“Những lời tử tế có thể thật ngắn ngủi và dễ nói, nhưng âm vang của chúng lại hóa bất tận.”
~ Mẹ Teresa
Trong lúc đi bộ trong rừng gần nhà ở Cape Cod, tôi gặp một người đàn ông tầm bảy mươi hay tám mươi tuổi gì đó. Người này đã dạy cho tôi một bài học chỉ với vỏn vẹn ba chữ nhưng đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Ông ấy tên là Morris, ông kể:
– Ngày nào tôi cũng đi dạo ở đây, dù mưa hay nắng.
Thấy tôi đeo nẹp cổ và một tay chống cây, tay cầm gậy, ông hỏi:
– Dường như đi bộ như thế này hơi khó đối với cô nhỉ?
– Vâng, thỉnh thoảng ạ.
– Nhưng cô vẫn đi đấy chứ. – Ông gật đầu, vẻ hiểu biết và nhận xét.
Dường như ngày hôm đó giữa chúng tôi có một sự gắn bó đặc biệt nào đó vì cả hai chúng tôi đều nói chuyện với nhau hết sức chân thành.
– Thật tình mà nói, – tôi bộc bạch, – đối với cháu thì đến được đây còn khó hơn cả đi bộ như thế này. Không phải là chuyện nẹp cổ hay phải mang gậy đâu. Vấn đề nằm ở suy nghĩ cơ.
– Cô bị giằng xé giữa việc biết là mình nên làm song lại ngại vì khó mà làm được hết, đúng không? Đó mới chính là vấn đề.
– Dạ! – Tôi cười lớn khi thấy ông nhận xét chính xác. – Và chính cái một giây lưỡng lự đó cũng đủ để cháu tìm ra lý do hoàn hảo để ngồi nhà bật ti-vi lên xem thay vì ra đến đây.
Thế rồi ông mách cho tôi ba từ kỳ diệu mà giờ đây, hầu như ngày nào tôi cũng tự nhắc lại với chính mình:
– Cứ làm đi!
Sau đó, chồng tôi, anh Bob, đã thắc mắc không hiểu ý của ông Morris là gì với ba từ đó.
– Theo em hiểu thì như thế này. Khi em bắt đầu có ý nghĩ “Mình nên đi tập thể dục”, lập tức em sẽ nghĩ đến từng bước phải làm để thực hiện việc đó. Này nhé, nào là phải đi tắm, thay đồ, rồi phải tìm đồ bảo hộ cho an toàn, vân vân và vân vân, và rồi cuối cùng em chần chừ vì sao mà phải chuẩn bị nhiều thứ quá… Vì thế ý của ông Morris là hãy bỏ qua tất cả những điều đó. Em nên thay cái suy nghĩ “mình có nên làm hay không” bằng ba từ “Cứ làm đi!”.
Vậy là ngay cả anh Bob cũng bắt đầu thực hành triết lý của Morris và thấy hiệu quả trong nhiều việc khác nhau. Vì công việc, anh phải ngồi liên tục trước màn hình máy tính và đôi khi thấy ngộp vì có quá nhiều thứ phải lảm. Nhiều lúc anh né tránh sự thật, nhưng làm vậy thật vô ích. Thay vì nghĩ về bức tranh toàn cảnh, về đủ mọi thứ phải làm và lo lắng về tiến độ, anh chỉ nói “Cứ làm đi!” và rồi anh làm.
Giờ đây, cách tiếp cận mọi việc mới mẻ này càng cho thấy hiệu quả tuyệt vời đến mức vợ chồng Kelvin và Amy liên hệ với tôi. Họ là những người tổ chức và điều hành Câu lạc bộ Challenger Cape Cod. Họ đã đọc rất nhiều bài viết trên báo của tôi và tôi thường viết về những người khuyết tật nên họ rất cảm động.
Kelvin viết cho tôi trong email rằng: “Chúng tôi tổ chức những hoạt động xã hội, giải trí và thi đấu quanh năm cho những người trẻ tuổi khiếm khuyết về tinh thần hoặc thể chất trong vùng. Suốt mùa bóng chày, mỗi Chủ nhật chúng tôi sẽ tổ chức cho hàng trăm người tham gia tại công viên. Chúng tôi rất vinh hạnh nếu cô đồng ý nói lời khai mạc và ném cú bóng đầu tiên”.
