Một trong vài câu hỏi sáo rỗng nhất mà vẫn được sử dụng trong mọi cuộc thi nhan sắc là so sánh tầm quan trọng giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn. Lựa chọn câu trả lời không phải điều cần bận tâm, bởi thí sinh quá rõ phải nói gì cho đúng với trông đợi của khán giả lẫn ban giám khảo. Thế nhưng, câu hỏi ứng xử này vẫn được đặt ra, bởi suy cho cùng, sự sáo rỗng đến từ nỗi nghi ngờ chưa bao giờ chấm dứt, từ thế hệ này sang thế hệ khác: Phải chăng vẻ đẹp ngoại hình chỉ là một thứ phù du? Phải chăng cái nết có khả năng “đánh chết” cái đẹp? Phải chăng ta có thể xem nhẹ lớp vỏ bề ngoài và tập trung cho những giá trị bên trong để đạt được hạnh phúc?
Trong thời đại của mạng xã hội, các nghi ngờ trên dường như không còn là nghi ngờ nữa. Điều kiện đầu tiên để ta chú ý đến một ai đó chính là yếu tố ngoại hình. Thông tin tiếp nhận mỗi ngày dần cài đặt trong ta nhận thức chắc chắn: Đẹp là thành công. Đẹp là hạnh phúc. Đẹp là chìa khóa vàng mở ra mọi cánh cửa. Vậy lẽ gì ta không giữ chắc chiếc chìa khóa ấy khi ta đã có, hoặc tìm cách có được chiếc chìa khóa khi nó đang ngoài tầm tay?
Đầu năm 2018, anh chàng người Anh tên Gwilym Pugh gây xôn xao dư luận khi quyết định “để râu” theo lời khuyên của thợ hớt tóc. Từ một người thừa cân, làm công việc văn phòng nhàm chán, Pugh bỗng trở nên quyến rũ lạ thường. Hình ảnh của anh tràn khắp mạng xã hội. Tất nhiên, râu ria chỉ là chi tiết “câu view”. Sự thật là anh chàng đã giảm cân, đổi kiểu râu và tóc, ăn mặc thời trang đúng điệu. Kết quả, Pugh đã trở thành người mẫu đại diện cho thương hiệu của David Beckham!
Câu chuyện về Pugh có thể gây ngạc nhiên với thế hệ 6x trở về trước, còn với những ai tự xem mình là netizen thì không. Chưa có thời đại nào mà vẻ đẹp ngoại hình lại có tác động mạnh mẽ như ngày hôm nay. Hôm qua đang còn vô danh, nhờ ngoại hình xinh đẹp được mời tham gia một MV ca nhạc, chụp bộ ảnh lookbook, thậm chí chỉ là bị chụp lén khi đang ngủ gật trên xe bus, thì hôm nay chủ nhân nhan sắc đã trở thành ngôi sao mới trên mạng xã hội.
Trong truyện cổ tích hiện đại, phép thần thông được đồng nhất với tay nghề phẫu thuật của bác sĩ thẩm mỹ. Các show truyền hình khai thác sự đổi đời thần kỳ người thật việc thật nhờ vào phẫu thuật thẩm mỹ biến cú (before) thành tiên (after) luôn thu hút đông đảo người xem. Tin tức nóng sốt về chàng ca sĩ khù khờ một sớm mai bỗng thành nam thần hay cô diễn viên nhí thoắt chốc trở thành biểu tượng gợi cảm có thể trở thành tin nguội ngày mai, nhưng âm vọng của nó đã kịp bám lại trong tâm thức chúng ta: Phải đẹp! Phải đẹp! Phải đẹp! Còn nếu trời không cho ta đẹp, thì bác sĩ thẩm mỹ (ta trả cho ông ấy một khoản tiền to) sẽ làm được điều đó!
Vậy đẹp để làm gì?
