Lưu ý nhỏ giúp bạn dễ tiếp cận bài viết: Bài viết này khá dài nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đạt đó là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đừng vội phán xét một người dựa vào những gì bạn đang nhìn thấy. Bạn thấy một người có vẻ lười biếng nhưng hãy dành thời gian quan sát kỹ hơn bởi vì có thể, bạn đang không hiểu được những gì họ đang trải qua khiến họ trông có vẻ “lười biếng”. Không một ai muốn lười biếng hay làm người khác thất vọng. Chỉ là họ có những chướng ngại vật vô hình cần được công nhận, cảm thông và giúp đỡ để vượt qua.
***
Tôi là giáo sư tâm lý học kể từ năm 2012. Trong 6 năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều học sinh từ đủ mọi lứa tuổi chây ì việc làm bài tập, không tham gia các buổi thuyết trình, trễ hạn gửi bài luận và để cho deadline cứ trôi qua mà chẳng hề quan tâm. Tôi đã chứng kiến có nhiều người muốn xin học chương trình sau đại học nhưng lại gửi hồ sơ khi đã hết hạn nộp; tôi đã chứng kiến những sinh viên nộp hồ sơ xin học chương trình tiến sĩ dành vài tháng hoặc vài năm chỉ để chỉnh sửa một bản nháp luận văn duy nhất; có một học sinh đăng ký vào học lớp tôi dạy trong hai học kỳ liên tục và chưa bao giờ nộp cho tôi bất cứ thứ gì đúng hẹn cả.
Tôi không nghĩ rằng lười biếng lúc nào cũng là thứ nên bị đổ lỗi.
Bất cứ lúc nào.
Thực tế, tôi không tin rằng sự lười biếng tồn tại.
…
Tôi là một nhà tâm lý học xã hội, nên tôi quan tâm phần lớn tới các yếu tố thuộc về bối cảnh và tình huống mà kéo theo những hành vi của con người. Khi bạn nỗ lực dự đoán hay giải thích về những hành động của một người, nhìn vào những quy phạm xã hội (social norm) và bối cảnh của người đó thường là một thói quen dễ hiểu. Những ràng buộc thuộc về bối cảnh điển hình dự đoán hành vi tốt hơn nhiều so với tính cách, trí thông minh hay các đặc điểm cá nhân khác.
Thế nên, khi tôi thấy một sinh viên không hoàn thành bài luận, lỡ deadline, hay không có những thành tích tốt trong mọi mặt khác của cuộc sống của họ thì tôi sẽ chuyển sang hỏi: những yếu tố thuộc về bối cảnh nào đang kìm nén sinh viên đó? Hiện tại, những nhu cầu nào chưa được đáp ứng? Và khi xét đến “sự lười biếng” liên quan đến hành vi thì tôi đặc biệt chuyển sang hỏi: những chướng ngại vật nào đang ngăn cản hành động mà tôi không thể nhìn thấy?
Luôn có những chướng ngại vật tồn tại. Nhận ra chúng – và thừa nhận sự tồn tại hợp lý của chúng – thường là bước đầu tiên để phá vỡ những khuôn mẫu hành vi “lười biếng”.
…
Phản ứng với hành vi không mang lại lợi ích gì của một người với sự tò mò thay vì phán xét thực sự giúp ích. Tôi học được điều này từ một người bạn của tôi, nhà văn và nhà hoạt động xã hội Kimberly Longhofer (bút danh Mik Everett). Kim hứng thú về việc chấp nhận và thích nghi với những người khuyết tật và vô gia cư. Những bài viết của ông về cả hai đối tượng này là vài trong số những công trình làm sáng tỏ và loại bỏ định kiến hay nhất mà tôi từng đọc. Một phần lý do là bởi vì Kim rất giỏi, nhưng cũng bởi vì ở nhiều thời điểm trong cuộc đời, Kim vừa là người vô gia cư vừa là người khuyết tật.
