Câu chuyện chẳng có gì đặc biệt vì bấy lâu nay tôi luôn ơ thờ với vấn đề này cho đến khi một người mà tôi từng hâm mộ theo dõi gặp phải nó: Trầm cảm. Tôi cũng chẳng phải chuyên gia về trầm cảm hay tâm thần học nên tính chất bài viết chỉ dừng ở mức quan điểm cá nhân, của một người trẻ tuổi đôi mươi, cũng đang chật vật với hàng tá câu hỏi xảy ra cần giải đáp mỗi ngày. Tuy nhiên, với những gì mình đã trải nghiệm, và tìm hiểu về tâm lý, tôi thực sự muốn viết gì đó, về trầm cảm. Với lý do ban đầu cũng một phần vì chưa đủ tự tin về kiến thức, phần còn lại bổ sung cho phần thứ nhất: trầm cảm có thể xảy ra với bất cứ ai, cũng chẳng diễn biến theo một quy luật nào, đối với tất cả mọi người mắc khỏi căn bệnh thời hiện đại đó. Cho nên đến tận bây giờ, tôi mới gom đủ lý do để viết lên suy nghĩ của mình về vấn đề này, một cách cặn kẽ nhất.
Tại sao là căn bệnh thời hiện đại?
Sống trong một xã hội không ngừng phát triển, một nền văn hóa sống theo chủ nghĩa cá nhân, một nền văn minh với vô vàn thước đo duy mỹ, sự cố gắng của con người mỗi ngày đang chạy đến ngưỡng kịch kim. Hàng ngày đọc các bài báo, đoạn phỏng vấn từ các kênh báo chí rằng mỗi ngày bệnh viện phải nhập thêm bao nhiêu bệnh nhân mới. Nếu trước đây các bệnh nhân thường mắc các triệu chứng trầm cảm là những người mẹ sau sinh (vừa trải qua cú sốc tâm-sinh lý lớn) và những người tuổi trung niên(não suy thoái) thì điều đáng ngại là những người trẻ ngày mắc chứng bệnh này nhiều hơn. Người thì từng phải chịu đựng thứ âm thanh xúi giục tự hại, tự sát suốt mấy năm trời do ôn thi, học bài căng thẳng. Người thì ám ảnh về ngoại hình quá nhiều dẫn đến nhịn ăn, đến nỗi chẳng thể khôi phục lại vì cơ thể đã suy nhược đến kiệt quệ, vì stress kéo dài.
Bỏ qua nguyên nhân của sự trầm cảm về cả mặt sinh lý lẫn tâm lý (nếu bạn muốn tìm hiểu chỉ cần search google là ra liền) thì tôi muốn kể câu chuyện về một người anh mà tôi đã theo dõi ngưỡng mộ ở trên. Tôi xin phép không kể tên, những có lẽ nhiều người cũng đoán ra khi đọc xong câu chuyện này. Anh là một nhà văn khá nổi tiếng, nếu không gọi là có danh tiếng trong nước. Có công việc yêu thích, có một ngôi nhà ấm áp, và hơn hết, là tự do. Đi du lịch bất cứ khi nào muốn. Mọi chuyện chẳng có gì hốt hoảng hay bàn cãi khi bỗng một ngày anh không còn bất kỳ hứng thú với bất cứ thứ gì hết. Mỗi ngày, là một chuỗi hoạt động xảy ra như một cỗ máy được lập trình sẵn. Mỗi ngày, là một dấu hỏi chấm với một người trưởng thành với sự dày dặn trải nghiệm, rằng mình có thể làm gì tiếp theo? Điều gì mới khiến bản thân mình vui vẻ trở lại? Cuộc sống hiện tại có thực sự là mục đích sống của mình? Liệu mình có đang thực sự hạnh phúc trong các mối quan hệ?
Đọc sau câu chuyện ấy tôi đã tự so sánh với chính mình
Có thể nhiều lúc trong một đám đông này tôi như một đứa thừa năng lượng.
Có thể nhiều lúc trong đám bạn tôi là đứa hay pha trò, thậm chí, sẵn sàng làm chủ đề để mọi người châm chọc và trêu đùa.
Có thể trong lớp học, hay một buổi party, tôi là sự chú ý của nhiều ánh nhìn (bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực).
Nhưng thời gian chủ yếu của tôi vẫn là ngồi nhà một mình.
Để lấy lại năng lượng mà những hoạt động bên trên đã hút cạn hết mất.
Đến công việc, tôi cũng lựa chọn việc phải nói ít nhất.
Tôi làm content cho hai công ty đến nay cũng hơn một năm, ở ngưỡng 20 tuổi. Công việc này sẽ không bao giờ phù hợp với những ai thích giao tiếp hay muốn thiết lập nhiều các mối quan hệ. Nó đòi hỏi tính chịu đựng và kiên trì đến chán nản.
Nếu là tôi, có lẽ bạn nên tưởng tượng nếu một ngày bạn làm công việc giống thế, bạn cần có những kỹ năng gì. Ví dụ: đọc-hiểu tốt, tư duy phản biện tốt, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt,…
Xong xuôi, bạn tiếp tục tưởng tượng mình đang ngồi trong chính căn phòng của mình. Một mình, với 4 bức tường. Một mình, với những tiếng gõ máy tính lạch cà lạch cạch. Một mình, với những dòng chữ ngổn ngang, cần được sắp xếp cho đúng trật tự. Thi thoảng có vài tiếng “ực” uống nước. Bữa trưa một mình. Bữa tối cũng thế. Tự nấu, cùng với tiếng nhai nhóp nhép lộp rộp.
