Có những thời điểm, tôi nhận ra tôi chẳng còn là mình như vẫn nghĩ. Những cảm xúc tiêu cực dâng đầy, và mọi thứ dưới con mắt của chúng ta đen đi, xám xịt, ảm đạm. Thế rồi, một suy nghĩ vụt qua tâm tưởng chúng ta, “Này, sao đến giờ mình còn sống làm gì nhỉ?”.
Cứ định kì như một thói quen, đều đặn một tuần một vài lần, suy nghĩ ấy lại đến tìm tôi. Nhưng thật may mắn, có những điều níu giữ tôi còn sống mỗi ngày, còn cười và khóc mỗi ngày. Có thể không hoàn hảo, không phải là một nguồn năng lượng tích cực, một thứ thúc đẩy người ta tiến lên mỗi ngày hay một điều kì diệu, nhưng tôi tồn tại.
Khi giọt nước mắt tuôn rơi…
Từ khi còn nhỏ, một điều tôi vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí mình là thế này. Ba mẹ là người đã sinh ra và nuôi lớn mình. Tạo hóa đã tạo ra điều kì diệu, nhưng để duy trì điều kì diệu, chỉ có đôi bàn tay mẹ và trái tim của ba mới có khả năng đặc biệt đó. Mỗi ngày, có biết bao nhiêu khó khăn và khổ cực ba mẹ phải chịu đựng để có được một đứa con lớn lên, khỏe mạnh, đầy đủ như ngày hôm nay?
Với những điều ấy, ba mẹ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất, những điều tuyệt vời nhất chính bản thân tôi có thể tạo ra. Giống như một khoản đầu tư dài hạn, khi lớn lên, tôi muốn tạo nên lợi nhuận cho ba mẹ khi còn có thể. Sẽ không thể trả hết được, như người ta vẫn nói, nhưng, làm được một điều nào đó cho những người đã hi sinh vì mình, tôi cảm thấy chỉ khi đó tôi mới thực sự sống làm một con người.
Tất nhiên, những giọt nước mắt không nằm trong số đó.
Nếu một ngày tôi nằm xuống, những giọt nước mắt ấy sẽ không ngừng tuôn rơi. Vì những điều đã cũ, hay vì những ngày tháng tiếp theo thiếu đi một một phần là xương là thịt, là máu mủ và niềm hi vọng. Khi niềm hi vọng đã mất, động lực để sống là gì? Tôi không biết, nhưng tôi sợ điều đó sẽ diễn ra với mẹ, với ba, với những người thân yêu nhất của mình. Có thể chưa đủ sức để làm những điều lớn lao hơn nhưng ít nhất tôi cần làm được điều này.
Và sự im lặng. Sự im lặng trong căn nhà của chúng tôi mỗi khi một người đã rời đi được nhắc đến. Sự im lặng mỗi khi một kí ức được gợi lại. Sự im lặng từ sâu thẳm trong tâm tưởng họ, trong trái tim họ. Im lặng.
Đằng sau đó tôi tưởng tượng ra những điều tôi chẳng hề mong muốn. Có lẽ chăng, những cuộc cãi vã, những nỗi đau âm ỉ, những cuộc xung đột chẳng nên sinh ra vì những người không hiểu nhau mà làm tổn thương lẫn nhau, phá vỡ những nối kết đã từng mất thời gian xây dựng nên, cùng nhau tạo nên. Sự im lặng nguội lạnh đi tất cả.
Liệu tôi có muốn điều này?…
Khoảng trống
Có chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một bộ ghép hình thiếu đi một mảnh ghép?
Nó sẽ không thể trở thành một bức tranh, cho đến khi có một thứ thay thế lấp đầy.
Và thế giới, cộng đồng, xã hội này cũng tồn tại theo cách đó. Một xã hội được tạo nên bởi những con người liên kết với nhau bằng một mối liên quan nào đó, mật thiết chặt chẽ và không thể tách rời. Một cộng đồng không thể được tạo nên nếu con người không liên kết với nhau, và một con người cũng không thể tồn tại nếu không là một phần của mạng lưới đó.
