Tôi rất hay tưởng tượng và tự hỏi, khi bạn dí súng vào mồm và bóp cò, thì viên đạn giết chết bạn hay chính cái lỗ rỗng đột ngột trong đầu là thủ phạm giết bạn?
Khi bạn nhẩy xuống từ một tầng nhà cao, cú va đập làm bạn chết hay chính cái khoảnh khắc cuộc đời bạn đột ngột bị mất đi tốc độ làm bạn chết, để rồi người ta phải dùng xẻng để xúc những phần còn lại của bạn?
Chuyện này cũng xẩy ra với mọi tai nạn xe cộ, mọi thứ đều có vẻ rất ổn, bạn được sống trong hoan lạc cao tốc đến khi bạn đột nhiên bị trống rỗng về vận tốc. Thế là được phát một phiếu đi đầu thai, mười tám năm sau lại là một trang hảo hán.
Về cơ bản, chúng ta có xu hướng ưa chuộng những cuộc đời đặc sệt như một hộp cá sardine.
Một cuộc sống phải có nhiều ý nghĩa, một cuộc tình phải có nhiều giây phút đáng nhớ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm của chúng ta đều phải được lấp đầy bằng những dự định, kế hoạch, chuyến đi, đầy những khoảnh khắc qua lời kể và qua những bức hình. To-do-list, wish-list, bucket list ai cũng có và ngày một dài ra.
Vì sao không ai dám sống một cuộc đời nhạt nhẽo?
Vì sao không ai muốn có những mối tình tầm phào?
Thế rồi trong cái hộp thiếc thời gian eo hẹp đó, thường là 900 tuần mỗi đời người theo nhiều thống kê, chúng ta được dạy phải có đam mê, phải sống hết mình, phải chăm chỉ xếp lớp ý nghĩa này, mục tiêu nọ gối đầu gối đầu gối đầu gối đầu gối đầu lên nhau.
Ai khéo chơi trò xếp cá sardine hơn, có nhiều cá trong hộp hơn, thì là người thành công.
Ai dậy người khác nghệ thuật xếp cá sardine, thì là người truyền cảm hứng.
Ai chia cá thì là chính trị gia, còn người có hộp, có một ít cá rồi, vẫn muốn lèn chặt thêm nữa thì là tất cả chúng ta. Có một câu chuyện quản lý thời gian nổi tiếng khắp cả Đông và Tây, đó là câu chuyện xếp tất cả đá tảng, đá dăm, sỏi và cát vào một cái thùng, sao cho tối ưu hiệu suất nhất, chuyện ấy phản ánh rõ rệt nhu cầu xếp thật đầy cá vào hộp.
Hãy xách mông lên và làm điều gì đó ý nghĩa ngay đi.
Bạn có thấy câu này quen không?
Nếu thế thì tự nhiên bản chất là đặc hay rỗng, tôi cũng hay băn khoăn như vậy?
Giữa các hành tinh trong thiên hà rõ ràng là chân không vô tận, các hành tinh tỏ ra khá lười trong việc tiếp xúc với nhau.
Giữa các hạt trong nguyên tử lại cũng là chân không vô tận, các hạt neutron, proton và electron thậm chí còn được thiết kế để tránh mặt nhau, vì hễ chúng gặp nhau là to chuyện.
Trong thế giới động vật, ngoài những lúc săn mồi, ngoài lúc có động lực cạnh tranh nòi giống, lũ động vật hầu như uể oải lười biếng, vận hành theo quán tính.
Chúng không định tập yoga, tập gym hay chạy bộ half marathon làm gì cả, cũng không có nhu cầu đi từ thiện, hay cho con khác thịt có thịt, trừ khi là cùng bầy với nó.
Nếu có thể ngồi chúng nhất định không đứng, và nếu có thể nằm chúng nhất định sẽ không ngồi. Cuộc đời của chúng trông khá tươm tất, có vẻ chúng hạnh phúc với những khoảng rỗng hơn chúng ta.
Và có phải chỉ mỗi loài người là sinh vật duy nhất có khao khát tình yêu, sẵn sàng làm tình liên tục, sa vào đủ mối quan hệ phức tạp, không phụ thuộc vào bất kỳ ngày nào, chu kỳ nào và không bao giờ cảm thấy đủ?
Và rồi một triết gia (đã bỏ vợ như nhiều triết gia nổi tiếng khác) đã phải thốt lên: “Đời là bể khổ.”
Ta dễ cảm nhận vẻ đẹp của trăng sao về đêm, khi ánh sáng của mặt trời trở nên trống rỗng, còn trong khi ban ngày, có đậm đặc ánh sáng chúng vẫn nằm nguyên đó, và chúng ta không thèm có cảm giác gì.
Ta dễ cảm nhận vẻ đẹp của một đô thị, một vùng đất hay đơn giản là một góc quán cafe khi nơi đó trở nên trống rỗng người.
Hình như thường là vắng người gần với dễ chịu và đẹp, vì nó tự nhiên.
Nếu bạn cảm thấy cuộc đời bạn thật vô nghĩa, trống rỗng và chẳng tạo ra được tác động nào lên xã hội, thì cũng không sao cả. Ít nhất là bạn đã có một cuộc sống thuận với tự nhiên.
Nếu bạn thấy mối quan hệ của bạn thật đáng chán, rất muốn gọi cho 113 để thông báo về một vụ giết người, nhiều năm nay người ấy đang cố giết chết bạn bằng sự vô vị, thì cũng đừng gọi vội, ít nhất mối quan hệ của bạn cũng vẫn rất tự nhiên.
Vì khi cuộc đời của bạn thật đặc, cuộc tình của bạn thật đặc, bạn sẽ lại luôn muốn nó đặc hơn nữa, thế rồi đúng vào giây phút nó đột ngột trở nên trống rỗng, bạn sẽ sụp đổ xuống rất nhanh, y như lỗ hổng trong đầu bạn khi viên đạn đi qua.
Thử nhìn lại xem nỗ lực sống chạy trốn khỏi sự trống rỗng của loài người, nỗ lực cô đặc cuộc đời bằng các mục đích và ý nghĩa đã tác động lên thế nào lên thiên nhiên và lên chính đồng loại của mình trong một vài thế kỷ gần đây thì rõ.
Có phải cả bạn và tôi, ta đều sợ chết khiếp khi đứng trước khoảng rỗng?