Quá dễ trả lời câu hỏi trên: Đẹp thì dễ dàng thu hút lượt like. Đẹp sẽ đông người ưa thích. Đẹp mới được các nhãn hàng tìm tới… Các mạng xã hội đã đẩy “đẹp” lên nấc thang mới: Từ một yếu tố để được chiếu cố hay thể tất (hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp), giờ đây nó vươn lên thành một loại quyền lực (tôi đẹp, tôi có quyền). Tiếng nói của người đẹp có sức nặng không kém người giỏi. Đẹp thì có quyền tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngay cả ở những nơi chủ nhân nhan sắc không có chuyên môn.
Xã hội hôm nay đã chấp nhận thực tế rất nhiều cô gái chàng trai tạo dựng cả gia tài chỉ nhờ đẹp. Ở góc nhìn rộng hơn, ai cũng thấy không riêng khu vực biểu diễn hay dịch vụ, đẹp trở thành một ưu thế trên các đường đua. Chẳng phải các thông tin tuyển dụng bao giờ cũng kèm theo điều khoản “ưu tiên ngoại hình” hay sao?
Ở chiều ngược lại, dù chuẩn mực đạo đức xã hội không bàn đến vấn đề đẹp xấu ngoại hình, nhưng thông tin, thái độ và phản ứng của xã hội trên mạng đang từng ngày từng giờ ngầm gửi đến các thành viên thông điệp “Đừng nên xấu!”. Những câu chuyện thành công chớp nhoáng hay tìm được tình yêu hạnh phúc nhờ vào vẻ đẹp ngoại hình vừa là động lực mời gọi, nhưng cũng là áp lực nặng nề với các bạn trẻ nhan sắc khiêm tốn. Trong hầu hết sinh hoạt cộng đồng, nếu các “thiên nga” được chào đón bao nhiêu thì những “chú vịt xấu xí” thường gặp bất lợi bấy nhiêu. Nỗi lo âu về ngoại hình đang dần dần vượt qua những bận tâm về học hành, công việc.
Càng tiếp xúc và ngắm nhìn những hình ảnh lung linh trên Facebook hay Instagram, một cách vô thức, ta càng ham muốn lao vào cuộc đua kỳ quặc: Đẹp không chỉ ở ngoài đời thật, đẹp online cũng quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn. Một số người thay vì chăm chút bản thân, lại dành nhiều thời gian cho các điện thoại đắt tiền, phần mềm chỉnh sửa, nhằm tạo ra các ảnh ảo trên mạng. Nhan sắc trở thành tấm danh thiếp đắt giá hơn mọi chức danh. “Thông minh phải chứng minh, đẹp khỏi cần” không hẳn là câu đùa cửa miệng. Bên trong nó ngầm chứa một kiểu chân lý mới, thực tế, đơn giản, hiệu quả và được người trẻ tin dùng.
Những người bị coi là xấu xí dằn vặt về nhan sắc thì dễ hiểu, nhưng giờ đây, nỗi ám ảnh ngoại hình tác động đến cả những người diện mạo bình thường, thậm chí được xem là đã xinh đẹp. Ta không bao giờ vừa lòng về bản thân. Khái niệm hạnh phúc gắn liền với cái đẹp bề ngoài. Giàu có hoặc thành công trong công việc dường như vẫn chưa thể mang đến cảm giác thỏa mãn. Dưới tác động của thế giới mạng, có một thứ khoái cảm trong việc trở nên đẹp và đẹp hơn, từ đó duy trì sự ngưỡng mộ từ người khác. Không ít người trong chúng ta hứng thú với việc tạo ra một bản thân “ảo” lung linh trên mạng, với sự giúp đỡ của công nghệ, và như chàng Narcissus say mê hình bóng hư ảo của chính mình trong lòng suối, ta ngày càng chìm đắm vào nó, chăm chút cho nó, và tin rằng đó mới thật là mình.
