Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”

 

 

Từ ngày nhỏ, chắc chắn ít nhất một lần bạn được nghe nhắc đến từ “ước mơ”. Em ước mơ làm bác sĩ, em ước mơ làm cô giáo hay em ước mơ trở thành phi hành gia vũ trụ. Nói giản đơn lại, ước mơ của chúng ta được định nghĩa là một ngành nghề cụ thể nào đó mà mình yêu thích, một hình tượng lý tưởng tốt đẹp nào đó mà ta theo đuổi. Nhưng khi lớn lên rồi, khi rời khỏi cánh cổng trường Đại học, khi bước vào trường đời, chắc hẳn nhiều người sẽ bật cười vì ước mơ thuở nhỏ mơ hồ quá, trẻ con quá; nhiều người lại kiên trì và theo đuổi ước mơ đến cùng vì họ tin rằng đó chính là lẽ sống và mong ước lớn lao nhất của mình.

Còn tôi, tôi từng có suy nghĩ và mong muốn trở thành nữ tiếp viên hàng không hoặc MC hoặc nhà ngoại giao bởi tôi mong muốn được đứng trước ống kính máy quay, được đi thật nhiều nơi và gặp thật nhiều người. Vào một giờ học Ngữ văn hồi còn học phổ thông, khi được hỏi về ước mơ, tôi đã thành thực trả lời câu hỏi này như chính suy nghĩ của chính mình. Và bạn biết tôi nhận được gì không?

Lên Đại học, tôi đã tiến hành kế hoạch hiện thực hóa mọi băn khoăn và trở ngại của mình. Tôi đã từng được dẫn chương trình cho một hội sinh viên tình nguyện tại Hà Nội nơi có rất nhiều bạn tình nguyện viên đồng hương như tôi. Tôi cùng có diễm phúc được dẫn chương trình trong một số tiết học đóng vai tại lớp học. Và tôi cũng từng mạnh dạn nộp hồ sơ đi thi MC nhưng tôi đã từ bỏ ở phút chót. Điều kì lạ hơn, có lẽ, tôi đang học chính ngôi trường mà sẽ khiến một trong những mong ước của tôi thành hiện thực – Học viện Ngoại giao. Còn tiếp viên hàng không, nó khá xa vời và có lẽ cũng không có cơ hội cho tôi ở hiện tại!

Nhưng khi sắp sửa bước sang năm cuối trên giảng đường Đại học, tôi nhận ra rằng đâu phải mình cứ thích, cứ khao khát và ước mơ thì mình sẽ làm được đâu. Tôi đã hiểu để làm một nhà ngoại giao, tôi cần năng lực, phẩm chất và đặc biệt bản lĩnh chính trị như thế nào! Tôi đã hiểu để trở thành một MC truyền hình tôi phải va chạm thực tế ra sao, phải khéo léo về cư xử, ngôn từ của mình phải chuẩn xác như thế nào. Tôi nhận ra một vài yếu tố khi người khác đề cập đến ước mơ của mình: giọng nói tốt, chuẩn xác; ngoại hình ưa nhìn và có thể tạo nên được sức hút. Và bạn biết câu trả lời khi tôi được hỏi trước cả lớp về ước mơ của mình: cả lớp cười lớn và gọi tôi là tiếp viên hàng không chân ngắn. Tất nhiên có đau lòng một chút nhưng tôi chấp nhận sự thật rằng chiều cao của mình khiêm tốn, xuất phát từ nông thôn nên giọng nói không thể chuẩn xác như các bạn sống ở thành thị. Thực chất, tôi phát hiện ra rằng mọi nguyên nhân đưa ra chỉ là chủ quan, chúng ta sẽ làm được những điều chúng ta mong muốn ở một mức độ nào đó nếu chúng ta thực sự khao khát, mong muốn làm việc đó, nếu chúng ta đủ kiên trì và nhẫn nại. Đó là sự thật.

Và rồi hôm nay, khi xem những thước ảnh về du lịch và trải nghiệm, tôi mới có thể tìm ra câu trả lời thực sự của câu hỏi “Ước mơ của tôi là gì?” Tôi đã phát hiện ra điểm chung, điểm mấu chốt của những ngành nghề mà tôi muốn thực hiện: được giao tiếp với mọi người, được đi nhiều nơi và đặt chân tới những vùng đất mới. Có lẽ đó chính là câu trả lời hay nhất, hiện thực nhất tôi đã tìm ra cho chính mình suốt những năm qua và vốn dĩ nó xuất phát từ mong muốn của mình. Hóa ra, bây giờ, 21 tuổi, tôi mới nhận ra rằng ước mơ không phải là thứ gì đó quá to lớn, ước mơ cũng không nhất thiết phải là một ngành nghề cụ thể, ước mơ chẳng cần phải quá to tát, ước mơ chính là xuất phát từ những đam mê, sở thích của mỗi chúng ta. Ước mơ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.

