16 Facts tâm lý thú vị

Mọi người đều hiểu ý bạn khi bạn nói mình vui vẻ hay buồn bã. Thế còn những trạng thái tâm lý không thể gọi tên thì sao? Sau đây là những cảm xúc mà bạn có thể đã từng trải qua nhưng lại không có cách nào để giải thích.

1. Dysphoria

Thường được dùng để diễn tả sự trầm cảm trong các rối loạn tâm lý, dysphoria là trạng thái nói chung của sự buồn bã bao gồm sự bồn chồn, thiếu sức sống, lo âu và một sự khó chịu rất mơ hồ. Nó chính là trạng thái đối lập với với trạng thái hưng phấn, và khác với trạng thái buồn bã thông thường ở chỗ nó thường đi kèm với sự hoảng hốt, hay giật mình và cả sự giận dữ. Rất có thể bạn đã trải qua trạng thái này sau khi dùng các chất kích thích như chocolate, coffee hoặc cái gì đó mạnh hơn. Cũng có khi bạn đã trải qua nó khi gặp phải một tình huống cực kì đau khổ hay nhàm chán phát điên.

2. Enthrallment

Giáo sư  W. Gerrod Parrott đã chia cảm xúc con người thành những nhóm nhỏ, và trong mỗi nhóm lại có các nhóm nhỏ khác. Hầu hết những cảm xúc mà ông đã phân loại, như niềm vui hay sự giận dữ, đều dễ dàng nhận biết, nhưng nhóm nhỏ của niềm vui, “enthrallment”, thì có thể bạn chưa nghe tới bao giờ. Không giống như các nhóm nhỏ khác của niềm vui là sự vui tươi, sự hăng hái hay sự nhẹ nhõm, enthrallment là trạng thái sung sướng mãnh liệt. Nó không liên quan gì đến tình yêu hay dục vọng. Khi bạn xem một màn trình diễn vượt quá những gì bạn có thể tưởng tượng – một buổi hòa nhạc, một bộ phim hay thậm chí là một màn phóng tên lửa – một màn trình diễn có thể lôi kéo toàn bộ sự chú ý của bạn và đưa cảm xúc của bạn lên đến đỉnh cao, thì đó là khi bạn cảm thấy “enthrallment” 😀

3. Normopathy

Nhà lý luận tâm thần Christopher Bollas đã nghĩ ra khái niệm normopathy để miêu tả những người quá chú trọng vào chuyện hòa nhập và tuân thủ các chuẩn mực xã hội đến mức có thể coi là một dạng “cuồng”. Một người bị “normotic” luôn gắn bó với việc không có cá tính, và chỉ làm chính xác những gì mà xã hội mong đợi ở mình. Người ở trạng thái này một khi đã đi đến giới hạn thì sẽ phá vỡ các quy tắc, khi họ không thể chịu nổi việc phải phục tùng thì họ sẽ trở nên bạo lực hoặc có các hành vi vô cùng nguy hiểm. Rất nhiều người đã trải qua trạng thái normopathy ở dạng nhẹ vào nhiều thời điểm khác nhau trong đời, đặc biệt khi họ cố gắng thích nghi với một hoàn cảnh xã hội mới, hay cố gắng giấu giếm những hành vi mà họ tin là sẽ bị người khác lên án.

4. Abjection (sự kinh tởm)

Có nhiều cách để định nghĩa abjection, nhưng triết gia người Pháp Julia Kristeva đã viết một cuốn sách về ý nghĩa của việc trải nghiệm abjection. Trong đó, bà cho rằng mỗi người đều đã có thời kì trải nghiệm điều này khi còn rất nhỏ, khi ta nhận thấy cơ thể mình tách rời khỏi cơ thể người mẹ – cảm giác về sự chia cắt này gây nên cảm xúc sợ hãi cực độ mà ta mang theo suốt cuộc đời. Trạng thái abjection được tái kích hoạt khi ta trải qua những sự kiện khiến ta phải đặt câu hỏi về những giới hạn cảm giác của bản thân. Thường thì abjection là những gì bạn cảm thấy khi phải chứng kiến hay trải nghiệm một thứ khủng khiếp đến mức buồn nôn. Một ví dụ điển hình là khi ta nhìn thấy xác chết, nhưng cũng có khi chỉ cần nhìn thấy phân hay các vết thương hở là ta cũng có thể cảm thấy abjection. Tất cả những thứ đó đều khiến ta liên hệ được với bản thân mình. Thứ chia cách giữa bạn với việc trở thành một xác chết là… hầu như không có. Khi bạn có thể cảm nhận được hoàn toàn sức nặng của câu nói vừa rồi, hoặc phải đối diện với thực tế dưới hình thức nhìn thấy một xác chết, cơn buồn nôn của bạn chính là abjection.

