Cái bẫy ngọt ngào mang tên phát triển bản thân

Còn trẻ là cảm giác rất đặc biệt, như thể ta không bao giờ chết, bất khả chiến bại, ngạo nghễ một cách đầy mộng mơ lẫn hoang đường. Đây chính là trạng thái sống của tôi, như Xuân Diệu viết: “Tôi sung sướng, nhưng vội vàng một nửa”. Sung sướng, vì say mê làm cho mình tốt hơn để chạm vào những chân trời mới. Và vội vàng, xen lẫn sợ hãi, vì nếu không làm cho mình tốt hơn vào chính lúc này, tuổi trẻ sẽ trôi tuột đi, những chân trời sẽ trở nên quá xa để chạm vào, khi tôi quá tuổi để mọc cánh chăng?

Chúng ta đến trường 16 năm, cũng vì niềm tin đấy là nơi tạo cái khung cho đôi cánh của mình. Nhưng chỉ sau 16 năm, ta mới thực chứng chuyện đôi cánh đó có thể giúp mình bay được hay không. Chúng ta đều lớn lên, như những con chim đến ngày rời tổ. Và sở hữu một đôi cánh giả là điều quá rủi ro khi cả cuộc đời phía trước là quãng thời gian “đập cánh giữa không trung”, hoặc ta bay lên, hoặc ta rớt xuống, đôi khi có thể tìm một chốn nghỉ để đậu trên đôi chân, nhưng dù là đứng trên đôi chân hay bay bằng đôi cánh, cũng vĩnh viễn ta không thể dùng đôi chân hay đôi cánh của người khác. Để giảm thiểu tối đa rủi ro của việc rớt xuống bầm dập, chúng ta hăng hái làm mọi thứ có thể để kiến tạo đôi cánh của mình.

Thế hệ 8x đời cuối và 9x trở về sau là thế hệ lần đầu được tiếp cận loạt ấn bản phẩm thuộc dòng kĩ năng sống. 14 tuổi, tôi đọc những cuốn Hạt giống tâm hồn lần đầu. Khi học đại học, tôi mon men đến những workshop chương trình kĩ năng giao tiếp, đánh thức con người vĩ đại bên trong bạn, khám phá bản thân qua nghệ thuật, tìm mục đích và sứ mệnh cuộc đời. Còn các bạn tôi thì say mê với những bài viết, cuốn sách bắt đầu bằng cụm từ Làm sao để: Làm sao để giỏi tiếng Anh trong 3 tháng, Làm sao để trúng tuyển câu lạc bộ hay tập đoàn công ty ABC, Làm sao để có CV đẹp, Làm sao đi du học…Tôi tập tành chế độ ăn thực phẩm toàn phần thuần thực vật, không bỏ qua cú click nào về tác dụng lẫn dược tính của các loại thực phẩm. Sau này khi ra khỏi đại học, tôi lại rón rén bước vào thế giới tâm linh với học thiền, chữa lành năng lượng, tâm lý tình yêu, sống thả lỏng và hạnh phúc. Tôi follow các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, dường như để cố hiểu một chút dòng chảy xã hội thông qua điều họ viết. Tôi nhấn like các page triết lí sống Đông Tây kim cổ, yoga, chăm sóc sức khỏe, tâm lý học, sống thuận tự nhiên,…Giống như một kẻ tham lam đẩy xe mua hàng vào siêu thị, tôi ném vào xe hàng của mình mọi thứ tôi nghĩ là tốt hoặc xã hội cho là tốt, đến một thời điểm tôi không còn phân biệt được đâu là thứ mình thật sự cần với đâu là thứ mình ảo tưởng mình cần.

Năm nay tôi 24 tuổi, có lẽ từ lúc cầm lên cuốn Hạt giống tâm hồn đầu tiên năm 14 tuổi, tôi đã ý thức được việc luôn phải nâng cấp đôi cánh của mình nếu không muốn bị rớt xuống. Tôi sợ, chúng ta sợ, nếu mình không đọc hết cuốn sách được review trong danh mục bạn trẻ cần đọc, bỏ qua một đường link dẫn đến câu chuyện tâm lý thú vị nào đó, ngưng click See more một status phân tích vấn đề xã hội của một nhân vật tiếng tăm trên mạng, không xem bài TED talk mới đăng, cả thế giới này sẽ chạy lên phía trước, bỏ lại ta ở phía sau.

