Nếu bạn đang vật lộn quằn quại với nhiều thứ tâm bệnh, hay là thử kiểm tra xem liệu bản thân có đang quá rảnh rang?
“Đây là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của con người hiện đại. Ta đã kiến tạo nên văn minh để cuộc sống ta thêm an toàn. An toàn để làm gì? Để được than “chán” ư? Vấn đề chính của ta là phần lớn mọi người cần một cơ số thử thách trong đời, một chút xúc tác từ ngoại cảnh để không chìm sâu vào trạng thái nhìn vào vô định với tâm trí trống rỗng như một tên ngáo ngơ”.
Đã hơn 100 năm kể từ “Cuộc cách mạng Thư nhàn”, và thành quả của thời buổi hiện đại hóa ngày càng dồi dào – thời gian rảnh rỗi của con người ngày càng nhiều. Có lẽ đây là thời kì mà người dân được giải thoát khỏi gánh nặng “sinh tồn” nhiều nhất trong lịch sự thế giới văn minh. Nhưng sự tự do mới đạt được này lại đi kèm câu hỏi hóc búa:chúng ta được tự do để làm gì? Nói cách khác, chúng ta biết làm gì trong quỹ thời gian không dùng cho nhu cầu mưu sinh này?
Không có mấy người biết đặt ra câu hỏi này. Mà nói thực ra là không đặt những câu hỏi liên quan đến việc ta phải sống như thế nào. Phần lớn người ta chìm vào, tuân theo biển người và cho rằng thời gian rảnh đương nhiên là dành để ngủ, nghỉ ngơi, và tiếp nhận thụ đông. Và kết quả là, cái lối sống đó tạo ra một khuân mẫu giống như những gì mà nhà triết học thế kỉ 20 Richard Taylor từng viết:
Phần lớn mọi người, nói một cách đơn giản, đang bị giới hạn. Họ chỉ tìm cách sống cho qua ngày, cho nó hết giờ, trong trạng thái vật vờ, với những thú tận hưởng bị động, chỉ biết nhìn vào mọi thứ: games,TV, v.v. Hoặc là họ dành cả ngày nói chuyện, chủ yếu là về những chuyện vô bổ – việc người ta đến rồi đi, ai đang làm gì v.v, nói về những thứ mà vừa dứt lời là quên luôn được. Họ không có hoài bão gì cho bản thân ngoài việc tiếp tục một ngày nữa làm đúng những gì họ vừa làm hôm nay. Họ qua các giai đoạn của cuộc đời, trải qua theo nghĩa đen vì mọi thứ hầu như không thay đổi trong cuộc đời họ, sống không đạt được gì cả, không ước ao gì cả, không có nổi suy nghĩ của riêng mình nữa chứ là những suy nghĩ sâu sắc. Điều này là thông thường, là số đông, là tiêu biểu. Quả thực, cũng bình thường thôi mà. Chỉ một số ít mới vượt lên cái sự tồn tại lững thững lề mề kia.
Richard Taylor, Restoring Pride.
Có người tranh luận rằng “tồn tại một cách tầm thường thế kia thì có gì sai đâu? Cuộc sống hiện đại căng thẳng, cái gì cũng nhanh chóng mặt, bệnh lý tâm thần ngày càng tăng cao, có khi cái mà con người ta cần chính là nhiều thời gian rỗi hơn để nghỉ ngơi”. Nhà văn Anh với nhiều tác phẩm vào thế kỉ 20 Colin Wilson, thì lại phản đối ý này. Nhàn rỗi nhiều quá, không chỉ không làm người ta khỏe hơn mà còn sinh ra khổ sở, gốc rễ của nhiều bệnh lý tâm lý.
Wilson đưa ra kết luận này khá sớm trong đời. Trong hồi kí “Dreaming to Some Purpose” (Dám mơ về mục đích sống) ông nhận thấy thời trẻ, ông thường xuyên trải qua những đợt trầm cảm dài và rất tâm đắc với “kiến thức” trong cuốn Book of Ecclesiastes: “Vanity of vanities, all is vanity.” (Đời là phù du). Tuy vậy, Wilson với bộ óc sắc sảo muốn đi tới tận gốc vấn đề rằng tại sao lúc nào ông cũng buồn nản như vậy. Ông bắt đầu nhận thấy những đợt trầm cảm của ông thường bắt đầu sau một khoảng thời gian ông không làm gì cả. Khi một ngày của ông không có một nhiệm vụ gì cả, không thử thách, không vấn đề cần giải quyết, ông phát hiện ra rằng lúc đó, trầm cảm sẽ nhấn chìm ông, lu mờ nhận thức của ông, khiến ông bi quan về việc tồn tại của bản thân. Nhàn cư vi bất thiện. (The idle mind is the devil’s workshop). Hay như chính Wilson đã viết:
“Nhàm chán, bị động, trì trệ: đây là khởi đầu của bệnh tâm lý, nó sinh sôi như bọt váng ở trong ao tù”.