5. Sublimation (sự thăng hoa)

Nếu bạn đã từng tham dự một lớp học giảng về lý thuyết của Sigmund Freud về tình dục, hẳn bạn đã nghe về sublimation. Freud cho rằng cảm xúc của con người giống như động cơ chạy bằng hơi nước, và ham muốn tình dục chính là hơi nước. Nếu bạn khóa một van hơi lại, áp suất sẽ khiến nó ra ngoài bằng một van khác. Sublimation chính là quá trình chuyển hướng ham muốn của bạn từ được quan hệ tình dục sang làm một thứ gì đó có ích hơn cho xã hội, chẳng hạn như viết một bài báo về tâm lý học hay sửa máy cắt cỏ hoặc phát triển một phần mềm. Nếu bạn đã từng quên hết bực bội chỉ bằng việc làm ra một cái gì đó, hoặc cảm thấy thoả mãn mãnh liệt một cách kì lạ khi đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, thì đó chính là sublimation. Sau đó, các nhà tâm lý học khác đã hoàn thiện khái niệm sublimation. Theo nhà lý luận Jacques Lacan, sublimation không nhất thiết phải là chuyển ham muốn tình dục sang hoạt động khác như xây nhà. Nó có thể chỉ là chuyển ham muốn ấy từ đối tượng này sang đối tượng khác mà thôi – chẳng hạn chuyển tình cảm của bạn từ dành cho bạn trai sang dành cho anh hàng xóm chẳng hạn (LOL).

6. Repetition compulsion (sự thôi thúc lặp đi lặp lại)

Freud đã mở ra cho chúng ta thật nhiều cảm xúc và trạng thái tâm lý mới để khám phá. Repetition compulsion thực chất phức tạp hơn định nghĩa nổi tiếng của Freud: “Ham muốn quay trở lại trạng thái ban đầu của vạn vật”. Hiểu một cách nôm na, repetition compulsion là một thứ bạn trải qua một cách khá thường xuyên. Nó là sự thúc giục bạn phải làm đi làm lại một việc gì đó. Có thể bạn cảm thấy bị thôi thúc lần nào cũng phải gọi cùng một món ở nhà hàng yêu thích, hay ngày nào cũng phải đi cùng một con đường về nhà, bất chấp việc còn nhiều món khác ngon hơn cũng như có những con đường khác dễ đi hơn. Có thể trạng thái repetition compulsion của bạn còn độc ác hơn, nó bắt bạn đâm đầu vào hẹn hò với những người đối xử với bạn chẳng ra sao, dù bạn biết thừa  chuyện tình này sẽ chẳng đi đến đâu, cũng y như chục lần trước mà thôi. Freud đặc biệt thích thú với mặt xấu xa này của repetition compulsion, đến nỗi ông ngay lập tức cho rằng sự thôi thúc này có liên hệ trực tiếp với cái ông gọi là “sự dồn đến chỗ chết”, hay là sự thôi thúc phải chấm dứt sự tồn tại của bản thân. Suy cho cùng, ông diễn giải, “trạng thái ban đầu của vạn vật” chính là trạng thái không-tồn-tại của chúng ta trước khi sinh ra. Mỗi lần lặp lại hành động là một lần chúng ta thể hiện ham muốn quay trở lại trạng thái không tồn tại ấy. Điều này lý giải vì sao nhiều người thích lặp đi lặp lại những hành động mang tính phá hoại hoặc vô bổ.

7. Repressive desublimation (sự phản thăng hoa bị kìm nén)

Nhà lý luận chính trị Herbert Marcuse là một fan lớn của Freud. Ông sống trong những năm 60 đầy biến động. Ông muốn giải thích cách mà người ta có thể vượt qua các thời kì giải phóng xã hội, như các cuộc cách mạng văn hóa vào khoảng giữa thế kỉ 20, nhưng vẫn tuân theo sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ và các tập đoàn lớn (đối với các nước tư bản chủ nghĩa). Làm thế nào mà nước Mỹ có thể trải qua từng ấy cuộc biểu tình vào những năm 1960 nhưng không dẫn đến lật đổ chính quyền? Ông cho rằng câu trả lời nằm ở một trạng thái cảm xúc đặc biệt tên là “repressive desublimation”. Hãy nhớ lại lý thuyết của Freud về việc trạng thái “sublimation” (thăng hoa) là việc chuyển hướng năng lượng tình dục sang các hoạt động phi tình dục. Nhưng Marcuse lại sống vào thời mà người ta chuyển thẳng năng lượng tình dục sang tình dục – chẳng có gì lạ, đó chính là thời đại cách mạng tình dục nổ ra mạnh mẽ, khi mà tình dục tự do thống trị. Đó là khi họ ở trạng thái “desublime” (phản thăng hoa?). Nhưng đồng thời họ vẫn phải kìm nén lại những năng lượng ấy dưới sự chỉ trích khi làm việc trong các doanh nghiệp, quân đội và chính phủ. Marcuse cho rằng trạng thái phản thăng hoa ấy thực ra lại củng cố cho sự đàn áp nói trên. Nó hoạt động như một van giải phóng những ham muốn để chúng ta không tự giải thoát khỏi các giới hạn mà xã hội đặt ra. Một ví dụ tiêu biểu cho repressive desublimation là các bữa tiệc tới bến diễn ra nhan nhản ở khắp các trường Đại học (ở Mỹ). Thường thì các cô cậu sinh viên sẽ uống say bí tỉ, sử dụng chất kích thích và quan hệ tình dục thoải mái – cùng lúc đó lại lao đầu vào học như điên để kiếm một công việc tốt. Thay vì tự hỏi vì sao mình lại bỏ cả núi tiền ra để học vẹt và kiếm việc ở công sở, họ lại ngoan ngoãn tuân theo các luật lệ và quậy phá tơi bời vào các dịp cuối tuần. Vâng, chỉ có thể là repressive desublimation!

