Các định kiến về giới có phải là rào cản khi người phụ nữ muốn xây dựng thương hiệu cá nhân trong xã hội hay không, và làm cách nào để sở hữu một thương hiệu mạnh, bền vững?
Năm 2013, các chuyên gia tư vấn phát triển kỹ năng lãnh đạo gồm Jack Zenger và Joseph Folkman công bố nghiên cứu trên tạp chí Havard Business Review dựa trên khảo sát một nhóm gồm 9.500 nhà lãnh đạo là nam và 5.000 là nữ trong suốt ba năm. Nghiên cứu đặt ra câu hỏi về mức độ được yêu thích của lãnh đạo nam và nữ theo vị trí và thời gian tương đương. Kết quả chỉ ra rằng: phụ nữ duy trì được sự yêu thích từ cộng đồng trong suốt quá trình thăng tiến tốt hơn so với nam giới.
Nếu giới tính không phải vấn đề…
Thùy Minh, nữ MC gây ấn tượng với hàng loạt chương trình truyền hình như: MTV Exit 2010, Không gian đẹp (VTV3), Vân tay (VTV6), Chuyện đêm muộn, Mỗi tuần một chuyện – Đối thoại với Lê Hoàng (VTV1), Ghế đỏ… Hình ảnh cô để lại trong lòng khán giả là một nhân vật cá tính, vốn sống phong phú và là một bà mẹ đơn thân nổi tiếng. Chia sẻ về vai trò giới trong việc phát triển thương hiêu cá nhân của phụ nữ, chị cho rằng: “Thật ra cần thẳng thắn với bản thân là mình rất yếu đuối, vì bản chất của phụ nữ là phái yếu, họ thường dễ xúc động, dễ cảm thấy bất lực trước khó khăn. Nhưng khi thừa nhận bản thân mình là người yếu đuối thì lúc đấy người phụ nữ là người mạnh mẽ nhất. Một người biết mình yếu ở điểm nào thì sẽ biết cách phát huy điểm mạnh khác của mình. Bản thân trong suốt thời gian mang thai một mình và làm một bà mẹ đơn thân – theo định kiến xã hội là chuyện bi thảm với người phụ nữ, mình cho rằng câu chuyện về giới không có ý nghĩa gì ở đây, giả sử đàn ông một mình nuôi con cũng mệt mỏi hơn nhiều lần. Việc làm bà mẹ đơn thân về sau đã trở thành lợi thế của mình. Tất nhiên, đây không phải chủ ý mà là một bài toán lựa chọn do cuộc sống đem đến. Những khó khăn chỉ là tình huống để chúng ta vượt qua, dù là nam hay nữ”.
Nghiên cứu của Jack Zenger và Joseph Folkman cũng chỉ ra rằng, sự yêu thích của cộng đồng với cá nhân phụ thuộc vào chất lượng công việc người đó mang lại, ví dụ như hiệu quả lãnh đạo, doanh số công ty, hay sự hài lòng của khách hàng, chứ không hề phụ thuộc vào giới tính của cá nhân đó. Theo MC Thùy Minh, phản ứng của người phụ nữ trước những định kiến thường là đấu tranh. Tuy nhiên, chị cho rằng phụ nữ nên nhìn nhận mình trong công việc đơn thuần là một cá nhân đang lao động, đang tự giải quyết khó khăn gặp phải.
… thì điều gì sẽ tạo nên một thương hiệu cá nhân?
Định vị thương hiệu cá nhân
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh (Thanh Nguyễn), Giám đốc Điều hành công ty tư vấn nhân sự Anphabe cho rằng, con người giống như một sản phẩm đặc biệt, mà sản phẩm chỉ có thương hiệu khi có chất lượng. Trước tiên, phải định vị thương hiệu của mình tập trung những giá trị cốt lõi nào? Trong lĩnh vực nào? Giá trị cốt lõi này có ảnh hưởng nhất định tới nhóm công chúng nào không? Theo chị Hà Hoàng Dung (Emmy Hoàng – “beauty blogger”), một thương hiệu cá nhân được coi là tốt khi có giá trị cốt lõi mạnh, và được duy trì thực hiện nhất quán theo cả không gian và thời gian: bất kể ở đâu, lúc nào, các cá nhân muốn xây dựng thương hiệu cũng cần đồng nhất các hình ảnh đã tạo ra với công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh tính đồng nhất đó, nữ giám đốc Anphabe nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu cá nhân còn cần đến sự tiến hóa. Một thương hiệu cá nhân khi ra đời chỉ đáp ứng được nhu cầu nhất định thời điểm đó, theo thời gian, thị trường thay đổi dần, nhóm công chúng của bạn cũng thay đổi, vì vậy bạn phải liên tục tạo ra những giá trị mới mẻ. “3 năm trước những kiến thức nhân sự mình cung cấp là rất hấp dẫn, nhưng đến nay người ta sẽ không còn thấy quá mới mẻ nữa vì họ đã tiếp cận được thêm nhiều luồng tri thức khác. Rõ ràng, để tiếp tục tạo thương hiệu cá nhân mình phải làm mới nội dung truyền tải, định hướng được cộng đồng về các mô hình tân tiến trong lĩnh vực nhân sự”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ. Đồng nhất về mặt định hướng nhưng về cách làm, phương pháp triển khai phải liên tục tiến hóa.
