Mấy ngày gần đây nhiều bạn nói về một người phụ nữ bị lăng mạ vì ngoại hình. Câu chuyện phụ nữ bị đối xử tệ hơn vì ”xấu” tồn tại từ hàng ngàn năm, nhưng đến năm nay thì nó được quan tâm hơn. Vì chưa khi nào người ta có thể nói trực tiếp với nạn nhân trước đông người thế. Và giờ nó được nhiều người ở thời hiện đại có nhận thức lên án hơn. Thế nhưng, có thể sau đấy lại thêm kha khá người đi phẫu thuật thẩm mĩ để giảm rủi ro bị lên án. Và câu hỏi là đây có phải giải pháp không? Xinh đẹp hơn có hạnh phúc hơn?
Bài viết này hôm nay có hai mục đích chính.
Thứ nhất là tôi chia sẻ đồng cảm với một cô gái xấu. Yên tâm là bạn sẽ không nhận được những lời động viên mạnh mẽ kiểu như ”Bạn không cần phẫu thuật mặt, mà những kẻ lăng mạ bạn mới nên cần phẫu thuật não”. Vì tôi biết câu nói này sẽ giúp bạn ổn hơn về tâm trạng lúc này, nhưng rồi sẽ vẫn mệt mỏi khi bạn bước chân vào thực tế công việc và giao tiếp ngày mai.
Tôi đồng cảm vì chính tôi, uh, là tác giả của blog này, luôn nhận được sự phân biệt đối xử về ngoại hình suốt từ nhỏ. Tôi đen nhẻm, xương hàm hô, tóc dài bết, dáng người thì thấp và gầy nhẳng. Thậm chí tự tôi nhìn vào gương đã hãi quá chẳng dám soi tiếp suốt thời học cấp 1. Có lần, dù là nhóm trưởng trong đội biểu diễn nhưng tôi được chuyển xuống hàng hai để nhường chỗ cho một cô bé da trắng hồng bụ bẫm. Ở lớp mà có bài học nào liên quan đến phụ nữ xấu là tôi bỗng dưng được làm hình minh hoạ cho cả lớp.
Tôi đi cùng đứa bạn nào trắng hơn là y rằng người ta khen bạn đó xinh thế, trắng thế. Tôi quen với việc xấu đến nỗi nhỡ có ai không khen đứa bên cạnh là tôi thấy có gì đó…thiếu thiếu. Và tất nhiên có 1001 những cái bất công nhỏ bé khác chỉ vì xấu trong suốt tuổi thơ đến nỗi tôi nghĩ mình cần thoát ra.
——————————
Và đến đây, với mục đích thứ hai của bài viết, tôi bắt đầu chia sẻ đồng cảm với một cô gái xinh.
Tôi ngừng đi nắng, tôi bắt đầu xem các loại kem dưỡng, những kiểu buộc tóc và các mẫu quần áo thời trang. Sau nhiều năm không gặp, những đứa bạn hồi xưa đồng loạt hỏi tôi một câu ”Mày phẫu thuật thẩm mĩ à?”. Tôi hả hê rằng mình chỉ cần học vài mẹo nhỏ là biến hình được rồi. Nhanh chóng, tôi học theo các kiểu trang điểm từ nhẹ nhàng đến đi tiệc, thậm chí tôi còn được nhờ trang điểm cô dâu, trang điểm đi tiệc, trang điểm đám cưới cho người khác. Tôi quen với việc được khen đẹp đến nỗi khi mình xuất hiện ở buổi tiệc hay gặp mặt nào đó mà không có ai khen xinh đẹp là thôi thấy có gì đó…thiếu thiếu. Thậm chí những bộ đồ tôi mặc 30 ngày phải là 30 bộ khác nhau. Nếu ngày nào không có ai khen bộ đồ đó thì tôi sẽ bỏ hẳn nó. Những công việc giao tiếp thuận lợi hơn hẳn vì người đẹp hỏi gì cũng được trả lời. Tôi còn gia nhập bộ tứ cô gái ”sang chảnh” của công ty, hàng ngày váy bó cao gót đi lên đi xuống là đã được khen rầm rầm. Và tôi đã nghĩ ai cũng phải đẹp, ai cũng cần đẹp để sống sung sướng hơn.
Cho đến khi….
