Bước vào nhà nghỉ và một khách sạn 5 sao bạn sẽ thấy rất nhiều sự khác biệt. Mọi thứ ở khách sạn 5 sao đều cao cấp hơn hẳn từ cái lavabo tới cái ga trải giường, từ ông bảo vệ tới người tiếp tân, từ cái nắm đấm cửa tới cái tivi. Tóm lại đó là hai đẳng cấp khác nhau.
Một anh dọn phòng ở nhà nghỉ hàng ngày vẫn hoàn thành công việc theo tiểu chuẩn của nhà nghỉ. Vì một lý do nào đó anh ta chuyển sang làm dọn phòng cho khách sạn 5 sao. Cho dù chẳng ai chỉ bảo anh thì anh cũng ý thức được đây là một khách sạn 5 sao. Trước anh trải ga chẳng buồn nhìn lại thì nay anh mất cả chục phút nhằm đảm bảo rằng ga trải giường phẳng lì. Trước anh mặc kệ các vết bẩn trong toilet thì nay mắt anh láo liên nhằm đảm bảo rằng mọi thứ sạch bóc. Theo năm tháng anh ta thay đổi mọi yếu tố: thái độ, kỹ năng, kiến thức… Và anh không còn phải ngại ngùng nộp đơn vào khách sạn 6 sao như thủa anh từ nhà nghỉ nộp đơn vào khách sạn 5 sao.
Giả sử anh ta vẫn làm nhà nghỉ và vì lý do nào đó anh ta đặt ra tiêu chuẩn như là một khách sạn 5 sao. Anh ta xếp ga giường phẳng lì, chùi mọi vết bẩn trong toilet, chào hỏi lịch sự thậm chí xách đồ cho khách. Khách bình thường đến nhà nghỉ đã có trong đầu tâm lý tiền nào của nấy rồi, nay được phục vụ cao hơn chuẩn cảm thấy rất hài lòng.
Vấn đề ở đây là anh ta chỉ là một cá biệt trong một nhà nghỉ có nhiều người phục vụ. Có rất nhiều thứ trong nhà nghỉ có thể làm như một tiêu chuẩn 5 sao mà chẳng tốn thêm xu nào nhưng không ai buồn làm. Người lễ tân chỉ cần niềm nở hơn, ăn mặc sạch sẽ hơn, xách đồ cho khách khi họ cần… Nhưng vì họ nghĩ rằng đây là nhà nghỉ mà nhà khách vào nhà nghỉ chỉ đáng thế nên làm quá lên là không cần thiết.
Nếu như nhà nghỉ, khách sạn 5 sao là tập hợp các tiêu chuẩn trong nhận thức của chúng ta thì hành động của chúng ta sẽ theo các tiêu chuẩn tương ứng vì vậy mang lại kết quả tương ứng.
Nếu như bạn cho rằng đã là giường thì chăn gối phải xếp gọn gẽ, ga giường phải phẳng và sạch thì bạn sẽ có hành động để cái giường nhà bạn luôn thế. Ngược lại bạn chẳng có tiêu chuẩn gì đối với giường, nó có thể bề bộn cũng không sao thì chắc chắn là bạn sẽ không có hành động gì để làm nó ngăn nắp sạch sẽ.
Trong mọi mặt đời sống các tiêu chuẩn trong tiềm thức (nhận thức) dẫn dắt các suy nghĩ của chúng ta từ đó dẫn tới các hành động và kết quả tương ứng. Gói gọn lại trong câu “Chúng ta nhận được những gì mà chúng ta nghĩ rằng mình xứng đáng được nhận.”
Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng các ông chồng nói chung không cần phải giúp đỡ vợ việc bếp núc thì đương nhiên bạn sẽ không bao giờ yêu cầu chồng bạn phải làm vậy. Và nếu anh ta có dở chứng rửa bát thì bạn cũng đuổi anh ta ra ngồi ghế sofa. Kết quả là bạn nhận được đúng một ông chồng theo tiêu chuẩn của bạn.
Ngược lại, nếu tiêu chuẩn của bạn là người chồng phải giúp đỡ vợ việc bếp núc thì bạn sẽ hướng dẫn anh ta, động viên anh ta kịp thời. Bạn hướng anh ta tới công việc bếp núc và dần dần bạn sẽ có một ông chồng như vậy cho dù xuất phát điểm ban đầu có là như thế nào.
Tóm lại việc xây dựng cho mình những tiêu chuẩn cao là hết sức quan trọng. Có những thứ bạn nên xây dựng tiêu chuẩn thấp để dễ cảm thấy hài lòng nhưng đa phần chúng ta sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn cao để kéo bản thân mình lên. Một trong số đó là vấn đề tài chính.
