Bạn đã trải nghiệm…đúng cách???

Có lẽ bạn và tôi, chúng ta đã quá quen thuộc với hai từ TRẢI NGHIỆM. Chúng ta chẳng khó để bắt gặp hai từ này trong những trang viết, bài báo, trong những chia sẻ của những người đi trước,… rằng: Tuổi trẻ hãy bước ra khỏi vỏ ốc an toàn của mình, hãy trải nghiệm đi, nhiều vào!

Tôi cá là sau khi đọc hoặc nghe những điều đó, bạn hẳn sẽ gật gù cái đầu tán đồng. Tôi cũng chẳng có ý phản bác. Chúng ta không thể không thừa nhận tầm quan trọng của những trải nghiệm. Nhưng nếu critical thinking một chút, bạn sẽ thấy không phải cứ trải nghiệm là tốt, nhiều khi bạn phải trả giá với chúng. Và bài toán chúng ta cần đặt ra là: Làm sao để có trải nghiệm ĐÚNG CÁCH?

Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là một người giàu trải nghiệm. Trong bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào, khi được hỏi về điểm mạnh, điểm yếu của mình tôi đều thành thực trả lời rằng mình có ít trải nghiệm. Nếu bạn gặp tôi vài năm về trước khi tôi mới bước vào cánh cửa đại học, trải nghiệm của tôi có lẽ sẽ chỉ nhỉnh hơn con số 0 một chút. Hai từ “trải nghiệm” trở thành nỗi ám ảnh đối với con bé năm nhất khi bạn bè xung quanh nó có n cái được gọi là trải nghiệm. Và nếu bạn cũng như tôi hồi đó, thì chẳng có cách nào khác bạn phải chọn hoặc tiếp tục thui chột trong chiếc “vỏ ốc” chật hẹp tăm tối kia; hoặc HÀNH ĐỘNG để vươn ra ánh mặt trời!

Và tôi tin, bạn sẽ chọn cách thứ 2!

Bắt đầu bằng chữ “DÁM” thông minh

Trải nghiệm, hiểu một cách đơn giản là dấn thân làm những việc mình chưa từng làm trước đó để gặt hái kinh nghiệm, bài học giá trị. Nhưng có một thực tế rằng, chúng ta luôn rất ngại để thay đổi. Chúng ta đang sống trong một chiếc vỏ ốc ấm áp cơ mà, dại gì mà đi dãi dầu, phơi nắng phơi sương! Nhưng nếu muốn CÓ TRẢI NGHIỆM, bạn phải dẹp bỏ ngay suy nghĩ đó. Bạn phải tự tạo cho mình một tinh thần DÁM thay đổi, DÁM đối mặt với khó khăn và thử thách. Nhưng hơn hết, đó phải là chữ “DÁM’’ thông minh. Hãy cho bản thân mình chút thời gian để phân tích trải nghiệm ấy bạn sẽ thu lợi được gì, mất gì, hoàn cảnh bạn có phù hợp không, bạn cần cải thiện thêm những kỹ năng gì,… để trải nghiệm của bạn tốt nhất. Trần Hùng John, chành thanh niên người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với hành trình đi bộ xuyên Việt với chiếc ví rỗng hẳn là một tấm gương về người trẻ dám trải nghiệm. Nhưng nếu ai đã từng đọc cuốn tự truyện “John đi tìm Hùng” của anh, sẽ thấy rằng, đó là một cuộc hành trình đã được nung nấu và chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đó không phải là chữ “LIỀU’’ mang tính chất phó mặc.

Học cách CHẤP NHẬN và HOÀN THIỆN

Tôi tin trên đời này không có gì là miễn phí cả. Và trải nghiệm cũng vậy, bạn phải trả “phí” để có được nó. Đó có thể là loại “phí” vô hình như: thời gian, công sức; hoặc hữu hình như tiền bạc, của cải,… Nó giống như một “khoản đầu tư’’, bạn có thể gặp rủi ro, thậm chí là thua lỗ nhưng cái bạn nhận được là gì? Đừng phàn nàn, than vãn vì đó không phải là cách giải quyết vấn đề. Hãy học cách CHẤP NHẬN khó khăn và đối mặt với chúng. Tại sao chúng ta lại muốn có trải nghiệm? Há chẳng phải trải nghiệm cho ta những hoàn cảnh, tạo ra những thử thách để chúng ta thấy rõ hơn bản thân mình sao, chúng ta mạnh gì, chúng ta yếu gì. Nếu bạn đi làm thêm và kết quả học tập trên trường của bạn bị giảm sút, đừng đổ lỗi hoàn toàn cho việc đi làm thêm đó. Trước khi “bắt tay” vào trải nghiệm, bạn đã cân đo đong đếm rồi cơ mà, hãy xem xét khả năng quản lý thời gian của bạn. Hãy HOÀN THIỆN những điếm yếu mà nhờ trải nghiệm bạn mới có “cơ hội” phát hiện ra. Vì “Nếu như mọi việc vẫn còn khó khăn, tức là bạn chưa đủ sáng tạo.”(Trước bình minh luôn là đêm tối, Tạ Minh Tuấn)

