Cơ chế “Não thông minh” sẽ ngăn chặn thói quen tốt

Vì sao tôi đọc mãi những sách về xây dựng thói quen tốt mà không thể làm theo?

Ví như thói quen dậy sớm. Tôi sẽ ngay lập tức vồ lấy cái điện thoại và tắt ngóm để ngủ tiếp. Rồi làm khoảng 5 lần như thế trước khi vội vàng lao đến công ty.

Tôi cho rằng khi muốn có thói quen mới, chúng ta quá vội vàng nghe lời những lời khuyên bên ngoài mà quên mất hỏi chính Bản Thân mình.

Tôi tin là bộ não con người quá hoàn hảo và thông minh tới mức nó sẽ không cho chúng ta có thói quen tốt. Vì sao? Một cơ chế rất đơn giản đó là phản xạ tự nhiên. Thực tế các thói quen tốt đều nhàm chán và cứng nhắc. Khi não nhận ra việc dậy sớm làm bạn mệt mỏi hơn việc ngủ thêm một chút, nó sẽ tiết ra hàng loạt chất kích thích giúp bạn có thể duy trì trạng thái êm ái. Vì vậy, việc bạn không thể có thói quen tốt là chuyện rất bình thường. Thực tế, chính cơ chế ”Não  thông minh” này sẽ làm cuộc sống của chúng ta tốt hơn vì nó giúp ta chọn những cái tốt nhất cho mình, những cái thực sự làm mình hứng thú. Thay vì triệt tiêu nó, hãy hiểu và phát huy nó.

”Nói thế thì tôi chả cần làm thói quen tốt nữa à?”

Không, ý tôi là hiểu cơ chế mới có thể tìm ra giải pháp được. Cơ chế Não Thông Minh cần được vận dụng ở nhiều mặt. Trong việc hình thành thói quen, hiểu cơ chế này sẽ đưa ra hai giải pháp:

Cách 1: Thay cái cũ bằng cái thú vị hơn

Vì nó nhận diện và so sánh hai việc xem cái nào làm bạn thoải mái và hứng thú hơn, nên chúng ta cần ‘thích thì làm‘. Nghĩa là nếu muốn bỏ thói quen vừa cũ vừa xấu, hãy tìm một việc có hứng thú hơn để thay thế thói quen cũ đó. Ví dụ mục tiêu của bạn là dậy sớm mà không thể dậy nổi. Thay vì phải dậy sớm học bài, hãy dậy sớm để chơi điện tử. Khi não nhận ra mỗi sáng được chơi điện tử, nó sẽ nhanh chóng kích thích bạn ”ê dậy đi, làm một ván…”. Tôi đã áp dụng cách này và chỉ sau hơn 1 tuần, tôi tự động dậy mà không cần báo thức, lúc đó sau khi đã tỉnh táo nhờ dành 10’ chơi điện tử, tôi mới bắt đầu việc học.

Cách 2: Vượt qua giai đoạn thử thách

Một số sách phát triển bản thân gọi Cách 1 là hình thức trao thưởng và có vẻ rất hiệu quả. Nhưng tôi tin là thực tế nhiều người không làm được điều đó. Chúng ta sẽ ngừng lại trước khi chúng ta nhận phần thưởng luôn. Ví dụ chồng tôi đã quyết tâm đi chạy, nhưng chỉ sau vài buổi thì anh đã ”thôi, hôm nay anh ngủ tí, trời có vẻ không đẹp lắm…zz..zzzz”.

Não tuy thông minh nhưng rất ”tính người”. Nghĩa là sao? nghĩa là nó giống y hệt chúng ta khi gặp một người lạ. Chúng ta sẽ dè chừng, thậm chí tìm cách tránh một người mới quen nếu cảm thấy người đó có cái gì đó không ổn. Nhưng thực tế là chúng ta lại trở thành bạn rất thân với cái đứa mà lúc đầu ‘nhìn mày tao thấy ghét liền!”. Vấn đề nằm ở chỗ nếu chúng ta vượt qua được ”Giai đoạn thử thách”, nghĩa là giai đoạn tìm hiểu, thay đổi cách nhìn của ta với người đó, thì ta mới nhận ra họ tốt.

Quay trở lại với thói quen, nếu việc chạy bộ lúc đầu làm cơ thể mệt mỏi, nó sẽ lại tiết ra kích thích nhắc bạn ”đừng chạy, ngủ ngoan à ơi”. Nhưng nếu bạn giúp nó làm quen với thói quen tốt này và vượt qua Giai đoạn thử thách, nó sẽ kích thích bạn thân thiết với thói quen đó. Chồng tôi sau khi vượt được giai đoạn ”Dậy sớm làm zoombie quanh ngõ”, đã chuyển sang giai đoạn ”Ôi ngày mai anh sẽ chạy 10 km!”. Sau khi anh chạy xong, ngày nào trở về anh cũng tràn trề năng lượng vì cơ thể được giải phóng.

Vì vậy, cần phải lựa chọn hành động thưởng đủ hấp dẫn và trong khung thời gian đủ để bạn chịu đựng. Cách nhìn ‘thuận tự nhiên’ này có vẻ giúp bạn sẽ áp dụng tốt hơn trong việc xây dựng thói quen tốt đấy.

Mỗi người sẽ có ứng dụng riêng, với bạn, phần thưởng thay thế thói quen cũ là gì? Phần thử thách của bạn nằm ở đâu?