhiều người biết đến vì ông là nhà đồng sáng lập và tác giả của bộ Encyclopédie, một trong những bộ bách khoa toàn thư đầy đủ nhất mọi thời đại.
Khi nữ hoàng Catherine Đại đế của nước Nga biết Diderot gặp khó khăn tài chính, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, tương đương 50.000 đô-la Mỹ vào năm 2015. Thoáng chốc, Diderot đã trở nên giàu có.
Không lâu sau thương vụ may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên không ổn.
HIỆU ỨNG DIDEROT
Chiếc áo choàng đỏ của Diderot rất đẹp. Thực ra, nó đẹp đến mức ông lập tức nhận ra rằng nó trông thật lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà. Theo lời ông, chiếc áo choàng và các đồ vật còn lại của ông “không hài hòa và tương xứng với nhau”. Vị triết gia sớm cảm thấy muốn mua thêm vài món đồ mới cho xứng với vẻ đẹp của chiếc áo choàng.
Ông thay thảm cũ bằng một chiếc thảm mới xuất xứ từ Damascus. Ông trang trí nhà cửa bằng những bức tượng xinh đẹp và một cái bàn ăn tốt hơn. Ông mua một cái gương mới đặt bên trên chiếc áo choàng, và “ông bỏ cái ghế rơm ra tiền sảnh và thay thế nó bằng một cái ghế da.”
Hành vi mua sắm theo hứng này được biết đến với tên gọi “Hiệu ứng Diderot”.
Theo Hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần. Kết quả là chúng ta mua những thứ mà trước kia mình chẳng bao giờ cần để được hạnh phúc hoặc thỏa mãn.
LÝ DO CHÚNG TA MUỐN SỞ HỮU NHỮNG THỨ MÌNH KHÔNG CẦN
Giống như bao người khác, tôi là một nạn nhân của Hiệu ứng Diderot. Tôi vừa mua một chiếc ô tô mới và kết cục là tôi đã sắm thêm đủ thứ đồ linh tinh khác để đặt vào xe. Tôi mua đồng hồ đo áp suất vỏ xe, một đầu sạc điện thoại di động trên xe ô tô, một cây dù, một bộ dụng cụ sơ cứu, một con dao bỏ túi, một cái đèn pin, vài cái chăn cứu hộ và thậm chí là dụng cụ cắt dây an toàn.
Xin nói rõ rằng tôi đã sở hữu chiếc xe cũ gần 10 năm và chưa bao giờ cảm thấy cần thiết phải mua bất cứ thứ gì tôi đề cập ở trên. Thế nhưng sau khi tậu chiếc xe mới bóng loáng, tôi bị rơi vào vòng xoáy mua sắm hệt như Diderot.
Bạn có thể bắt gặp những hành vi tương tự ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống:
Bạn mua một chiếc đầm mới và giờ bạn phải mua thêm đôi giày với cặp bông tai cho tương xứng.
Bạn mua thẻ thành viên thể thao CrossFit và không lâu sau, bạn lại bỏ tiền ra mua nào là ống lăn (dụng cụ mát-xa cơ sau khi tập thể dục), băng quấn đầu gối, dây quấn cổ tay và những bộ thực đơn ăn kiêng kiểu Paleo.
Bạn sắm cho con mình một cô búp bê và tiếp tục mua thêm nhiều phụ kiện cho búp bê mà trước giờ bạn không biết là có tồn tại.
Bạn mua một chiếc ghế sô-pha mới và bỗng không thấy vừa ý cách bày trí phòng khách nhà mình. Những cái ghế kia? Cái bàn cà phê đó ư? Cái thảm này ư? Tất cả đều phải thay đổi.
Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hoặc giảm bớt, mà thay vào đó là luôn tích lũy, thêm vào, nâng cấp và tạo ra thêm.
GIẢI PHÁP NÀO CHO BẠN
Hiệu ứng Diderot cho thấy rằng cuộc sống của bạn không ngừng có thêm nhiều thứ, vì vậy, bạn cần biết cách lựa chọn, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng. Sau đây là một số cách giúp bạn làm được điều đó:
— Bớt tiếp xúc với quảng cáo. Hãy tránh những tín hiệu gợi nhắc khiến bạn thực hiện thói quen mua sắm như hủy đăng ký email từ các website bán hàng, bớt lướt Facebook…
— Mua các vật dụng phù hợp với hiện tại. Bạn không cần phải đổi mới tất cả mọi thứ mỗi khi sắm một món đồ mới.
— Tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Tự bạn hãy đưa ra một cam kết và tuân thủ nghiêm ngặt. Mỗi tháng không mua sắm quá 500 nghìn, không ăn ngoài quá 5 bữa chẳng hạn…
— Mua thêm một, cho đi một. Mỗi lần bạn mua một món đồ mới, hãy cho đi một món đồ cũ. Hãy luôn chọn lựa kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ chứa đựng những thứ làm bạn vui vẻ, hạnh phúc.
— Sống một tháng mà không sắm đồ mới. Đừng cho phép bản thân mình mua bất kỳ món gì mới trong một tháng (tất nhiên là ngoại trừ nhu yếu phẩm). Càng nghiêm khắc với bản thân thì chúng ta càng giỏi xoay xở hơn.
— Từ bỏ mong muốn có thêm nhiều thứ. Mong muốn sở hữu của con người là vô tận. Bạn sẽ luôn muốn nâng cấp thứ gì đó. Hãy nhận ra rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một lựa chọn mà tâm trí bạn đưa ra, chứ không phải mệnh lệnh mà bạn phải tuân theo.
Kết lại
Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải ít đi. Mặc dù vậy, tôi tin rằng việc thực hiện những bước thiết thực để hạn chế thói quen mua sắm theo hứng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Đối với tôi, mục tiêu của tôi không phải là sở hữu ít đồ đạc nhất có thể mà là sở hữu vừa đủ đồ đạc. Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra cách để làm điều đó.
Diderot từng nói, “Hãy lấy ví dụ của tôi làm một bài học. Nghèo khó có tự do của nghèo khó; giàu sang có trở ngại của giàu sang.”