Đọc những dòng đó mà tôi thấy thật choáng váng. Nói trước công chúng là nỗi ám ảnh số một của tôi. Nhưng tôi không thể từ chối. Hôm sau, Bob đi cùng tôi tới gặp Kelvin ở tiệm bánh Dunkin’s Donuts.
– Anh làm ơn đừng bắt tôi phải phát biểu, – tôi năn nỉ anh chàng trẻ tuổi vui tính đã nghĩ rằng tôi viết văn được thì sẽ có thể nói trước công chúng được.
– Chỉ vài câu thôi mà! – Kelvin nói.
Tôi vờ hoãn binh bằng cách nhâm nhi lớp phô mai trên bánh. Bob không ngừng đá chân tôi và xoa xoa cằm, và mãi về sau tôi mới hiểu anh muốn nói phô mai dính đầy môi trên của tôi.
Vậy là tôi miễn cưỡng đồng ý.
Giữa khuya trước ngày phát biểu, tôi lay Bob dậy.
– Nhưng nếu em không nói được và cứ mười tiếng lại nấc cục một lần thì sao? – Đó là những gì đã xảy ra trong đám cưới của chúng tôi! – Nếu đến lúc đó mà em không nói được thì sao? Nếu em bị hoang mang hoảng sợ thì sao? Nếu…
– Em biết rồi mà, chỉ có một điều duy nhất là có ý nghĩa thôi. – Anh dịu dàng cắt lời tôi, và tôi biết điều đó là gì.
Tôi quyết định “cứ làm đi”. Mọi thứ diễn ra thật tốt đẹp. Nói vậy không có nghĩa là tôi phát biểu xuất sắc. Cũng có lúc tôi ngập ngừng, vấp váp hoặc thậm chí là lặng thinh chẳng biết nói gì. Nhưng tôi không hề lúng túng. Tất cả những gì tôi làm lúc đó là nhìn khắp những gương mặt trẻ con, phụ huynh, giáo viên và các bạn tình nguyện viên. Tất cả đều đẹp đẽ, mong chờ nghe tôi nói. Họ đang nhìn thấy trước mặt mình một người cũng có khiếm khuyết như họ nhưng dám bước lên sân khấu để thử sức.
Trong bài phát biểu của mình, tôi đã làm cái điều kỳ quặc nhất là nói ra sự thật. Đây là những gì tôi đã nói ngày hôm đó:
“Hôm nay tôi rất vui được có mặt ở đây cùng các bạn, những con người tuyệt vời của Câu lạc bộ Challenger Cape Cod. Tôi rất vinh hạnh được là khách mời của Kelvin và Amy.
Và… tôi rất sợ phải nói trước một đám đông như thế này. Nhưng các bạn biết không, tôi vẫn cố gắng làm dù sợ rất nhiều thứ.
Và điều mà tôi muốn gửi gắm đến các bạn là: Chiến thắng hay không không quan trọng. Sợ hãi cũng không quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa chính là: Chúng ta đã cố gắng!! Thế thôi. Nào, bây giờ ai sẽ tình nguyện lên giúp tôi ném lượt bóng đầu tiên?”
Rất nhiều trẻ khuyết tật giơ tay lên: “Em! Em!”. Chúng hồ hởi chạy đến bên tôi, khiến tôi loạng choạng cả người và mọi người xung quanh phải đỡ hộ cho khỏi ngã. Tôi để bọn trẻ cầm tay mình và giữ quả bóng, cùng ném cú đầu tiên. Cả tôi và các em đều la to “Giao bóng!” khi ném.
Rồi một người trao tặng cho tôi một bó hoa thật lớn.
Bạn biết không, tôi chợt nhận ra rằng dù cú ném bóng của tôi có tệ cũng không quan trọng. Và nếu tôi nói năng không suôn sẻ hay thỉnh thoảng buổi lễ có xảy ra sự cố cũng không hề quan trọng.
Điều quan trọng duy nhất là tôi đã có mặt ở buổi lễ, vì các em, vì những người tình nguyện, và vì bản thân tôi nữa.
Cảm ơn Chúa đã cho tôi cơ hội gặp Morris trong rừng ngày hôm ấy. Dù ông bảo ngày nào ông cũng đi bộ trong rừng, nhưng kể từ đó tôi không còn gặp lại ông nữa. Và mặc dù tôi quen biết hơn bốn mươi người cùng đi bộ trên cùng con đường đó trong rừng, chẳng ai trong số họ biết Morris cả. Thật là một điều kỳ lạ để chúng ta phải suy nghĩ!