Kim cũng là người mà đã dạy tôi rằng phán xét một người vô gia cư về việc muốn mua một chai rượu hay thuốc lá là vô cùng nực cười. Khi bạn không có nhà để ở, màn đêm lạnh lẽo vô cùng, thế giới không còn thân thiện, và mọi thứ cực kỳ không thoải mái. Bất kể bạn ngủ dưới một cây cầu, trong một túp lều hay trong một căn hầm thì thật khó để nghỉ ngơi hoàn toàn. Có khả năng bạn đang mắc phải một căn bệnh kinh niên hay bị chấn thương, khiến bạn liên tục khó chịu và không thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế để điều trị chúng. Có thể bạn còn không có nhiều đồ ăn lành mạnh.
Trong bối cảnh khó chịu và khuấy động quá mức ấy, nhu cầu cần một cốc nước hay một vài điếu thuốc lá rất dễ hiểu. Giống như Kim giải thích cho tôi, nếu bạn phong phanh trong thời tiết giá rét thì uống vài ngụm rượu là cách duy nhất để làm ấm cơ thể và đi ngủ dễ hơn. Nếu bạn thiếu chất dinh dưỡng thì một vài điếu thuốc lá có thể là cách duy nhất để ngăn chặn những cơn đói cồn cào. Và nếu bạn phải đối mặt với tất cả những điều này trong khi vẫn phải đấu tranh với một cơn nghiện thì khi đó, đôi khi bạn chỉ cần mua một loại thuốc bất hợp pháp bất kỳ mà sẽ khiến cho những triệu chứng vật vã vì thuốc biến mất nên bạn có thể tồn tại.
Rất ít những người mà chưa bao giờ rơi vào cảnh không nhà không cửa hiểu theo cách này. Họ lên án những quyết định của người nghèo, có lẽ để an ủi bản thân họ về những bất công của thế giới. Với nhiều người, thật dễ dàng hơn để nghĩ những người vô gia cư, một phần nào đó, nên chịu trách nhiệm cho những đau đớn của họ thay vì thừa nhận tác động của những nhân tố thuộc về hoàn cảnh.
Và khi bạn không hiểu rõ hoàn cảnh của một người – thứ mà dường như là chính họ mỗi ngày, tất cả những phiền muộn nhỏ nhặt và chấn thương lớn mà định nghĩa cuộc đời họ – thật dễ dàng để áp đặt những kỳ vọng trừu tượng, cứng nhắc vào hoàn cảnh đó. Tất cả những người vô gia cư nên dừng uống rượu và bắt đầu làm việc. Bất kể sự thật rằng hầu hết họ đều có những triệu chứng về sức khỏe tinh thần và phiền não về thể chất, và đang đấu tranh liên tục để được công nhận là con người. Bất kể sự thật rằng họ không thể có được một giấc ngủ ngon trong một đêm an lành hay một bữa ăn đủ chất trong nhiều tuần hay nhiều tháng liên tục. Bất kể sự thật rằng thậm chí trong cuộc sống dễ dàng và thoải mái của tôi, tôi cũng không thể sống vài ngày mà không thèm nước uống hay mua một thứ gì đó mà chẳng hề suy nghĩ. Họ phải làm tốt hơn.
Nhưng họ đang làm tốt nhất họ có thể rồi. Tôi biết những người vô gia cư làm những công việc toàn thời gian và nhiều người còn hiến dâng bản thân mình để chăm sóc những người khác trong cộng đồng của họ. Nhiều người vô gia cư phải chạy vạy tới các cơ quan công quyền quan liêu, chạm trán với người làm công tác xã hội, nhân viên pháp lý, cảnh sát, nhân viên làm ở các mái ấm tình thương, nhân viên y tế và một số lượng lớn các tổ chức từ thiện mà vừa có thiện chí vừa kẻ cả. Là người vô gia cư, có quá nhiều thứ phải đối mặt. Thế nên, khi một người vô gia cư hoặc một người nghèo kiệt sức để rồi đưa ra một “quyết định không đúng đắn”, đằng sau nó là một lý do nên được cảm thông.
