3 việc cần phải bỏ ngay nếu bạn không muốn cuộc đời càng sống càng bế tắc

Chỉ khi loại bỏ 3 hành động này ra khỏi cuộc đời, bạn mới có thể gặt hái thành công và có được hạnh phúc trong những ngày tháng sắp tới.

1. Ngủ quên trong sự ấm áp của “vùng an toàn”

Sau khi tốt nghiệp, em gái của bạn tôi làm việc cho một công ty trong hơn ba năm. Nội dung công việc đơn giản chỉ là chỉnh lý một số văn kiện, nhập dữ liệu, lương cũng chưa bao giờ được tăng.

Bạn tôi từng khuyên cô em gái của mình nên xem xét thay đổi công việc để suy nghĩ cho tương lai sau này. Nhưng cô bé ấy không quá để tâm vì lý do đã sớm quen với môi trường cũng như cách làm việc hiện tại.

Công việc này đem lại cho cô ấy một cảm giác thoải mái. Vì vậy cô hoàn toàn không có ý định tìm công ty khác.

Cho tới mấy ngày hôm trước, tôi nghe bạn mình kể mới biết công ty kia làm ăn thua lỗ nên đã cắt giảm một số nhân viên, và em gái cậu ấy cũng nằm trong số đó.

Suy cho cùng, vấn đề của cô gái ấy chính là quá chìm đắm vào sự ấm áp của thứ được coi là “vùng an toàn”.

Theo nghiên cứu tâm lý học, nhận thức của con người đối với thế giới xung quanh được chia làm 3 khu vực: Vùng an toàn, vùng học tập và vùng stress.

Trong đó, “vùng an toàn” (comfort zone) hay còn được biết đến với tên gọi “vùng thoải mái” là khái niệm để chỉ những thứ bạn đã quen thuộc. Đó có thể là vị trí thân thuộc, người ở chung thân quen, hay cảm giác thành thạo đối với một công việc nào đó…

Chung quy lại, vùng an toàn mang đến cho chúng ta cảm giác an tâm và thoải mái.Thế nhưng một cuộc sống như vậy lại khiến bạn trở nên lười biếng, hình thành tâm lý không muốn vượt ra khỏi phạm vi đã xác định.

Điều này làm cho bạn ít có cơ hội nhìn nhận thế giới bên ngoài, khiến bản thân và tâm trí của bạn bị bao vây trong một phạm vi nhỏ hẹp.

Cứ tiếp tục một cuộc sống như vậy, bạn sẽ trở thành “ếch ngồi đáy giếng” và bị thế giới ngoài kia xa lánh, loại bỏ.

Vì thế, đừng để những thứ thuộc về “vùng an toàn” hủy hoại cuộc đời bạn. Hãy tranh thủ từng giây từng phút để tận hưởng cuộc sống, nhìn ngắm thế giới bên ngoài thay vì cứ mãi ru rú trong một góc và vùi mình vào những việc nhàm chán quen thuộc.

2. Không có mục tiêu và phương hướng

Có một chuyên gia quản lý tri thức từng chứng kiến hiện tượng hết sức thú vị như sau:

Đa số những người có hứng thú với việc quản lý tri thức của cá nhân đều là những thành phần hiếu học, cầu tiến. Nhưng trong số đó, ta có thể chia thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm những người học tập “không sôi nổi”: Họ đọc sách, hỏi một số vấn đề, sau đó sẽ làm gì thì chẳng ai biết rõ.

Nhóm còn lại tập trung những người học tập sôi nổi: Họ không những đọc sách, tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau mà còn yêu thích gia nhập các cộng đồng xã hội có ích, học cách quản lý thời gian, nghe những buổi hội thảo ý nghĩa…

Sau hơn một thập kỷ, chuyên gia quản lý tri thức đã quan sát và phát hiện một sự thật: Đó là những người học tập sôi nổi tuy có mặt ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực, nhưng lại không đạt được thành tựu gì đáng kể.

