Để hạn chế những mất tập trung, bạn hãy rèn luyện tâm trí theo những cách này

Nếu đang gặp những vấn đề như làm việc này lại nghĩ đến việc kia, càng cố gắng càng mất tập trung, hoạt động không hiệu quả, mất năng suất… thì đã đến lúc bạn cần luyện tập tâm trí.

Tập trung là chìa khóa của sự thành công. Muốn học giỏi phải tập trung ghi nhớ, muốn thăng tiến phải tập trung vào công việc. Mọi hoạt động sống muốn đạt chất lượng đều cần tập trung, nỗ lực.

Thay đổi quan niệm về “tâm trí”

Hãy coi “tâm trí” mơ hồ giống như cơ bắp!

Sức khoẻ thể chất hay tinh thần đều có cơ chế tương tự như nhau. Chúng cần nghỉ ngơi, hồi phục sau khi phải hoạt động cường độ cao, và sẽ yếu dần nếu không được rèn luyện.

Bạn sẽ không bao giờ có cơ bắp rắn chắc nếu cả ngày chỉ ngồi lì trong văn phòng và nghiện thức ăn nhanh. Tương tự, bạn cũng sẽ không thể cải thiện sự tập trung nếu chỉ thích lướt mạng xã hội, xem tivi suốt ngày.

Tăng sự tập trung từ từ

Không huấn luyện viên nào khuyên bạn nên tập luyện với cường độ cao ngay khi bắt đầu, bởi điều đó có thể gây chấn thương, chán nản và dễ bỏ cuộc. Tương tự, nếu khả năng tập trung của bạn kém, đừng bắt nó phải gồng mình cố gắng trong thời gian dài.

Pomodoro là phương pháp hiệu quả, giúp nâng cao sự tập trung trong công việc.

Cách thức thực hiện:

Bước 1: Chọn công việc mình sẽ làm.
Bước 2: Đặt thời gian, thông thường là 25 phút.
Bước 3: Làm việc cho đến khi hết 25 phút.
Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút.
Bước 5: Sau 4 lần nghỉ giải lao trên thì nghỉ dài hơn với 10 phút (hoặc 15-30 phút tùy công việc và sức của mỗi người).

Bạn có thể bắt đầu luyện tập với thời gian ít hơn, khi đã quen với phương thức này, hãy kéo dài dần khoảng thời gian tập trung và rút ngắn các khoảng nghỉ.

Liệt kê những việc thường gây phân tâm

Làm việc lại lướt Facebook, vì cuộc gọi rủ đi chơi mà trì hoãn làm bài tập, đang trong cuộc họp lại nghĩ đến chiều nay đi chợ phải mua gì… hãy liệt kê tất cả những tình huống bạn từng bị phân tâm và tìm ra nguyên nhân gây rối loạn sự tập trung.

Khi một vấn đề bị xao lãng đứt đoạn, trung bình bạn sẽ mất 25 phút để quay trở lại công việc ban đầu. Thêm vào đó, việc chuyển đổi sự chú ý từ việc này sang việc khác cũng làm suy giảm sức tập trung của ta.

Tiếp tục làm công việc tại thời điểm hiện tại, bất cứ khi nào chợt nghĩ đến vấn đề khác cần kiểm tra, hãy ghi chú lại và tự hứa với bản thân sẽ kiểm tra sau khi hoàn thành công việc. Bạn cần xây dựng ý chí vững vàng để “ép” bản thân thực hiện dứt điểm hành động trong khoảng thời gian nhất định.

Thiền định

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, ngồi thiền không chỉ mang lại sức khỏe và giúp tĩnh tâm mà còn thúc đẩy việc học tập, tăng cường trí nhớ.

Bạn chỉ cần ngồi thiền 10-20 phút/ngày là đủ để cải thiện khả năng tập trung. Nếu bạn muốn tập trung học nhiều giờ liền, hãy bắt đầu buổi sáng bằng việc luyện tập hít thở.

Tập thể thao

Thể chất tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới tinh thần. Các nhà nghiên cứu phát hiện, những học sinh tập thể dục ở cường độ vừa phải trước khi kiểm tra khả năng tập trung đạt kết quả tốt hơn những học sinh không tập. Việc tập thể dục giúp não bộ “phớt lờ” các yếu tố gây xao lãng.

Tập ghi nhớ

Nhớ lời bài hát, học thuộc thơ, lưu lại các sự kiện khi xem tivi, đọc báo mạng… hãy tìm ra thể loại, chủ đề đúng sở thích để thúc đẩy bản thân tìm hiểu và tập lưu giữ thông tin vào não bộ. Đó là cách bạn đang rèn “cơ bắp” tinh thần.

Học cách đọc chậm

Một nghiên cứu của tạp chí Slate đã cho kết quả, chỉ 5 % người đọc báo điện tử thật sự đọc hết bài, 38 % số người không bao giờ đọc nhiều hơn vài đoạn đầu. Đọc là một thói quen tốt, giúp mở mang hiểu biết, phát triển con con người, hãy chịu khó nghiền ngẫm vài bài viết dài mỗi tuần để trang bị kiến thức và luyện sự tập trung.

Lắng nghe mọi người xung quanh

Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp cũng là biểu hiện của sự tập trung. Nếu bạn chỉ nghe theo cách để âm thanh đập vào tai thì sẽ không thể ghi nhớ. Nghe lời giáo viên giảng, nghe đồng nghiệp nói trong cuộc họp, nghe lời nhắc của cha mẹ… tất cả đều cần ghi nhớ thông tin.

Tập trung lắng nghe không chỉ hữu ích cho những công việc trí óc, nó còn là kỹ năng thiết yếu để giao tiếp. Việc bạn thực sự lắng nghe sẽ giúp xây dựng mối quan hệ, sự thân thiết, tin tưởng giữa bạn với mọi người xung quanh.