Nếu trước đây, vẻ đẹp ngoại hình là một khái niệm mở, nhiều kiểu đẹp được chấp nhận và tôn vinh thì ngày nay tiêu chuẩn về đẹp đang dần bị thu hẹp. Đẹp không còn là nét độc đáo riêng biệt, đẹp phải là phiên bản gần nhất với tiêu chuẩn chung. Có những người vốn sở hữu đường nét quyến rũ hiếm có, nhưng lại phá bỏ để chạy theo thị hiếu trào lưu: Họ đổi gương mặt bầu bĩnh tự nhiên thành V-line kiểu ngôi sao Hàn Quốc. Họ sửa chiếc mũi nhỏ xinh duyên dáng thành chiếc mũi cao nhọn như người mẫu trên các poster. Họ đổi làn da ngăm nâu đầy sức sống thành trắng “không tì vết” như các hot girl kêu gọi. Cuối cùng, giống như bức ảnh gây từng choáng váng từ cuộc thi hoa hậu ở Hàn Quốc hai năm trước, hầu hết những người đẹp trên mạng giờ đây đều trông giống hệt nhau, cả nam lẫn nữ.
Một gương mặt xinh đẹp hài hòa, một thân hình cân đối gợi cảm luôn là khát vọng lớn của con người ở mọi thời. Người Hy Lạp cổ đại diễn tả nỗi khát khao này bằng câu chuyện thần thoại, với lý do cuộc chiến thành Troy bắt nguồn từ việc các nữ thần tranh nhau quả táo “dành cho người đẹp nhất”. Người Ả Rập nói đơn giản: “Đẹp là sức mạnh”. Văn hóa phương Đông ngợi ca những mỹ nhân đẹp nhất là “nghiêng nước nghiêng thành”, người đẹp có thể khiến cả một quốc gia suy vong.
Nhìn chung, luôn có một tiêu chuẩn, hình mẫu chung về “người đẹp” trong mỗi thời kỳ lịch sử, bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế và xã hội. Một cô gái được gọi là đẹp ở thời cổ đại chắc chắn rất khác với cô gái ở thế kỷ 21. Vẻ đẹp phồn thực trong tranh Phục Hưng rất khác với các tiêu chuẩn cao gầy mảnh khảnh trong các poster quảng cáo ngày nay. Những tiêu chuẩn “đẹp” khác nhau bởi chúng được xác định trong các khung cảnh văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tâm lý, sinh học, địa lý… khác nhau.
Ngoài ra, khái niệm đẹp xấu còn thay đổi tùy theo góc nhìn và mục đích của người quan sát. Chẳng hạn, bề ngoài của một người nếu nhìn dưới con mắt phổ thông sẽ rất khác khi được nhìn bởi một họa sĩ, và chắc chắn rất ít tương đồng với mắt một huấn luyện viên thể thao. Tất nhiên, dưới con mắt người yêu lại là chuyện khác nữa. Thị Nở là đẹp nhất đối với Chí Phèo. Hay không chàng trai nào sánh bằng Romeo trong đôi mắt lụy tình của Juliet. Một cô gái châu Á da nâu, mắt xếch, răng hô bị xem là “khó coi” ở nơi đây nhưng chỉ cần thay đổi địa bàn đã được đánh giá “đẹp lạ”. Như vậy, bàn về ngoại hình của ai đó hay chính bản thân, ta cần phải xét đến yếu tố “trong lĩnh vực nào”, “trong bối cảnh nào” và “so với cái gì”.
Câu hỏi ta thường băn khoăn “mình có xấu không?” là câu hỏi thừa. Bởi vốn dĩ không có ai xấu xí cả. Những người bị số đông cho là xấu xí, kỳ thực họ chỉ thiếu may mắn khi nằm ngoài tiêu chuẩn của thời đại hay môi trường sống. Tương tự, những chàng trai cô gái được xem như nam thần hay tuyệt sắc của hôm nay rất có thể bị xem là kỳ quái chỉ trong vòng vài thập niên tới. Tiêu chuẩn đẹp – xấu thay đổi rất nhanh, thậm chí có thể đổi chỗ cho nhau. Lịch sử về chuẩn đẹp của nhân loại đã hơn một lần chứng minh điều ấy.
