“Đặc sản” của người trẻ: sợ đủ thứ – sợ đến nỗi không dám nói câu từ chối, chỉ dám làm anh hùng bàn phím và bắt đầu trở nên mê tín

 

Bạn lúc 18 tuổi rất muốn hỏi bạn của năm 28 tuổi rằng: “Tại sao lại sợ đến mức thành ra thế này?”

Nghe thì có vẻ chua xót nhưng có một hiện thực vô cùng tàn khốc đó là phần lớn trong số chúng ta đều không thể trở thành một người trưởng thành mà có thể làm những việc mình yêu thích. Chúng ta lúc nào cũng phải e dè, cẩn trọng duy trì cái vẻ ngoài thỏa hiệp của mình, lúc nào cũng phải lùi lại một bước để giữ thể diện. Nhưng bạn cần biết rằng lùi một bước không những không thể khiến bạn đội trời đạp đất mà còn khiến bạn phải chịu thiệt thòi.

Đúng vậy, con người càng trưởng thành thì lại càng sợ. Còn người trẻ hiện nay, họ sợ một cách đa chiều, đa phương hướng, đa góc độ.

1. Sợ đến nỗi chỉ dám làm anh hùng bàn phím

Nhà hàng xóm suốt ngày ồn ào, đồng nghiệp ở cơ quan quá lười, người đàn ông ở bến xe buýt quá mất lịch sự,…bực mình muốn góp ý thẳng thắn, hoặc muốn đăng status mắng họ trên mạng xã hội, nhưng rốt cuộc lại nghĩ tới nghĩ lui, sửa đi sửa lại. Nhỡ bị người khác chụp màn hình lại làm bằng chứng thì sao? Nhỡ người khác thấy mình nói vậy hơi quá thì sao? Vậy là đành vẫn post lên facebook nhưng khẩu khí thì lại hòa nhã hơn rất nhiều.

2. Sợ đến nỗi mà có nói đùa thôi cũng tưởng tượng ra đủ các khả năng

Mọi người trong nhóm chat của cơ quan đùa giỡn vui vẻ, gửi hình động tanh bành ra, còn bạn thì lại đang bận ngồi do dự: mình nói như này liệu có làm mọi người mất hứng không? Mọi người có khi nào thấy cái hình động mình gửi nhàm chán quá không? Hoặc là hình như mình mình vẫn chưa thân thiết với mọi người đến mức ấy?

Gõ xong rồi lại xóa đi, gửi hình động này xong thấy không ổn lại đổi hình khác, nhưng cuối cùng thì bạn vẫn chẳng gửi được cái tin nhắn nào đi cả.

3.Sợ đến nỗi thấy phim hay chương trình bị đánh giá ít sao là không dám nói thích

Đừng nói là phim bị đánh giá thấp, đến được đánh giá 7.3 sao như “thế giới động vật” cũng không dám nói là thích. Ai bảo chương trình đó sinh ra không đúng thời chứ?

4. Sợ đến nỗi thích idol cũng phải thích trong thầm lặng

Người ta hay nói, thích ai đồng nghĩa với việc bạn muốn trở thành người đó. So với việc thích một idol thì bạn sợ trở thành người mà người khác không thích nhiều hơn, vì vậy chỉ có thể âm thầm khởi động nút tắt tiếng của bản thân.

5. Sợ đến nỗi yêu đương cũng không dám quá thật lòng

Sợ mình thật lòng trước, sợ mình quá yêu, sợ bị cho là quá dễ dãi, vì vậy mỗi một lần yêu lại phải tính toán chi li được và mất, biến tình yêu thành một trò chơi con nít. Ai thật lòng trước thì người đó thua, dù sao thì hình như mọi người đều nói vậy.

6. Sợ đến nỗi những chuyến du lịch nói đi là đi dường như đã không còn tồn tại

Tiền tiết kiệm ở đâu? Bảo hiểm xã hội bị cắt thì phải làm sao? Mấy nhóc mèo ở nhà ai chăm sóc? Sau đó thì…chẳng còn sau đó nữa.

7. Sợ đến nỗi khó nói câu từ chối

Mẹ bảo bạn đưa mẹ đi cắt tóc, em bảo bạn đưa đi mua sách, bạn bảo mệt, để hôm khác. Nhưng người chị hàng xóm nhờ đi học hộ, giáo viên trên lớp nhờ bạn đi lấy giấy tờ cho, giám đốc kêu bạn qua ngay uống rượu thì bạn lại không cách nào từ chối người ta, vì bạn sợ làm phật lòng họ.

