Tuổi trẻ và những bữa trưa ăn vội

Hôm qua tôi mới quay sang hỏi bạn, “Ơ đã qua mùa hoa sữa rồi à?”. Bạn tôi mới ngơ ngác nhìn: “Qua lâu lắm rồi mày!”. Tôi lúc ấy bắt đầu sững người lại, nhận ra một mùa hoa sữa đã qua từ khi nào. Thay vào đó ở trên khắp những con phố, đến những gánh hàng rong, tràn ngập một mùa hoa mới – cúc họa mi ngập tràn, len vào những ngày chớm đông buốt lạnh. Cũng là lúc tôi sắp tạm biệt tuổi 20, những ngày tuổi 21 rục rịch bắt đầu khởi động, như giấc ngủ đông, dành nhựa sống cho một mùa hoa nữa, lại nở.

Những ngày đến trường ngày một thưa hơn, những tháng lên văn phòng này, công ty kia ngày một dày đặc, những mối quan hệ mới bắt đầu thiết lập, tỉ lệ thuận với những mối quan hệ cũ cũng dần dãn ra. Những bữa cơm ngày một chệch giờ, vội vã, cuồng xoay. Những đám mây trên nền trời xanh trong vắt kia, đôi khi chạy qua bay lại, chẳng mấy khi có thời gian để ngước lên ngắm nhìn. Những cơn gió mát lành, đôi khi khẽ luồn qua tán cây nọ, cũng chẳng buồn nhắm mắt cảm nhận một giây.

Tôi nhận ra mình đã khác. Nhưng sự khác này hoàn toàn không giống kiểu một đứa con nít mới lớn lên, lạ lẫm với tất cả sự thay đổi trên cơ thể nó, lạ lẫm với tất cả những suy nghĩ cứ lởn vởn quay quanh đầu mình. Sự khác này như một sự gấp rút về thời gian, được thúc đẩy bởi hai chữ trách nhiệm, chúng ta chẳng còn bỡ ngỡ với những gì đã và đang xảy ra, mà thay vào đó là chúng ta học cách chấp nhận. Chấp nhận sự thay đổi ấy, để trưởng thành.

Tôi có một tuổi trẻ với những bữa trưa ăn vội

Hẳn là còn trẻ, mà không vài lần coi bữa ăn như cuộc chạy đua với thời gian? Mà đôi khi, từ lâu, những bữa cơm không hẳn còn quan trọng và giá trị nữa, trong một xã hội đồ ăn tràn lan, thức uống cách vài bước chân lại có một cửa hàng. Nhưng tôi còn có một lý do mới mẻ hơn, đó là bận. Tôi thường bôi bác bản thân mình bằng những cú làm xuyên đêm, những bữa ăn lệch giờ và những stress sản sinh mỗi ngày nếu đổi ra bằng năng lượng, cũng đủ làm cho chiếc đồng hồ chạy cả năm.

Rồi tôi lại thấy, mình bây giờ khác quá. Tôi lo cho tương lai nhiều hơn. Nỗi sợ hãi cứ ngày một dày lên. Những thổn thức cứ hằng đêm lên tiếng. Tôi lo về nhân bản của tôi sau này. Tôi sơ rằng một ngày nào đó tôi không còn sức trẻ để sống là làm việc hết mình vì đam mê nữa. Mỗi đêm tôi thao thức, cũng đều vì những gì của hiện tại, chúng xảy ra có ý nghĩa gì.

Cũng như những bữa cơm ăn vội, hay những bữa ăn tôi đã từng nhịn bỏ qua để mưu sinh, để học hỏi, để chu toàn cho một tương lai đầy hi vọng, có ý nghĩa gì. Trong khi tôi có thể hoàn toàn làm mọi thứ khác đi. Với một nỗ lực mạnh mẽ hơn. Hay đó chính là những ngày trẻ, mà tất cả chúng ta cần phải vượt qua?

Tôi có một tuổi trẻ với những lạc lõng co giãn từng giây

Có một thực tế rằng, càng lớn chúng ta càng ít bị ảnh hưởng bởi người khác hơn, thay vào đó là tự chọn cho mình những khuôn mẫu để học hỏi, những hình tượng để phấn đấu. Khi là người nổi tiếng này, lúc là người thân thiết kia, nhưng có sự lọc, dẫu là vô tình hay cố ý. Có những ngày tôi bị ám ảnh bởi một vài người, mà tôi cho rằng họ luôn đúng. Có những ngày tôi thất vọng chỉ vì mình chưa đạt đến những kỳ vọng kia – những thành công của những người mà tôi luôn ngưỡng mộ. Có đoạn tháng vì thế mà tôi bất chấp tất cả, để theo đuổi những niềm tin không phù hợp với năng lực bản thân. Tôi từng vấp ngã, lại cố chấp đứng dậy, tôi lại vực lại niềm tin, để tiếp tục phấn đấu.

