Ý chí dẫn bước

“Không hề có những công việc thấp kém, chỉ có thái độ thấp hèn.”

~ William J. Bennett

Một lần, tôi bật cười khi trông thấy dòng chữ: Có phước làm sao stress được! trên một bao bì.

“À phải”, tôi nghĩ, “tốt hơn cả nên sửa câu này thành Stress quá làm sao hưởng phước được!”.

Tôi đã năm mươi tám tuổi và sắp đi phỏng vấn xin việc. Một công việc “hậu hĩnh” có giá tám đô-la một giờ, bao gồm vận chuyển, phân loại và giao thư tín. Trước kia tôi đã lên kế hoạch nghỉ hưu bán thời gian vào tuổi này, sống bằng nguồn lợi đầu tư nhưng mọi thứ đã bất ngờ mất sạch khi kinh tế Mỹ khủng hoảng. Tôi buộc phải hủy hết chế độ bảo hiểm sức khỏe và cơ thể tôi bắt đầu có những dấu hiệu mà tôi không muốn thấy. Tôi chìm vào sầu khổ, tiếc nuối khôn nguôi về thời kỳ mình còn nằm trong ban chủ đầu tư của một doanh nghiệp xuất khẩu ăn nên làm ra, hàng năm có những chuyến nghỉ mát sang trọng, du lịch vòng quanh thế giới và được hưởng chính sách bảo hiểm sức khỏe hàng đầu.

Mấy tháng đầu nhận công việc này, cơ thể tôi phản đối dữ dội và thỉnh thoảng tôi vừa thở hổn hển vừa chửi thề dưới sức nặng của bao thư gần hai mươi lăm ký. Tất cả chỉ vì tôi quyết tâm chứng tỏ cho người chủ thấy “bà già” này cũng được việc. Tôi làm tất cả mọi việc, không phân biệt bất kỳ việc gì ngay cả khi không được yêu cầu. Chính thái độ đó đã khiến những đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn cũng bắt đầu tăng năng suất và hoạt động chung của công ty bắt đầu được cải thiện. Thái độ hăng hái, nhiệt tình và dáng vẻ tràn đầy năng lượng khiến tôi phải trả giá. Về đến nhà là tôi kiệt sức, rên rỉ và không thể sống thiếu Bengay, loại kem giúp giảm đau nhức. Nghe tiếng xe tôi về đến nhà là chồng tôi biến mất. Tuy nhiên, cuối cùng mọi chuyện cũng biến đổi hoàn toàn. Hai cánh tay tôi trở nên săn chắc hơn, còn phần cơ nhão nhẹt ở đùi và mặt sau cánh tay biến mất. Tôi sụt cân và cơ lưng trở nên dẻo dai hơn do hàng ngày cứ phải cúi xuống khi làm việc. Không chỉ thế, công việc nhỏ bé khiến tôi toát mồ hôi này còn giúp tôi có tiền để thanh toán các hóa đơn chi tiêu và có cơ hội trò chuyện, làm việc với khách hàng khi đi giao hàng.

Cơ hội đầu tiên diễn ra khi tôi thảo hợp đồng với một khách hàng nhờ chúng tôi in và gửi các tập sách quảng cáo đến cho họ. Tôi nhận thấy lời lẽ họ viết khá dở và kém hấp dẫn. Thế là tôi quyết định tiếp cận người khách khi bà ấy đến. Sau khi khen ngợi cách dàn trang, thiết kế của tập quảng cáo, tôi cố gạt sợ hãi và đưa ra vài đề nghị giúp bài viết “kêu” hơn chút ít. Người khách nhìn tôi và hỏi:

– Thế chị làm việc gì ở đây?

– À, tôi làm việc bán thời gian ở đây, mỗi thứ chút ít, và tôi cũng viết lách nữa. – Tôi lắp bắp.

Người khách nhìn tôi có vẻ kỳ dị lắm, rồi bỏ đi. Chắc hẳn bà ta nghĩ tôi là một kẻ ngốc, hoặc là một người tự tin quá mức. Ngay lập tức, tôi bỗng tự hỏi liệu mình có vượt quá giới hạn bản thân hay không? Liệu tôi có bị đuổi việc không? Khoảng một tháng sau, người khách quay trở lại và nói chuyện riêng với tôi. Bà ấy nói rất ấn tượng với ý tưởng của tôi và đề nghị tôi cộng tác viết lời cho trang web cùng tiểu sử công ty của bà.

