Con người sống trong một thế giới bản chất là bi quan. Đến lạc quan và yêu đời như Jean Paul Sartre còn phải nói: “Tha nhân là địa ngục” (Hell is other people). Nói theo cách đơn giản hơn là: “Đời cứ thế quái nào ấy.” Đấy là một câu rất oán đời. Cuộc đời nó thế nào ấy nhỉ, khó sống!?
Tại sao lại nhắc tới Jean Paul Sartre? Ông là ai? Jean Paul Sartre là một nhà văn, nhà triết học hiện sinh người Pháp, một thiên tài của thế kỷ XX. Ông cho rằng thế gian này cần phải cải biến. Tại sao? Bởi vì cuộc đời này, xã hội này đã đè lên vai chúng ta những gánh nặng – nặng tới mức mà chúng ta không thể ngóc cổ lên để biết mình đang ở đâu, đang làm gì, thậm chí chẳng còn biết mình là ai nữa. Và như thế, chẳng cần bịt mắt, chúng ta cứ lẳng lặng để cuộc đời xỏ mũi dắt đi.
Thế đấy, thế giới này là thế giới giả-trá. Nó đầy rẫy sự giả-dối. Đáng buồn là con người lại góp “công” lớn kiến tạo nên thế giới này. Con người vừa là nạn nhân vừa là “thủ phạm”. Không ai khác, chúng ta chính là những thiên tài nói dối. Chúng ta nói dối không ngừng và chúng ta cũng chẳng biết lời-thực của mình là đâu nữa. Nhưng nói dối được đề cập trong cuốn sách này không phải là một “cái tội”. Nói dối, về bản chất là một sự hiểu nhầm.
Trước khi đi vào các phương pháp chữa khỏi bệnh cho thiên tài nói dối, phải nói qua một chút, nói dối bắt đầu từ ba cội nguồn: Sợ hãi, Ảo tưởng và Huyễn hoặc. Tại sao chúng ta có thể chữa lành cho tất cả những thứ huyễn tưởng ấy? Câu hỏi tưởng như rất đơn giản, thực ra rất phức tạp. Giống như khi bạn bị bệnh, tại sao có thể trị bệnh cho bạn? Bị bệnh tức là một cái-gì-đấy đã không còn như trước. Từ quan điểm sinh mệnh thì không thể trị bệnh, cái gì đã xảy ra thế tức là nó-là-thế, và nó phải chịu, nó phải đúng là thế. Không có bệnh nào trên đời này lành lại cả, chỉ có thể bỏ nó đi. Chỉ có thể như vậy! Không có trị bệnh trên đời này! Nhưng vì sao có thể chữa lành? Có thể chữa lành là vì không chỉ có một sinh mạng ở trong con người.
Tất cả những gì có thể làm tổn thương con người đều dựa trên việc kiến tạo ba con người:
(I) Con người vô hình, tức là các giá trị xã hội tựu thành một loại con người nhất định, các giá trị con người nhất định; (II) Con người dị hình, tức là tất cả những ham muốn của bạn tụ thành hình;(III) Con người thần tượng, tức là tất cả những mong muốn trở thành một ai đấy.
Ba con người này phân phối tổn thương thông qua lời nói dối. Ba con người này sống trong bạn, và đấy cũng chỉ là ba khuôn mặt của một con người bóng tối cuối cùng – con người đầu tiên. Hãy biết rằng ba con người này không phải là duy nhất. Vẫn còn có một con người sâu thẳm hơn bên trong bạn, vẫn còn một phần bên trong, phần đấy là bản ngã, hay còn gọi là Chân ngã của bạn. Chính nhờ phần đấy mà bạn có thể thoát khỏi nói dối, bạn được phục hồi từ tổn thương.
Như đã đề cập ở trên, nói dối là một sự hiểu nhầm. Thực ra đằng sau lời nói dối luôn có một điều gì đấy có-thật. Chính cái có-thật này mà mọi sự hiểu nhầm có thể cho biết những dấu hiệu. Nó giống như là một bệnh, một triệu chứng. Trị triệu chứng này, làm cho nó chấm dứt thì cái thật sẽ xuất hiện. Bỏ đi cái giả thì cái thật sẽ xuất hiện. Bỏ đi phần bị bệnh thì phần không bị bệnh đấy được phát triển bình thường.