Trong một cuộc sống vận hành ngày càng nhanh, những áp lực ngày càng tăng và những thay đổi diễn ra chóng vánh, tồn tại trong thế giới ấy như thế nào, đó là lựa chọn của ta. Dĩ nhiên, ta không thể đi ngược dòng chảy. Ta không thể mang câu nói của ông bà ngày xưa “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để kháng cự trào lưu. Bề ngoài giờ đây quan trọng không kém nội dung, dù là con người hay sản phẩm. Trong lĩnh vực hàng hóa, các nhà sản xuất phải làm ưng mắt khách hàng trước, rồi mới có cơ hội chứng tỏ chất lượng. Bản thân mỗi chúng ta cũng vậy. Nếu không có ngoại hình phù hợp với nơi ta bước vào, ta hãy chuẩn bị tinh thần ta sẽ bị nơi ấy từ khước.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa vẻ đẹp ngoại hình đóng vai trò tối thượng. Ý niệm về vẻ đẹp vẫn nên là một phép cân bằng giữa nội dung và hình thức. Ngoại hình rất quan trọng, dù vậy, nó cũng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tạo nên con người ta. Nó không phải là tất cả, và không thể thay thế hay lấp đầy những yếu tố khác, như học vấn, tri thức, tài năng, lòng nhân ái, óc hài hước… Thời gian sống và tài lực của mỗi người là có hạn. Nếu ta dồn hết tâm sức cho vẻ ngoài, dĩ nhiên các yếu tố khác sẽ đi xuống trong một biểu đồ bù trừ.
Và còn một điều nữa ta đừng quên, đó là so với các giá trị khác, vẻ đẹp bề ngoài luôn là giá trị phai tàn trước nhất, bởi thời gian. Cái đẹp thường mặc định phải đi cùng tuổi trẻ. Đến một lúc nào đó, tuổi trẻ qua mất, nhan sắc rời đi, điều khiến ta sống dễ chịu và dễ dàng hơn là các giá trị khác, sức khỏe hay những mối liên hệ tình thân chẳng hạn.
Đã bao giờ ta nhìn cơ thể mình trong gương, nghĩ về nó như một tạo vật thiêng liêng?
Thiêng liêng, bởi ngay cả khi có vài chi tiết bất toàn, thì cơ thể ta vẫn là kết quả của những tính toán chi li trong mã gene, cho ra cấu trúc phù hợp nhất với sự tồn tại.
Dù nghe có vẻ ngược thời, nhưng phẫu thuật thẩm mỹ nên là giải pháp cuối cùng, chứ không phải là giải pháp tối thượng. Cho đến thời điểm hiện nay, y học vẫn khẳng định: Cơ thể tự nhiên của con người vẫn là phiên bản lý tưởng nhất. Mọi sự chỉnh sửa cấu trúc ấy đều để lại hậu quả, cả thể chất và tinh thần. Đó là lý do ở nhiều nước, phẫu thuật thẩm mỹ thường chỉ dành cho các trường hợp tai nạn cần hồi phục diện mạo. Còn để phẫu thuật chỉnh sửa làm đẹp, bệnh nhân phải trải qua quá trình chuẩn bị khá lâu. Họ sẽ được tư vấn một số kiến thức y sinh, những tác động lên sức khỏe nếu phẫu thuật diễn ra, họ được chuẩn bị tâm lý để tiếp nhận chính mình trong một diện mạo mới, ký các giấy tờ pháp lý liên quan… Tiến trình chuẩn bị ấy đôi khi kéo dài cả năm, đủ cho một vài “trái tim xốc nổi” suy nghĩ lại việc bước lên bàn mổ. Ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, phẫu thuật thẩm mỹ dễ dàng hơn rất nhiều, chi phí cũng rẻ. Sâu xa hơn, ý thức cá nhân còn yếu trước những trào lưu quá mạnh chính là cơ hội để các bệnh viện thẩm mỹ ăn nên làm ra, với các khách hàng ngày càng đông hơn và tuổi đời ngày càng trẻ hơn.