Và dĩ nhiên là tôi có thể làm việc ở nhà. Ôi, thật là tuyệt! Thế là tôi bắt đầu được trả tiền để viết và thù lao mỗi giờ của tôi tăng lên gấp ba so với hiện tại. Liệu tôi có đang nằm mơ hay không, hay là do cơ thể tôi sảng khoái đột ngột nên nghĩ ra chuyện này?

Cơ hội thứ hai là do chính người chủ hiện tại của tôi mang đến. Để ý thấy tôi đã cố gắng làm việc và cả cách tôi tiếp đãi một số khách hàng, bà ấy đề cử tôi tham gia vào một tổ chức gọi là Những phụ nữ trong năm trong cộng đồng chúng tôi đang sống. Bà bảo:

– Đây là một hoạt động kéo dài suốt năm và cô sẽ được gặp những con người tuyệt vời.

Đúng như thế. Tôi đã gặp một phụ nữ cho tôi biết về một tổ chức quốc gia gọi là eWoman Network. Tôi nghĩ chi phí tham gia ban đầu khá là đắt đỏ, nhưng chỉ ngay trong năm đầu tiên tôi đã có được mười khách hàng. Chính tại một trong các sự kiện được tổ chức hàng tháng của tổ chức này, tôi đã có dịp nói chuyện với LeAnn Thieman, một phụ nữ sống động, tuyệt vời trước kia vốn làm y tá nhưng giờ đã trở thành một nhà văn và diễn giả có tiếng. Chị ấy

còn là đồng tác giả của các quyển sách Chicken Soup for the Soul.

– Tôi rất thích những quyển sách đó! – Tôi tuôn ra một tràng suy nghĩ của mình.

Và tôi hỏi liệu có phải ai cũng có thể gửi đăng một câu chuyện hay không. Thế là chị ấy quay lại hỏi tôi ngay:

– Cô có câu chuyện nào không?

Tôi trả lời có và chị ấy chỉ tôi cách lên mạng, tìm hướng dẫn để đăng câu chuyện của mình. Ngạc nhiên và vui biết bao, câu chuyện của tôi sau đó được chấp nhận và xuất bản. Ai mà ngờ được những trải nghiệm cá nhân của tôi lại trở thành một câu chuyện hẳn hoi, có người yêu thích và còn được xuất bản kia chứ? Cuối cùng, tôi bỏ công việc phân loại và chuyển thư. Khi tôi nghỉ, người chủ đưa cho tôi một túi thư nặng gần hai mươi lăm ký và nói đùa:

– Đây, tôi không muốn cô mất dáng đâu!

Tôi mỉm cười lại nhưng từ chối. Tôi cũng cảm ơn bà đã cho tôi cơ hội được làm việc ở đó vì nhờ có nó mà tôi mới có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình.

Bây giờ, khi ngồi đánh máy những dòng này, đài nước đang sủi tăm trong sân sau nhà còn chân tôi không ngừng đạp xe bên dưới bàn (đỡ mệt hơn nhiều so với việc đánh vật với mấy bao thư), miệng thì mỉm cười.

Phải, tôi thừa nhận đã có lúc mình cảm thấy bị áp lực vì thời hạn hoặc tiền nong.

Phải, cũng có những lúc tôi cho phép bản thân lo lắng về một điều gì đó, mà xét về lâu về dài thì cũng xứng đáng để tôi phải nỗ lực.

Và tất cả chúng ta đều biết rằng lo lắng làm hằn sâu thêm những vết chân chim dưới mắt, và rõ ràng tôi không cần đến chúng chút nào. Nếu phải có những nếp nhăn, tôi thích là do mình cười nhiều vì hạnh phúc và biết ơn cuộc sống. Chồng tôi bảo những nếp nhăn đó tượng trưng cho sự duyên dáng. Liệu anh ấy có hiểu mình đang nói gì không nhỉ? Ờ phải, quả thật là tôi thật có phước, nhiều đến nỗi không thể nào bị stress được.