Nếu như những phát hiện của Wilson về mối liên hệ giữa bị động và bệnh tâm lý, thì cuộc sống chúng ta chỉ có hai lựa chọn sau: Chúng ta có thể bỏ phí cuộc đời theo đuổi những thú tiêu khiển bị động, để mặc những tiềm năng chưa được khai phá trong ta, và phó mặc số phận ta với những bệnh lý tâm lý. Hoặc ta có thể phấn đấu dành phần lớn thời gian rảnh của ta sáng tạo, khám phá, học hỏi, làm một thứ gì đó – thách thức khả năng của bản thân và phát triển tài năng của ta. Lựa chọn thứ hai đương nhiên đòi hỏi người ta phải kiên trì, vật lộn, hi sinh những thú vui ngắn hạn và sự thoải mái, nhưng thành quả là sức khỏe tinh thần và phát triển cá nhân, thì cũng đáng thử chứ.
“Một cá nhân có sức khỏe tinh thần” theo như Wilson ” là một người thường xuyên phải vận động đến những tầm sâu trong nhận thức quý giá của não bộ. Một cá nhân với bộ não liên tục ngơi nghỉ, chỉ động chạm trên bề mặt sẽ gặp vấn đề trong “lưu thông”. Chứng loạn thần kinh chức năng (Neurosis) chính là cảm giác của não bộ bị tước bỏ mọi chức năng của nó”.
Nhưng nếu như phát hiện của Wilson về mối liên hệ giữa sự bị động và trầm cảm không mang tính áp dụng với tất cả mọi người, mà chỉ với một bộ phận nhỏ những người giống như ông, những con người với khát khao sáng tạo mãnh liệt? Có lẽ đối với những người còn lại, an nhàn không có dằn vặt họ như nó dằn vặt ông. Liệu điều đó có nghĩa là cái việc mỗi ngày cực nhọc dành thời gian rảnh cho những hoạt động sáng tạo, phát triển bản thân là vừa phí thời gian rảnh vừa hao tổn sức lực không?
Nói về việc ta muốn trở nên tốt hơn mọi người sẽ làm phật lòng người khác trong thế giới hiện đại, như chính Taylor cũng đã nói, người ta nhầm lẫn quyền bình đẳng và giá trị bình đẳng. Tuy ai cũng có quyền bình đẳng và xứng đáng được đối xử công bằng trong luật pháp trong có nghĩa là ai cũng có giá trị như nhau. Người Hi Lạp cổ đại đã rất rạch ròi về việc này. Họ hiểu rằng tuy phần lớn mọi người sẽ dành cả đời cố gắng theo số đông, chỉ một số ít những người rèn luyện được những kĩ năng hoặc phẩm chất đặc biệt nào đó, chế tạo ra những sản phẩm với giá trị xuất chúng, hoặc là nâng cao độ vĩ đại của họ mặc cho người ngoài có ý kiến gì. Và như Taylor đã viết, những cá nhân đặc biệt kia – những con người xuất chúng, chỉ họ mới có thể yêu bản thân mà không cần phải giả bộ gì cả.
Do đó, lần tiếp theo ta thấy mình có thời gian nhàn rỗi để tự lập kế hoạch cho mình, thay vì lên mạng internet tham gia những hoạt động giải trí bị động, hay ngồi buôn chuyện phiếm về những chủ đề vô bổ, chúng ta nên hỏi bản thân rằng liệu sự thoải mái và niềm vui những hoạt động này mang lại có xứng đáng với giá trị của nó không. Bởi vì tuy rằng nhàn rỗi chưa chắc đã tiêm vào đầu ta những mầm mống của tiêu cực hay trầm cảm, thì nó nhất định đang hạ thấp giá trị con người của ta và làm giảm khả năng đạt được tình yêu bản thân từ lòng kiêu hãnh thuần khiết. Hoặc như lời của Taylor:
“Một vài người trong chúng ta, không thể phủ nhận là sinh ra để trở nên tầm thường, để sống cuộc sống không có mục đích, nhưng con số đó thực ra rất hiếm. Phần lớn chúng ta đều có sức mạnh để trở nên sáng tạo, và một vài người sức đáng được tôn lên tầm thánh sáng tạo. Nhưng nhiều người, thậm chí là số đông nhé, thấy mãn nguyện với những vui thú mà những tiêu khiển vô nghĩa kia mang lại. Quả thật vậy, nhiều người không ngại cho rằng cuộc đời họ đã thành công bởi vì họ sống mà tránh được mọi nỗi đau, bằng cách đuổi theo những vui thú từ phút này sang phút khác, ngày này qua ngày kia, và cả sự ủng hộ từ những người xung quanh. Và điều này, còn chưa kể là trong người họ có những khả năng mà không có ai khác trên thế giới này có thể đạt được. Thế nhưng họ chọn chỉ làm những gì người khác đã làm, sống an toàn, và thoải mái. Vàsống mà làm được thứ gì đó khác biệt, làm được việc gì đó thật giỏi, cho dù có được mọi người ủng hộ hay không – đó mới là cái mấu chốt của việc làm người, và chỉ có nó mới có thể là căn cứ cho tình yêu bản thân, cái thứ mà ta gọi là “tự hào”
Đọc bài viết tới đây có ai thấy cái vị ngán ngán ở cổ vì: “Giời ạ, lại bài học phải sống độc đáo, phải ra khỏi vòng an toàn”? Nhưng điều làm mình ấn tượng về bài viết là sự lý giải của Richard Taylor về gốc rễ của sự tự hào, của việc yêu bản thân – ta chỉ có thể thực sự yêu bản thân khi ta thấy được giá trị của việc mình làm, khi việc mình làm có ý nghĩa.