Hành động theo định vị
Cá nhân phải hành động để truyền tải các giá trị đã được định vị. Bất kỳ giá trị nào được định vị đều phải được chuẩn bị sẵn những hành động để chứng minh. Lấy ví dụ từ bản thân, bà Thanh Nguyễn tự xác định mình trở thành chuyên gia nhân sự trong mô hình truyền cảm hứng hạnh phúc. Bà phải triển khai rất nhiều dự án, báo cáo, chương trình xung quanh việc tạo hạnh phúc cho nhân viên trong môi trường doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thùy Minh nói thêm rằng, ngay cả khi đã được cộng đồng công nhận thì vẫn phải rèn luyện, bồi đắp chuyên môn tiếp. Điều này giúp ích cho quãng đường phát triển thương hiệu cá nhân lâu bền.
Marketing bản thân
Ai cũng sẽ có thương hiệu cá nhân, một người cha muốn xây dựng hình tượng trong mắt câu con trai hay một vị trưởng phòng muốn xây dựng phong cách quản lý trong mắt nhân viên cũng đều được coi là đang có nhu cầu xây dựng thương hiệu. Vì vậy, tùy thuộc vào nhu cầu hay đặc tính của công việc, cá nhân sẽ đưa ra lựa chọn quy mô lan tỏa thương hiệu cho phù hợp. Một ngôi sao có thể sẽ phải sử dụng thêm các kênh truyền thông, hoặc các nhãn hàng để truyền tải thương hiệu tới cộng đồng mạnh mẽ hơn, nhưng không phải ai cũng cần phải làm như thế. Cộng đồng tập trung hay trải rộng thì mới quyết định bước thứ ba nên được thực hiện như thế nào. Cần chú ý rằng marketing cho thương hiệu cá nhân sẽ không phải là quảng cáo hay rao giảng những thứ xa rời năng lực của mình. Chỉ khi có giá trị cốt lõi mạnh mẽ, tích cực thì bạn mới nên tính tới việc lan tỏa diện rộng.
Làm gì khi công chúng nhìn sai hướng trông đợi?
Việc phát triển quá nhanh khiến công chúng bị lệch nhịp với các giá trị định vị mình đang theo đuổi là rủi ro cần phòng tránh trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Ví dụ ở chương trình Shark Tank Việt Nam (VTV3), thương hiệu cá nhân của các nhà đầu tư (shark) tham gia bị phát triển nóng trong một thời gian ngắn, điều này không tránh khỏi dẫn tới các rủi ro. Shark Lê Đăng Khoa, sau 3 ngày đầu tiên lên sóng đã phải xử lý một thông tin sai lệch liên quan tới hình ảnh trong việc kinh doanh, khi bị “tố” có hành vi quỵt tiền một cửa hàng hoa.
Ở trường hợp của nhà đầu tư Lê Đăng Khoa, anh đã xác minh được thông tin từ người tố cáo là bịa đặt, chủ ý quảng cáo cho cửa hàng. Vì vậy, anh đã lựa chọn hình thức tiếp cận qua cơ quan chức năng để giải quyết. Trong các phạm vi nhỏ hơn như trong gia đình, hay công ty, theo bà Lê Hạnh, các bước trên có thể giảm thiểu nhưng việc đưa ra phương thức tiếp cận và hướng tới đối thoại trực tiếp là cần thiết để bảo vệ hình ảnh cá nhân. Thêm vào đó, bà Thanh Nguyễn cho rằng mỗi người (muốn hay không) đều có thương hiệu cá nhân, là hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng xung quanh. Do đó, cần chủ động tạo thương hiệu cá nhân với ý nghĩa càng tích cực càng tốt.