Như vậy, nếu chúng ta chỉ có phần giả ngã, phần ngã huyễn và phần ảo tưởng đấy thì chúng ta không thể chữa trị chứng nói dối. Chúng ta có thể chữa lành là bởi vì còn một phần khác nằm ngoài phần đấy. Nó được gọi là bản ngã, hay còn gọi là Chân ngã – phần Tiên thiên – phần ý thức có sẵn trong con người, nó không bị đô thị tác động, chi phối.
Chúng ta phải sống trong đô thị. Đô thị tạo ra chúng ta, nhưng đô thị không phải là cha sinh mẹ đẻ. (Bởi vì hễ là một con người đô thị sẽ mang lấy tất thảy những gì đô thị kiến tạo nên). Khi chúng ta sinh ra, có một phần Chân ngã được tạo ra, bản thân nó ban đầu chưa biết đến đô thị. Nói theo kiểu triết học, có một cái gì đấy có trước đô thị, và mỗi lần chúng ta sinh ra, chúng ta đều ở trước đô thị. Mỗi lần chúng ta sinh ra, trước khi được người ta ẵm bế và bắt đầu mặc quần áo, đặt tên trên giấy khai sinh, chúng ta ở-trước đô thị (“ở” theo nghĩa đen ấy!), chúng ta chưa bị nó kiến tạo, chưa bị nó tác động.
Tất nhiên bạn có thể cho rằng: “Thời nay nói như vậy rất khó. Khi ở trong bụng mẹ, chúng ta vẫn ăn những đồ ăn của đô thị mà!?” Nhưng căn bản chúng ta có một thế giới trước đô thị, và khi quay trở lại thế giới trước đô thị mà Đạo gia gọi là “Tiên thiên” này, chúng ta sẽ phục-hồi. Tiên thiên tức là có trước trời đất bên ngoài, có trước thế gian bên ngoài này (bình thường bạn có thể còn nghe đến “Tiên Thiên Đại Đạo”, tức là có trước cả Đại Đạo – dù chúng ta sẽ không bàn sâu ở đây). Bởi vì còn một phần có trước đô thị này – phần Tiên thiên này, cho nên hy vọng là khi cắt bỏ phần đô thị thì phần Tiên thiên sẽ bộc lộ. Khi gọt bỏ những phần bệnh tật thì phần sáng rỡ và phần bình thường sẽ bộc lộ. Và trong quá trình đấy phải có một quá trình kép của Bậc thầy giao tiếp.
Khi tiến đến giai đoạn bóc-tách và cắt bỏ phần đô thị ra khỏi một người, bạn phải nhớ có một quá trình kép: Bạn phải cho thời gian để cái Tiên thiên bộc lộ, và trong thời gian đấy cũng dần dần trừ bỏ bệnh tật. Nếu bạn muốn trừ bỏ tất cả cùng một lúc, khi mà cái Tiên thiên chưa kịp bộc lộ thì bạn đang cắt đi chính cái duy nhất còn đang tồn tại của người đấy. Nói hình tượng một chút thế này, cái đầu chúng ta là giả bởi vì trong chúng ta có một cái đầu thật khác, nhưng nếu chúng ta chặt cáiđầu-giả này đi sớm mà cái-đầu-thật chưa kịp mọc xong thì chúng ta sẽ không có đầu nữa. Chết liền!
Giống như trong chúng ta có hai trái tim, một trái tim biết yêu người yêu mình chân thành, một trái tim chỉ biết yêu người mà chúng ta muốn yêu. Nhưng nếu chúng ta cắt vội trái tim muốn yêu đi, và không để cho trái tim biết cảm nhận, biết yêu những người yêu thương và thấu hiểu chúng ta chân thành lớn lên, nếu chúng ta vội vàng quá như thế, chúng ta không sống được. Về căn bản, chúng ta đều tự tử chết luôn nếu không kịp làm phần Tiên thiên lớn lên.