Cuối cùng, hãy nghĩ đến việc ngày mai bạn cũng phải làm những “công việc” tương tự thế này, cho đến ngày nghỉ cuối tuần.
Điều gì sẽ xảy ra với một cô gái ở độ tuổi 20?
Liệu khoảng thời gian cuối tuần ít ỏi có kéo lại cho bạn một mức năng lượng sẵn mức ban đầu? Liệu những khoảng trống đã được lấp đầy bằng sự kìm nén trong âm thầm có được giải tỏa thực sự và vĩnh viễn hay chúng giống những chất độc tích tụ trong cơ thể lâu ngày làm bạn héo úa dần đều? Liệu mọi việc sắp đặt sẵn tăm tắp đang chờ chúng ta thực hiện từng việc một có làm chúng ta trở thành một người thành công, như hình mẫu mà chúng ta mong muốn?
Tôi không biết liệu kết quả của bạn “thử vai” làm một người như lúc vừa tưởng tượng như thế nào, có giống kết quả tôi đã từng trải qua hay không. Tôi chỉ muốn bạn trải nghiệm một cuộc sống không có sự liên kết và giao tiếp xã hội – một trong những nguy cơ dẫn đến trầm cảm là thế nào. Để hiểu, và thấu cảm với những người đang chống chọi bằng mọi sự cố gắng làm tất cả mọi thứ để được người khác công nhận, tán thưởng và quan tâm chân thành.
Kể cả là cỗ máy, nó vẫn cần được nghỉ ngơi
Tôi cũng không biết trầm cảm có thể một ngày nào đó bất chợt đến thăm tôi lúc nào, hoặc không bao giờ. Có lẽ bạn cũng vậy, cũng đừng bao giờ nghĩ người hoàn hảo nhất, đứng trên đỉnh cao danh vọng nhất cũng không bao giờ mắc phải, cho đến khi mọi chuyện đã đi vượt ngưỡng của nó.
Có thể hằng ngày bạn mỏi mệt vì phải học bài cho cố, đi học thêm để không bỏ lỡ những kiến thức như những người bạn khác có được.
Có thể hằng ngày bạn phải kìm nén mọi cảm xúc suy nghĩ của bản thân để được tham gia vào một nhóm bạn trong lớp mà bạn nghĩ nó hợp với mình nhưng rồi một ngày đẹp trời nào đó, bạn chỉ ước giá như mình kết thúc mọi mối quan hệ chật hẹp đó sớm hơn.
Có thể hằng ngày bạn không ngừng dằn vặt bản thân vì chưa thể cố gắng cùng cực hết sức lực, để đạt cái đích cao nhất.
Hằng ngày nghĩa là ngày này nối ngày khác. Stress, lo âu, buồn bã kéo từ sáng hôm trước đến đêm hôm sau rồi từ đếm hôm sau đến sáng hôm trước. Bởi vì tôi cũng từng như thế, thậm chí cho tới bây giờ. Tôi cảm nhận rõ phản hồi của cơ thể do stress tàn phá nó mệt nhọc đến cỡ nào:
Chợt nhận ra những ngày thảnh thơi dần khép lại, mà là những ngày nối ngày cuồng nhiệt làm việc hơn tuổi 20 cũ. Chợt nhận ra gương mặt có vẻ như ngày một thay đổi, thay vì dãn ra, thì suốt ngày lại cau có lại. Chợt nhận ra những mối quan hệ trước kia xuất hiện thêm vài khoảng cách, ngày một xa hơn. Chợt nhận ra rằng, tháng đoạn tháng, cứ xoay vần, chỉ có những người trẻ cứ hoang mang, ngày đêm tìm lối thoát cho riêng mình – lối đi nào để trở thoát khỏi những khó khăn chồng chất khó khăn của tuổi trẻ.
Mà khó khăn thì giống như một con robot, người trầm cảm thì như một cỗ máy, người thì vận hành trơn tru, tự chữa lành được chỗ hỏng, người thì trì trệ hỏng hóc, người thì biết hỏng ở đâu để mà sửa, người thì chẳng biết sửa ở đâu nếu như bị hỏng.
Anh nhà văn tài giỏi tôi ngưỡng mộ kia sau một thời gian nhận ra sự bất ổn trong mình, đã đến trung tâm tham vấn tâm lý để trị liệu. Bằng cách cảm nhận những biến biến tiêu cực chảy trong cơ thể, bằng cách tự trò chuyện và phản hồi với chính mình trước gương mỗi sáng, bằng sự nhận thức sức khỏe tinh thần cũng được nghỉ ngơi khi đã quá tải, đối với tất cả mọi thứ: công việc, các mối quan hệ, sự nghiệp,.. Anh đã dần cảm nhận cuộc sống, bắt đầu lại, từ con số 0.
Và cuối cùng, thì, kể cả dẫu là cỗ máy, vẫn cần được sạc pin mà, nhỉ?