Nếu với bạn, hành vi của một ai đó không hợp thì đấy là bởi vì bạn đã bỏ qua một phần tình huống họ đang trải qua. Đơn giản thế thôi. Tôi rất biết ơn Kim và những bài viết của ông khiến tôi nhận ra sự thật này. Không có lớp học tâm lý nào dạy tôi cả. Giờ đây, tôi áp dụng sự thật ấy vào tất cả những hành vi mà tôi đã nhầm lẫn cho rằng chúng là dấu hiệu của sự thất bại về đạo đức – và tôi vẫn chưa tìm thấy một dấu hiệu nào mà có thể được giải thích và đồng cảm.
…
Hãy nhìn vào một dấu hiệu của “sự lười biếng” trong học tập mà tôi tin rằng nó là bất cứ điều gì khác chứ không phải là: sự trì hoãn.
Mọi người thích đổ lỗi những người trì hoãn cho hành vi của họ. Với một người chưa được biết sự thật, trong mắt họ, không làm việc nghĩa là lười biếng. Thậm chí, những người mà chủ động trì hoãn cũng có thể bị nhầm với hành vi lười biếng. Bạn được giả định là nên làm việc và khi bạn không làm thì có nghĩa đó là sự thất bại về đạo đức, phải không? Điều đó có nghĩa ý chí của bạn kém, không có động lực, lười biếng, không phải sao?
Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu tâm lý học có thể giải thích trì hoãn như là một vấn đề về chức năng, chứ không phải là hậu quả của sự lười biếng. Khi một người không bắt đầu triển khai dự án mà họ quan tâm thì điển hình có thể là do hoặc là a) lo lắng về những nỗ lực của họ chưa “đủ tốt” hoặc b) chưa rõ nên làm gì đầu tiên. Không phải lười biếng. Thực tế, nhiều khả năng hơn rằng trì hoãn xuất hiện khi công việc có ý nghĩa và cá nhân quan tâm tới việc làm nó thật tốt.
Khi bạn đờ người vì sợ thất bại hay thậm chí không biết cách bắt đầu sự cam đoan đầy phức tạp và chắc chắn đó thì vô cùng khó để hoàn thành công việc. Nó chẳng liên quan gì tới khao khát, động lực hay sự trung thực về mặt đạo đức. Những người trì hoãn bản thân họ có thể sẽ làm việc hàng giờ, họ có thể ngồi trước một bản Word trống không, chẳng làm điều gì khác ngoài việc hành hạ bản thân họ; cảm giác tội lỗi trong họ ngày càng chất đầy lên – không gì khiến cho bắt đầu công việc trở nên dễ dàng. Quả thật, khao khát hoàn thành công việc của họ có lẽ khiến căng thẳng càng trở nên nặng nề hơn và khiến họ càng khó bắt đầu công việc.
Thay vì vậy, giải pháp là tìm hiểu điều gì ngăn cản người trì hoãn hành động. Nếu lo lắng là chướng ngại vật chính thì người trì hoãn thực sự cần thoát ra khỏi máy tính/cuốn sách/tài liệu và tham gia vào một hoạt động thư giãn. Bị gán mác “lười biếng” bởi những người khác có khả năng sẽ khiến họ thật sự lười biếng.
Mặc dù thường thường, chướng ngại vật là những người trì hoãn có những thử thách liên quan đến chức năng điều hành – họ gặp khó khăn trong việc phân chia một trách nhiệm lớn thành một loạt những công việc cụ thể, có thứ tự, rõ ràng. Chẳng hạn, tôi hoàn thành bài luận của tôi (từ viết proposal cho tới thu thập dữ liệu và bảo vệ luận án) trong hơn một năm một chút. Tôi có thể viết bài luận khá dễ dàng và nhanh chóng bởi vì tôi biết tôi phải a) soạn ra một nghiên cứu về chủ đề, b) lập dàn ý, c) lên kế hoạch viết thường xuyên, và d) củng cố các luận điểm trong bài, từng chút một theo lịch trình mà tôi đã xác định trước.