8. Aporia

Bạn đã từng trải qua cảm giác trống rỗng đến cùng cực khi nhận ra điều mình luôn tin tưởng là đúng thực ra lại là sai? Và rồi còn kì cục hơn khi bạn nhận ra, điều bạn tin ấy có thể đúng hoặc có thể sai – nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết được? Đó chính là aporia. Đây là một từ từ tiếng Hy Lạp cổ, nhưng nó cũng rất được các nhà lý luận theo chủ nghĩa hậu cấu trúc như Jacques Derrida và Gayatri Spivak yêu thích. Lý do mà các nhà lý luận ưa dùng từ aporia là bởi nó diễn tả chính xác cảm xúc của con người trong thời đại bão hòa thông tin như hiện nay, khi mà bạn có thể đọc hàng tá những thông tin đối nhau chan chát nhưng đều có vẻ đáng tin như nhau.

9. Compersion

Nãy giờ chúng ta đã lấn sân sang lĩnh vực triết học khá nhiều, giờ đã đến lúc quay trở lại với miền đất hứa của internet meme*. Từ compersion được những người trong cộng đồng mạng chuyên ủng hộ những mối quan hệ mở (một người có thể công khai có nhiều hơn một mối quan hệ yêu đương) truyền bá rộng rãi. Nó nhằm ám chỉ cảm giác đối lập với cảm giác ghen tuông khi đối tác của bạn hẹn hò với một người khác. Những người theo chủ nghĩa chung thủy sẽ cảm thấy ghen tuông khi đối tác của mình hôn người khác, nhưng những người có tư tưởng đối lập sẽ cảm thấy compersion – một kiểu cảm giác vui mừng khi thấy đối tác hạnh phúc bên người khác. Nhưng những người có tư tưởng một vợ một chồng truyền thống cũng có thể có cảm giác compersion, nếu ta mở rộng nghĩa của nó sang bất cứ hoàn cảnh nào bạn cảm thấy đối lập với sự ghen tị. Giả như một người bạn dành được phần thưởng mà chính bạn cũng mong muốn có được, bạn có thể cảm thấy compersion (dù vẫn có thể còn sót chút ghen tị).

*Từ meme ở đây được hiểu như một yếu tố văn hóa được lan truyền từ người này qua người khác thông qua việc bắt chước, chia sẻ và truyền miệng.

10. Group feelings (cảm xúc nhóm)

Một số nhà tâm lý học cho rằng có một số cám xúc chỉ có thể nảy sinh khi ta là thành viên của một nhóm – chúng được gọi là cảm xúc liên nhóm hoặc nội nhóm. Thường thì bạn sẽ nhận ra khi chúng mâu thuẫn với cảm xúc cá nhân của bạn. Ví dụ, nhiều người trong các nhóm cảm thấy tự hào hoặc tội lỗi với những gì mà đất nước mình đã làm, dù bản thân họ chưa được sinh ra vào thời kì đó. Dù bạn chưa hề ra chiến trường, và bạn cũng không phải chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra, bạn vẫn có thể chia sẻ cảm giác tự hào hay tội lỗi với những người khác trong nhóm. Cảm xúc nhóm thường gây ra sự mâu thuẫn khá đau đớn. Một người có thể có cảm giác nội nhóm rằng đồng tính luyến ái là sai trái về mặt đạo đức, nhưng chính họ lại rung động trước người cùng giới. Hoặc trong một nhóm đã mặc định rằng một tôn giáo hay một chủng người nào đó là thấp kém hơn họ, vẫn sẽ có những thành viên biết rằng họ có thể coi những người thuộc chủng người hay tôn giáo ấy là bạn hữu. Cảm xúc nhóm chỉ có thể sản sinh ra trong một nhóm người chứ không thể có được từ riêng một cá nhân nào, nhưng không có nghĩa là nó không mạnh mẽ bằng cảm xúc phát sinh từ chính bản thân họ.