“Hiểm Nguy” Đến Từ Vùng An Toàn

Khi là một chiến lược dài hạn, sự dễ chịu là một cái bẫy.

Nó thường dẫn đến tính tự phụ, sự nhàm chán và bất mãn.

Ngược lại với những điều bạn biết hay đọc được, ai cũng muốn được phát triển – cái khả năng liên tục cải thiện bản thân để trở nên tốt hơn và khôn ngoan hơn.

Vùng an toàn, theo định nghĩa của Lifehacker, là “một không gian quen thuộc nơi các hoạt động và hành vi vừa khít vào một chu trình, khuôn mẫu để tối thiểu hoá stress và các rủi ro.”

Để phát triển, bạn cần phải trải qua các khó khăn. Nếu cứ mãi ở trong vùng an toàn, bạn đang bỏ lỡ vô vàn cơ hội để kinh ngạc chính mình, tìm thấy những điều vĩ đại và trải qua những giây phút tuyệt vời nhất trong đời người.

Sự quen thuộc sẽ chẳng bao giờ đem cho bạn những điều ấy được. Với một người luôn hướng tới phía trước, vùng an toàn chỉ là nơi để nghỉ ngơi trong chốc lát cho tới khi họ sẵn sàng một lần nữa.

T. Harv Eker nói : “Chưa có ai chết vì cái khó chịu cả, nhưng sống trong cái dễ chịu đã giết đi bao ý tưởng, cơ hội, hành động và sự phát triển hơn bất kỳ điều gì gộp lại. Sự quen thuộc chết người!”

Với vai trò là một thói quen, cái dễ chịu sẽ chỉ đưa bạn đến một nơi cũ kĩ, khi bạn quyết định làm bạn với nó, chỉ là giờ đây, bạn đã già hơn mà thôi.

“Ý tưởng về vùng an toàn đã xuất phát từ một thí nghiệm tâm lý học kinh điển. Vào năm 1908, nhà tâm lý học Robert M. Yerkes và John D. Dodson giải thích rằng trạng thái dễ chịu tương đối khiến chất lượng hoạt động của con người giữ nguyên ở một mức nhất định. Tuy nhiên, để tối ưu hoá khả năng của mình, chúng ta cần bước vào vùng lo âu tương đối, nơi mức căng thẳng sẽ cao hơn bình thường một chút. Đây được gọi là “Vùng lo âu tối ưu”, và nó chỉ ngay cạnh vùng an toàn quen thuộc của chúng ta.” Alan Henry của Lifehacker chia sẻ.

Sự phát triển nằm ở cuối vùng an toàn của bạn.

Sự dễ chịu và quen thuộc sẽ giết chết sự sáng tạo và năng suất. Trí não và cơ thể bạn đều muốn những thói quen dễ dàng. Chúng ta, một cách tự nhiên, hướng về vùng an toàn của mình. Nhưng sự phát triển của bạn phụ thuộc vào những khó khăn. Chúng chính là cách để khám phá thêm bao con đường, ý tưởng, khả năng, kỷ luật để ta cải thiện bản thân mình.

Nếu lơ là, ta dễ dàng hướng về con đường quen thuộc của mình. Vùng an toàn cho bạn một trạng thái an tâm về mặt tinh thần. Giờ bạn đã có hiểu được vì sao thật khó để mình thoát khỏi vùng an toàn.

“Sự can đảm bắt đầu với việc xuất hiện và để người khác thấy bản thân bạn.” Brene Brown, tác giả của “Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead” cho biết.

Brené cho rằng điều kiện kinh tế hay bối cảnh xã hội, chính trị bất ổn có thể khiến vùng an toàn của chúng ta thu nhỏ rất nhiều. Chúng ta càng sợ hãi, vùng an toàn sẽ càng thu lại và lại càng khó để phá vỡ nó.

Phần lớn chúng ta đều tự nhủ với bản thân rằng ta luôn còn có ngày mai để hoàn thành những việc của ngày hôm nay. Chúng ta cứ bám lấy mãi suy nghĩ này và trì hoãn cho tới khi mọi thứ chẳng khác nào là gánh nặng trong cuộc sống mình.

Ở trong vùng an toàn của mình không có gì là sai cả. Đôi lúc bạn cũng nên trở về vùng an toàn của mình để thư giãn cũng như ngẫm nghĩ lại các trải nghiệm của bản thân. Điều quan trọng ở đây chính là hãy mở rộng các giới hạn của mình để ngày càng trở nên tốt hơn.