Tiêu chuẩn tài chính trong nhận thức là gì?
Trong ví bạn thường có 1 triệu. Vì một lý do nào đó nó tăng lên thành 5 triệu, cảm giác lúc đó của bạn rất bứt dứt chỉ muốn đẩy nhanh 4 triệu đi để về mức 1 triệu như ban đầu.
Nghe rất kỳ cục nhưng trong nhận thức của chúng ta tồn tại một con số mà chúng ta nên có trong ví hay trong gia đình. Khi số tiền thấp hơn con số đó ta cảm thấy không yên và muốn tìm mọi cách để kiếm tiền đạt tới nó. Khi số tiền nhiều hơn thì ta tìm mọi cách để tiêu cái khoản thừa đi.
Gì chứ việc tiêu tiền giờ rất dễ. Đi ăn rồi đi xem phim với người yêu buổi tối bỏ rẻ cũng mất 400 nghìn. iPhone với Samsung cứ 6 tháng ra một đời mới có mức giá khoảng 24 triệu. Hồi xưa các đồ điện tử theo tiêu chí bền nên có khi cả đời mua một lần như tủ lạnh, nồi cơm điện… Ngày nay hàng hóa theo tiêu chí đẹp, hiện đại, hợp mode; mà để làm như vậy thì cần gì bền.
Mức này thậm chí có thể âm. Có những người luôn luôn mắc nợ, lúc nào họ cũng phải nợ tiền một ai đó. Khi trả nợ được X đồng thì họ tìm cách để tiếp tục được nợ. Trạng thái kiếm tiền trả nợ là trạng thái bình thường mà nếu không có họ cảm thấy bất an.
Giờ hãy suy nghĩ là thường thì trong ví bạn và cả gia đình bạn có bao nhiêu tiền? Bạn có thấy là mức đó không dao động mấy trong nhiều năm qua không? Nếu trước gia đình bạn cuối tháng đều hết sạch tiền thì giờ vẫn thế cho dù tổng thu nhập đã tăng gấp vài lần.
Ví dụ, bạn tìm được mức đó là 20 triệu. Mức 20 triệu này quyết định rằng bạn chỉ nỗ lực vừa đủ để kiếm tiền nhằm đảm bảo rằng luôn có 20 triệu.
Giờ giả sử bằng cách nào đó bạn mặc nhiên cho rằng mình phải có 200 triệu trong gia đình. Định mức này tồn tại hiển nhiên trong tâm thức bạn giống như nó đương nhiên phải vậy chứ không đơn giản chỉ là suy nghĩ thoáng qua. Bạn sẽ tìm mọi cách để có được số tiền đó. Nếu việc hiện tại không cho phép bạn làm vậy thì bạn sẽ tìm việc khác, nếu thấy thời gian dành cho công việc là chưa đủ thì bạn dành nhiều thời gian hơn, nếu thấy rằng mình tiêu quá nhiều thì bạn tìm cách tiêu ít đi. Và rồi bạn sẽ có 200 triệu.
Tôi nhấn mạnh là việc đặt mục tiêu có 200 triệu trong vòng 2 năm chẳng hạn không giống như tình huống này. Bạn có thể đặt mục tiêu 200 triệu nhưng trong tiềm thức bạn lại cho rằng mình chỉ cần 20 triệu. Tình huống này bạn ghim vào trong tiềm thức rằng mình đương nhiên phải có 200 triệu (nhận thức rằng mình cần có 200 triệu), tiềm thức sẽ dẫn dắt suy nghĩ rồi tới hành động.
Nhưng xây dựng cái gì đó vào trong tiềm thức không dễ. Thường một việc gì đó lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì mới thành thói quen từ đó in vào trong tiềm thức. Mức 20 triệu đã tồn tại rất nhiều năm rồi, không thể một sớm một chiều nâng lên 200 triệu được.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có hai cách để làm điều này.
Leo thang liên tục
Thông thường chúng ta vô thức hoặc có ý thức theo hình thức này. Vô thức khi mà tốc độ tăng của thu nhập vượt nhiều so với tốc độ tăng của chi tiêu. Mặc dù tiềm thức “không muốn” nhận thêm tiền nhưng khoản chênh lệch vẫn được tạo ra. Số tiền tích lũy cứ tăng dần lên nhờ vậy mà mức tiền cũng tăng theo.
Vô thức có nhược điểm là thu nhập phải tăng nhanh (mà thường ít người gặp) và mức tăng không có sự dẫn dắt nên tăng chậm và dễ quay trở lại các mốc trước đó khi thu nhập giảm.