Trong thế giới quá tải thông tin và những bộ óc truyền thông quảng cáo luôn có cách kích thích ham muốn nghe rất có chân chính ở ta: phát triển bản thân, chúng ta thật sự không thể ngồi im được. Bất cứ thứ gì bạn chọn để phát triển hoặc thân, hoặc tâm, hoặc trí của mình, sẽ có một lúc bạn nghe thấy đâu đó có thứ tốt hơn và đấy mới là tốt nhất cơ: yoga nguyên thủy với chuyên gia Ấn Độ tốt nhất, siêu trí nhớ ứng dụng nhớ hàng trăm từ tiếng Anh, thiền thanh lọc thân tâm đạt tới bình an đỉnh cao, khí công chữa bách bệnh du nhập từ Himalaya cổ đại,…Bạn có thể vẫn đang tập khí công, yoga, học tiếng Anh, ngồi thiền mỗi ngày, nhưng lướt qua những dòng tít trên, không lẽ trong lòng không mảy may nghi vấn liệu nó có tốt hơn không? Vì có ai không âm thầm mong muốn thứ tốt nhất dành cho mình?

Phát triển bản thân dĩ nhiên là một cụm từ đẹp, nhưng ám ảnh về phát triển bản thân thì không. Hãy nghĩ đến việc đẩy xe vào siêu thị mua tất tật những thứ có dán nhãn tốt cho sức khỏe, và về nhà ăn tất cả chúng cùng một lúc, với logic “tốt cho sức khỏe + tốt cho sức khỏe = siêu tốt cho sức khỏe”. Đấy chỉ là logic của bộ não của bạn, nói đúng hơn thì xuất phát điểm là lòng tham, không phải logic của hệ tiêu hóa. Tổng hòa của những thứ tốt cho sức khỏe, đến một ngưỡng nhất định vượt quá khả năng tiêu hóa và thể tích dạ dày, thành hại cho sức khỏe. Bạn có thể nói bộ não khác với dạ dày, tiềm năng vô hình của nó không thể so sánh với thể tích vật lý của dạ dày, vậy thì hãy thử hỏi chính mình: Bạn có thời gian và cam kết thực hiện tất cả những ý tưởng phát triển bản thân có trong đầu mình không? Có đến một lúc mà bạn thờ ơ lướt qua mọi thứ dạy dỗ bạn tốt hơn trên News Feed không? Có đến một lúc mà bạn nhận ra sau rất nhiều nỗ lực tiếp thu các ý tưởng phát triển bản thân, bạn cũng chỉ đang nạp thêm ý tưởng và ý tưởng, lưu trữ trong não, và vẫn muốn nạp thêm ý tưởng nữa và ý tưởng nữa, mà chưa thực sự phát triển không?

Những ý tưởng về phát triển tồn đọng trong não chưa được thực thi cũng như những mẩu thức ăn tốt dư thừa tồn đọng trong đường ruột không được tiêu hóa, nó sẽ lên men, cản trở hấp thu và trở thành độc chất thấm ngược vào cơ thể. Tôi đã tham dự các khóa học thiền, đã nắm một số kĩ thuật cơ bản, nhưng tôi không thiền thường xuyên mỗi ngày. Mỗi khi bất an, căng thẳng, quá tải, tôi lại loay hoay muốn tìm đến những khóa học mới, các bộ môn yoga khí công mới, tìm một cuốn sách mới để xua đi những loạn tâm đó – những loạn tâm và thân bệnh mà nếu tôi chịu ngồi tĩnh tâm mỗi ngày, nó có lẽ đã không xuất hiện? Tôi thích cảm giác đi học, cảm giác đọc sách, tôi ru ngủ tâm trí một cách gây nghiện và dễ chịu về những ý tưởng mới phát triển bản thân, rằng tôi đang yêu mình và có trách nhiệm lắm. Tôi cảm thấy hừng hực khí thế khi đi học thêm một khóa, đọc thêm một cuốn sách, nhưng sau khóa học thì sao, sau khi gấp sách lại thì sao? Đúng vậy, đi học và đọc sách thì dễ hơn nhiều cam kết dành ra 30 phút tĩnh tâm mỗi ngày. Tôi sẽ nhấn mạnh là dễ hơn rất rất nhiều. Ý tưởng tập thể dục mỗi ngày, tôi đã biết, chúng ta đã biết từ rất nhỏ, nhưng ta có thể làm không? Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta đều tập thể dục mỗi ngày, chắc chúng ta đã không cần follow nhiều page sức khỏe, theo đuổi những chế độ ăn cắt giảm thêm bớt đủ thứ rồi lao vào đọc tư duy tích cực mỗi khi xuống tâm trạng nữa vì vốn thân tâm đâu có tách rời, đâu có một tâm trí khỏe mạnh trong một cơ thể ốm yếu?