Khi tôi nhận ra mình sẽ là tâm điểm bêu rếu đầu tiên nếu có gì sai. Kiểu như ”xinh thế mà lại thế này thế kia”, hoặc ”Chỉ biết ăn mặc thôi à”. Nhưng kinh hãi nhất là những lần bị so bì với ai đó. Nào là mũi của cô khác cao hơn, mắt của họ lung linh hơn, da họ mịn hơn. Tôi bắt đầu giai đoạn cân nhắc có lẽ mình cần ”cải thiện” nhan sắc. Nhưng có 2 người phụ nữ xuất hiện gần đây thay đổi tôi:
(1) Hoa khôi của trường tôi là một cô gái mà không chỉ toàn thể nam sinh viên, mà đến tôi cũng phải liếc nhìn chằm chằm mỗi khi cô ấy xuất hiện: Mặt quá xinh! dáng quá đẹp! Sau một năm bỗng dưng cô gái ấy có cái gì…không đúng. Và cái ”không đúng” càng ngày càng nhiều, đầu tiên là mắt, rồi mũi, rồi cằm… Và tôi thấy thật khó hiểu khi đẹp như vậy mà phải đi phẫu thuật. Nhưng khi nghĩ lại những lời so sánh mà tôi cũng đã gặp thì tôi hiểu tại sao. Càng đẹp nhiều thì các bộ phận không hoàn hảo càng lộ rõ. Như một tờ giấy trắng tinh mà lại có một vết mực quẹt vậy. Và điều hài hước là gần đây số bạn bè xung quanh tôi đi phẫu thuật tăng đột biến, mà tất cả trong số họ đều là những người vốn hay được khen xinh. Hãy nhìn đi, các người đẹp nổi tiếng xinh đẹp mới đi phẫu thuật, chứ các cô nhà văn hay bị chê xấu đâu có ai đi. Và tôi cười phì khi biết hoá ra nếu xấu thì người ta chỉ nói là ”xấu” thôi, mà thường chỉ nói 1 lần đầu. Chứ nếu xinh thì người ta sẽ nói về đủ thứ xấu như ”mắt xấu, môi xấu, cằm xấu, mũi xấu….”. Mà hôm nay họ phát hiện cái mi mắt mình ngắn, ngày mai họ lại phát hiện cái trán mình dô, như kiểu chơi trò ”tìm điểm khác biệt của bức tranh” vậy. Thế thì người đẹp bị chê bai nhiều hơn người xấu, cả về số lần lẫn thời gian.
(2) Em họ của chồng tôi là một cô bé khuôn mặt tròn rất đáng yêu. Lần gặp em thực sự làm thay đổi cuộc đời tôi. Em đeo lens mắt nên hôm đó từ chối ở lại nhà tôi vì phải về…thay lens. Mọi người trong nhà tôi ai cũng hỏi sao cô bé này mặt bí xị cả ngày chẳng cười lấy một lần? À đơn giản vì em sợ cười bị hở lợi. Em từ chối đi Sài gòn chơi vì sợ nắng làm đen da, đây cũng là lí do em không biết bơi. Và giây phút em làm tôi thức tỉnh là vào lúc ăn liên hoan. Khi tôi bấm máy chụp cả hội xong, em vội nhào tới đòi tôi mở lại ảnh một cách thúc giục. Tôi thấy kì lạ vì cả buổi em không nói lời nào ngoài gật với lắc mà sao giờ lại ”hùng hổ” thế này. Em nhận ra bức ảnh tôi chụp khiến em trông bị đen, và tôi đã bị yêu cầu phải xoá tất cả chỗ ảnh đó. Sau đó em mới về chỗ ngồi ăn lẳng lặng tiếp. Tôi điếng người vì có phải cái giá phải trả cho một vẻ đẹp hoàn hảo đắt bằng sự thoải mái, bằng nụ cười, bằng tình cảm? Và liệu có vẻ đẹp hoàn hảo ấy trên đời không? Và trong thâm tâm em thì em đã hoàn hảo chưa? Nếu có hoàn hảo thì vì sao em lại phải như vậy?
Tôi đã luôn tin có sự hoàn hảo ấy cho đến khi trong cùng một ngày, tôi gặp hai người bạn cũ. Một người nói tôi béo ra, một người nói tôi gầy đi. Có hôm, thứ hai có người bảo tôi độ này sao đen thế, thì thứ ba có người hỏi tôi là độ này trắng lên nhỉ. Cùng là chính bạn thôi, nhưng chuẩn đen, trắng, béo gầy của mỗi người sẽ đo người khác với sự khen chê khác nhau. Vậy thì dù tôi có cố gắng đến đâu cũng sẽ luôn có khiếm khuyết ngoại hình, dù xấu hay đẹp cũng sẽ luôn có sự chê bai. Dù ai có xấu tự nhiên hay ai đó đẹp nhân tạo, thì vẫn luôn gặp sự phê phán.
Tôi bắt đầu thoát khỏi nỗi sợ phê phán của chính mình bằng việc học cách bỏ trang điểm. Tin tôi đi, người nào đã trang điểm rồi thì việc thiếu nó còn khó sống hơn cả việc học 1000 kỹ thuật trang điểm mới. Phải bỏ dần để chấp nhận đôi mắt thiếu hàng mi cong dài, chấp nhận da lúc nhợt nhạt lúc đen sạm. Và tôi nhìn mình rõ ràng hơn, quen thuộc hơn. Nhưng có thể tôi cũng không nhìn được chính mình như những người khác nhìn, vì giữa chúng ta không có chuẩn, nên không có hoàn hảo. Cũng như không có xấu chuẩn, và không có đẹp chuẩn. Có chăng chỉ là ta bước từ sự khó của cái này sang cái kia mà thôi.
Hôm bữa, tôi gọi skype cho bà nội, đường truyền yếu quá, bà tôi thấy ảnh cứ nhiễu nhiễu liền bảo ”Ôi độ này xấu thế”. Tôi cười haha vì biết bà tôi không hiểu do mạng kém. Và tôi biết không phải tại tôi. Chỉ là đường truyền không chuẩn thôi mà.