Ngược lại, những người học tập “không sôi nổi” lại gặt hái được rất nhiều thành tựu, hoặc ít nhất họ cũng trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.

Vậy đâu là lý do khiến nhóm người học tập sôi nổi dù cố gắng nhưng vẫn không làm nên thành tựu?

Trải qua hơn 10 năm nghiên cứu, chuyên gia quản lý tri thức đã chỉ ra rằng, một người nếu muốn có thành tựu thì nhất định phải xác định được phương hướng và mục tiêu của mình.

Khi tìm thấy phương hướng và mục tiêu cụ thể, bạn sẽ nhận ra rằng bản thân không có thời gian để suy nghĩa hay quan tâm tới những yếu tố khác. Bởi hơn ai hết, bạn hiểu được những thứ không phục vụ cho con đường mình muốn tiến bước thì chẳng hề liên quan tới mình.

Về vấn đề mục tiêu, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard đã từng khảo sát trong suốt 25 năm trên một nhóm tình nguyện viên trẻ tuổi sở hữu những điều kiện khách quan như IQ, học lực, hoàn cảnh tương tự nhau.

Trên thực tế, chỉ có 13% trong số đó xác định được mục tiêu cụ thể, từ đó kiên trì cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu và cuối cùng cũng đã gặt hái thành công.

Còn 87% còn lại hoặc bởi vì thiếu mục tiêu, hoặc không xác định được mục tiêu rõ ràng, dẫu mỗi ngày luôn cố gắng nhưng không thu được thành tích gì đáng kể.

Bởi vậy, sự cố gắng thực sự chính là tìm bằng được cho mình phương hướng và mục tiêu cụ thể, đúng đắn.

3. Đắm chìm trong lòng đố kỵ

Từng có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng:

Nhóm người nọ nhìn thấy một tòa nhà vô cùng xa hoa, tráng lệ. Lúc này, người thông minh thầm khen ngợi trong lòng, người mạnh thì không nói hai lời, tiến thẳng tới gõ cửa, hết lòng xin chủ nhà chỉ dạy với mong muốn xây một ngôi nhà tốt hơn.

Thế nhưng trong nhóm ấy còn có một kiểu người đem lòng đố kỵ. Họ càng nhìn càng cảm thấy ghen tị, không chịu nổi bản thân mình thua kém.

Vì thế, tối hôm đó, họ phóng hỏa đốt cháy căn nhà đẹp đẽ. Nhưng sau đó, những người ấy nhanh chóng bị bắt và ngồi tù.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy những mặt khác nhau trong nhân cách của con người.

Khi đối mặt với cùng một sự việc, có người khen ngợi, có người tìm cách học tập, lại cũng có người vì lòng đố kỵ mà hủy hoại bản thân.

Shakespeare đã từng nói: “Những chuyện nhẹ tựa không khí, đối với người đố kỵ mà nói thì nặng tựa thiên thu, có thể đưa tới một hồi thị phi”.

Đố kỵ là một mặt xấu trong nhân cách của con người. Nó khiến bạn tự khép kín bản thân, mất đi cơ hội trưởng thành, thậm chí đốt cháy linh hồn của chính mình trong sự ganh ghét.

Đừng quên rằng, khi bạn ở cùng với người không bằng bạn, bạn sẽ ngày càng trở nên yếu kém. Ngược lại, nếu gần gũi với những người mạnh hơn, bạn sẽ ngày càng xuất sắc.

Lời kết

Triết gia nổi tiếng Hy Lạp Aristoteles từng để lại một câu: “Giá trị sau cùng của đời người nằm ở sự thức tỉnh và năng lực tư duy chứ không chỉ ở việc sinh tồn”.

Chỉ khi không ngừng suy ngẫm, xem xét, đánh giá một cách cẩn thận, bạn mới có thể uốn nắn lại con đường dưới chân mình, từ đó vượt qua giai đoạn “sinh tồn” một cách đầy bản năng để hướng tới những mục tiêu và các giá trị cao đẹp.