8. Sợ đến nỗi bắt đầu trở nên mê tín

Đi ăn ở ngoài không cẩn thận làm gãy đũa, tự nhiên lại nghĩ hay tí nữa sẽ xảy ra chuyện gì. Không để ý là chiều nay có bài thi, sáng vẫn ăn xôi lạc với trứng lộn như bình thường, vừa ngồi ngẫm vừa hối hận “thôi xong!”. Đi hát karaoke thích bài “nhạc buồn” nên vội vã ấn nút chọn, chợt nhớ ra hai hôm nữa là đến ngày đánh giá thăng chức, liền đổi bài “vui vẻ, hào sảng” để trấn hưng lại tinh thần.

9. Sợ đến nỗi hỏi thêm một hai câu cũng không dám

Giám đốc giao việc, rõ ràng không biết phải làm như nào nhưng sợ nếu hỏi thì ông chủ lại nghĩ là mình ngốc, không biét việc, chỉ đành gật gật đầu tỏ ra đã hiểu. Đã hỏi thì phải hỏi những câu hỏi thông minh một chút, đây là một trong những “gói tư tưởng” truyền thống ở nơi công sở.

10. Sợ đến nỗi nhắn tin thôi cũng phải nháp

Đặc biệt là khi gửi tin nhắn cho ông chủ hoặc khách hàng, bạn bắt buộc phải có một cái tin gọi là tin nháp trước rồi đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt xem mình viết như vậy đã ổn chưa, viết vậy có dễ gây hiểu lầm hay không. Ngộ nhỡ gửi rồi bỗng phát hiện mình đánh sai dấu thì phải làm sao, dòng thông báo “tin nhắn đã được thu hồi” cũng khiến người khác phải hoài nghi lắm chứ.

11. Sợ đến nỗi chỉ là đưa ra một yêu cầu hết sức bình thường thôi cũng phải thấp thỏm, dè dặt

“Không biết liệu anh có thể dành ra thời gian để….hoàn thành công việc hay không?”, rõ ràng đây là trách nhiệm công việc, nhưng lúc phải đối chất trực tiếp với đồng nghiệp thì lại khách khí như kiểu đang nhờ người khác làm gì đó cho mình vậy.

12. Sợ đến nỗi rõ ràng có sao nhưng vẫn nói “không sao”

Càng ngày càng nhiều người cho rằng phải biết khoan dung, độ lượng, giữa người với người phải biết tha thứ cho nhau. Đồng ý như vậy không sai nhưng chuyện gì cũng có giới hạn của nó, cái gì nên cho qua thì hãy cho qua, nhưng chuyện gì cảm thấy quá giới hạn chịu đựng của mình rồi thì phải lên tiếng, không có cách hành xử nào là đúng tuyệt đối cả, đừng quên rằng mình cũng là người.

13. Sợ đến nỗi dùng dấu câu cũng phải suy nghĩ

“Mình dùng dấu chấm như này có cụt quá không, như vậy họ có nghĩ là mình không có hứng thú nói chuyện không?”, “Hay là đổi sang dấu !”, “hay là đổi sang dấu ~”,…nếu cứ suy nghĩ như vậy chắc cả ngày không nhắn nổi một tin nhắn mất. Nhớ rằng mình không sinh ra để làm vừa lòng ai cả, làm vừa lòng bản thân mình trước đã, phong cách nói chuyện của bạn ra sao, nếu họ hiểu bạn thì họ sẽ chẳng để bụng đến mấy cái dấu câu mà bạn dùng đâu.

14. Sợ đến nỗi không dám đối mặt với hiện thực cuộc sống

Thà xem các chương trình trực tiếp, sống trong thế giới của người khác, thà lên mạng xem chương trình thực tế về hiện thực cuộc sống khốc liệt cũng không dám ngẩng đầu đối mặt với hiện thực cuộc sống của bản thân.

Nói cho cùng thì sợ có gì là sai? Sống mà cẩn trọng một chút thì cũng đâu có gì là xấu. Nếu suy nghĩ một cách cẩn thận thì có thể bạn sẽ phát hiện ra đôi khi những người suốt ngày sợ hãi đó lại là những người đáng tin cậy, những người lễ phép, những người chưa bao giờ làm hại đến ai, vào những thời khắc quyết định, họ thường là những người dũng cảm, dám đứng ra chịu trách nhiệm.

Không sợ rất dễ, cứ làm theo ý mình, làm những việc mình muốn làm, cái này có ai lại không biết? Tuy nhiên thừa nhận là mình sợ lại rất khó, điều này cần ở những người trẻ bây giờ phẩm chất rất hiếm có: khắc phục và kiềm chế.