Nhắc đến đây, tôi thấy rằng dù cuộc sống hiện tại, chủ nghĩa cá nhân đã nổi lên như một hiện tượng nhưng vẫn còn rất nhiều bạn trẻ phụ thuộc vào bố mẹ, rất nhiều phụ huynh áp đặt con cái phải làm theo, học theo ngành nghề, theo con đường mà họ chỉ dẫn mặc đúng sai, phải trái, mặc cho con cái của họ có cảm thấy hạnh phúc hay không, mặc cho con cái của họ có khả năng làm việc đó hay không. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã được bố mẹ cho tự quyết con đường học tập, hướng đi của chính mình. Vì không ai khác mà chính bản thân chúng ta mới là người quyết định cuộc sống của chính mình, tương lai của chính mình, bố mẹ hay bạn bè, không một ai có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời của người khác. Liên hệ với câu chuyện gần đây khi những người có quyền hành, công chức đã gián tiếp “giết chết” ước mơ và con đường tự lập của những bạn trẻ khi vào Đại học, tôi đã nghĩ đó là câu chuyện của những năm trước đây, ấy vậy mà thật buồn, thế kỉ 21 vẫn còn những suy nghĩ, vẫn còn những quyền hành áp đặt và lợi dụng chức vụ như thế!

Tôi chưa thể làm được nhiều thứ đóng góp cho xã hôi này, nhưng tôi nhận ra rằng nhận thức và tư duy của mình rất đúng đắn, tôi cũng chưa thể thành một nhà giáo, một giáo sư để khuyên răn người khác, tôi chỉ đang trải lòng mình và chia sẻ với các bạn câu chuyện của chính tôi. Từ đó tôi mong rằng các bạn sẽ nhìn thấy chính bản thân mình trong câu chuyện này và thử đặt ngược lại câu hỏi với bản thân. Tôi đá khám phá ra một điều rằng bạn sẽ thực sự hạnh phúc khi bạn làm được những việc, những điều mà bạn có khả năng, năng lực cũng như đó là sự đền đáp cho những năm tháng cố gắng, miệt mài của chính bạn.

Nghĩ lại, tôi đã không hề nhận ra rằng mình hạnh phúc như thế nào và hồ hởi biết bao trên những chuyến đi, những cuộc hành trình đặt chân đến một vùng đất mới; tôi cũng không nhận ra rằng mình nhiệt huyết biết bao khi là người chụp lại nụ cười của tất cả mọi người. Vốn dĩ, những điều tưởng chừng như bình thường chúng ta vẫn luôn hiện đại hóa, lý tưởng hóa nó lên nên dường như những hạnh phúc, niềm vui đơn giản nhất chúng ta vẫn thường cho qua. Chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc thực sự khi chúng ta có thể làm điều mình thích và nhìn thấy niềm hạnh phúc đang lan tỏa từ mọi người xung quanh. Ước mơ không quá đơn giản và phức tạp, nó chỉ đang nấp ở đâu đó, lấp ló trong đầu chúng ta, lấp ló sau những sự việc, sau cuộc sống hàng ngày nhưng vì nó chưa đủ sức mạnh nên chúng ta chẳng mảy may để ý đến.

Vì vậy, từ bây giờ, tôi sẽ từng bước giải quyết câu hỏi về ước mơ mà tôi đã băn khoăn ngần ấy năm nay, tôi tin mình sẽ làm được với sự nỗ lực, nhận thức đúng đắn, sự chăm chỉ và cầu tiến của mình. Thất bại là việc đương nhiên trong cuộc sống mà gần như mọi người đều phải trải qua, đừng để chúng cản đường bạn đến với ước mơ chân thật nhất của chính mình. Tôi có nghe một câu nói rất hay bằng tiếng anh: “When something is broken, sorry means nothing”, dịch ra có nghĩa là khi một thứ gì đó bị phá hủy, không còn tồn tại thì xin lỗi chẳng có nghĩa lí gì nữa. Đừng để đến khi chúng ta đã về già, khi đã không còn sức lao động đến khi chúng ta không còn khỏe, còn trẻ như hiện tại mà cảm thấy hối tiếc về những quyết định của quá khứ, hối tiếc vì ước mơ dở dang chưa thành hiện thực. Hình thành suy nghĩ đúng đắn ngay hôm nay cũng chính là bạn đã tiến gần đến ước mơ của mình mai sau.