Vâng, tôi biết hai mảng đó chỉ là những mảng phiến diện nên xin thứ lỗi nếu tôi làm bạn khó chịu ngay từ phút đầu tiên. Nhưng hãy xem xét ngoài tình yêu (sự gắn kết, giao hòa đôi lứa, xúc cảm khi làm tình, kết hôn, ngôi nhà và những đứa trẻ) với tiền (công việc, địa vị, vật chất thiết yếu, vật chất cần tiêu xài) thì người trẻ quan tâm đến điều gì nữa ?
1. Tình yêu
Trong vòng vài ngày tôi đã lân la hầu hết, nếu không nói là tất cả, các bài trong blog của chị Phi Tuyết để đọc về Osho (Chandra Mohan Jain hay Bhagwan Shree Rajneesh) – “Và tôi không phải một nhà lãnh đạo, tôi không phải một nhà tu hành, tôi không dạy bất cứ học thuyết triết học hay giáo lý nào. Tôi chỉ đơn giản giúp mọi người đạt đến cái bên trong, làm cách nào để quay con mắt bạn vào bên trong để bạn có thể nhìn thấy chính bạn” – người thầy kính mến của chị, và giờ đây là cả tôi. Thầy, tôi xin được gọi thế, đã có những lời răn đến sửng sốt về tình yêu và việc kết hôn, xét với riêng tôi. “Việc kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại – Osho”, tôi xin trích ra từ một nhan đề bài viết của chị Phi Tuyết, các bạn đọc thấy có buồn cười không? Hành tinh này sẽ ra sao nếu loài người không sinh nở, các nguồn tài nguyên có được tận dụng và mọi thứ có phát triển? Là trái quy luật khi đàn bà là cực âm còn đàn ông là cực dương mà không được hút nhau, để lấp đầy về mặt tinh thần lẫn thể xác? Là cả sự diệt vong của một giống loài lớn và phát triển sáng tạo nhất? Và còn nhiều hệ lụy nữa mà chúng ta có thể thấy điều đó là bất khả. Nên tôi không hẳn là đồng tình hoàn toàn, chỉ là tôi thật sự ủng hộ điều đó, khi mà con người đã chuẩn bị đầy đủ để giác ngộ. Bạn không thể hiểu và cảm nhận giác ngộ là gì ( như Phật Thích Ca, chúa Jesus hay Lão Tử,.. ) nếu bạn luôn kiếm tìm một cơ thể vật chất, một tâm hồn khác ngoài tâm hồn của mình để được.. hạnh phúc, xin thề với lòng, tôi chắc chắn điều đó. Sẽ thế nào nếu tôi nói mục đích của toàn bộ loài người, loài vật, vạn vật, là để tiến hóa, và ở riêng con người, cảnh giới hạnh phúc mãn nguyện to lớn nhất là “giác ngộ”- từ gọi theo quan điểm Phật giáo. Đó là khi ta hiểu mọi ý nghĩa, trải nghiệm mà cuộc sống qua hàng chục, hàng trăm, hàng vạn kiếp dâng lên để ta tỉnh ngộ những bài học. Khi mà năng lượng ta phát ra sẽ tinh khiết như băng và mạnh mẽ tột bậc, đó là lúc các vị Thần, Phật ra đời như chúng ta đã biết, nhưng khác đó luôn luôn có thể là chính ta. Tôi không bắt các bạn tin vào điều đó – điều mà con người tồn tại chỉ để “giác ngộ”, tôi cũng không cần các bạn tin vào điều đó, vì quy luật sẽ vẫn là quy luật mặc kệ bạn có tin hoặc ngờ vực nó hay không.
Và nếu đích đến là thế, thì các bạn có lẽ thừa biết tình yêu đôi lứa, khi mà lúc đời sống tinh thần ta sẽ lên xuống bấp bênh còn hơn những con sóng giữa bão, sẽ ngăn ta tiến đến việc nhập tâm hòa làm một với chính mình, chỉ với chính mình thôi. Vì hẳn rõ ràng các bạn đang gánh nhiều hơn một trách nhiệm, các bạn phải, à không, tự nguyện yêu thêm người kia, và không ít thì nhiều, những cảm xúc tiêu cực sẽ luôn hiện hữu nếu cả hai phát sinh mâu thuẫn. Và khi rõ các bạn đang không thật sự nối kết với “Đứa trẻ bên trong” của mình thì việc các bạn vô thức cưỡng ép, bó buộc, đầu độc những thuyết giáo, tư tưởng, cảm xúc rối loạn với những đứa trẻ, những đứa con – những linh hồn đang thuần khiết nhất là điều hoàn toàn bình thường, hay là điều tất yếu dĩ nhiên luôn xảy ra. Các bạn đương nhiên, khi đủ điều kiện kinh tế, rồi sẽ cho con cái đi học, đến trường, tiếp thu với khá nhiều, tôi nhấn mạnh là khá nhiều kiến thức vô bổ mà chẳng giúp ích gì cho việc chúng nhận ra chúng là ai, chúng tồn tại vì điều gì, vì để có một nghề nghiệp, có tiền, có nhà, có vợ chồng, có con cái, có trách nhiệm nuôi một thế hệ khác, có hằng hà sự đau khổ không thể tránh thoát trong tất cả quá trình đó, để rồi chúng chết đi và được nhìn nhận đã sống một cuộc sống “đủ đầy, trọn vẹn” và “giống người” ? “Giáo dục cho đến nay luôn hướng tới mục tiêu: những gì bạn đang học tập là không quan trọng, điều quan trọng là kỳ thi sẽ đến một năm hoặc hai năm sau đó. Nó làm cho tương lai trở nên quan trọng – quan trọng hơn hiện tại. Nó hy sinh hiện tại cho tương lai. Và điều đó trở thành phong cách sống của bạn, bạn luôn luôn hy sinh khoảnh khắc hiện tại cho một cái gì đó không có bây giờ. Nó tạo ra một sự trống rỗng khổng lồ trong cuộc sống.” – Osho (Phi Tuyết dịch). Và rồi, sự giác ngộ, sự hạnh phúc hoàn toàn như tan, như là vũ trụ sẽ không thể nào đến được với các đứa trẻ, với mọi người, vì sự kết hôn vô trách nhiệm của các bạn – người chưa thể hướng dẫn được bất cứ ai vì các bạn không hiểu ngay cả chính mình.
