Hình như cuộc đời thiếu những cái ôm

Tôi mới đọc được một bài viết đâu đó nói rằng, xã hội càng phát triển, con người càng cô đơn. Thực sự, có nhiều quan điểm có thể phản biện điều đó. Nhưng khi nhìn xung quanh mình, tôi nhận ra, có vẻ như đây là một điều không phải là sai.

Bởi vì, cuộc đời này thiếu những cái ôm.

Vào một thời điểm, khi tôi thực sự cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống của mình, tôi đã tham gia một hội nhóm trên facebook dành cho những người trầm cảm. Mục đích hồi đó của tôi chỉ đơn thuần là tìm kiếm thông tin, cố gắng để hiểu rằng, thực sự bản thân mình đang làm gì và có làm sao không. Nhưng bạn có biết khi bước vào thế giới ấy, tôi tìm thấy gì không? Bên dưới những bài đăng chia sẻ, đôi khi là cầu cứu, những điều duy nhất được bình luận là “những cái ôm”.

Chỉ là những cái ôm thôi.

Tôi đã tự hỏi, tại sao?

 

Sự tiếp xúc vật lí người với người tạo nên điều kì diệu

Trong một bộ phim về y khoa tôi đã từng xem, một bác sĩ đã cởi trần ôm một đứa trẻ sơ sinh vào ngực, ngồi trong lồng kính để chữa cho đứa trẻ một triệu chứng bệnh về tim không do kéo nào can thiệp nổi. Và phép màu đã xảy đến khi đứa trẻ tỉnh lại bình thường. Tất nhiên, phim ảnh là sự hư cấu, nhưng, phương thức chữa bệnh “Kangaroo” này không phải là một điều không có cơ sở.

Trên thực tế, người ta thường khuyên phương pháp chăm sóc này được sử dụng thường xuyên với các em bé sơ sinh. Tất cả những gì cần làm chỉ đơn giản là đặt em bé nằm tiếp xúc da kề da với người mẹ đẻ của mình. Điều này giúp giữ ấm tự nhiên cho em bé, ổn định nhịp thở cũng như phát triển về cả vật chất và tinh thần cho đứa trẻ. Với người mẹ, phương pháp này cũng là cách để thực sự cảm nhận được sự nối kết mẹ con và giảm những căng thẳng sau sinh cho người mẹ.

Người ta tin rằng, sự tiếp xúc vật lí người với người tạo nên những phản ứng khác biệt, không chỉ với các đứa trẻ mà với cả con người bình thường như chúng ta. Bạn chỉ cần thử nghiệm điều này với một người bạn cảm thấy yêu mến mà xem. Với người bạn thích, một cái chạm tay vô tình, những ngón tay vô tình đan vào nhau hay là những cái chạm vai chẳng hạn, sẽ luôn tạo ra cho bạn những cảm giác kì lạ. Đó là khi ta “cảm” được một vật sống đụng chạm vào mình, gây ra những luồng cảm giác có thật. Không phải ngẫu nhiên mà những chi tiết như vậy vẫn luôn được khai thác triệt để trên phim ảnh và báo chí với các câu chuyện tình yêu.

Cái ôm là một trong những sự tiếp xúc kì diệu tôi nói đến. Trong những cách tiếp cận một người, cái ôm là một hành động đạt được mức độ vừa phải. Bạn sẽ không cảm thấy xa lạ, trang trọng hay có khoảng cách khi một ai đó ôm bạn. Và ngược lại, đa phần chúng ta đều không có cảm giác bị xâm phạm quyền riêng tư nếu có một ai đó ôm mình. Chỉ bằng cách đó thôi, những quan điểm sẽ được truyền đạt, sự an ủi, những điều thấu hiểu nhau cũng nhờ vậy mà chuyển từ người ôm sang người nhận.

Và đó là cách điều kì diệu vận hành, về mặt sinh học.

Nhưng vì chạy qua nhanh, những cái ôm rời rạc buông lơi

Thú nhận với tôi đi, bạn cũng đang chạy. Tôi không biết bạn là ai, bạn đang làm gì và bạn đang mơ ước như thế nào nhưng tôi đoán chắc bạn có một người bạn thân thiết nhưng đã lâu lắm rồi không gặp gỡ. Có thể có nhiều lí do này kia, bạn ấy đang ở xa quá, bạn ấy bận việc này nọ, nhưng lí do lớn nhất có lẽ là bởi vì chúng ta đều đang chạy. Chạy nước rút để lắp đầy các trang giấy trong cuốn sách cuộc đời mình.