Tôi cá là trong máy tính của bạn có những file sách pdf hay chương trình học đã tải về nhưng mãi chưa đọc, trên giá sách của bạn có những cuốn sách đã nằm đấy buồn bã nhìn những cuốn sách mới được mua về có khi chỉ để lại tiếp tục nằm đấy buồn bã, trong thanh dấu trang của bộ nhớ trình duyệt có những đường link hay ho bạn ghim vào mà chưa kịp xem, trên màn hình smartphone có những app hay ho bạn chưa kiếm đâu ra thời gian dùng hết. Chúng chỉ mang lại cho bạn duy nhất một điều: cảm giác yên tâm về việc mình có đầy đủ đến độ dư thừa nguồn lực phát triển bản thân, và đến độ bạn ảo tưởng rằng mình đã phát triển thật.

Khi còn bé, người lớn nói với chúng ta ớt cay, ta chẳng hiểu “cay” là gì cho đến khi ta ăn thử và khóc ré lên. Con người chính là loại sinh vật học qua trải nghiệm thực tế. Ta không hiểu tình yêu chỉ nhờ đọc ngôn tình xem phim lãng mạn, ta không sâu sắc hơn nhờ thuộc lòng triết lý, ta cũng không có cách nào hiểu cuộc sống mà chỉ thông qua các trang sách nếu không sống cuộc đời của tác giả. Nếu các ý tưởng có thể hấp thụ thẳng và trở thành một phần của chính ta, chắc tôi sẽ dành vài năm đọc hiểu kinh thánh và tôi sẽ biến thành chúa trời chăng? Ngay cả khi bạn hăng say chăm chỉ học, đọc, tiếp thu tri thức như thế, bạn còn dễ rơi vào cái bẫy của việc lầm tưởng sự sâu sắc uyên bác của người khác là của mình khi mình có thể nói vanh vách mấy điều lý thuyết vì tri thức, triết lí, trải nghiệm không được hấp thụ thẳng , huống chi đối với những nguồn lực quá dư thừa bạn tự vây quanh mình chỉ để yên tâm, chúng đang thật sự giúp ích chứ?

Giờ thì bạn hãy thử đi pha trà. Lần đầu tiên, ngay sau khi thả lá trà vào nước nóng, hãy uống luôn. Có vị gì không? Không đúng không? Những búp trà ngon không tạo nên một tách trà ngon nếu không có thời gian để trà thấm hương vị vào nước, cũng như những ý tưởng tốt đẹp không làm cho cuộc sống của bạn ngay lập tức tốt lên nếu không có thời gian thẩm thấu từ não bộ vào thực tế của bạn. Lần thứ hai, hãy cho càng nhiều càng tốt tất tật những loại trà ngon và bổ bạn có vào trong tách. Lại là câu hỏi này: Nó có vị gì không? Quá nhiều vị không làm nên chén trà ngon. Hãy ép mình tập yoga khí công tập gym ngồi thiền ăn gạo lứt muối mè uống vitamin thực phẩm chức năng trong cùng một ngày, rồi bạn sẽ phát ốm vì áp lực phải làm cho cơ thể khỏe lên bằng tất cả các cách có thể. Vậy nên, quá nhiều ý tưởng phát triển bản thân được thực thi trong áp lực không thực sự làm bạn phát triển như bạn nghĩ. Lần thứ ba, chọn hương vị trà bạn thích, đừng dùng lý trí phân tích cái gì là tốt nhất, tốt là đủ rồi, khái niệm “tốt nhất” là cái bẫy của lòng tham thôi, không có thang đo nào cho sự nhất nhì cả, bỏ lá trà vào bình ủ, đợi và uống từng ngụm. Lần này thì sao, cách uống trà này cũng nên là cách ta sống, chọn một điều mình yêu thích và tốt cho con đường phát triển của mình, thẩm thấu nó vào cuộc sống, tận hưởng việc nó thực sự đã làm cuộc sống của mình tốt lên chưa, trước khi tiến tới điều tiếp theo.

Chủ nghĩa tối giản đang thịnh hành trong lối sống sinh hoạt, có lẽ nên có thêm định nghĩa trong suy nghĩ: chỉ giữ lại hoặc tiếp nhận những ý tưởng khả dụng, vừa đủ dùng. Đồ đạc vốn hữu dụng nhưng nếu ở cạnh thứ cùng công dụng trong nhà thì ngay lập tức nó trở thành vô dụng. Các suy nghĩ ý tưởng khái niệm kỉ niệm cũng như vậy, không nên chiếm quá nhiều không gian trong đầu mà chẳng để làm gì cả, đúng không? Bỏ bớt đi, chứ không phải thêm vào, là điều đi ngược lại bẳn năng hết mình của tuổi trẻ, cái tuổi mà nhịp đập thanh xuân rộn rã trong lồng ngực khiến người ta muốn đời mình “chếnh choáng mùi hương, đã đầy ánh sáng, no nê hương sắc của thời tươi”. Nếu thêm vào nữa vào mãi mà không đặng, thì sao không thử bỏ bớt đi, để rồi cuối cùng ngẫm lại, lại thấy bỏ đi mà hóa ra được thêm nhiều điều hơn nữa?