Tại sao người ta tự tử? Khi những chứng bệnh tâm thần quá lớn, nó đẩy người ta đến gần chỗ tự tử. Người ta bị bức đến nỗi phải bỏ phần đấy. Nó nặng quá rồi. Tâm lí con người không đủ năng lượng mang nó được nữa. Tức là tổn thương lớn đến mức mà đến bây giờ hoặc là bỏ nó đi, hoặc là cái Chân ngã biến mất nốt, thế thì người ta chỉ có một lựa chọn là tự tử. Bởi vì phần Thiện tính trong họ không kịp lớn lên và không kịp được bộc lộ. Cho nên, một trong những thủ pháp của đô thị là vẫn thừa nhận rằng cộng đồng tồn tại. Nó vẫn chừa một khoảng không để những giá trị giông giống như cộng đồng tồn tại, để cho con người ta không chết hẳn, người ta không nặng quá, không quá tổn thương, không lăn ra. Giống như chúng ta biết là con heo với chúng ta không có quan hệ, nhưng chúng ta phải nuôi heo và chúng ta sống tiếp – đấy là quan điểm của đô thị.
Như chúng ta đã biết, sở dĩ một người có thể lành bệnh là bởi vì có một phần Tiên thiên, là phần còn tốt đẹp – đây là giả thiết của mọi tôn giáo và mọi phép chữa trị. Những điều này đã được Carl Rogers nói đến trong kiệt tác của mình – Tiến trình Thành nhân (On Becoming a Person). Ông ghi lại một chuyện rất kỳ lạ. Ông nói: “Đây chỉ là trải nghiệm của riêng tôi thôi, nhưng dường như khi tôi thay đổi cách nhìn về một người thì người đấy cũng thay đổi cách nhìn về tôi.” Đây là một mối quan hệ hai chiều rất khó diễn tả. Ông ấy đang đi đến những giả thuyết đầu tiên, bởi vì khi thay đổi cách nhìn về một người thì người đấy cũng thay đổi cách đối xử với mình. Nó liên quan đến chuyện có tồn tại con người Tiên thiên, có tồn tại cộng đồng, và đô thị không phải là toàn năng trong mọi trường hợp.
Đô thị kiến tạo một khuôn mẫu quan hệ, ví dụ hôm nay bạn bị chị sếp làm phiền, bạn cảm thấy khó chịu, mệt nhọc, tổn thương. Những gì bạn cảm thấy đều do đô thị kiến tạo nên, chỉ cần bạn giữ nguyên những thái độ đấy với sếp, thì bạn đã mắc bẫy của đô thị rồi. Lúc này, đô thị mang tâm trí của bạn rót vào cái khuôn của nó. Bởi vì tổn thương là năng lượng của đô thị. Nhưng nếu bạn có thể thay đổi cách nhìn và biến chuyện tổn thương này thành không tổn thương thì lúc đấy đô thị mất đi quyền năng làm hỏng mối quan hệ giữa hai người. Khi tổn thương không xuất sinh, lời nói dối không xuất sinh, giữa hai người bắt đầu xuất hiện sự chân thành, và đấy chính là lúc đô thị lùi bước.
Carl Rogers cũng cảm giác rằng có một thế giới trước con người tồn tại, cho dù ông ấy đã đi đến một kết luận hơi lệch lạc. Ông ấy cho rằng khi con người Tiên thiên xuất hiện, nó sẽ là một con người mới thay thế con người cũ, nhưng ông lại cảm giác đây là một con người mới được sinh ra. Ông ấy cho rằng sau một quá trình chữa lành vết thương tinh thần, con người gần như được sinh ra một lần nữa (khai sinh), sống như một người mới. Thực ra cái khai sinh này chính là sự lớn lên của con người Tiên thiên, nhưng ông lại tưởng cái khai sinh này là cái chưa từng có. Chỉ có một điểm hơi lệch như vậy, còn ông đã đi đến rất gần với quan điểm con người Tiên thiên:
Sở dĩ chúng ta có thể phục hồi từ tổn thương là bởi vì còn phần Tiên Thiên, phần tốt đẹp ngự ở đâu đó sâu thẳm trong chúng ta.
(Trích sách ”Cái lưỡi vàng và giọng nói kim cương” – Chữa lành thiên tài nói dối — OOPSY)