Khi nụ cười rạng rỡ ẩn giấu muộn phiền sâu thẳm trong tim
Khi nghĩ tới những bệnh nhân trầm cảm, chúng ta thường hình dung họ cuộn tròn trên giường, buồn bã và không thể thực hiện những công việc thường ngày. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp trầm cảm đều giống nhau.
Có những người thậm chí không nhận ra bản thân bị trầm cảm vì họ dường như vẫn đang quản lý tốt cuộc sống hằng ngày. Họ vẫn có thể tươi cười cả ngày, có thể tràn đầy năng lượng và tích cực khi ở cạnh những người khác nhưng đồng thời vẫn bị trầm cảm.
Theo kinh nghiệm của tôi, thường thì những người mà bạn thấy cười rạng rỡ nhất và tích cực nhất lại là những người mang nhiều muộn phiền trong lòng nhất.
Đó chính là lý do tại sao rất khó để nhận ra rằng họ đang phải vật lộn với trầm cảm. Và những người với vẻ ngoài tươi tắn có thể không tự nhận ra mình bị trầm cảm hoặc họ không muốn những người khác nghĩ họ yếu đuối hoặc thương hại họ. Nụ cười chỉ là vỏ bọc ngoài của tất cả những tổn thương và buồn đau trong lòng. Đó là một cơ chế phòng vệ, là sự nỗ lực che giấu đi cảm xúc thật sự của họ. Nỗi buồn mênh mang có thể là về sự ra đi của người thân yêu, đổ vỡ tình cảm, các vấn đề về công việc hoặc cảm giác thiếu đi mục tiêu trong cuộc sống.
Con người giấu nỗi buồn đằng sau những nụ cười, dùng nụ cười và niềm vui để che lấp những vấn đề họ gặp phải. Do đó, họ thường có một công việc full-time, tập thể dục, đi chơi với bạn bè hoặc là trụ cột gia đình. Bất cứ khi nào họ đeo mặt nạ lên- mọi thứ dường như đều hoàn hảo.
Tuy nhiên, không ai biết được rằng sau tấm mặt nạ đó có một người đang phải chịu đựng nỗi buồn, tổn thương tự trọng, hoảng loạn, mất ngủ, thậm chí là những ý định tự tử nhen nhóm…
Khi nói đến tự tử, những người này có nhiều khả năng tự tử hơn những người bị trầm cảm điển hình. Sao lại như vậy? Bởi vì họ có khả năng để lên kế hoạch hành động và làm theo nó. Đó là lý do tại sao loại trầm cảm này rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng.
Tin tốt là loại trầm cảm này có thể chữa khỏi, nếu bạn biết ai đó đang phải chịu đựng trầm cảm nhưng lại giấu nó đằng sau nụ cười rạng rỡ- bạn có thể giúp họ chữa lành. Trầm cảm là tình trạng tâm thần có thể điều trị được và nó có thể được chữa lành thông qua tâm lý trị liệu hoặc tư vấn tâm lý sẽ giải phóng bệnh nhân ra khỏi tình trạng trầm cảm và buồn bã.
Nếu bạn nghi ngờ người thân yêu của bạn bị trầm cảm nhưng họ nhất quyết phủ nhận nó thì xin hãy hiểu rằng điều này hết sức bình thường. Bởi vì đôi khi, những người không ý thức được tình trạng của họ có thể trở nên phòng thủ khi nghe đến từ “trầm cảm”. Do đó, hãy nhớ rằng có thể họ thấy rằng những lời khuyên của bạn về việc họ nên đi điều trị là một tín hiệu của sự yếu đuối và sẽ phản kháng lại.
Nếu điều đó xảy ra, bạn có thể cố gắng ở đó vì họ và khuyến khích họ mở lòng với bạn. Bạn có thể bắt đầu trước bằng việc mở lòng với họ và nói về những cảm xúc và khó khăn mà bạn đã trải qua. Bằng cách đó, bạn sẽ truyền cảm hứng cho họ nói về chính họ.
Thật sự rất tuyệt khi có người nào đó hỗ trợ bạn, người mà bạn có thể giãi bày tâm sự, người luôn luôn ở bên cạnh bạn khi bạn cần họ.