Aytekin Tank là CEO của JotForm, đồng thời là một cây bút hàng đầu về kinh doanh, khởi nghiệp, truyền cảm hứng. Là một người đã từng nỗ lực hết sức để vươn tới thành công, giờ đây, sau rất nhiều những trải nghiệm quý giá, anh đã nhận ra một điều rằng: “Không làm gì cả” có thể đem đến sức mạnh phi thường
Làm những gì thật sự cần thiết quan trọng hơn là khoe khoang
Khi mới bắt đầu sự nghiệp của mình với JotForm ở tuổi đời còn rất trẻ, Aytekin Tank tin rằng bản thân lúc nào cũng phải làm việc luôn tay luôn chân mới có kết quả. Hồi đó, nếu ai nói rằng anh sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nếu dành thời gian để “không làm gì cả”, anh có lẽ sẽ chẳng thèm để tâm và chỉ tập trung vào công việc 16 tiếng một ngày của mình.
Aytekin Tank – CEO của JotForm
Cũng như hầu hết các bạn trẻ hiện nay, Tank nghĩ rằng, để thành công, anh phải liên tục làm việc, liên tục xây dựng, liên tục phát triển những bước tiếp theo – bất kể đó là gì. Thế nhưng, cuối cùng anh cũng đã nhận ra: Bận rộn và thành công lại không hề gắn liền với nhau. Kể từ đó, Aytekin Tank đã thực hiện bí quyết “không làm gì cả” và thu được rất nhiều thành công ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, làm ít hơn hoặc “không làm gì cả” là một việc nói thì dễ chứ làm được lại rất khó, đặc biệt là chúng ta đang sống trong một xã hội mà ai ai cũng đều bận rộn.
Bệnh dịch mang tên “Bận rộn”
Nhân loại đã phải vật lộn với sự bận rộn kể từ rất lâu - hoặc ít nhất là từ năm 425 trước Công nguyên khi Homer viết nên cuốn sử thi Hy Lạp nổi tiếng – Odyssey.
Sử thi kể câu chuyện về một nhóm người kỳ lạ – những người ăn hoa sen (Lotus-eaters). Họ suốt ngày chỉ ăn hoa sen và không làm gì cả. Lạ lùng hơn, họ vô cùng hài lòng với cuộc sống đó.
Sau khi một số kẻ đi cùng với Odysseus cũng bắt đầu ăn hoa sen, họ trở thành giống như những người kỳ lạ kia: bình thản, thư giãn và đôi chút thờ ơ. Lo sợ rằng nếu tất cả cánh đàn ông trong đoàn đều ăn hoa sen, họ sẽ chẳng còn động lực về nhà, Odysseus liền ra lệnh trói những người bị ảnh hưởng vào băng ghế và cho thuyền rời đi ngay lập tức.
Phản ứng của Odysseus đối với việc “Không làm gì cả” này tương tự như của đa số những vị CEO, những ông chủ doanh nghiệp, quản lý, các huấn luyện viên bóng đá… – những người nghiện làm việc nặng nhọc và tránh xa tất cả những gì có thể gợi nhắc đến cảm giác nghỉ ngơi.
Dường như hầu hết chúng ta đều mang trong mình nỗi sợ hãi mơ hồ đó – nỗi sợ khi nghĩ đến việc “không làm gì cả”. Bởi khi mà gần như cả thế giới đều cho rằng bận rộn liên quan mật thiết với chất lượng công việc, thành công đã trở thành một biểu tượng gắn liền với trạng thái mang tên “bận rộn”.
Thành công đã trở thành một biểu tượng gắn liền với trạng thái mang tên “bận rộn”.
Đa số những cuộc trò chuyện giữa con người với nhau đều tương tự như:
– Gần đây cậu thế nào rồi?
– Ôi tôi bận không ngóc đầu lên được đây!
– Tốt đấy, tiếp tục công việc đi ông bạn.
Trong cuộc sống ngày nay, ta vô thức gán cho người khác giá trị dựa trên số giờ họ làm việc, số tiền họ có, những gì họ sở hữu… mặc kệ họ có phải làm việc vất vả hay không. Thậm chí, nếu ai đó phải “bận tối mắt” thì càng chứng tỏ rằng họ càng thành đạt. Nếu bạn muốn thăng chức, thành công, bạn nên bận rộn hơn bằng cách làm việc nhiều giờ hơn, nhận thêm việc vào người và liên tục trả lời email…
Đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: “Sứ mệnh của mình là gì?”.