Không một ai dạy tôi cách phân nhỏ công việc như vậy. Và không ai buộc tôi phải bám chặt vào kế hoạch của mình. Nhưng hoàn thành những công việc như vậy phù hợp với cách mà bộ não của tôi – bộ não của một người tự kỷ, thiên về phân tích, siêu tập trung – hoạt động. Đa phần mọi người không có sự dễ dàng đó. Họ cần một cấu trúc bên ngoài để duy trì thói quen viết – chẳng hạn, các cuộc gặp gỡ với bạn bè những người thích viết lách – và các deadline được đặt ra bởi người khác. Khi đối mặt với một dự án lớn, quan trọng, đa phần mọi người cần lời khuyên về cách chia nhỏ nó thành những đầu việc nhỏ hơn và một thời gian biểu để hoàn thành. Để theo dõi tiến độ, họ cũng đòi hỏi các công cụ tổ chức như to-do list, lịch, chương trình hoặc sổ nhật ký.
Nhu cầu cần hoặc có lợi ích từ những thứ này không khiến một người trở nên lười biếng. Nó chỉ có nghĩa là họ có nhu cầu. Càng hiểu được điều này thì chúng ta càng tạo điều kiện cho mọi người phát triển.
…
Tôi có một học sinh thường xuyên bỏ học. Đôi khi tôi thấy em nấn ná gần trường, ngay trước khi lớp học bắt đầu, trông có vẻ mệt mỏi. Lớp học bắt đầu và em không xuất hiện. Hôm nào đến lớp, em dường như có chút muốn thu mình lại; ngồi ở phía cuối phòng, mắt nhìn xuống, trông chẳng có tí năng lượng nào. Trong các nhóm học nhỏ, em có nêu ý kiến nhưng lại không bao giờ nói một câu nào trong những buổi thảo luận cả lớp.
Nhiều đồng nghiệp của tôi khi nhìn vào học sinh này nghĩ rằng em lười biếng, vô tổ chức, hờ hững. Tôi biết điều này bởi vì tôi đã nghe kiểu cách họ nói chuyện về những học sinh kém. Lời lẽ và giọng điệu của họ thường có chút giận dữ và oán trách – tại sao học sinh này lại không nghiêm túc trong việc học? Tại sao họ không làm tôi cảm thấy quan trọng, thú vị, thông minh?
Nhưng lớp học của tôi có một unit (tương đương môn học) về thái độ kỳ thị đối với sức khỏe tinh thần. Tôi rất say mê về chủ đề này vì tôi là một nhà tâm lý học thần kinh không điển hình (neuroatypical psychologist). Tôi biết lĩnh vực của tôi không công bằng như thế nào với những người như tôi. Lớp học và tôi thảo luận về những phán xét bất công mà mọi người sử dụng để chống lại những người mắc bệnh tâm thần (mental illness); khủng hoảng như thế nào khi bị giải thích là lười biếng; điên đầu như thế nào khi bị “đóng khung” là gian manh hay những người gặp rối loạn tinh thần “nghiêm trọng” lại bị cho là nguy hiểm hoặc kém cỏi.
Cô học sinh trầm tính, thường xuyên bỏ học chào đón buổi thảo luận này với hứng thú sâu sắc. Sau buổi học, khi các học sinh ra khỏi phòng, em quay lại và yêu cầu được nói chuyện với tôi. Em tiết lộ mình gặp vấn đề về tâm lý và đang chủ động điều trị nó. Em bận rộn với trị liệu và chuyển đổi phương pháp điều trị cùng tất cả những hiệu ứng phụ đi kèm. Đôi khi, em không thể ra khỏi nhà hay ngồi yên trong lớp học hàng giờ. Em không dám nói với các giáo viên khác rằng đấy là lý do tại sao em bỏ học hay đôi khi nộp bài muộn; họ nghĩ rằng em dùng bệnh tật của mình để bào chữa cho hành vi. Nhưng em tin khi tâm sự với tôi, tôi sẽ hiểu.
