Tư duy chủ động (Active Mindset): Để không còn cảm thấy chán (mọi thứ)

Tư duy chủ động (Active Mindset): Để không còn cảm thấy chán (mọi thứ)

“Chán quá”. Lần cuối cùng bạn nói câu này là lúc nào thế? Tôi cá là cách đây không lâu đâu.

Nếu bạn cho tôi 4 phút, tôi sẽ nói với bạn lý do tại sao đây lại là dấu hiệu cực xấu.

Ngày trước, lúc nào tôi cũng chờ người khác giao việc. (Tôi chắc, bạn cũng vậy).

Khi còn đi học, thầy cô của bạn nói cho bạn biết điều bạn phải làm mỗi ngày. Hệ thống này rất phổ biến ở các trường tiểu học, trung học, phổ thông, cao đẳng, đại học. Lúc nào cũng có một người bảo cho cả nhóm điều họ phải làm.

Vậy thì vấn đề gì đang xảy ra ở đây?

Hệ thống trường học đào tạo chúng ta trở nên bị động. Và sau khi chúng ta tốt nghiệp, chúng ta tiếp tục đưa tư duy này vào mọi việc chúng ta làm. Khi tôi có được công việc đầu tiên, tôi cũng chờ sếp của mình giao việc.

Khi bắt đầu kinh doanh cùng bố, tôi cũng chờ bố giao việc.

Có lẽ bạn nghĩ, chẳng qua đây chỉ là vấn đề về kinh nghiệm thôi (chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải chờ đợi người khác chỉ cho việc phải làm là điều dễ hiểu). Nó hiển nhiên. Ai cũng nghĩ như vậy.

“Khi tôi là nhân viên, tôi nhận lệnh. Khi tôi là cấp trên, tôi ra lệnh”.

Đó là kiểu tư duy tệ nhất mà bạn có thể có.

Từ bị động (Passive) tới chủ động (Active)

Có hai kiểu tư duy làm việc. Một là tư duy bị động (Passive mindset) và hai là tư duy chủ động (Active mindset).

Đa phần ai cũng biết chúng. Chúng ta biết ai hành động thì sẽ được tưởng thưởng. Ai không hành động thì chẳng nhận được gì cả.

Tuy nhiên, điều chúng ta không biết đó là làm cách nào để thay đổi tư duy. Cụ thể ở đây là chuyển từ tư duy bị động sang tư duy chủ động?

Nếu vậy thì bạn có thể làm theo một số bước này để thay đổi cách suy nghĩ:

Bước 1: Thừa nhận bị động không hề có lợi

Khi bạn cảm thấy chán, về cơ bản bạn sẽ nói “Tôi chẳng biết mình đang làm gì”.

Ở một mức độ nhất định, chẳng ai biết mình đang làm gì (và nên làm gì). Sự khác biệt nằm ở chỗ khi bạn chán nghĩa là bạn không cố gắng.

Và những ai không cố gắng thì đều là những người thất bại. Chẳng có gì hay ho khi làm gì cũng lởm khởm, không hiệu quả. Bạn không thể nào sống hết cuộc đời trong khi chẳng làm nên trò trống gì và lười biếng.

Đôi khi, bạn buộc phải nắm quyền kiểm soát và ra quyết định cho điều tiếp theo bạn phải làm. Đấy là điểm khác rõ rệt giữa những người có tư duy chủ động và những người có tư duy bị động.

Người có tư duy chủ động nắm rõ điểm đến cuộc đời họ. Người có tư duy bị động phó mặc cuộc đời mình cho người khác.

Bước 2: Cam kết không ngừng học hỏi

Trong cuốn On the Shortness of Life, triết gia theo chủ nghĩa Khắc Kỷ Seneca từng nói:

Nếu bạn chăm chỉ học tập thì bạn sẽ tránh được mọi sự nhàm chán trong đời, bạn sẽ không còn mòn mỏi chờ đợi tới đêm bởi vì bạn thấy phát ốm bởi ban ngày, bạn cũng sẽ không còn là gánh nặng cho chính mình hay vô dụng với người khác, bạn sẽ khiến nhiều người muốn làm bạn với bạn và những người giỏi nhất sẽ quây quần bên bạn.