Tôi công nhận, giữa một xã hội phát triển như vũ bão thế này, chạy là một điều tất yếu cần làm. Nếu không chạy, không tự thân thay đổi, tự thân cố gắng mỗi ngày, chúng ta sẽ tụt hậu. Chúng ta bị hoảng sợ bởi những điều mới, choáng ngợp với những điều người này người kia đạt được, và chúng ta cũng bị giục giã bởi chính khát vọng của chình mình, và như thế, chúng ta chạy. Mỗi ngày cố gắng làm việc thêm một tiếng đồng hồ, mỗi tuần bỏ bớt một buổi nghỉ ngơi để làm việc, mỗi năm bỏ không tận hưởng một vài ngày phép, cố gắng để hoàn thiện nốt công việc. Vài người chúng ta không phải là work-aholic, nhưng chúng ta vẫn say đắm vào trong công việc. Bởi vì chúng ta sống với một suy nghĩ, nếu không chạy, ta sẽ đánh mất những thứ đang có và không sở hữu được những thứ mình khao khát.

Nhưng…

Tất nhiên, câu chuyện nào cũng có một vài chữ “nhưng”.

Nhưng, chúng ta có thực sự hiểu, chúng ta mong muốn điều gì không?

Tôi có một niềm tin rằng, những thứ thuộc về vật chất chưa bao giờ là quan trọng nhất đối với bất kì ai. Nếu ai đó nói rằng anh ta sống vì tiền, tôi chỉ tin rằng, anh ta chưa thực sự hiểu mình mong muốn cái gì. Cái chúng ta vẫn thường cảm thấy cần, là hạnh phúc.

Chạy có khiến chúng ta hạnh phúc không? Đôi khi có, nhưng cũng không thiếu lúc không một chút nào.

Chúng ta cần hạnh phúc. Chúng ta cần những điều để mỉm cười, để nhớ, những kí ức và kỉ niệm. Chúng ta cần những người ở xung quanh mình, những người đem đến thứ cảm giác không thứ vật chất nào mang lại.

Thế mà, những cái ôm buông lơi. Vì chẳng có nhiều thời gian, chúng ta bỏ lỡ những lần bạn bè hẹn nhau đi uống cafe để chia sẻ với nó câu chuyện nó vừa bị người yêu đá như thế nào. Vì quá bận rộn, mỗi sáng ta quên mất không ôm người thương một cái trước khi đi ra khỏi nhà. Vì chuyện này chuyện kia, lâu lắm rồi chúng ta không về nhà, rúc vào chăn ôm lấy mẹ đã gầy đi nhiều tự bao giờ.

Những cái ôm buông lơi. Những cái ôm nguội lạnh. Những cái ôm như lấy lệ.

Mà đôi khi, còn chẳng còn có lấy một cái ôm…

Mỉm cười nào, và ôm nhiều lên!!

Tất nhiên, tôi không khuyên bạn tự dưng chạy ra ngoài đường, gặp ai cũng hớn hở đòi ôm vì bạn cảm thấy cuộc đời tươi đẹp quá. Tôi cũng không nghĩ chúng ta có thể đùng một cái, chạy về nhà ôm những người thân trong gia đình vì hôm nay tự dưng thấy vui. Hãy ôm khi bạn cảm thấy họ là những người thực sự quan trọng, thực sự có ý nghĩa với cuộc đời bạn, và ôm khi bạn cảm thấy cần hay họ cần bạn. Những thứ diễn ra tự nhiên luôn là những điều tuyệt vời nhất.

Những cái ôm chỉ nên là một bước khởi đầu. Tôi đã bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện của cái ôm, nhưng điều tôi thực sự hi vọng bạn đồng cảm cùng mình là, bạn cần chia sẻ cùng với mọi người nhiều hơn. Khi bạn ôm một ai đó, đó là một sự trao đổi hai chiều. Những muộn phiền của bạn sẽ được sẻ chia và những muộn phiền của họ cũng vậy. Ai cũng sẽ có những nỗi khổ tâm riêng, những câu chuyện riêng, những điều khó nói riêng. Có thể chúng ta chẳng thể trực tiếp xắn tay lên giúp họ, nhưng ít nhất, sự san sẻ về tình cảm có thể là một nguồn động lực to lớn để mỗi người bước tiếp trên cuộc đời mình.

Và lại, chúng ta sống trong một cộng đồng, đúng chứ? Chúng ta sống cùng nhau. Chúng ta không có trách nhiệm phải san sẻ, gánh chịu cùng những khó khăn, gian nan mà một ai đó phải trải qua, nhưng chúng ta là con người, là đồng loại. Nếu là đồng loại, chúng ta nên giúp đỡ nhau, yêu thương nhau, thấu hiểu nhau và chăm sóc lẫn nhau. Loài người đông đến tám tỉ người, nhưng giữa vũ trụ rộng lớn này, chúng ta cũng chỉ là một giống loài, nương tựa vào nhau mà sống cho trọn một kiếp người.

Nếu hôm nay bạn buồn, tôi xin phép gửi bạn một cái ôm thật chặt!!!