Và tôi hiểu. Tôi cũng rất, rất giận dữ khi học sinh này bị làm cho có cảm giác em phải chịu trách nhiệm cho những triệu chứng em đang trải qua. Em đang cân bằng giữa áp lực phải có mặt đầy đủ tại các buổi học, công việc làm thêm và quá trình điều trị sức khỏe tinh thần nghiêm ngặt diễn ra liên tục. Em có khả năng trực cảm được nhu cầu của mình và chia sẻ chúng với những người khác. Em là người vô cùng dũng cảm, chứ không phải là kẻ lười biếng. Tôi nói với em như vậy.
Sau lần đó, em đến lớp nhiều hơn và tôi quan sát thấy em chậm rãi bước ra khỏi vỏ bọc. Lên cấp 2 và cấp 3, em trở thành người đóng góp tích cực, rõ rệt trong lớp – em thậm chí còn quyết định cởi mở với bạn bè về rối loạn tâm lý của mình. Trong các buổi thảo luận lớp, em thử thách tôi và đặt ra những câu hỏi rất thú vị, đào sâu kiến thức. Em chia sẻ nhiều ví dụ về các sự kiện đang diễn ra và các video, hình ảnh về hiện tượng tâm lý. Khi em có một ngày tồi tệ, em nói với tôi và tôi để em được nghỉ học ở nhà. Dù những giáo viên khác – bao gồm cả những người trong khoa tâm lý – vẫn duy trì những phán xét về em, nhưng trong một môi trường nơi mà các chướng ngại vật của em đã được nhận dạng và cảm thông thì em vẫn sẽ phát triển.
Qua nhiều năm, ở cùng trường đó, tôi gặp rất nhiều những học sinh khác bị đánh giá thấp bởi những chướng ngại vật trong cuộc đời họ không được thừa nhận. Có một nam học sinh bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) luôn đến lớp muộn, bởi vì sự ám ảnh đôi khi khiến cậu bị bế tắc, không biết nên làm gì. Có người sống sót trong một mối quan hệ lạm dụng, người mà tìm cách điều trị chấn thương bằng những cuộc hẹn trị liệu ngay trước giờ vào lớp của tôi mỗi tuần. Có người phụ nữ trẻ bị công kích bởi một người bạn nhưng vẫn tiếp tục học cùng lớp với người đó, trong khi nhà trường đang tiếp tục điều tra sự việc.
Tất cả những học sinh này đến gặp tôi một cách sẵn sàng, và chia sẻ điều khiến họ phiền muộn. Bởi vì tôi chia sẻ về những rối loạn tinh thần, thảm kịch và sự kỳ thị trong lớp nên họ biết tôi sẽ cảm thông. Nhờ một vài điều chỉnh, họ đã có kết quả tốt trong học tập. Họ có được sự tự tin, nỗ lực hoàn thành bài luận mà đã từng khiến họ sợ hãi, cải thiện điểm số, bắt đầu cân nhắc việc học lên cao hơn và tham gia các chương trình thực tập. Tôi luôn thấy mình ngưỡng mộ họ. Khi còn là sinh viên đại học, tôi chưa bao giờ đạt tới sự tự nhận thức như vậy. Tôi thậm chí còn không hề học cách yêu cầu sự giúp đỡ.
…
Các giáo sư tâm lý – đồng nghiệp của tôi không phải lúc nào cũng đối xử tử tế với những học sinh có những rào cản trong cuộc sống. Đặc biệt, có người còn rất nổi tiếng với việc không bao giờ cho phép học sinh làm lại bài thi hay đến lớp muộn. Bất kể hoàn cảnh học sinh là gì, cô vẫn rất cứng nhắc và không hề bị lung lay với yêu cầu của mình. Trong suy nghĩ của cô, không có chướng ngại vật nào là không vượt qua được, không có giới hạn nào được chấp nhận. Học sinh của cô cảm thấy lúng túng. Họ xấu hổ vì quá khứ đã từng bị tấn công tình dục, những triệu chứng lo lắng và cả những giai đoạn họ khủng hoảng. Khi một học sinh làm bài tốt trong môn của tôi nhưng lại có kết quả kém trong môn của cô ấy, cô ấy sẽ nghi ngờ.