Đó là lý do tại sao tôi tin một tư duy chủ động chẳng liên quan gì đến kinh nghiệm. Có rất nhiều thực tập sinh mà trí tò mò còn lớn hơn và đặt nhiều câu hỏi hay hơn so với tất cả những quản lý cấp cao xuất sắc nhất.

Tôi đang làm việc với một nhân viên tư vấn bảo hiểm đã bước vào tuổi 60. Bác là một ngoại lệ. Bác cũng tò mò như một thực tập sinh vậy. Bác hiểu biết nhiều và rất giỏi về tài chính. Hơn thế, bạn còn cực kỳ hứng thú với mọi thứ. (Lúc nào, bác cũng thể hiện ước muốn được học hỏi).

Một lần khác, tôi cùng anh trai tới thăm một công ty in. Chủ doanh nghiệp, một người thuộc thế hệ thứ 3 trong gia đình, được thừa kế quyền quản lý doanh nghiệp từ bố của anh ấy cách đây vài năm. Anh dẫn tôi tham quan toàn bộ công ty và chỉ cho tôi chiếc máy in rất cũ mà họ đã sử dụng.

Tôi và anh trai vô cùng hứng thú. Chiếc máy in được phát triển bởi Johannes Gutenberg là một trong những phát minh vĩ đại nhất của tiến bộ loài người. Nếu thiếu sách vở, chúng ta không thể có được cuộc sống như ngày hôm nay. Sự thật ấy khiến tôi bị mê hoặc.

Anh chủ doanh nghiệp nói, “Tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai thực sự quan tâm tới cách mà chúng tôi in sách, tờ rơi hay tạp chí đấy”.

Không có nhiều người cam kết học tập cả đời. Đó là lý do tại sao họ luôn cảm thấy chán. Chẳng có gì ngạc nhiên cả.

Bước 3: Tạo giá trị cho người khác

Nếu bạn đã thực hành được bước 2 thì bước này trở nên rất dễ. Khi bạn tò mò và đặt câu hỏi nghĩa là bạn đang học. Và khi bạn học nghĩa là bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức và ý tưởng.

Khi bạn có ý tưởng, bạn có thể sử dụng chúng để cải thiện cuộc sống, công việc, kinh doanh… Đấy là logic không thể chối cãi.

Nhưng điều này không có nghĩa hiển nhiên bạn nên chia sẻ ý tưởng và lời khuyên với tất cả mọi người. Bạn biết tại sao không?

Lý do bởi vì bạn có một ý tưởng hay một lời khuyên hay ho không có nghĩa bạn buộc phải nói cho mọi người về nó. Mọi người có thể sẽ ngay lập tức cảm thấy bạn đang thích-thể-hiện hoặc cho rằng họ không biết gì.

Lời khuyên đôi khi cũng có thể bị xem như là lời chỉ trích.

Dale Carnegie đã viết rất thấu đáo về điều này trong cuốn Đắc Nhân Tâm (How To Win Friends And Influence People). Bạn buộc phải thật tinh tế khi bạn tạo giá trị cho người khác. Ông viết:

Đừng chỉ trích, kết án hay phàn nàn.
Hãy đưa ra đánh giá chân thành và thẳng thắn.
Khuấy động ý tưởng ở những người mà hồ hởi với nó – tốt hơn là để mọi người tự mình nhận ra thay vì ép họ phải làm vậy.

Đôi khi vài người gửi email cho tôi và nói rằng tôi cần thay đổi một vài thứ trên blog. “Các bài viết của bạn quá dài!”. Gần đây có người cũng nói vậy. Rõ ràng là anh ta chưa từng đọc Đắc Nhân Tâm (nên không hiểu được việc đừng đưa ra lời chỉ trích mà hãy sử dụng cách nói khéo léo).

Khi nói đến việc nuôi dưỡng tư duy tích cực, hiểu biết nhiều sẽ không hẳn có lợi cho bạn – chỉ có hành động mới thực sự mang đến ích lợi.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải cam kết không ngừng học hỏi. Nếu bạn quyết tâm và cố gắng giúp đỡ những người (mà muốn được giúp đỡ) trong cuộc sống và công việc thì bạn sẽ không ngừng tiến bộ.

Và sự tiến bộ là dấu hiệu chắc chắn rằng bạn đã rèn luyện được tư duy chủ động.