Nhưng tôi không gọi đây là cổ súy cho đời sống cô đơn khốn khổ. Tôi chỉ nói ta nên thế, phải thế, khi mà ta thật sự đã chuẩn bị đầy đủ ( về tinh thần) và chuẩn bị giác ngộ, hoặc còn một trường hợp thứ ba, ấy là khi ta có chủ ý tiến gần đến với sự giác ngộ trong đời này kiếp này. Đó cũng là lí do vì sao có các “tu nhân”. “Ngôi nhà tù trong thân thể chỉ bị phụ thuộc tới điểm khi bạn trở thành một vị phật. Khi bạn trở thành một vị phật, tức bạn đã học mọi thứ mà cuộc đời có thể dạy, bạn không cần phải học về thế giới bên ngoài, bạn phải học về thế giới bên trong nữa. Lúc đó sẽ không gì còn lại. Chuyện gì đã xảy ra với phật Gautam? Ông ấy đơn giản tan biến vào trong cuộc sống của vũ trụ, vào trong cuộc sống bất diệt. Ông ấy không trở lại trong trái đất như một con người.” – “Góc nhìn của Osho về tư bản, cơ đốc, cộng sản và thiền”- Phi Tuyết dịch.
Thật ra, mỗi người chúng ta đều đang ở quá trình sáng tạo và phát triển khác nhau ( qua tất cả kiếp ) thì việc ngay bây giờ, bạn không tin, không chấp nhận ý tưởng này cũng là điều dễ hiểu. Nên tôi viết ra không phải để tranh luận, vì ai không tin sẽ đòi bằng chứng, dẫn chứng khoa học cụ thể, mà tôi thì không màng đến mấy điều đó lắm, tôi chỉ muốn biểu lộ để có ai trong các bạn đang lờ mờ nhận thức được sự vận hành này, hãy tiếp tục, các bạn đang đi đúng đường! Số còn lại, dù không thể thay đổi đột ngột được nhưng tôi vẫn khuyên các bạn hãy tìm hiểu về các quy luật của vũ trụ, về cách mà con người các bạn trong vô thức đều sống theo. Vì đơn giản nó là quy luật, hiểu được quy luật thì đương nhiên đời sống các bạn sẽ dễ dàng hơn và trò chơi cuộc đời cũng dễ thở hơn.
2. Tiền
Một cách thế giới đang hoạt động, một phương cách nhưng nhiều lúc lại là một mục đích. Tôi không đời nào phủ nhận những cảm xúc tích cực (nhưng thật ra luôn luôn là nhất thời vì đến kiếp sau bạn cũng chẳng hưởng được gì sót lại từ nó) khi sở hữu của cải vật chất. Hay chỉ nói riêng đến cảm giác lâng lâng vui sướng tràn trề, hạnh phúc thỏa mãn, sự dễ chịu khi ăn một món ngon, một ly nước mát lành thơm lừng cũng đủ để các bạn gạt phắt ngay ý tưởng “Tiền không mua được hạnh phúc” nhỉ. Vâng, đương nhiên, không có tiền, nghĩa đen hoàn toàn là không có một xu, không có sự trao đổi để lấy thực phẩm nuôi sống chắc tôi có thể chết ngay. Nhưng ta đều biết điều đang bàn nằm ở chỗ “là một mục đích”. Việc lên án những con người mù quáng vì tiền, làm những việc tội lỗi, có những cảm giác tội lỗi đã quá đại trà, và nếu bạn vẫn còn lặp lại hàng ngàn vết xe đổ đã được hò réo nhắc nhở mỗi ngày mỗi giờ trên bất cứ một phương tiện thông tin nào thì xin thưa, bạn không cần, chắc cũng không muốn đọc bài viết của tôi làm gì nữa. Ở đây, tôi sẽ nói về vấn đề xa hơn, để chúng ta có thể cùng hướng đến một cái đích xa hơn, “sự giác ngộ”.