Nếu bạn không tự mình tìm kiếm những thói quen và thử thách mới để thách thức bản thân mình, bạn sẽ lại trở về sự quen thuộc, chọn những thứ cho bạn sự dễ chịu tức thời, như là lướt mạng khi lẽ ra bạn phải làm việc, xem TV khi đáng ra là lúc cho vận động thể dục, hoặc lẩn tránh những cuộc đối thoại khó nhằn thay vì đối mặt với chúng.

Về mặt sinh học, chúng ta được lập trình để ở trong một vùng an toàn nhất định và tránh khỏi những nguy hiểm không cần thiết từ việc vượt ra khỏi nó. Dù thế, để tiếp tục lớn lên và phát triển bản thân, bạn cần thách thức bản năng sinh học của mình bằng cách vượt qua các thử thách, thứ giúp bạn càng mạnh mẽ hơn.

Tri thức là điểm mấu chốt. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, bạn cần liên tục trau dồi kiến thức và học hỏi những kỹ năng mới. Và điều đó nghĩa là tìm hiểu những thứ mà bạn chưa biết, rèn luyện mình qua việc đọc, nghiên cứu và các hoạt động trí não khác.

Cần rèn luyện để làm quen với những điều không quen.

Mở rộng các giới hạn của mình không phải là điều dễ dàng. Bạn sẽ thấy như mình muốn bỏ cuộc. Nhưng đó là cách duy nhất để trở nên tốt hơn và thông minh hơn.

Đừng hài lòng với lượng thông tin mình đang có chỉ vì bạn thấy chúng đã đủ để giúp mình sống trong thế giới này. Hãy tò mò. Nếu tâm trí bạn muốn được phiêu du, hãy cho nó một địa điểm. Hãy tạo thói quen thỉnh thoảng thử một cái gì đó mới.

Mỗi thứ sáu, bạn có thể đọc thử một cuốn sách mà bình thường sẽ lờ đi, đi một lối khác về nhà, đến một nhà hàng mới, xem một bộ phim hoặc lắng nghe một podcast về điều bạn hứng thú trên đường đi làm. Dần sau đó bạn sẽ làm những điều lớn hơn, như là tham gia một lớp học mới mỗi 6 tháng hay học một kĩ năng mới chẳng hạn.

Sự phát triển thực sự chính là những hành động hằng ngày, có đầu tư và tính kỉ luật. Nó xoay quanh việc theo đuổi những cơ hội mới để bước thêm một bước ra khỏi vùng an toàn và thoải mái của bạn, cho dù điều đấy đồng nghĩa với việc phải đặt chân đến những vùng đất lạ lẫm.

Hãy mường tượng trí não như một cơ bắp, bị căng cứng lại theo thời gian trừ khi nó được sử dụng, rèn luyện.

Hãy dành sự quan tâm, hứng thú của mình cho con người, sự vật, nơi chốn, sự kiện và thậm chí cả những ý tưởng ở xung quanh bạn. Hãy đặt câu hỏi. Quan sát. Học hỏi. Thử nghiệm. Thắc mắc. Cho phép đầu óc bạn trở thành một đứa trẻ một lần nữa.

Hãy bước một bước nhỏ. Bạn không cần phải loại bỏ tất cả thói quen của mình để ra khỏi vùng an toàn.

Thoát khỏi vùng an toàn tức là, tự tin với chính mình ở những lĩnh vực khác.

Sự tiến bộ mà bạn có ở một lĩnh vực có thể giúp bạn tự tin hơn rất nhiều cả trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Đây chính là một lý do tuyệt vời cho việc vượt qua sự an toàn trong thật nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Vùng an toàn sẽ chỉ giữ bạn lại trong một không gian quen thuộc.” Marla Tabaka nói.

Bạn thường biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong vùng an toàn của mình. Miễn là bạn còn ở đó, nỗi sợ những điều chưa biết sẽ giữ bạn lại mãi mãi. Nhưng hầu hết mọi thứ trong đời đều là những thứ bạn chưa được biết đến. Bạn không hề biết điều gì sẽ phá vỡ lịch trình của mình ngày mai. Nhưng bạn biết chính xác mình sẽ phải làm gì – theo kế hoạch.