Nếu bức tranh cộng đồng đó thiếu chúng ta, điều gì sẽ xảy ra?
Một khoảng trống.
Một chiếc ghế bị trống trong văn phòng.
Một chiếc bát sẽ mãi trên chạn chẳng còn được dùng đến.
Một khoảng trắng tồn tại trong bức ảnh chụp chung của những người bạn.
Một chiếc giường sẽ trống một bên.
Có lẽ một ngày nào đó, những khoảng trống đó sẽ được lấp đầy. Để cộng đồng tiếp tục duy trì tồn tại, điều này là một điều hiển nhiên sẽ xảy đến. Một hình bóng sẽ được vẽ đè lên, nhưng có điều gì dám chắc, tàn dư đã tan biến hoàn toàn?
Giống như một vết thương hở miệng, da thịt cần thời gian để phục hồi. Sẽ có những ngày quằn quại trong đau đớn, ngứa ngáy khó chịu. Sẽ có những lúc chỉ muốn cào xé cho vỡ tung ra, để những cảm xúc khó khăn nào có thể biến mất, có thể tan biến, hoặc là chính mình tan biến cùng với nó trong đau khổ. Và sẹo.
Sẽ chẳng sao nếu người chịu đựng tất cả đó là mình, nhưng nếu là những người xung quanh mình, thật sự tệ…
Tôi có mong muốn điều đó không?
Tôi… đã được sinh ra
Bạn có biết, chỉ riêng ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 300.000 ca nạo phá thai được diễn ra? Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi năm có hơn 300.000 đứa trẻ không được sinh ra.
Và chúng ta không nằm trong số đó. Đó là một điều may mắn, tôi tin là như vậy.
Chúng ta may mắn được lớn lên. Chúng ta được trải qua tất cả những ngày tháng đó, có vui và có buồn. Điều kì diệu nhất là, chúng ta có kí ức. Kí ức về những người bạn ấy, những ngày tháng đi học, những món ăn vặt từng giấu ba mẹ ăn cùng bạn bè, những lần bị ngã đến trầy xước cả chân tay, hay cả những lúc cãi nhau giận nhau với những người chưa bao giờ muốn buông tay.
Chúng ta may mắn được có hi vọng. Bạn có tin rằng, dám nghĩ về ngày mai cũng là một điều chúng ta phải cảm ơn thế giới này không? Có biết bao nhiêu người ngoài kia đang chống trọi với những căn bệnh quái ác chỉ mong một điều, ngày mai mình sẽ tiếp tục được ngồi đây, được mở mắt dậy, được nhìn thấy ánh sáng và cảm nhận ánh mắt ấm áp này.
Cả những ước mơ. Nếu không còn tồn tại, những ước mơ còn dở dang kia sẽ đem đi đâu? Ai sẽ chăm sóc cho chúng, cho chúng cơ hội được tiếp tục lớn lên từng ngày, cho chúng cơ hội được thành hiện thực, được tồn tại như một vật thể, tạo nên những giá trị thực sự cho những người cần nó?
Ra đi thì dễ dàng, ra đi thì đơn giản, nhưng việc tiếp tục ở lại, tồn tại mới là một bài toán khó. Có những khi tôi cũng tự hỏi, sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì không. Người ta nói, hãy sống, đừng tồn tại. Chỉ khi sống mọi thứ mới thực sự có giá trị, thực sự có ý nghĩa nào đó. Nhưng trước khi sống, phải tồn tại đã. Điều kiện cần của việc sống là tồn tại. Và trong quá trình học cách tồn tại, chúng ta sẽ tìm ra một cách để thực sự sống.
Điều quan trọng cuối cùng chỉ là, mỗi ngày hãy cố gắng thêm một chút nữa, để còn tồn tại…