Có một điều mà tôi không thể chấp nhận về mặt đạo đức đó là người làm giáo dục nên thật nghiêm khắc với những học sinh mà họ giảng dạy. Đặc biệt rất phẫn nộ khi mà người đóng vai kẻ đáng sợ này lại là một nhà tâm lý. Sự bất công và khó chịu khiến tôi nước mắt đầm đìa mỗi lần thảo luận về vấn đề này. Đấy là một thái độ phổ biến trong nhiều môi trường giáo dục nhưng không một học sinh nào xứng đáng đối mặt với nó.
…
Hiển nhiên, tôi biết nhiều nhà giáo không được hướng dẫn về việc xem xét lại những chướng ngại vật vô hình mà học sinh đang chịu đựng. Một vài trường đại học tự hào vì họ từ chối nhận những học sinh khuyết tật hoặc gặp vấn đề về tâm lý – họ nhầm lẫn sự độc ác với sự nghiêm khắc về giáo dục. Và, vì hầu hết các giáo sư là những người có được thành công về mặt học vấn dễ dàng nên họ gặp khó khăn khi đón nhận góc nhìn của ai đó với những khó khăn về chức năng điều hành, quá tải về cảm xúc, khủng hoảng, quá khứ tự hãm hại bản thân, nghiện ngập hay rối loạn ăn uống. Tôi có thể nhìn thấy những nhân tố bên ngoài dẫn tới những vấn đề này. Cũng giống như tôi biết rằng hành vi “lười biếng” không phải là sự lựa chọn chủ động – tôi biết những thái độ phán xét của giới ưu tú đặc trưng được sinh ra từ sự không hiểu biết về bối cảnh.
Và đấy là lý do tại sao tôi lại viết bài này. Tôi hy vọng có thể thức tỉnh những người làm giáo dục – ở tất cả mọi cấp độ – một sự thật rằng nếu một học sinh đang gặp khó khăn, có thể không phải chúng lựa chọn điều đó. Chúng có thể muốn học thật tốt. Chúng có thể đang cố gắng. Rộng hơn, tôi muốn tất cả mọi người cùng giữ vững cách tiếp cận tò mò và thấu cảmđối với những người mà ban đầu họ muốn bị phán xét như là “lười biếng” hoặc thiếu trách nhiệm.
Nếu một người không thể bước ra khỏi giường, có thứ gì đó đang khiến họ kiệt sức. Nếu một học sinh đang không viết bài, có khía cạnh nào đó trong bài tập mà họ không thể làm khi không có sự giúp đỡ. Nếu một nhân viên bị lỡ deadline liên tục, có thứ gì đó khiến cho việc tổ chức và làm theo deadline trở nên khó khăn. Thậm chí, khi một người đang chủ động lựa chọn hành hạ bản thân thì cũng có lý do cho điều đó – một vài nỗi sợ mà họ đang tìm cách vượt qua, một vài nhu cầu không được đáp ứng, hoặc thiếu đi sự tự tin và niềm tin vào giá trị của riêng họ.
Mọi người không lựa chọn thất bại hay làm người khác thất vọng. Không ai muốn cảm thấy kém cỏi hay vô dụng. Nếu bạn nhìn vào hành động (hoặc không hành động) của một người và chỉ thấy sự lười biếng thể hiện ra bên ngoài thì bạn đang bỏ lỡ những chi tiết quan trọng hơn. Luôn có một lời giải thích tồn tại. Luôn có những chướng ngại vật tồn tại. Chỉ bởi bạn không nhìn thấy chúng hay không thừa nhận chúng thì không có nghĩa chúng không có ở đó. Hãy cố gắng nhìn kỹ hơn.
Có lẽ không phải lúc nào bạn cũng đã nhìn nhận người khác theo cách này. Không sao. Giờ thì bạn có thể rồi đấy. Hãy thử xem.