Có ý thức là chúng ta tự đặt ra các mức và các mức này vừa đủ để đạt được trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng 3 tháng trở lại). Ví dụ nếu mức đang là 20 triệu thì hãy đặt là trong vòng 3 tháng tới số tiền thường có sẽ là 20 triệu và 100 nghìn.
Bạn sẽ bảo rằng 3 tháng tiết kiệm thêm 100 nghìn thì biết bao giờ mới khá được. Thực ra ngay tháng thứ hai bạn sẽ quyết định rằng mình nên có thêm 500 nghìn. Và tới tháng thứ 3 thì bạn đã tích được 1 triệu. Sau đó bạn lại đặt mục tiêu cho 3 tháng tiếp theo là 21 triệu và 500 nghìn.
Bí quyết ở đây là bạn sẽ mồi cho tiềm thức. Nếu bạn đặt mục tiêu là 21 triệu ngay thì tiềm thức sẽ bảo rằng làm sao mà tiết kiệm được và nó tìm mọi cách để chứng minh rằng nó đúng. Nhưng nếu bạn chỉ đặt 100 nghìn thôi nó sẽ bảo rằng như thế thì bao giờ mới giàu được và tự đưa ra các mức cao hơn số tiền đó.
Vì lý do này mà các sách dạy làm giàu nói chung đều bảo rằng bạn phải bắt đầu tích lũy cho dù số tiền đó có nhỏ tới đâu. Đừng nghĩ rằng một tháng tiết kiệm được 6 triệu thì 10 năm là 60 triệu; không, 10 năm sẽ là số tiền nhiều hơn nhiều. Sai lầm của chúng ta là chúng ta nghĩ rằng mức lương đang có chỉ đủ sống, có tích lũy mỗi tháng được vài trăm nghìn thì cũng chẳng để làm gì.
Thông thường khi lập gia đình thì ta tích lũy nhiều hơn là khi độc thân. Nguyên nhân vì khi sống với bố mẹ thì ta chỉ cần vài trăm nghìn trong túi là đủ, mọi chi phí đều có bố mẹ lo. Khi đã có gia đình riêng ta phải chi nhiều khoản như lễ hỏi, ốm đau… Vì vậy, ta tự xây cho mình một mức là vài triệu. Rồi dần dần số tiền này tăng dần vì chúng ta ý thức hơn những chi phí trong tương lai khi con vào đại học, ta chẳng may bị ốm đau.
Đột phá
Cách này dành cho những người có tính kỷ luật cao. Ví dụ nếu mức hiện tại là 20 triệu thì mức mục tiêu là 200 triệu. Bạn phải tính toán mức này sao cho nó phải vượt quá so với mức leo thang vì nếu phương pháp leo thang làm được thì nên theo leo thang.
Cách này chính là cách trong cuốn “Think and grow rich”. Hàng ngày hãy lặp đi lặp lại trong đầu rằng mình cần có 200 triệu. Dần dần mức này sẽ in vào tiềm thức. Tiềm thức sẽ cảnh báo với bạn rằng nếu bạn làm theo cách thông thường thì sẽ không thể đạt được. Nó sẽ thúc đẩy bạn đi tìm các con đường mới.
Đơn giản nếu bạn không có suy nghĩ bơi vượt sông hồng hoặc là chết thì bạn chẳng bao giờ luyện tập để bơi qua sông hồng và giả sử bạn đủ năng lực thì bạn cũng không bơi qua. Sai lầm chỉ là bạn đang chưa biết bơi mà đòi ngày mai bơi vượt qua sông hồng giống như một em sinh viên mọi thứ đang bằng không mà đòi sang năm có trong túi 200 triệu.
Các bạn trẻ ngày nay thường mong muốn một cái gì đó phải có kết qủa ngay. Họ muốn hôm nay gieo hạt thì ngày mai phải có quả ăn. Cuộc đời đâu đơn giản như thế, gieo hạt ngày hôm nay thì mai vẫn là hạt mà một tuần sau thì cũng vẫn là hạt. Hạt đó chỉ mọc cây và ra quả khi có thời gian và sự nỗ lực liên tục của bản thân. Đừng hôm nay gieo hạt bưởi, ngày mai chưa thấy bưởi thì đập đi gieo hạt cam, rồi ngày hôm sau không có quả cam thì lại đập đi gieo hạt mít… Cho dù có gieo hạt gì thì nếu có sự kỷ luật và nỗ lực liên tục thì kiểu gì cũng sẽ có quả ăn.