Đổ lỗi cho nạn nhân

Việc đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ xảy ra riêng trong vấn nạn bắt nạt và ngược đãi. Nó còn là khi quá khứ của nạn nhân các vụ hiếp dâm bị đem ra cắt xẻ và bới móc; Khi những người sống trong cảnh nghèo đói thường bị cho là lười biếng và không có chí hướng; Khi những người mắc phải những căn bệnh về tâm lý bị cho là tự rước bệnh vào thân vì lối sống sai trái và không phù hợp. Có những trường hợp mà nạn nhân thực sự phải có trách nhiệm với những gì mình phải gánh chịu, nhưng loại trách nhiệm này thường bị thổi phồng lên quá mức và những yếu tố khác thường bị xem nhẹ. Nhưng tại sao chúng ta lại sẵn sàng đổ lỗi cho nạn nhân, trong khi chính chúng ta chẳng nhận được gì cả?

Đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ là để trốn tránh cảm giác tội lỗi, mà còn để tránh cảm giác tổn thương. Nạn nhân càng vô tội, thì mức độ đe dọa càng lớn hơn. Nó đe dọa cái nhìn của hầu hết con người rằng thế giới này là một nơi an toàn và đầy nhân văn, những điều tốt đẹp sẽ chỉ đến với người tốt và những kẻ không ra gì sẽ phải hứng chịu những điều tồi tệ. Khi mà việc không hay xảy đến với ngay cả người tốt, nó dẫn đến suy nghĩ rằng chẳng ai an toàn cả, và tất cả chúng ta đều sẽ có cảm giác bị tổn thương. Suy nghĩ rằng những thảm kịch có thể xảy ra với bất kỳ ai trên thế giới này dù có là người tốt hay người xấu, là một thứ khá là kinh khủng và tồi tệ, và chúng ta không ngừng chối bỏ nó cho dù nó là điều diễn ra thường xuyên mỗi ngày.

Lerner cho rằng nguồn gốc của xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân nằm ở niềm tin trong một thế giới, mà mỗi hành động đều đoán trước được những hậu quả theo sau, và con người có thể điều khiển được những gì xảy ra với họ. Nó nằm cả trong những câu tục ngữ mà chúng ta nghe rất thường xuyên như “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, hay “ Gieo gió ắt gặt bão”. Chúng ta muốn tin rằng công lý sẽ đến với những người làm ác, trong khi người tốt, trung thực, tuân thủ luật pháp và đạo đức sẽ được ưu ái. Không đáng ngạc nhiên, nghiên cứu đã tìm ra, với những người tin rằng thế giới là một nơi tốt đẹp thì họ thường hạnh phúc hơn và ít đau buồn. Nhưng niềm hạnh phúc này đều có cái giá của nó, nó có thể làm giảm đi sự thấu cảm của chúng ta với những người gặp bất hạnh, và thậm chí chúng ta có thể làm tăng nỗi đau đớn ấy thêm bằng việc chỉ trích nạn nhân.

Vậy chúng ta lại chỉ có thể tin rằng thế giới này đầy rẫy vô vọng và đau đớn thôi sao? Không. Dù rằng thế giới này không thật sự công bằng, nhưng chúng ta có thể khiến nó tốt đẹp hơn bằng những hành động của chính mình. Một cách để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn chính là đấu tranh với việc lý giải những điều không hay xảy đến với người khác một cách bốc đồng và thiếu suy nghĩ, và nhận ra rằng chúng ta có thể là những người tiếp theo ở trong tình cảnh đó. Sự thừa nhận này có thể làm xáo trộn những gì mà chúng ta tin tưởng trước đó nhưng nó cũng là cách duy nhất khiến chúng ta thật sự mở lòng với những nỗi đau của người khác, giúp họ cảm thấy được sự ủng hộ và bớt cô đơn. Dù thế giới này có thiếu công bằng đi chăng nữa, hãy bù đắp nó bằng lòng trắc ẩn của chính chúng ta.

[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX – Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh  này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]