Vì thế, mẹo ở đây chính là hãy bỏ lại sự mong chờ và chấp nhận kết quả do hành động của chính bạn tạo ra. Chấp nhận rủi ro ở mức vừa phải nếu bạn sợ cuộc sống ngoài vùng an toàn.

Ví dụ như nếu bạn đang ra mắt một sản phẩm mới, hãy sản xuất với số lượng nhỏ. Đừng quá tay và tăng rủi ro mất hết tất cả. Cá cược một thứ mà bạn sẵn sàng chịu mất. Những mất mát này sẽ dạy cho những điều như làm sao để sản xuất sản phẩm tốt hơn hay tiếp thị chúng khác đi. Hãy chờ đón kết quả, dù nó ra sao đi chăng nữa. Ăn mừng những thành công nho nhỏ và tiếp tục những bước tiếp theo. Tiếp tục tạo động lực cho chính bản thân mình.

Quá nhiều người trong chúng ra vẫn đưa ra những lựa chọn an toàn trong từng hành động mỗi ngày.

Nếu cứ làm đúng những gì mình đã luôn làm, bạn cũng sẽ chỉ nhận những gì mình đã luôn nhận được.

Hãy nhớ đến câu nói đó mỗi khi sự thay đổi và rủi ro dường như quá đáng sợ để thử. Không ai nói việc khởi đầu một dự án, bắt đầu và duy trì thói quen mới hay dừng những thói quen mà bạn nghĩ tới chúng 6 tháng nay là dễ cả. Nhưng sự thật là nếu bạn không làm bất kì điều gì đáng kể với chúng, bạn sẽ không thể nào thay đổi bản thân được.

Dù bạn có đang làm bất cứ ngành nghề gì, sẽ có những thứ bạn nghĩ mình sẽ không giờ thay đổi được, nhưng nếu bạn mong chờ cái kết khác biệt và tốt hơn thì đã tới lúc bạn nên làm một điều gì đó mới.

Kết quả của việc bước ra khỏi vùng an toàn của mình sẽ làm thay đổi cái nhìn của bạn về các thử thách hoặc những ý tưởng mới khác mà bạn đang cân nhắc thử nghiệm

“Ở Virgin, tôi có hai cách để đưa đội chúng tôi ra khỏi các thói quen cũ kỹ: phá kỷ lục và các cược. Nắm lấy cơ hội là một cách tuyệt vời để thử thách tôi và cả nhóm, và cũng như để đẩy giới hạn của chúng tôi ra xa hơn trong lúc cười đùa với nhau. Một trong những lợi ích lớn nhất của chấp nhận thách thức trong công việc đó chính là bạn và các đồng đội sẽ học cách đối mặt với các rủi ro cùng nhau.” Richard Branson chia sẻ.

Củng cố những khó khăn có lợi

Bạn càng quen với việc khám phá những khả năng mới, bạn càng ý thức được những gì nằm trong khả năng của mình. Bạn sẽ không bao giờ biết được cho đến khi bạn thử sức mình.

Trong cuốn “Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us”, Daniel H. Pink cho rằng điều mà chúng ta luôn muốn tìm kiếm chính là một nơi cho ta những khó khăn hữu ích.

Ông viết:” Nếu bạn quá thoải mái, bạn không thể làm việc tốt. Nhưng nếu bạn gặp quá nhiều khó khăn, bạn cũng không thể làm việc tốt. Giống như quy luật Goldilocks, cái gì nhiều quá cũng không tốt.”

Hãy ra khỏi vùng an toàn của mình, sự thành công và phát triển của bạn phụ thuộc vào nó. Nếu bạn có được kết quả tốt, chắc chắn bạn sẽ muốn làm sao để thoát ra khỏi nó thường xuyên hơn.

Hãy nhớ rằng, để làm quen với cuộc sống ngoài vùng an toàn cần có thời gian, sức lực, chiến lược và lòng quyết tâm. Với một kế hoạch vững vàng và sự dũng cảm để bước lên phía trước, kết quả mà bạn có được sẽ hơn cả mong đợi.

Nếu mọi chuyện không được tốt, thì bạn cũng sẽ học được một bài học hữu ích. Dù sao đi nữa, thử sức với một thứ có chút đáng sợ không bao giờ là một ý tồi cả, đó chính là biết nắm lấy cơ hội và để thành quả của bạn khiến bạn ngạc nhiên.

Đừng ngần ngại trước những khó khăn và sự lạ lẫm. Thay vào đó, hãy để chúng dẫn bạn đến con đường của thành công.