Là bận rộn hết mức để làm giàu? Hay là đầu tắt mặt tối để vang danh thiên hạ?
Sức mạnh của việc “không làm gì cả”
Dành thời gian trong cuộc sống của bạn để “không làm gì” thực ra là một thách thức rất lớn. Đặc biệt là khi ở nơi làm việc, chúng ta liên tục bị dồn nén bởi các cuộc họp, thông báo và một danh sách dài dằng dặc những nhiệm vụ phải hoàn thành.
“Không làm gì cả” đôi khi mang đến sức mạnh phi thường.
Nhưng chính những người điều hành bận rộn nhất như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Tim Ferriss,…lại là những người thường “không làm gì cả”. Một quãng thời gian nào đó, họ sẽ không làm gì, chỉ đọc, suy nghĩ, đọc, suy nghĩ trong khi thế giới ngoài kia vẫn không ngừng quay cuồng.
Trong thời gian điều hành Microsoft, Gates sẽ có 2 lần “không làm gì cả” trong một năm. Đó không phải là kỳ nghỉ, mà là khoảng thời gian để dành cho việc “không làm gì cả”.Trong thời gian này ông hoàn toàn tách biệt với gia đình, bạn bè và nhân viên Microsoft. Ông thừa nhận rằng phần lớn sự thành công của Microsoft đều đến từ những ý tưởng, khái niệm nảy sinh trong lúc ông không làm gì cả.
Cách để “không làm gì cả”
Bạn không nhất thiết phải tự “cách ly” khỏi gia đình và bạn bè mới có thể “không làm gì cả”. Mỗi người đều có những lựa chọn khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh của chính mình, quan trọng là bạn có thể dành cho bản thân mình thời gian để “không làm gì cả”.
Aytekin Tank mỗi năm sẽ nghỉ việc ít nhất 1 tuần và trở về nhà để giúp bố mẹ thu hoạch ô liu. Tất cả những suy nghĩ về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá ngoại tệ… sẽ biến mất khi anh cuốc đất trồng rau. Dù việc hái ô liu không đưa công ty anh “vụt sáng sau một đêm” nhưng bằng cách nào đó, những ý tưởng hay ho thường tìm đến với anh chàng CEO của JotForm trong thời gian này.
Đối với những người không thể nghỉ làm cả tuần mỗi năm để “không làm gì cả” thì có thể tiếp cận điều này theo một cách khác vào những ngày nghỉ: Từ bỏ mọi công nghệ. Vào thứ bảy hoặc chủ nhật, bạn hãy để bản thân rời xa mọi hình thức công nghệ. Tắt điện thoại, máy tính, giấu nó vào một ngăn tủ rồi khóa chặt. Hãy làm thế với mọi thiết bị công nghệ của bạn, thậm chí là cả truyền hình kĩ thuật số.
Thiền định và tĩnh tâm cũng là một cách “không làm gì cả” rất tốt để bạn cân bằng cuộc sống
Thiền định và tĩnh tâm cũng là một cách “không làm gì cả” rất tốt để bạn cân bằng cuộc sống. Tiến sĩ thần kinh học Sara Lazar, thuộc trường đại học Harvard cho biết, trung bình 27 phút tập thiền mỗi ngày giúp tăng đáng kể độ đậm đặc của chất xám, đặc biệt ở hồi hải mã – khu vực phụ trách khả năng tự nhận thức bản thân, tình thương và nội tâm. Đồng thời, cũng có một sự suy giảm mật độ chất xám ở hạch hạnh nhân – nơi kiểm soát các phản ứng stress và lo lắng.
Hãy để bộ não của bạn có không gian để suy nghĩ bằng cách “bước ra” khỏi công việc hằng ngày và “không làm gì cả”. Bằng cách này, những ý tưởng mới sẽ lóe lên và bạn cũng sẽ có thêm thời gian để xử lý hay cải tiến những ý tưởng cũ.
Mặc dù chúng ta tự nhủ với mình rằng chúng ta có thể đạt được nhiều hơn bằng cách tranh giành, cố gắng, nhưng đôi khi tốt hơn hết là hãy nhắm mắt lại và “để mình trôi theo dòng nước”. Tin tôi đi, “không làm gì cả” có thể mang đến sức mạnh phi thường mà bạn không thể ngờ tới.