Không có gì sai khi ta tìm kiếm một diện mạo đẹp xinh, một cơ thể quyến rũ theo những hình ảnh trong đầu ta đã cài đặt. Nhưng có một điều chúng ta thường quên, đó là mục đích cho vẻ đẹp ấy. Gần như tất cả chúng ta đều muốn mình đẹp, mà ai không rõ “đẹp để làm gì?” Giống như tham gia một cuộc đua mà không rõ đích đến, ta có thể chạy được một quãng nào đó, vui trong khoảnh khắc, nhưng mãi không biết mình lao về đâu.
Xinh đẹp có thể là một giấc mơ, nhưng làm thế nào để xinh đẹp thì lại cần óc thực tế và sự tỉnh táo.
Xác định mục tiêu cụ thể sẽ giúp ta tính toán được cái giá phải trả và lựa chọn phương án phù hợp: Nếu hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn như ca sĩ, diễn viên hay người mẫu, dĩ nhiên ta sẵn sàng trả giá cao, thậm chí hy sinh sức khỏe để trở nên xinh đẹp nhất có thể, gần với tiêu chuẩn mà đám đông ưa chuộng. Nếu ta làm trong lĩnh vực dịch vụ, như du lịch khách sạn hay kinh doanh thương mại, yêu cầu sẽ giảm xuống đôi phần. Ta chỉ cần có ngoại hình dễ nhìn – sạch sẽ, sáng sủa và mang đến thiện cảm. Mà những điều này thì trang phục và phong thái được rèn luyện có thể bổ trợ rất nhiều. Còn nếu ta không thuộc các các ngành nghề đòi hỏi ngoại hình, không có bất kỳ nhu cầu thực tế nào khác, vì sao phải tốn thời gian công sức hơn mức cần thiết? Tất nhiên, sở thích cá nhân hay hoàn cảnh cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến các thang bậc này.
Chúng ta luôn khao khát được nhận diện, được nhớ ghi. Ta mong muốn là một, là riêng, là duy nhất. Vẻ ngoài của ta là nét đặc trưng trước tiên của ta, thể hiện tính duy nhất ấy. Trừ một số ít trường hợp, hầu hết các khiếm khuyết (nếu gọi thế) so với tiêu chuẩn chung đều có thể cải thiện theo những cách tự nhiên. Đó chính là trường hợp của Gwilym Pugh, người trở thành phiên bản đẹp nhất của bản thân, mà trước đó chính anh ấy cũng không hay biết.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn, xây dựng lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan tích cực… sẽ mang đến cho ta một sức hút đặc biệt. Khi vẻ đẹp tinh thần tác động đến thể chất, tính riêng nhất của ta càng mạnh hơn và hấp dẫn hơn. Suy cho cùng, những avatar chỉ hữu dụng trên mạng. Trong cuộc đời thật, vẻ đẹp của ta là tổng thể của hình thức, kiến thức, trải nghiệm, nhân cách, sự tự tin, thái độ của ta đối với tha nhân… Nói ngắn gọn, những giá trị căn bản làm nên một con người cũng chính là thứ làm nên vẻ đẹp của ta, tùy vào trữ lượng ta tích tụ.
Hãy nhớ lại cảm giác khi ngắm nhìn một bông hoa trong buổi sáng xuân. Vì sao bông hoa nhỏ bé lại khiến ta thư thái, dễ chịu và yêu đời đến vậy? Chắc chắn không chỉ bởi vẻ mềm mại hay sắc màu tinh tế của những cánh hoa, mà còn là hương thơm dịu nhẹ, sự phản chiếu của ánh sáng, sự hòa hợp với khung cảnh xung quanh, và cả nhựa sống mà ta cảm nhận được trong bông hoa đang hé nở. Tất cả điều đó đều tự nhiên, chân thật, tự tại.
Và ta biết, mình nên chọn trở thành gì, một avatar hay một bông hoa.