Tiền chỉ nên được dùng để duy trì sự sống (nhu cầu vật chất – Physiological) và sự an toàn – hai nấc đầu tiên trong “Tháp nhu cầu Maslow”. Đây là thời điểm thể hiện rõ rệt nhất tiền chỉ là một phương cách, là công cụ được sinh ra để phục vụ con người, vì con người, không phải ngược lại.
Tiền chỉ nên được dùng cho việc tạo hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi để bạn có thể bước đi trên con đường tìm kiếm chính mình. Giả tỉ nếu bạn kết nối với cội nguồn bản thể mình thông qua âm nhạc, hãy chi tiền. Nếu bạn phải tập yoga hay phải thông qua thiền định để nhập tâm mà chưa biết cách thức, hãy tham gia một hoặc nhiều khóa học, và chi tiền. Nếu bạn phải đọc sách để ý thức được ngọn ngành, hãy chi tiền. Nếu phải đi đến vùng đất xa lạ, du lịch đấy, để cảm nhận rung cảm của mình, hãy chi tiền. Nếu phải mua một chiếc nhẫn, một viên đá quý từ thiên nhiên để thúc đẩy rung động phát ra của mình đến vũ trụ, nhằm đạt sự nối kết “tâm linh”, hãy chi tiền. Thậm chí nếu phải có một chiếc máy tính xịn xò để tiếp cận được các ý tưởng lớn của những con người đi trước nhưng xa lạ, vẫn hãy chi tiền. (Nghe có vẻ điên rồ nhưng chính bản thân tôi đã đánh đổi cơ hội vào trường đại học mình thích để có được một chiếc máy tính vì tôi nhận ra, bài học ở trường không phải điều tôi tìm kiếm, và ngay phút này, tôi rất hạnh phúc cùng may mắn cho lựa chọn của mình vì chỉ bây giờ, lượng thông tin tôi tiếp cận cần thiết cho bản thân mới thật sự nhiều vô kể). Tôi chỉ muốn nói điều quan trọng hiện thời của mỗi người là khác nhau, nếu nó giúp bạn tiến gần hơn với niềm hạnh phúc vĩnh cữu sau này, cứ việc chi tiền. Bạn đã dành trọn bao nhiêu kiếp chỉ để có được hạnh phúc đó thì tiền bạc, hay cái chết của một kiếp này có đáng xem xét gì. Việc nghỉ đại đọc lấy tiền đến thợ cắt tóc để đi tu là việc hoàn toàn bình thường, chỉ những con người soi xét và ngăn trở bạn đạt được hạnh phúc của chính mình mới là vô duyên và bất bình thường.
Và điều cuối cùng, điều nhỏ nhoi, một món quà vũ trụ ban tặng ta, khi và chỉ khi ta ở dạng hình thái là con người, tiền còn có thể dùng để ban phát những phần thưởng khi ta vượt qua một kì thi ( một chấn động, bước ngoặc cần vượt qua để thay đổi ). Đó có thể là một bữa ăn căng bụng ngon lành, một đồ vật bạn muốn sở hữu từ lâu, một chú thú cưng bạn mong được kề bên, hay lớn hơn là một chuyến du lịch, một “hậu trường” cho mối quan hệ đáng nhớ, … Nói trắng ra chỉ đến lúc này ta mới “lâu lâu” dung dưỡng, nuông chiều mình một chút. Và điều đó luôn thật đáng mến và dễ chịu đúng chứ.
3. Cuối cùng, như các bạn đã đọc gần hết bài viết thì việc “Người trẻ quan tâm điều gì – ngoài tình yêu và tiền” thật ra tôi không hề đề cập bởi vì đơn giản, tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm mọi người xung quanh tôi đang quan tâm điều gì, điều đó có đang gây hại cho họ không, họ đang sống đúng đắn hay tàn tệ, tôi không quan tâm, vì bản chất đó không phải công việc của tôi, và đó cũng không được là công việc của tôi, đó là trách nhiệm của họ. Không tội lỗi nào gây ra hậu quả lớn hơn bằng việc tự bỏ mặc, quăng vứt bản thân mình. Chúng ta, điều đúng đắn nhất cần làm là mỗi người chỉ phải chú tâm, lắng nghe, chăm sóc chính bản thân mình. Cái chân anh bị bẻ gãy thì anh còn hơi đâu mà lo vết trầy của người khác. Một người què quặt cũng không thể lo cho mọi người tốt hơn bằng một người khỏe mạnh, trí tuệ và cường tráng. Hãy lo cho bản thân mình trước. Đây là lối sống vị kỉ, nhưng nó là bản chất. Nếu bạn chê cười nó, dè bỉu nó, bài trừ nó, bạn lo cho người khác trong sự khó chịu ngấm ngầm từ chính cơ thể đang tổn thương của mình, bạn chỉ là một kẻ rỗng tuếch, và mọi sự giúp đỡ cũng chỉ như nhánh lá non chạm nhẹ vào mặt hồ chứ không chìm sâu vào đáy được.