Chất lượng HƠN số lượng

Bạn đang trong cơn đói, bạn vồ vập đến bàn đồ ăn và ngấu nghiến hết món này đến món khác một cách vội vã. Cơn đói của bạn tan biến đi nhanh chóng. Nhưng bạn có nghĩ như vậy mình sẽ no lâu. Câu trả lời là không. Vì thực tế khoa học cho thấy, khi ăn vội vã, quá trình tiêu hoá tại khoang miệng của bạn chưa được hoàn thành. Bạn chỉ đưa vào dạ dày mình những khối thức ăn cồng kềnh chưa qua “xử lý” dễ làm đầy bụng mà thôi. Đó là lý do mà ông bà ta có câu “Nhai kỹ no lâu” là vậy. Trải nghiệm cũng tương tự như thế. Bạn không thể vì cảm thấy mình thiếu trải nghiệm, thấy tò mò mà lao vào rồi nhảy qua làm hết cái này, thử hết cái nọ hay vỗ ngực tự hào khi có một chiếc CV đầy ắp những gạch đầu dòng mang tên trải nghiệm. Quan trọng là bạn thực sự đã học được những gì? Đừng chạy theo số lượng nữa, hãy cố gắng tạo ra cho mình những trải nghiệm SÂU. Hãy khiến từ những trải nghiệm đó, bạn đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm, sáng tạo ra những giải pháp để thay đổi và cải tiến.

Như đã nói từ đầu, tôi luôn sợ mình là người thiếu trải nghiệm, nên tôi học cách buông bỏ cái tôi sợ hãi, cho phép mình thử sức với nhiều thứ mới, để được va vấp và đúc rút kinh nghiệm. Nhưng cái cảm giác “phải bằng bạn bằng bè” luôn đeo bám lấy tôi. Khi thấy bạn bè tôi có một công việc hay ho nào đó, tôi bứt rứt không yên và muốn mình cũng phải vậy. Tôi nhảy kha khá việc, và luôn cảm thấy mình chưa hề đóng tròn một vai nào trong mỗi công việc. Và một cơ duyên đã đưa tôi đến với việc dạy online, công việc mà lúc đầu tôi cho là thật nhàm chán và tẻ nhạt. Nhưng với quyết tâm phải học được gì đó, tôi vẫn duy trì nó. Và quả thực trải nghiệm mới này dạy tôi rất nhiều thứ: làm sao người học có thể thu lượm tối đa kiến thức trong vòng vỏn vẹn có 30 phút. Làm sao để xử lý những tình huống xảy ra, làm cho bài học trở nên thú vị khi mà sự tương tác cơ học là hoàn toàn không có. Làm sao có một lộ trình học tập phù hợp với từng đối tượng học viên. Đó còn là những kinh nghiệm được những người hơn tuổi san sẻ cho tôi trong mỗi buổi học. Dần dà, tôi học cách trả lời những Big Why thay vì lại tiếp tục nhảy đến một trải nghiệm mới dễ thở hơn.

Hồi nhỏ tôi vẫn luôn thắc mắc rằng tại sao các thầy cô có thể giảng đi giảng lại một bài qua hết khoá này đến khoá khác. Giờ thì tự tôi, bằng chính trải nghiệm của mình mà tìm ra câu trả lời. Đây cũng là công việc gắn bó với tôi lâu nhất, tôi thấy mình “tròn vai” nhất, để tôi thấm rằng đừng nên chạy theo những trải nghiệm hời hợt, hãy làm cho mỗi trải nghiệm của bạn dù ít nhưng đáng giá. Đó cũng là lý do mà sau này, khi viết CV apply vào một vị trí hay công việc nào đó, tôi không liệt kê tất cả những gì mình đã làm, tôi chỉ chọn những trải nghiệm SÂU nhất để viết mà thôi.