Cho đến khi nhận ra con đường này chẳng phải rằng cho mình. Tôi mới lại hối hả đuổi theo con đường khác. Sau hàng chục lần như thế, có lẽ mới vỡ òa ra hằng bao nhiêu năm nay, công sức mình bỏ ra, hoàn toàn là xứng đáng. Mà trước đây lại lầm tưởng, mình thật thiệt thòi, trong khi bản thân đã luôn tự bỏ dở giữa chừng.

Có những công việc dù yêu đến mấy, đôi khi cũng cảm thấy stress chán nản. Có những khoảnh khắc với người yêu, dù nồng nàn say đắm bao nhiêu, đôi khi cũng thấy nghẹn lại, những khó chịu cứ râm ran, lan tỏa khắp mạng lưới tư duy, trong từng dòng suy nghĩ. Những hỗn độn ấy, chỉ có chính mình, mới hiểu được. Những ngoại lực ấy, cũng chỉ có mình cân bằng lại được.

Tôi có một tuổi trẻ khi những hỗn độn chất chồng ập đến, thứ duy nhất còn lại, là chính bản thân

Cũng bởi vì càng trưởng thành, chúng ta thường chỉ tin vào những điều mình đã từng trải qua. Đó chính là những gì khiến chúng ta trở thành duy nhất, không gì có thể lẫn được. Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng: còn trẻ, là còn chưa hoàn toàn tin tưởng bản thân.

Thật khó để giữ được niềm tin vào chính mình. Và tìm ra đâu mới là niềm tin duy nhất. Thật khó để hiểu cảm giác cơ thể mình đang mang một khối u giai đoạn cuối trong mình. Khi ấy càng là lúc ở ngoài kia, cũng có bao nhiêu người đang trút từng hơi thở thoi thóp trách móc hối tiếc mình đang sống một cuộc đời còn biết bao nhiêu là dang dở.

Cũng thật khó để kể chuyện tâm linh cho một người chưa bao giờ trải qua chuyện về thế giới bên kia. Hôm trước tôi có cơ hội nói chuyện với thầy tôi – hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. Lúc đó tôi mới vỡ òa, thế giới này còn có nhiều điều kỳ bí hơn chúng ta tưởng tượng. Mà cho dù chúng ta tưởng tượng đến đâu chăng nữa, đôi khi còn không vượt quá giới hạn những câu chuyện hoàn toàn có thật. Thầy nói rằng “Dù chúng ta có thể không tin, nhưng bằng cách này hay cách khác, nó vẫn tồn tại”. “Nó” ở đây do độc giả tự suy nghĩ, hoặc là ma quỷ cũng được, thiên đường hay địa ngục hay có luật nhân quả hay có sự tồn tại của vòng kiếp luân hồi cũng không sai.

“Nó” đối với tôi còn có thế là người trẻ, dù bạn đang vật vã với đống bài kiểm tra cuối kỳ tới tấp dồn dập hay những lời than vãn cứ văng vẳng trong đầu vì câu nói của ai đó làm bạn tổn thương sâu sắc, thì tất cả những điều này bạn đều phải trải qua.

Đến một lúc nào đấy, chúng ta phải đưa ra các lựa chọn phù hợp, ít nhất là để bớt chênh chao giữa những khó khăn dồn dập khiến đôi khi chúng ta nghĩ, tin vào bản thân mình chưa bao giờ là đủ. Chối bỏ thực tại như con sâu mãi trốn trong cái kén của mình, mà không biết rằng sự khó chịu trong cái kén đã làm nó trở thành một con bướm rực rỡ sắc màu. Chối bỏ khó khăn còn tệ hơn, như thế chẳng khác nào chấp nhận cả đời nằm trong cái kén đến lúc chết đi trong bóng tối im lặng. Không giãy giụa, không ngoe nguẩy, không một chút cựa quậy.

Đó cũng là những gì tôi đang cảm nhận dần và trải qua, như những bữa trưa ăn vội, những hạt cơm chan nước mắt vì tủi thân, mệt nhọc, những mối tình câm nín bị tôi giết lặng, những mong đợi không hồi kết kèm thoe sự hi vọng không không có điểm dừng làm tôi từng không ngừng trách móc bản thân… Rồi mọi chuyện sẽ ra sao, sau tất cả? Phải chăng những trải nghiệm đó để trong một ngày không xa, khó khăn sẽ tạo tác những đôi cánh sặc sỡ sắc màu, để chinh phục bầu trời xanh ngoài kia, những điều đang chờ chúng ta đến – phá vỡ giới hạn sự tưởng tượng của chính mình?