Làm sao chúng ta học được cách tha thứ cho lỗi lầm của người khác?

Tha thứ là phương thuốc chữa lành những vết thương, nhưng ai mới có khả năng chế tạo ra Thần dược này? Tìm đâu ra lý trí, vị tha, khoan dung, lòng dũng cảm và tâm thái bình tĩnh để tha thứ?

Khi mọi người xung quanh có hành vi cư xử tệ, chúng ta có xu hướng vội vã đánh giá bằng những phản ứng tiêu cực như: Họ đang cố ý làm tổn thương ta, họ cố tình hủy hoại cuộc sống của chúng ta, hoặc họ là những kẻ ngốc, thậm chí ta có thể nghĩ là họ đã suy tính lâu dài và kỹ lưỡng về việc làm hại ta. Vì thế, thông thường chúng ta đều cho rằng những phán xét của mình rất hợp lý để giúp bản thân đề phòng và phản kháng kịp thời.

Tuy nhiên, có một điều thú vị có lẽ bạn đã bỏ qua, đó là những đứa trẻ nhỏ đôi khi cũng cư xử với nhau hoặc với người lớn chúng ta theo những cách bất công và có khi còn kinh khủng hơn thế: chúng ném đồ xuống sàn, chúng la hét và nói những điều tệ hại, chúng cố gắng đánh nhau hoặc chống đối lại ta, chúng giấu diếm, đánh cắp thứ gì đó của anh em mình,v.v. Điều quan trọng chúng ta xem xét ở đây là phản ứng của chúng ta về điều này đối với trẻ con và người lớn rất khác biệt. Tuy nhiên, bằng cách thay đổi góc độ nhìn các hành vi xấu, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt trong quan điểm của mình, và sự “tha thứ” mà bạn trao đi có thể mang một hàm nghĩa rộng lớn hơn, cao đẹp hơn.

Với trẻ con, chúng ta có thể giữ bình tĩnh hơn, chúng ta thường nhẹ nhàng phân loại mớ hỗn độn này và đặc biệt có xu hướng, gần như vô thức, tự hỏi mình năm câu hỏi chính:

Bọn trẻ có thể đang mệt không?

Bọn trẻ có thể đang đói không?

Bọn trẻ có thể đang buồn gì đó không?

Liệu có phải ai đó đã làm tổn thương chúng không?

Có thể bọn trẻ cần được ôm ấp, vỗ về không?

Rõ ràng là chúng ta đang đứng tại vị trí của con trẻ mà phân tích cảm xúc của chúng, thông cảm cũng như tìm cách trợ giúp chúng trong khả năng cao nhất mà chúng ta có thể. Nhưng chúng ta đã cư xử như thế nào khi ở cùng với những người lớn trong những hoàn cảnh tương tự? Chúng ta nghi ngờ, hoặc khẳng định họ đã làm điều tồi tệ ngay từ đầu bằng hàng loạt lý do: bởi vì họ là người khủng khiếp, bởi vì họ đang cố gắng tiêu diệt chúng ta, bởi vì họ rất đáng ghét…

Nhưng nếu chúng ta sử dụng mô hình giải thích như với trẻ con, chúng ta sẽ làm được một điều gì đó rất khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt nếu bạn ngay lập tức đặt ra 5 câu hỏi tương tự như trên trước khi để những tư tưởng phản kháng của mình trỗi dậy:

Họ có thể đang mệt không?

Họ có thể đang đói không?

Họ có thể đang cảm thấy buồn không?

Liệu có phải là ai đó đã làm tổn thương họ không?

Liệu có phải họ đang cần một cái ôm để được an ủi, vỗ về không?

Có một câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao bạn lại cảm thấy bất mãn với hành vi xấu của người lớn hơn là trẻ con, điều gì đã quyết định cảm xúc đó ở bạn? Liệu có phải là ở sự khác biệt giữa người lớn và trẻ con, hay chính là sự khác biệt trong “kỳ vọng” của chính chúng ta?

Bạn có thể kỳ vọng họ có hành vi theo tiêu chuẩn mà bạn cho rằng thích hợp với một người trưởng thành. Vì vậy, khi họ hành xử kém hơn những gì bạn mong đợi, bạn không thể chấp nhận nổi, và bạn coi thường họ khi so sánh họ với chính “họ trong kỳ vọng của mình”.

Từ đó dẫn đến việc chúng ta đơn giản là buông ra một lời buộc tội, hơn là thừa nhận một tình huống thực sự rằng: đó có thể không phải là trạng thái đúng đắn mà một người nên có, nhưng họ có thể có những “hoàn cảnh”. Họ rất có thể đang rơi vào những “hoàn cảnh” trong 5 câu hỏi của chúng ta, có thể họ cảm thấy không khỏe, họ đang đói, trong lòng họ đang buồn khổ về điều gì đó, hoặc tệ hơn nữa họ có thể đã bị tổn thương hay chịu lừa dối sâu sắc, và có thể họ cần được an ủi, vỗ về nhiều hơn là chịu nhận sự phán xét.


Tha thứ không khó nếu chúng ta chiến thắng được ích kỷ trong bản thân.

Những gì chúng ta nên làm là trở nên nhân ái và bao dung hơn với người khác, không chỉ với trẻ con mà còn với tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, vì tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất xác định trạng thái nên có của con người. Điều đó có nghĩa là hãy mở rộng lòng mình hơn nữa trong việc hiểu và diễn giải ra những điều người khác nói theo ý nghĩa sâu sắc hơn, với nhiều sự thấu hiểu và cảm thông hơn.

Như thế, chúng ta sẽ làm dịu mọi tình huống hơn là để phát sinh tranh luận. Thay vì tìm lỗi trong cách họ hành xử, hãy xem họ như một đứa trẻ kích động, đang quấy phá người mà chúng yêu thương bởi vì chúng đang rơi vào những tình huống khác nhau. Hãy tìm cách trấn an và cho họ thấy rằng bạn thông cảm và yêu quý họ, thay vì “đánh trả” lại họ một cú tương tự.

Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ và quan tâm trẻ con khi thấy chúng đáng yêu và nhỏ bé như thế nào, nên sự đồng cảm đến một cách tự nhiên. Thật xúc động và ý nghĩa nếu bạn đã từng sống trong một thế giới nơi bạn học được cách đối xử tốt với trẻ con, và sẽ còn tốt đẹp hơn nữa nếu chúng ta học cách bao dung hơn một chút đối với những người lớn chúng ta.


Học cách nuôi dưỡng một nội tâm an hòa để dễ dàng tha thứ.

Tất nhiên, điều này rất khó khăn khi chúng ta phải đối mặt trước mâu thuẫn và xung đột với một người lớn thật sự thay vì một đứa trẻ. Dù vậy, có một câu nói nổi tiếng rằng: “Đừng đánh giá cả câu chuyện của ai đó chỉ bởi một chương trong đó mà bạn bước vào”.

Do đó, nếu ai đó làm bạn bất mãn, đừng vội phán xét khi bạn chỉ nhìn thấy một góc của cuộc đời họ, hãy suy ngẫm về một thứ đặc ân lớn nhất, một thứ lòng tốt cao đẹp nhất của con người, để “nhìn” ai đó xa hơn những gì xấu mà họ đang thể hiện, để tha thứ, yêu thương, và nâng đỡ họ như những đứa trẻ đang thất vọng, tức giận, thiếu suy nghĩ hoặc bị tổn thương sâu sắc trong tâm hồn.